Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

NGÀY 31 THÁNG 8. CHÚA XUỐNG THUYỀN CỦA ÔNG SI-MÔN (4)


2. Lưới (Câu 4-7)

Khi ông Si-môn đã vâng lời Chúa trong việc sử dụng con thuyền của mình thì Chúa lại muốn ông Si-môn vâng lời Chúa trong việc sử dụng lưới cá. Chúa bảo ông: “Anh hãy chèo ra chỗ sâu, thả lưới đánh một mẻ đi!” (Câu 4) Chúa nói với ông Si-môn câu này sau khi đã giảng dạy xong (về phần Chúa) và khi lưới cũng đã giặt xong (về phần ông Si-môn). Con thuyền của Si-môn dường như trước hết phải phục vụ cho vấn đề tâm linh (dù Chúa chỉ mượn tạm) rồi sau đó mới phục vụ cho vấn đề vật chất. Còn với ông Si-môn dù trước đó đã đi theo Chúa nhưng chỉ biết dùng thuyền của mình cho việc kiếm sống mà thôi. Bây giờ Chúa muốn chỉ cho ông Si-môn cách kiếm sống.

Tại vùng biển Ga-li-lê người ta đánh cá vào ban đêm và tại những chỗ nước cạn còn Chúa thì bảo ông Si-môn đi đánh cá vào ban ngày và lại chèo ra chỗ sâu. Người bảo ông Si-môn chèo ra chỗ sâu để đánh cá là ai? Là một thầy giảng thành công, là một thợ mộc kinh nghiệm. Còn Si-môn là ai? Một tay chài lưới lão luyện, dù vừa thất bại hôm qua nhưng không phải là sẽ cứ mãi thất bại, ông Si-môn và các bạn của ông đã giặt lưới phơi khô để chuẩn bị cho lần chài lưới tiếp theo. Một ra-bi thành công, một thợ mộc thành công đi chỉ dẫn cho một tay chài lưới cách đánh cá thế nào. Thật là méo mó nghề nghiệp! Có thể ông Si-môn nghĩ: “Chúa đã đụng đến thuyền của tôi bây giờ Ngài lại đụng đến nghề nghiệp của tôi nữa. Chúa mượn thuyền của tôi rồi, bây giờ Chúa tính chiếm luôn con thuyền của tôi sao?”

Ông Si-môn chấp nhận để cho Chúa mượn con thuyền và vâng lời Chúa khi Ngài bảo chèo ra xa bờ một chút, liệu bây giờ ông có chấp nhận để Chúa chỉ huy con thuyền và hướng dẫn ông chèo ra chỗ sâu để đánh cá không? Mà phải chi Chúa chỉ dẫn cho hợp lý một chút. Lời chỉ dẫn của Ngài thật là mâu thuẫn, thật là ngược đời. Ngài không hiểu chúng tôi là ai sao? Không biết tối hôm qua đã làm gì? Và đang chuẩn bị gì sao? “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm”, “chúng tôi đã giặt lưới để chuẩn bị cho chuyến sắp tới”, chúng tôi đã nỗ lực, đã hết sức lo toan cho đời sống.

Hãy tưởng tượng Chúa ‘xía vào’ đời sống của bạn. Ngài bảo bạn hãy học y khoa, học dược khoa như thế này; học bách khoa, học kiến trúc như thế kia; học sư phạm, học kỹ thuật… ra làm sao. Có thể bạn sẽ bực bội và tự nhủ: “Đừng tưởng người ta gọi là Thầy rồi được nước làm tới! Không biết thi vô trường y, trường dược có nổi không mà bày chuyện chỉ dẫn!” Chúa thì biết gì về vi tính, về kỹ thuật máy nổ, về ro-bot, về internet... Bạn nghĩ gì khi Chúa có những chỉ dẫn ‘ngược đời’ trong việc học hành của bạn, trong nghề nghiệp của bạn? Bạn đang cắm đầu cắm cổ học, không còn biết gì đến ai, Chúa lại bảo bạn hãy quan tâm đến những người xung quanh trước, hãy tạo cơ hội cho Chúa trước, hãy nghe lời Chúa trước rồi mới đến chuyện học. Bạn nói con đã cố gắng hết sức, Chúa ‘xúi’ bạn, con ráng thêm chút nữa. Bạn làm như thế này, Chúa bảo không, con nên làm như thế kia. Bạn nghĩ gì?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

