Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

NGÀY 31 THÁNG 3. LUÔN LUÔN KẾT NỐI VỚI CHÚA

1. Chúa Giê-xu phán: Ta là gốc nho. Khi đến trần gian, Chúa Giê-xu là Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta (Giăng 1:14). Khi nhận là gốc nho, Chúa bày tỏ sự khiêm nhu trong mối tương giao với con người, Ngài hạ mình thật thấp, thấp tận mặt đất trong hình ảnh gốc nho. Ngài là gốc nho thật được trồng trong vườn nho của Đức Chúa Trời ở giữa trần gian này.

2. Chúa Giê-xu phán: Các ngươi là nhánh. Chúa xác định người tin Ngài (các ngươi) là một phần của cây nho. Đây là vinh dự cho chúng ta khi tin nhận Ngài.

Là nhánh nho, chúng ta tự hào nhưng không kiêu ngạo, vì không phải chúng ta chịu đựng gốc nho nhưng gốc nho chịu đựng chúng ta. (Rô-ma 11:18)

3. Nhánh nho phải sinh ra lắm trái là hình ảnh của đời sống có kết quả của người Cơ Đốc. Muốn đời sống Cơ Đốc nhân kết quả, chúng ta cần:

- Nhận biết ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.
·   Nhận biết sự giới hạn của mình. Nhánh nho tách rời khỏi gốc nho không thể tự ra trái thể nào thì người Cơ Đốc cũng không thể tự kết quả được.
·   Nhận biết vai trò của Chúa. Chúa phán: Ngoài ta nghĩa là ngoài Chúa ra, chẳng có ai, chẳng có thần nào, chẳng có cách thức nào để chúng ta sống kết quả cho Ngài.

Khi nhận biết mình là ai, nhận biết Chúa là ai, chúng ta sẽ sống lệ thuộc vào Ngài.
- Kết nối với Chúa. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ.
   Nhánh nho kết nối với nhau nhưng quan trọng nhất là phải kết nối với gốc nho. Lắm khi chúng ta kết nối với nhau nhưng không kết nối với Chúa.
     Kết nối với Chúa tương tự như nhánh nho liền với gốc nho rồi nhựa sống từ gốc nho chuyển đến nhánh nho. Chúng ta ở trong Chúa, kết hiệp với Ngài như nhánh nho kết hiệp với gốc nho. Chúng ta có tin rằng khi ở trong Chúa thì sự sống của Ngài tuôn tràn trong chúng ta không?

Phải liên tục bền bỉ kết nối với gốc. Ngoại trừ bị cắt bỏ vì khô đi, nhánh nho chẳng bao giờ tách rời khỏi cây nho và gốc nho. Thế nhưng có những đời sống Cơ Đốc khi thì kết nối với Chúa khi thì tách rời khỏi Ngài. Đó là lý do vì sao đời sống Cơ Đốc không kết quả. Khi chúng ta cứ ở trong Chúa thì sự sống và năng lực của Ngài tuôn tràn trong chúng ta, và đời sống chúng ta có kết quả là việc tất nhiên. 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

NGÀY 30 THÁNG 3. HÃY CẢM TẠ

Có ba lời mời gọi:

1. Hãy vào đền thờ của Chúa
Nhiều lần, đến nhà thờ rồi, nhưng chúng ta không vào bên trong mà chỉ đứng bên ngoài, hoặc chỉ lượn qua lượn lại, lòng vòng để chứng tỏ mình có đến nhà thờ. Còn đối với nhiều người khác thì thân xác ở trong nhà thờ nhưng tâm hồn thì vơ vẩn đâu đó với chuyện làm ăn, chuyện giải trí ở ngoài nhà thờ. Cho nên trong khi thờ phượng Chúa, thân xác một nơi, tâm hồn một nẻo. Còn một số người ngồi trong nhà thờ nhưng không thờ phượng Đức Chúa Trời mà trò chuyện với nhau. Người thờ phượng Chúa cần biết rằng không phải chỉ đến nhà thờ bằng gạch bằng gỗ để thưởng thức bài giảng hoặc những bản hợp ca, đơn ca... nhưng đến nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời. Toàn bộ thân hồn linh cần bước vào cổng nhà thờ, đi qua sân nhà thờ rồi tiến vào trong nhà thờ ra mắt Đấng Tối Cao.

2. Hãy cảm tạ Chúa
Có người đi thờ phượng Chúa nhưng chưa đến nhà thờ mà đã muốn đi về, chương trình thờ phượng chưa bắt đầu mà đã muốn đi ra. Vì sao? Vì mệt mỏi, chán nản, vì thấy nhàm chán. Để xua tan nặng nề, mệt nhọc, lo ra, chúng ta hãy đến nhà thờ với tinh thần cảm tạ Chúa. Hãy cảm tạ Chúa khi bắt đầu đi đến nhà thờ; cảm tạ Chúa khi chưa vào khuôn viên nhà thờ; cảm tạ Chúa khi còn ở ngoài cổng nhà thờ; rồi tiếp tục cảm tạ Chúa khi vào bên trong đền thờ. Vì sao cảm tạ Chúa? Cảm tạ Chúa vì Ngài là Đức Chúa Trời; cảm tạ Chúa vì Ngài là thiện; vì những điều Ngài đã thực hiện...

3. Hãy chúc tụng danh Chúa
Tại nơi làm biểu tượng về sự hiện diện của Chúa, sự thờ phượng không dừng lại ở lời cảm tạ Chúa mà còn phải tôn vinh danh Chúa, dâng lời chúc tụng danh Ngài. Cần biết bao nhiêu ngôn từ mới đủ để tôn vinh, chúc tụng danh của Chúa? Chúng ta không có đủ lời, đủ tiếng để chúc tụng danh Chúa. Thế nhưng chỉ cần thốt lên lời đơn sơ chân thành là có thể chúc tụng Chúa rồi. Điều quan trọng không phải là chúng ta có bao nhiêu ngôn từ mà cần một tấm lòng biết cảm tạ, chúc tụng danh của Chúa.

Nếu không bắt đầu đi vào nhà thờ, nếu không bắt đầu mở miệng từ bên ngoài nhà thờ, làm sao ta có thể đến gần Đức Chúa Trời với sự cảm tạ và chúc tụng?
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

NGÀY 29 THÁNG 3. ĐẤNG ĐƯỢC XỨC DẦU BAN CHO

Ê-sai 61 là Bài ca của Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời. Câu 1 và 2:

Thần của Chúa Gia-vê ngự trên ta,
Vì Đức Gia-vê đã xức dầu cho ta
Để giảng tin lành cho người nghèo.
Ngài sai ta đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ;
Để công bố tự do cho kẻ bị bắt giữ,
Và cho những người cầm tù được ra khỏi ngục;
Để công bố năm thi ân của Đức Gia-vê,
Và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta;
Để yên ủi mọi kẻ khóc than.

Công tác của Đấng được Thần của Chúa Gia-vê ngự trên, xức dầu sai đến là:
- Rao giảng: giảng tin lành, công bố, yên ủi (câu 1 và 2).
- Chữa lành: rịt lành những tấm lòng tan vỡ (câu 1).
- Giải thoát: công bố tự do, người cầm tù được ra khỏi ngục (câu 1).

Qua công việc của Đấng được xức dầu, chúng ta biết tình trạng của con người trước khi gặp Đấng được xức dầu:
- Đang nghèo khổ, đang bị bắt giữ (câu 1 và 2).
- Bên ngoài là khóc than với tro bụi và tang chế (câu 3).
- Bên trong là tâm linh sầu khổ (câu 3).

Trong câu 3, từ ngữ ban (ban cho) hàm ý sự cứu rỗi là món quà vô điều kiện đồng thời cũng cho thấy Đấng được xức dầu chẳng những là Đấng rao giảng, Đấng chữa lành, Đấng giải thoát, Ngài còn là Đấng ban cho.

- Ban mão hoa. Thay vì phải đội tro và ngồi trong tro thì con người được ban cho mão hoa. Cuộc sống tang tóc được biến đổi khi nhận được mão hoa, người đội mão hoa không còn ngồi ở chỗ thấp với tro bụi nữa nhưng ngồi ở nơi cao với mão hoa. Vị trí đã được thay đổi.

- Ban dầu vui mừng. Thay vì phải sống với buồn rầu thì con người nay được ban cho dầu vui mừng. Khi đề cập đến lễ cưới của nhà Vua, Thi Thiên 45:7 có đề cập đến dầu vui vẻ tức là niềm vui:
Chúa ưa sự công bình, và ghét điều gian ác;
Cho nên, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Chúa,
đã xức dầu cho Chúa.
Bằng dầu vui vẻ trổi hơn đồng loại Chúa.

Niềm vui được ban cho là sự vui mừng trong mối tương giao mới giữa con người là cô dâu đội mão hoa, xức dầu vui mừng với chàng rể là Vua, là Chúa.

- Ban áo ngợi ca. Con người với tâm linh sầu khổ bây giờ được biến đổi hoàn toàn, trở thành người nhận được áo ngợi ca. Đây là trang phục mặc trong ngày tạ ơn Chúa. Chiếc áo tang chế của tâm linh sầu khổ, khóc than được thay thế bằng chiếc áo ngợi ca của tấm lòng vui mừng với môi miệng ca ngợi Chúa.
Đấng ban cho đem đến sự thay đổi toàn diện từ bên trong con người bộc lộ ra bên ngoài.

- Được xưng là cây của sự công bình
Chẳng những Đấng được xức dầu là Đấng ban cho, Ngài còn là Đấng trồng cây. Về một phương diện chúng ta được ban cho sự thay đổi để trở nên một người mới, thuộc về Chúa, được hưởng niềm vui, về một phương diện khác chúng ta trở nên người phục vụ có kết quả trong nhà của Đức Chúa Trời.

Đấng được xức dầu trồng chúng ta là những người thuộc về Ngài. Mỗi người chúng ta như một cây xanh được trồng trong vườn của Ngài. Đây cũng là sự ban cho vì tự chúng ta không làm gì được.

Đấng được xức dầu xem người thuộc về Ngài là cây công chính. Sự công chính là kết quả đầu tiên của những người được trồng trong vườn Đức Chúa Trời. Đây là sự công chính kèm theo là sự sống đời đời cũng là sự ban cho từ Đấng được xức dầu.

Đấng được xức dầu trồng vườn cây (chúng ta) để bày tỏ vinh hiển của Ngài. Ngài chiếu sáng vinh hiển của Ngài trên chúng ta, đồng thời chúng ta phản chiếu vinh hiển của Ngài.

*
*    *

Khi bắt đầu thi hành chức vụ, tại nhà hội Na-xa-rét, Chúa Giê-xu đã đọc những lời mở đầu của Ê-sai 61:
“Linh Chúa ngự trên ta,
vì Ngài xức dầu cho ta
để truyền giảng tin lành
cho những người nghèo khổ.
Ngài đã sai phái ta
báo cho người bị tù
tin họ được phóng thích,
báo cho người bị mù
tin họ được sáng mắt,
dắt người bị áp bức
vào vùng đất tự do,
và để lo loan báo
năm hồng ân của Chúa.”

Sau đó Chúa phán: “Hôm nay, lời Kinh Thánh anh em vừa nghe đã được ứng nghiệm.” (Lu-ca 4:18-19, 21) Kể từ ngày đó cho đến nay, qua Chúa Giê-xu, lời tiên tri trong câu 3 đã được ứng nghiệm.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)