Này, ta đứng
ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy,
ăn bữa tối với người, và người với Ta. (Khải Huyền 3:20)
"Ta" là Đấng A-men, Nhân chứng thành tín và chân thật,
Nguồn gốc sáng tạo của Đức Chúa Trời, (Khải Huyền 3:14) là Chúa Giê-xu.
"Ai", "người ấy" là tín hữu hội thánh Lao-đi-xê, những người
đã tin Chúa, đã được cứu rỗi nhưng đời sống thuộc linh hâm hẩm. Họ là tín hữu
không biết phần thuộc linh của mình đang khốn
khổ, đáng thương, nghèo nàn, mù quáng và trần truồng. Họ là người được Chúa
yêu mến, khiển trách, sửa trị. (Khải Huyền
3:16-17; 19) Họ là người có tai thuộc linh để nghe lời của Chúa.
"Ta đứng ngoài cửa"
là hình ảnh ngăn cách. Mặc dù tin Chúa, tôn thờ Ngài nhưng người tin Chúa lại để
Ngài đứng bên ngoài cuộc đời của mình. Họ không hề tương giao và không muốn tương
giao với Ngài. Đây là những đời sống xa cách Chúa, không để Chúa hướng dẫn cuộc
đời mình.
"Ta đứng ngoài cửa mà
gõ". Mặc dù Chúa đứng bên ngoài cuộc đời nhưng Ngài không từ bỏ. Mặc dù
người tin Chúa thờ ơ với Ngài, Chúa vẫn yêu thương, Ngài chủ động
"gõ", Ngài đụng chạm đến cánh cửa "tấm lòng", kiên nhẫn nhắc
nhở họ và tiếp tục chờ đợi. Nếu Chúa từ bỏ, không lên tiếng nữa thì tình trạng
người đó sẽ như thế nào?
"Nếu ai nghe tiếng
ta". Đây là giả định liên quan đến người tin. Chúa đã làm tất cả phần việc
của Ngài, bây giờ là phần việc của người tin. "Nếu" là cơ hội cho người
cần ăn năn. Nếu nhận biết tiếng Chúa, tức là còn "nghe" được tiếng
Chúa gõ cửa, còn nhạy bén với lời nhắc nhở của Chúa.
Nhiều người tin Chúa nhưng
không nghe được tiếng Chúa vì lòng họ đã chai lì, vì tai họ đã nặng chớ không
phải vì thiếu tiếng gõ cửa. Hoặc vì họ chỉ quan tâm đến những tiếng khen chê của
con người mà bỏ qua tiếng gọi của Chúa. Chúa kêu gọi: Ai có tai, hãy lắng nghe lời Thánh Linh kêu gọi các Hội thánh! (Khải Huyền
3:22 - BHĐ)
"Mở cửa cho". Người
nghe tiếng Chúa mà "mở cửa" là người thừa nhận thực trạng của mình, nắm
lấy cơ hội và đáp ứng tiếng của Chúa. Tấm lòng là thành lũy khó chinh phục nhất.
Người nghe tiếng Chúa và mở cửa là người ăn năn về cách sống sai lầm, không muốn
tiếp tục để Chúa ở bên ngoài đời sống của mình nữa.
"Ta sẽ vào cùng người ấy".
Trước hết, đời sống không bị "nhả" ra khỏi miệng của Chúa. Tiếp theo
là lời hứa tương giao được tái lập. Đời sống có Chúa thì tâm linh không còn hâm
hẩm, không còn nghèo nàn nữa.
"Ăn bữa tối với người, và
người với ta". Ăn uống với nhau là dấu hiệu của tình bạn. Ăn một mình
không người chuyện trò, thật cô đơn, buồn tẻ. Bữa ăn có bạn có ta chuyện trò
vui vẻ. "Bữa tối với người và người với ta" không phải là bữa tiệc cứu
rỗi mà là bữa ăn tăng trưởng thuộc linh.
Sau bữa ăn thuộc linh là đời sống
đắc thắng giống như Chúa để được đồng ngồi với Chúa trên ngai của Ngài. (Khải
Huyền 3:21)
Chúa hứa với người tin Ngài: Hãy gõ cửa, cửa sẽ mở cho anh em. (Ma-thi-ơ
7:7c) Còn ngày nay, Ngài đang gõ cửa tấm lòng của chúng ta. Chúng ta sẽ làm
gì?
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét