Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

NGÀY 31 THÁNG 10. "TA ĐỨNG NGOÀI CỬA..."(4)


3. ‘Đứng ngoài cửa’

Ta đứng ngoài cửa là hình ảnh Chúa một bên, ‘ngươi’ một bên, hình ảnh nói lên sự ngăn cách không thể tương giao. Ta đứng ngoài cửa, giữa ta với con đang bị ngăn cách không thể tương giao thế mà con nghĩ con đang tương giao với Ta, con đang cầu nguyện với Ta, con đang ca hát tôn vinh Ta. Con đang cố tỏ ra là con đang sống trong tương giao – giống như người giả đò nói điện thoại, giống như người Pha-ri-si xưa kia; họ cố gắng chứng tỏ họ đang sống, nhưng Chúa Giê-xu nhận định rằng họ như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp. (Ma-thi-ơ 23:27)

Ta đứng ngoài cửa là hình ảnh Chúa đứng bên ngoài cuộc đời, bên ngoài mọi lãnh vực, mọi sinh hoạt của một cộng đoàn, của một con người. Lắm khi chúng ta chia cuộc sống và sinh hoạt của chúng ta ra nhiều căn phòng. Rồi chúng ta không cho Chúa vào phòng nào cả. Chúa ở bên ngoài việc học hành, việc làm ăn của chúng ta, Chúa ở bên ngoài lãnh vực tình cảm, bạn bè của chúng ta. Chúa ở bên ngoài việc trang điểm, ăn mặc của chúng ta. Chúa không dính dáng gì đến chuyện giải trí, văn nghệ, thể thao của chúng ta. Thậm chí có người còn nói: “Xin Chúa ra khỏi con 5 phút” để giải quyết chuyện oán thù.

Chúng ta không nên sống như vậy. Khi ngăn cách, nếu đã ở bên ngoài thì không có chuyện chân trong chân ngoài, hoặc lúc thì ở trong lúc thì ở ngoài.

Một người khi đã ngăn cách khỏi Chúa thì đánh mất sự tương giao với Chúa. Khi để Chúa ở bên ngoài cuộc đời của mình thì chúng ta sẽ tự xoay xở lấy, tự giải quyết những vấn đề của mình, sẽ sống theo kiểu “ta... không cần chi nữa”.  Đây là thái độ ngăn trở khiến Chúa phải ‘đứng ngoài’ đời sống của chúng ta.

(Còn tiếp)
XuânThu 


Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

NGÀY 30 THÁNG 10 "TA ĐỨNG NGOÀI CỬA..."(3)


Ngươi là kẻ để Chúa đứng ngoài

Khi một người, một cộng đoàn hâm hẩm, lại tự mãn, tự lừa dối mình vì cho là mình khá rồi, giàu có rồi, tốt rồi, thì người đó, cộng đoàn đó đang để Chúa đứng bên ngoài đời sống, sinh hoạt của họ. Một cộng đoàn Cơ Đốc, một cá nhân tín hữu có thể đẩy Chúa ra khỏi sinh hoạt của họ khi cộng đoàn đó, khi cá nhân đó tưởng rằng mình đã đầy đủ rồi, không cần gì nữa. (Để Chúa đứng ngoài không có nghĩa là không đi nhà thờ, không đọc Kinh Thánh. Dù có đọc Kinh Thánh, đi nhà thờ nhưng vẫn không cho Chúa can dự vào cuộc sống của mình.)

Ngươi là kẻ không nhận biết thực trạng của mình

Chúng ta tự đánh giá bản thân, người khác khen ngợi chúng ta, ma quỉ lừa dối chúng ta khiến chúng ta dám nói: “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa.” Nhưng khi Chúa đánh giá chúng ta thì Ngài nói: “Ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và loã lồ.” (Câu 17)

Phân đoạn Kinh Thánh này không có một lời khen ngợi nào đối với ‘ngươi’. ‘Ngươi’ bị lên án, bị quở trách. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể làm một Cơ Đốc nhân theo kiểu trung bình chủ nghĩa. Nhiều người chủ trương không nên hăng say quá cũng đừng nguội lạnh quá, vì hăng say quá thì phải hy sinh, phải trả giá nhiều, còn nguội lạnh quá thì không chứng tỏ được mình. Cơ Đốc nhân chủ trương lưng chừng là biểu hiện của một đời sống hâm hẩm, tự mãn, tự lừa dối mình và là nguyên nhân cũng như hậu quả là đã đẩy Chúa ra ngoài cuộc đời của mình.

(Còn tiếp)
XuânThu





Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

NGÀY 29 THÁNG 10. "TA ĐỨNG NGOÀI CỬA..."(2)


2. ‘Ngươi’ trong phân đoạn Kinh Thánh này chỉ về một cộng đồng Cơ Đốc, một Hội thánh, một ban ngành, cũng chỉ về từng cá nhân người tin Chúa.

Ngươi là kẻ hâm hẩm. (Câu 15,16)

-Không nóng, không lạnh.
-Không yêu thương cũng không ghét bỏ.
-Không tán thành cũng không phản đối.
-Không mạnh mẽ cũng chẳng yếu đuối.
-Không sốt sắng cũng không sa ngã.
-Không sáng cũng không tối.

Theo lối nói của chúng ta là người hữu danh vô thực, lãnh đạm đối với mọi vấn đề. Đây là loại người không tích cực cũng không tiêu cực, yêu không ra yêu, ghét không ra ghét, dở dở ương ương, bỏ thì thương mà vương thì tội.

Chim hay chuột? -Dơi!
Lúa hay lùng?

Ngươi là kẻ tự mãn và lừa dối. (Câu 17)

Dù ‘hâm hẩm’ nhưng ngươi lại tỏ ra rất tự mãn. “Ngươi nói: ‘Ta giàu. Ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa.’” Làm sao một người hâm hẩm có thể nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa? Có thể vì họ giàu có về vật chất (nhờ buôn bán nữ trang, tơ lụa và thuốc men) rồi sinh ra tự mãn. Cũng có thể khi giàu có về vật chất họ cho là nhờ Chúa ban phước ưu đãi nên mới được như vậy rồi sinh ra tự mãn.

Một người hâm hẩm có thể tin rằng mình hăng say đến thế này khi căn cứ vào số năm tin Chúa, căn cứ vào quá khứ nhiệt thành sốt sắng, căn cứ vào việc làm như đi nhà thờ, học Kinh Thánh, làm chứng, hoạt động từ thiện... Một người hâm hẩm có thể tự mãn khi căn cứ vào vốn hiểu biết Kinh Thánh của mình.

Chúng ta tự lừa dối bản thân khi căn cứ vào con dòng cháu giống, vào chức vụ của cha mẹ trong giáo hội... Con người lừa dối chúng ta khi khen ngợi chúng ta. Ma quỷ cũng có thể lừa dối chúng ta qua môi miệng con người...

Khi chúng ta đánh giá bản thân theo tiêu chuẩn riêng của chúng ta, theo những điều chúng ta có, theo nhãn quan và lời nói của con người mà không căn cứ vào tiêu chuẩn của Chúa thì chúng ta sẽ trở thành kẻ tự mãn, tự lừa dối mình.

(Còn tiếp)
Xuân Thu

NGÀY 28 THÁNG 10. "TA ĐỨNG NGOÀI CỬA..."(1)


14 Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Lao-đi-xê rằng: Này là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật, Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời: 15 Ta biết công việc của ngươi, ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! 16 Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta. 17 Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và loã lồ. 18 Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được. 19 Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi. 20 Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.
21 Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha trên ngôi Ngài. 22 Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh!
                                                (Khải thị 3:14-22)

Ai phán với ai?

Trong phân đoạn Kinh Thánh này hai đại danh từ ‘Ta’ và ‘ngươi’ được sử dụng nhiều lần. ‘Ta’ là ai và ‘ngươi’ là ai?

1. ‘Ta’ là Chúa Cứu Thế, là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời. Ngài là:

-Đấng A-men, tức là Đức Chúa Trời của chân lý.

-Đấng làm chứng thành tín, chân thật.

-Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời.

-Đấng biết mọi sự. (Ta biết. Câu 15).

-Đấng khuyên bảo. (Ta khuyên ngươi. Câu 18)

-Đấng yêu thương. (Phàm những kẻ ta yêu. Câu 19).

-Đấng quở trách sửa phạt. (Ta quở trách).

-Đấng có vàng thử lửa, có áo trắng, có thuốc xức mắt (Câu 18).

-Đấng gõ cửa – chờ đợi – thông công (ăn tối) với chúng ta.

-Đấng có thể cho chúng ta ngồi với Ngài trên ngôi.

Qua những danh xưng của Chúa, chúng ta biết Ngài là ai, đồng thời biết mối liên hệ của Ngài với chúng ta. Thật đáng kinh ngạc khi Đấng cao cả vĩ đại, Đấng có từ ban đầu, Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật, Đấng có những phẩm chất toàn vẹn lại quan tâm đến con người như chúng ta. Ngài phán với cộng đoàn Cơ Đốc, với Hội thánh của bạn, với ban ngành của bạn và phán với từng cá nhân chúng ta.

(Còn tiếp)

XuânThu 

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

NGÀY 27 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(6)


(5)Chúa biết tín hữu tại Sạt-đe đang thất bại. Khi Chúa hứa: “Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xoá tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài.” Ngài vừa khích lệ cũng vừa cảnh báo những người đang thất bại. Họ có nguy cơ bị xoá tên khỏi sách sự sống và không được thừa nhận trước mặt Cha và các thiên sứ ở thiên đàng.

(6)Chúa biết Hội thánh Sạt-đe đang nghe theo ai. Khi Chúa khuyên: Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh! (Câu 6) cũng có nghĩa lâu nay Hội thánh Sạt-đe đang hướng lỗ tai họ đến những đối tượng khác. Họ nghe lẫn nhau, nghe người khác, nghe thế gian, nghe những tiên tri giả, giáo sư giả. Họ không chịu nghe lời của Đức Thánh Linh.

(7)Hội thánh Sạt-đe sống với danh tiếng do con người ban tặng nhưng lại đang chết trong danh phận làm con của Chúa qua sự đánh giá của Đức Chúa Trời. Chúa khuyên họ hãy tỉnh thức, hãy nhớ lại hãy ăn năn. Chúa hứa rằng danh của họ chẳng những còn mãi mãi (Ta sẽ không xoá tên người khỏi sách sự sống) mà còn được công nhận trước mặt Đức Chúa Trời và các thiên sứ trong cõi đời đời (Câu 5) với điều kiện họ thắng. Thắng trong công việc, thắng trong nếp sống, thắng tiếng khen…

Suy ngẫm

1. Bạn nổi danh trong những lãnh vực nào? Nhờ tài năng nào?
  • Danh tiếng của bạn đặt trên nền tảng nào?
  • Bạn muốn người khác nghĩ bạn là mẫu người như thế nào?
  • Bạn có tiếng là sống nhưng sống ‘ảo’ trong lãnh vực nào?

2. Bạn hãy thành thật hỏi Chúa: “Con là ai?”
  • Hãy xin Chúa Thánh Linh cho bạn biết thật sự bạn là người như thế nào?

3. Bạn cần ăn năn về việc gì?
  • Bạn cần Chúa thêm sức để thực hiện việc gì?


XuânThu



Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

NGÀY 26 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(5)


(3)Chúa biết Hội thánh Sạt-đe đang mê ngủ. Lời Chúa khuyên: “Hãy tỉnh thức” cho chúng ta biết Hội thánh đang mê ngủ, ngủ trong danh tiếng, ngủ trong công việc bề ngoài, ngủ trong tội lỗi. Họ đã mất cảnh giác vì quá tự tin nơi bản thân lẫn nơi lời nhận định của con người.

Khi Chúa phán: "Nếu ngươi không tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm" tức là Ngài hàm ý về sự cứng cỏi của Hội thánh Sạt-đe đồng thời cũng cho thấy họ không quan tâm đến ngày trở lại của Chúa.

(4)Chúa biết đời sống ô uế của tín hữu ở Sạt-đe. Trong lời Chúa khen: “Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy” cũng có lời cảnh báo về thực trạng đời sống của tín hữu tại Hội thánh Sạt-đe. Chúa khen có mấy người chưa làm ô uế áo xống đồng thời cũng ám chỉ đa số tín hữu ở Sạt-đe đã sống ô uế, bất khiết với thế gian. Họ được nhìn nhận là sống khi đến với cộng đồng Cơ Đốc. Nhưng khi sống trong thế gian họ bị thế gian làm cho ô uế. Chúa nói họ không xứng đáng mặc áo trắng, tức là không xứng đáng để vui mừng, không xứng đáng để gọi là đắc thắng, không xứng đáng để gọi là trong sạch mà đi cùng Chúa. Sự tương giao giữa họ với Chúa chỉ là giả tạo và bề ngoài mà thôi.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

NGÀY 25 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(4)


Khi Chúa nói Chúa biết.

Tín hữu ở Sạt-đe tự đánh giá Hội thánh của họ như thế nào. Người xung quanh, cộng đồng Cơ Đốc đánh giá Hội thánh Sạt-đe ra sao, điều đó không quan trọng. Vì con người chỉ nhìn bề ngoài, còn Đức Gia-vê nhìn thấy trong lòng. Vì lời khen của người khác chưa chắc đã nói đúng thực chất bên trong. Cần lắng nghe xem Chúa nói gì. Đức Thánh Linh nói: “Ta biết”. Con người chỉ thấy bên ngoài nên không thể biết chính xác, còn Chúa thì biết tận chân tơ kẽ tóc.

(1)Chúa biết công việc của Hội thánh Sạt-đe. Điểm đặc biệt là những công việc của Hội thánh Sạt-đe không giống như những công việc của Hội thánh Thi-a-ti-rơ. “Ta biết công việc ngươi, lòng thương yêu ngươi, đức tin ngươi, sự hầu việc trung tín ngươi, lòng nhịn nhục ngươi, và công việc sau rốt ngươi còn nhiều hơn công việc ban đầu.” (Khải Thị 2:19) Còn Đức Thánh Linh đánh giá công việc của Hội thánh Sạt-đe như thế này: “Ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta.”

Chúa biết động lực đằng sau công việc của Hội thánh Sạt-đe. Tín hữu hoạt động chỉ vì danh tiếng của họ. Chúa chỉ là phương tiện để họ đạt được tham vọng qua một số công việc. Thoạt tiên có thể lắm họ không cố ý đi tìm danh vọng hão huyền. Nhưng nhờ làm công việc của Hội thánh họ được nhiều người biết đến qua những thành quả ban đầu. Rồi những lời khen ngợi trong cộng đồng Cơ Đốc kích thích lòng kiêu hãnh nơi họ. Những so sánh giữa Hội thánh này với Hội thánh kia khơi dậy tinh thần kiêu ngạo. Dần dà theo năm tháng công việc có thể thăng tiến đạt thành quả mỹ mãn nhưng thuộc linh thì xuống dốc. Bề ngoài là sống động, nổi danh nhưng bên trong thì sa sút, mê ngủ.

Tiên tri Sa-mu-ên nói với vua Sau-lơ rằng: “Lúc ngươi còn nhỏ tại mắt ngươi, ngươi há trở nên đầu trưởng của các chi phái I-sơ-ra-ên sao? Và Đức Giê-hô-va há chẳng xức dầu cho ngươi làm vua của dân I-sơ-ra-ên ư?” (Trong khi vua tự thấy mình thấp hèn, Chúa lập vua đứng đầu các chi tộc trong I-sơ-ra-ên, Ngài xức dầu cho vua cai trị dân I-sơ-ra-ên) (1Sa-mu-ên 15:17) Nhưng nổi danh rồi, có quyền rồi vua không vâng theo lời Chúa nữa, cho nên Ngài từ bỏ vua.

(2)Chúa biết thực trạng thật của Hội thánh Sạt-đe. Chúa nói với Hội Thánh: “Ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết” (câu 1b). Chúa đã đưa Hội thánh nổi tiếng trở về đúng với thực trạng của Hội thánh. Họ thuộc loại có tiếng mà không có miếng. Hữu danh vô thực. Họ lấy danh tiếng con người làm danh phận trong Nước Trời. Họ quên rằng danh phận không không đến từ lời khen ngợi và sự thán phục của con người nhưng đến từ Đức Chúa Trời là Đấng đã vì tội lỗi của loài người mà hy sinh để ban cho con người danh phận làm con của Ngài.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

NGÀY 24 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(3)


Vì đâu ra nông nỗi này?
Khi tin ở mình và tin ở con người.

Hội thánh Sạt-đe không gặp sự khó khăn từ bên ngoài, dường như không phải chịu khổ, không bị thử thách, không bị hoạn nạn như Hội thánh Si-miệc-nơ và Hội thánh Phi-la-đen-phi. Có thể chúng ta tự hỏi vì sao Hội thánh Sạt-đe không bị bức hại? Phải chăng họ chưa đủ sức để chịu khổ? Cũng có thể chưa đến thời điểm họ phải chịu khổ, mà cũng có thể Hội thánh của họ chẳng cần phải chịu bức hại. Tuy nhiên chúng ta cần ghi nhận là trong trường hợp của họ Chúa không xét đến vấn đề này.

Tín hữu ở Sạt-đe cũng không thờ hình tượng, cũng không dâm loạn như tín hữu ở Bẹt-găm và ở Thi-a-ti-rơ, là những tội lỗi biểu hiện rất rõ ràng trong Hội thánh mà không ai có thể chối cãi được. Dầu vậy thật là lạ vì Chúa không đánh giá Hội thánh Sạt-đe là Hội thánh thánh khiết.

Tín hữu ở Sạt-đe cũng không hâm hẩm như tín hữu Lao-đi-xê. Nhưng Chúa không kết luận rằng Hội thánh Sạt-đe là Hội thánh sốt sắng. Hội thánh Sạt-đe được giới thiệu là một Hội thánh có tiếng tăm, nổi danh về những thành tựu của mình. Hội thánh này nổi danh nhờ đâu?

(1)Tín hữu ở Sạt-đe là những người tham gia nhiều công tác. Ta biết công việc ngươi. Đây là một Hội thánh có nhiều hoạt động, có nhiều công tác, tất nhiên là những hoạt động, những công tác có thể nhìn thấy được. Chính những công việc đó đã tạo nên danh tiếng cho Hội thánh Sạt-đe.

(2)Tín hữu ở Sạt-đe là có tiếng là sống. Đây là một Hội thánh gây được tiếng vang trong cộng đồng Cơ Đốc, được cộng đồng Cơ Đốc đánh giá rất cao. Nói cách khác đây là Hội thánh nổi tiếng của những tín hữu nổi tiếng. HT (Hội thánh) nổi tiếng mà TH (tín hữu) cũng nổi tiếng.

Giả sử có người nghe đồn về tiếng tăm của Hội thánh Sạt-đe nên lặn lội từ xa đến tận nơi thăm viếng. Rồi người đó nhận định: “Tôi đã nghe về Hội thánh Sạt-đe từ lâu, hôm nay đến đây mắt thấy tai nghe thì đúng là danh bất hư truyền.” Khi người đó nhận định như vậy, ai nghe câu nói của người đó?

(3)Điểm quan trọng tiếp theo là tín hữu ở Sạt-đe tin rằng những điểm người ta đánh giá họ là đúng tức là họ cũng tin rằng hoạt động của họ có kết quả tốt. Chính vì tin nơi thành quả của công việc, tin lời khen ngợi của con người mà Hội thánh Sạt-đe như sống trên chín tầng mây, đang mê muội với danh tiếng hão huyền. Họ giống y như người anh em Lao-đi-xê, chẳng những không biết mình đang trong tình trạng “khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và loã lồ” mà lại ảo tưởng cho rằng: “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa.” 

Tin vào những gì mình làm được và đạt được, tin vào sự đánh giá của người khác khiến cho con người tưởng rằng mình thật là như vậy. Chính vì thế Hội thánh Sạt-đe cần được đánh thức để thoát khỏi cơn mê và tỉnh táo trở lại.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

NGÀY 23 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(2)


Nhận diện bản thân qua Hội thánh Sạt-đe.

Sạt-đe là một thành phố nổi tiếng: (1)Về vị trí, thành phố Sạt-đe tọa lạc trên một ngọn núi và có một chiến luỹ bất khả chinh phục. (Nhưng lịch sử cho biết thành phố này đã từng bị chinh phục nhiều lần vì cớ mất cảnh giác) (2)Về kinh tế, Sạt-đe tự hào là trung tâm buôn bán hàng len dạ và giàu có. (3)Về truyền thống lịch sử, Sạt-đe là một thành phố có một quá khứ huy hoàng. Dân thành Sạt-đe rất tự hào về thành phố của họ.

Chẳng rõ tín hữu tại Sạt-đe có nghĩ rằng Hội thánh của họ thuộc loại bất khả chiến bại không? Nhưng lời khiển trách của Thánh Linh cho biết Hội thánh Sạt-đe đang ngủ (Chúa khuyên: "Hãy tỉnh thức"; và khuyến cáo: "Nếu người chẳng tỉnh thức...") Thành phố Sạt-đe từng bị kẻ thù chinh phục, chẳng phải vì thành trì sơ sài, chiến luỹ yếu kém, hoặc vũ khí thiếu thốn mà vì tinh thần thiếu cảnh giác của con người. Cũng vậy, tín hữu tại Hội thánh Sạt-đe đang mơ màng, đang mê ngủ nên đã bị kẻ thù khuất phục.

Chẳng rõ tín hữu tại Sạt-đe có tự hào về danh tiếng của Hội thánh không? Nhưng lời khiển trách của Thánh Linh cho biết theo nhãn quan loài người Hội thánh Sạt-đe là Hội thánh nổi tiếng: "Ngươi có tiếng là sống." Nhưng theo nhãn quan của Chúa, Hội thánh Sạt-đe là Hội thánh ‘chết’, ‘đã chết’, ‘sắp chết’ ("Ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết.", "Con nổi tiếng là sống nhưng đã chết." (Bản Hiện Đại))  Trong câu 2 BDY: "Hãy tỉnh dậy, củng cố những gì còn lại và sắp chết." (Bản Hiện Đại)

Chẳng rõ tín hữu tại Sạt-đe có tự hào về truyền thống của Hội Thánh không? Lời khuyên của Thánh Linh cho thấy họ đã đánh mất quá khứ và quên truyền thống thuộc linh. Hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào.

(Còn tiếp)
XuânThu


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

NGÀY 22 THÁNG 10. DANH PHẬN VÀ DANH TIẾNG(1)


1 Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Sạt-đe rằng:
Này là lời phán của Đấng có bảy vị thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết. 2 Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. 3 Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình. 4 Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy. 5 Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xoá tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài. 6 Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh!
                                                          
1 Hãy viết cho nhà lãnh đạo Hội thánh Sạt-đe: “Đây là thông điệp của Đấng có bảy thần linh của Đức Chúa Trời và cầm bảy ngôi sao: Ta biết công việc con; con nổi tiếng là sống nhưng đã chết! 2 Hãy tỉnh dậy, củng cố những gì còn lại và sắp chết; vì Ta thấy công việc con thật bất toàn dưới mắt Đức Chúa Trời. 3 Vậy, hãy nhớ những điều con đã nghe và tin nhận; hãy vâng phục và ăn năn. Nếu con không thức tỉnh, Ta sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm, con chẳng biết giờ khắc nào. 4 Nhưng tại Sạt-đe có mấy người không làm ô uế áo xống mình. Họ sẽ mặc áo trắng đi với Ta, vì họ thật xứng đáng. 9 Những người chiến thắng cũng sẽ được mặc áo trắng như thế. Ta sẽ không xóa tên họ khỏi Sách sự sống. Trước mặt Đức Chúa Trời và các thiên sứ, Ta sẽ công nhận họ. 6 Ai có tai, hãy lắng nghe lời Thánh Linh kêu gọi các Hội thánh!” (Khải Thị 3:1-6 - Bản Hiện Đại)

Năm trong số bảy bức thư gởi cho bảy Hội thánh xứ A-si (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), đều có ba điểm giống nhau - 3K:

  • Khen ngợi.
  • Khiển trách.
  • Kêu gọi hoặc khuyên (ăn năn và lắng nghe).
(Hai Hội thánh Si-miệc-nơ và Hội thánh Phi-la-đen-phi chỉ có 1K – Khen ngợi mà thôi)

Bảy bức thư cũng mô tả ba tình trạng của Hội thánh (3T).

  • Tình trạng sa sút thuộc linh từ bên trong:
            Hội thánh Ê-phê-sô, Sạt-đe và Lao-đi-xê.

  • Tình trạng bị bức hại từ bên ngoài:
            Hội thánh Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi.

  • Tình trạng thờ hình tượng, sống vô đạo đức:
            Hội thánh Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ.

Nếu áp dụng cho Hội thánh chúng ta, thì chúng ta cũng có thể được Chúa khen, cũng có thể bị Chúa khiển trách, và Chúa cũng có lời kêu gọi chúng ta.

Nếu nhìn vào tình trạng của Hội thánh, có thể chúng ta không bị lôi cuốn vào những thói tục đồi bại vô đạo đức, không thờ hình tượng; có thể chúng ta không gặp phải sự bức hại nào hoặc đã vượt qua được sự bức hại; cũng có thể chúng ta đang thực hiện nhiều công tác Hội thánh, đạt nhiều thành tích, nhưng chúng ta vẫn có thể đang sa sút thuộc linh từ bên trong.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

NGÀY 21 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (12)


7. Tương giao 

Đây là phước hạnh của sự ăn năn. “Hãy bắt bò mập đi, chúng ta hãy ăn mừng…”  Đây cũng là điều tốt nhất người cha muốn dành cho con. Một bữa ăn thịnh soạn nhất. Ăn năn khởi đầu nơi chuồng heo nhưng kết thúc nơi bàn tiệc. Ăn năn khởi đầu là khóc lóc nhưng kết cục là niềm vui. Ăn năn là con đường đi tìm sự tha thứ và kết thúc ở mối tương giao giữa Cha với Con.

Trở về với cha để hưởng niềm vui. Đây là điều hết sức quan trọng. Cậu con nghĩ mình về sẽ làm đầy tớ, sẽ bị la rầy, bị trừng phạt. Dù trở về trong tâm trạng như vậy, cậu con vẫn trở về. Nhưng khi đã về cậu con thấy không phải như vậy. Cha chờ con về để bày tỏ tình thương cha dành cho con, để tha thứ cho con, để đón nhận con, để xác nhận rằng mối liên hệ cha con vẫn không thay đổi và để vui mừng vì tưởng con đã chết mà nay còn sống, đã mất mà nay tìm được.

Trở về với Cha để sống nếp sống mới. Chúa là Cha của chúng ta, chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Không phải để Ngài buộc chúng ta phải làm nô lệ cho tôn giáo, hoặc buộc phải làm điều này, cấm làm điều kia, nhưng Chúa chờ đợi chúng ta trở về trong mối liên hệ Cha với con và con với cha, trong sinh hoạt vui mừng, trong mối tương quan tình nguyện, muốn sống làm con, chứ không phải bị bắt làm con.
Trở về với Cha để sống với Cha.

XuânThu  

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

NGÀY 20 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (11)


5. Thú tội – Trả giá

Đây là giá phải trả về tội lỗi khi ăn năn. “Thưa cha, con đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy.” Xưng tội, bằng lòng chịu hậu quả để được tha thứ chấp nhận. Nếu không sẵn lòng chịu hậu quả thì không phải ăn năn thật.

Con trở về để thưa với cha, để ttội với cha, để trả giá về tội con đã phạm. Đây là điểm quan trọng nhất người con cần làm khi trở về. Và đây cũng là điều mà chúng ta thường lãng tránh khi trở về. Chúng ta muốn đền bù thay vì ăn năn, xin lỗi. Chúng ta muốn lấy công chuộc lỗi thay vì cầu xin sự tha thứ. Người ăn năn, xin được tha thứ tương tự như người biết mình mắc nợ quá lớn mà không có khả năng trả nợ.

Trở về, ăn năn, thú tội với Cha là điều đáng làm, nên làm. Con hư hỏng, bây giờ về xin lỗi Cha là chuyện hợp tình hợp lý. Còn thật là phi lý nếu người con về và nói với cha rằng: "Con đã làm đau lòng cha, bây giờ con xin đền cho cha. Cha làm ơn cho con biết cha đòi con đền bao nhiêu.

6. Tiếp nhận sự tha thứ

Đây là kết quả của sự ăn năn. Nhận quà tặng của cha. Kinh nghiệm sự tha thứ, phục hồi. Người con nghĩ nên trở về với cha, ăn năn thú tội, xin cha tha cho và tình nguyện làm tôi tớ trong nhà cha. Nhưng người cha làm gì? Cha đã ôm con mà hôn, bảo các tôi tớ đem áo tốt nhất mặc cho, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. Cha chờ con trở về, thú tội với cha, xin cha tha thứ, và cha đã tha thứ để cho con quyền được làm con trở lại. Cha chờ con về để làm con chớ không chờ con về để làm tôi tớ như con nghĩ.

Người tội lỗi ăn năn chẳng những được Cha thương xót, Cha tha thứ, Cha tiếp nhận trở lại mà Cha còn đặt trở vào vị trí làm con. Chẳng những Cha xoá đi tội lỗi trong quá khứ của con mà còn giúp Con quên đi mặc cảm đối với những người thân thuộc. Cha ban tặng cho con những điều tốt nhất của tình yêu thương. Cha cho con những món quà tốt nhất để nói rằng con là con của Cha.

(Còn tiếp)
XuânThu  


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

NGÀY 19 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (10)


3. Ta sẽ đứng dậy trở về với cha ta.

Đây là quyết định tích cực của người ăn năn. Người ăn năn nhận biết họ phải làm. Trong chuyện này người con ăn năn biết cậu cần làm gì. Cậu biết con đường của ý riêng là sai trật, cậu cũng biết con đường đúng là quay về với cha.

Nhiều người ăn năn nhưng không biết Con Đường về nhà Cha, vì không ai chỉ cho họ Con Đường này. Đây là lý do khiến chúng ta phải rao truyền Phúc Âm để con người biết Đường về Nhà Cha.

Nhiều người biết Con Đường về nhà Cha nhưng lại không chịu ăn năn. Cứ mải mê trong ý riêng. Cứ đắm chìm trong tội lỗi.

4. Từ bỏ – Trở về

Đây là hành vi dứt khoát của người ăn năn. ‘Bèn đứng dậy mà về’. Hành động theo những điều cần làm, từ bỏ đường cũ quay trở về với cha. Nếu chỉ nhận ra tình trạng tội lỗi của mình và đau buồn thôi mà không có quyết định từ bỏ thì chỉ tiếp tục “làm bạn với heo” mà thôi.

Không phải nói nên về, không phải chỉ quyết định sẽ về, mà thật lòng đứng dậy trở về lập tức. Không tự cô lập mình nữa, không chọn con đường thoát ly, đoạn tuyệt khỏi Cha nữa. Không cần xây cầu để về, không cần đóng chiếc thang để về, mà trở về trong chính thực trạng của mình. Nhiều người lần lữa trì hoãn nên nói rằng: “Chờ khi tôi thấy mình tốt hơn, khá hơn, đạo đức hơn, tôi sẽ trở về.” Nếu cậu con chần chờ không trở về ngay thì đời sống của cậu sẽ càng tệ hơn chứ không bao giờ khá hơn được. Nhiều người đã tự đánh lừa với lập luận này để không trở về.

Cậu con trở về với con người thật của mình, về với cha trong con người hư hỏng, trong cái thân tàn ma dại của mình. Cậu trở về để trình con người xấu xa, thất bại của mình trước mặt cha chớ không phải đem thành tích tốt của mình khoe với cha.

(Còn tiếp)
XuânThu  

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

NGÀY 18 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (9)


II. Những bước ăn năn

1. Tỉnh ngộ

Đây là ý thức của người ăn năn. Ở tận cùng con đường sa ngã cậu con mới ‘tỉnh ngộ’. Thật ra không nên đợi đến khi ngồi bên cái máng ở chuồng heo rồi mới tỉnh ngộ. Bạn có thể tỉnh ngộ ngay khi bắt đầu tính đóng tấm bảng ý riêng khi còn ở nhà Cha. Bạn đừng để đời mình bị vùi dập như cậu con rồi mới tỉnh ngộ.

Một mặt, tỉnh ngộ là thấy thực trạng của mình. Thấy mình đã sai trật, bỏ nhà cha mà đi là sai, đánh mất mối liên hệ con với cha là sai lầm. Sự sai lầm đó làm cho đời sống trở nên tồi tệ xấu xa. Mặt khác, tỉnh ngộ là thấy tình thương của cha. Thật ra cha thương yêu cậu mà cậu không chịu nhìn nhận. Cha vẫn muốn tương giao với cậu nhưng cậu không chịu.

Nếu chỉ nhận ra tình trạng của chúng ta mà không thấy tình thương của Chúa thì chúng ta sống trong thất vọng và tuyệt vọng mà thôi. Nhiều người tự kết liễu đời mình khi nhận ra thực trạng của mình mà không nhìn thấy tình yêu thương. Họ tỉnh ngộ nhưng không thấy lối thoát.

2. Thống hối

Đây là tấm lòng của người ăn năn. Ăn năn không chỉ là thừa nhận tội lỗi của mình mà còn đau buồn về những việc mình đã làm. Vua Sau-lơ nhận là vua có tội nhưng tấm lòng của vua đã bị lý lẽ làm ù lì cho nên vua không thấy đau lòng khi xúc phạm Chúa mà chỉ lo đòi người khác phải tôn trọng mình (1Sa-mu-ên 15:30). Nếu ăn năn không phát xuất từ tấm lòng thống hối thì chỉ là nhận lỗi trong tinh thần lý sự mà thôi.

Người ăn năn thật sự là người đau buồn về sự sai trái mà mình đã phạm, nhận ra mình đã quyết định và sống sai lầm, đã huỷ hoại bản thân; đau buồn vì đời sống của mình đã xúc phạm đến Chúa và người khác; đau buồn vì là con của Cha mà lại ra nông nỗi này.

(Còn tiếp)
XuânThu  


Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

NGÀY 17 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (8)


7. Tôi túng thiếu. (Tôi tối tăm)

Khi mới ra đi cậu con nghĩ rằng mình sẽ tự lo cho bản thân, chẳng những ‘đủ ăn đủ mặc’ mà còn ‘ăn ngon mặc đẹp’ nữa. Nhưng thật ra thời gian càng kéo dài thì cậu càng trượt dài cả về thể xác và tinh thần.

Về thể xác, khi túi tiền còn rủng rỉnh thì còn ăn ngon. Sau những ngày đó là những ngày ăn uống thiếu thốn trong cảnh nghèo thiếu, rồi ăn bám người bản xứ, rồi đi làm mướn và cuối cùng là ‘thèm vỏ đậu của heo ăn’.

Về tinh thần, cậu con nghĩ rằng rời khỏi nhà cha là cậu được tự do sống theo ý cậu muốn. Nhưng cuộc sống mà cậu nghĩ là có tự do đó cuối cùng biến cậu trở thành nô lệ. Cậu tưởng cậu nắm toàn quyền trên cuộc đời của mình, nhưng thật ra tội lỗi hành quyền trên cậu; cậu tưởng rằng cậu làm chủ trên hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh đẩy cậu đến chỗ bí lối. Cậu tưởng cậu làm chủ của đời sống mình, bây giờ cậu làm tôi tớ và làm bạn với heo. Rời khỏi nhà cha cậu tưởng cậu bước vào cuộc sống đích thực, nhưng rốt cuộc cậu thấy mình sắp chết đói. (Câu 17)

Khi xa cách Cha, khi trượt dài trong sa ngã thì đời sống chỉ có ‘đói’ chớ không bao giờ tìm được sự đầy đủ thật, hoặc ‘no nê’ thật. Do cái tôi, tôi tự tính toán, tôi tách khỏi Cha, tôi tội lỗi, rồi tôi tiêu tùng, tôi trở nên tối tăm tồi tệ. Đó là những bước sa ngã.

Trong thảm trạng này cậu con cần gì? Có thể làm gì? Cậu cần ăn năn, cậu có thể ăn năn.

(Còn tiếp)
XuânThu  



Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

NGÀY 16 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (7)


6. Tôi bị huỷ hoại. (Tôi tồi tệ)

Những từ ngữ ‘nghèo thiếu’, ‘đi làm mướn’ (ăn bám), bị ‘sai’ đi ‘chăn heo’, ‘thèm vỏ đậu của heo’, ‘chẳng ai cho’ mô tả một đời sống suy sụp tồi tệ của con người sa ngã.

Khi sống theo ý riêng một mặt đương sự tự huỷ hoại đời mình, một mặt khác thế gian tội lỗi huỷ hoại đương sự. Đây là hình ảnh một người tự làm hoen ố mình và bị thế gian làm cho hoen ố. Cậu con đã tự làm nhục mình khi tự biến mình thành người nghèo thiếu, đói rách đến nỗi tìm cách thoả mãn cái đói, cái thèm của mình bằng những thức ăn dơ bẩn. Đáng ra cậu con phải đem bánh đi cho đời, phải giúp những người đói khát thì bây giờ cậu trở thành người đói khát và tệ hơn nữa là đi tìm những thức ăn dơ bẩn để thoả mãn cơn đói của mình.

Cậu con bị ông chủ xa lạ làm nhục khi cậu trở thành nô lệ cho ông chủ đó. Cậu bị ông ta sai khiến, bị bắt làm những công việc ô uế, và chẳng ai thương xót cậu.

Bạn sẽ tự làm nhục mình và bị làm nhục khi bạn đi theo ý riêng. Bạn sẽ tự huỷ hoại đời mình khi xa cách nguồn sống của Cha và tội lỗi sẽ vùi dập bạn. Liệu bạn có đang ở trong bước sa ngã này không? Bạn có đang tự huỷ hoại đời mình bằng những thức ăn không xứng hợp không? Vì sao bạn thèm thuồng những thức ăn đó? Vì bạn đang xa cách nguồn sống của Cha, vì bạn đang ở trong cái vòng luẩn quẩn của tội lỗi và không thoát ra được. Thế gian tội lỗi có đang sai khiến bạn không? Bạn cần nhớ rằng đời sống tội lỗi sẽ đưa bạn đến tình trạng thật tồi tệ.

(Còn tiếp)
XuânThu  

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

NGÀY 15 THÁNG 10. TỪ SA NGÃ ĐẾN ĂN NĂN (6)


5. Tôi tiêu tùng. (Tôi tiêu tùng)

‘Tiêu sạch gia tài mình’. Cuộc đời phá sản. Đây chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày đen tối. Bây giờ thì hết vui, hết sướng rồi vì đã bị lột sạch. Khi bắt đầu tiêu xài ăn chơi, đầu tiên người con nghĩ mình chủ động trong chi tiêu, muốn tiêu bao nhiêu là quyền của cậu. Nhưng khi hết tiền rồi mới nhận ra rằng cậu bị dụ dỗ quăng tiền qua cửa sổ. Cậu là con vật bị câu nhử chớ không phải là người cầm cần câu.

Cậu rời nhà cha, đem theo tất cả của cải để tung hoành ngang dọc trong trời đất, nghe ra có vẻ ‘anh hùng hảo hớn’ nhưng thật ra cậu khi sống trong thế giới phương xa và tiêu tiền như rác, cậu không biết mình đang sống dưới quyền lực của tội lỗi. Trong thế giới đó cậu mất dần của cải cha cho cậu.

Trước kia khi ra đi cậu con rất tự tin, tin nơi bản thân của mình, tin khả năng của mình. Có thể cậu nghĩ cứ tự tin thì tất sẽ thắng. Giờ đây cậu hiểu ra là cậu đã đánh giá sai bản thân. Cậu chỉ như con cừu yếu đuối trước bầy sói háu đói mà thôi.

Rồi cậu cũng đã nương tựa vào những quan hệ sai lầm. Có thể cậu tưởng liên kết với thế gian thì có thể đạt được ước vọng của mình. Có lẽ khi thấy người ta hoan hô cậu, cậu tưởng cậu đã quyết định đúng và hành động đúng. Nhưng cậu quên rằng càng gần thế giới ăn chơi thì càng xa cha của cậu, càng nương dựa nơi thế giới ăn chơi thì càng bị thế giới đó hút hết sức lực và tài sản.

Khi ra đi cậu con nghĩ tương lai ở trong tầm tay của cậu, cậu có thể xây dựng tương lai theo ý mình. Nhưng bây giờ cậu biết tương lai không thuộc về mình, bản thân cậu không thể sắp xếp tương lai tốt đẹp.

Bạn có đang trải nghiệm bước thứ 5 trên con đường sa ngã này không? Nên nhớ rằng càng gần thế gian thì càng xa Chúa, càng nương dựa nơi thế gian càng bị thế gian hút hết giá trị thuộc linh.

(Còn tiếp)
XuânThu