NGÀY 30 THÁNG 8. CHÚA XUỐNG THUYỀN CỦA ÔNG SI-MÔN (3)


Ngoài việc nghe lời Chúa ông Si-môn phải làm sao để Chúa ngồi trên thuyền mà vẫn hướng về đám đông. Ông cầm chèo khua nhẹ nhàng, lúc bên này, lúc bên kia. Ông không được chèo ra xa quá đến nỗi dân chúng không nghe được sứ điệp, ông cũng không đưa thuyền vào gần dân chúng quá vì người rao giảng sứ điệp có thể bị đè bẹp, rồi ông cũng không được làm lật thuyền để nhận chìm sứ điệp. Người giảng sứ điệp quan trọng, sứ điệp cũng quan trọng, con thuyền cũng quan trọng và chủ con thuyền cũng quan trọng.

Hãy tưởng tượng sau những giờ học căng thẳng trong giảng đường, bạn đang ngồi nghỉ thì Chúa bị một đám sinh viên bu vào hỏi han, Chúa thấy cái bàn của bạn và Ngài ngồi vào đó. Ngài muốn mượn cái bàn của bạn để nói chuyện với những sinh viên đó. Hoặc sau một ngày học tập mệt nhọc, bạn đi về ký túc xá, bạn chẳng quan tâm đến ai hết ngoài bạn, rồi Chúa thấy góc học tập của bạn. Ngài ngồi xuống bên cạnh bạn và nói: “Ta muốn mượn chỗ của con để nói chuyện với các bạn của con.” Bạn sẽ nghĩ gì? Phải chăng bạn sẽ nói: “Sao Ngài lại ngồi vào chỗ của con? Xin cho con hai chữ bình yên!”

Rồi đến khi bạn ra trường, có nghề nghiệp, đi làm. Chúa cũng đến nơi bạn đang làm việc, Ngài ngồi vào chỗ bán hàng của bạn nếu bạn buôn bán, Ngài ngồi vào bàn giáo viên của bạn nếu bạn đang dạy học, Ngài nói: “Ta muốn mượn chỗ của con làm cái bục giảng. Con có bằng lòng không?” Bạn sẽ vui hoặc sẽ buồn. Kinh ngạc hoặc sợ hãi. “Chúa làm con sợ quá! Xin Chúa đi về nhà thờ giùm con! Sao Chúa thoát ra được mà đến đây. Ai giữ Chúa mà lại để cho Chúa ra khỏi nhà thờ rồi đến tận chỗ làm ăn của con. Thật khổ cho con, sao con lại bị phá đám như thế này?”

Hãy nhớ, Chúa đến với bạn lúc bạn có thể là người đang thờ ơ với những người xung quanh, Chúa muốn mượn con thuyền của bạn, muốn nhờ vả bạn, chỉ một chút thôi, để Ngài có thể bày tỏ lời của Đức Chúa Trời cho những người đang khao khát. Ngay trong vị trí của bạn, bạn có bằng lòng không? Từ con thuyền của ông Si-môn, Chúa rao giảng lời của Ngài thế nào thì từ cái bàn học trong lớp, góc học tập ở ký túc xá cũng có thể được Chúa dùng làm nơi bày tỏ cho những người ở đó biết Chúa Giê-xu là ai. Chúa chỉ quen biết mỗi mình bạn thôi. Nếu Ngài không nhờ cái bàn của bạn thì Ngài sẽ nhờ ai đây?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

NGÀY 29 THÁNG 8. CHÚA XUỐNG THUYỀN CỦA ÔNG SI-MÔN (2)


1. Thuyền (Câu 1-3)

Chúa xuống thuyền của ông Si-môn. Lúc nào? Chúa xuống thuyền của ông Si-môn lúc Chúa nhìn thấy nhu cầu của đoàn dân, cũng là lúc ông Si-môn rất thờ ơ với những gì Chúa đang làm. Chúa làm việc Chúa còn ông Si-môn làm việc ông Si-môn. Chúa có khải tượng cho đoàn dân còn ông Si-môn chưa có khải tượng gì ngoài mấy con cá ngoài biển. Chúa có ý tưởng, có sáng kiến về con thuyền, có thể dùng vào việc đi đánh cá nhưng cũng có thể dùng vào việc rao giảng; còn ông Si-môn chưa có ý tưởng, chưa có sáng kiến gì, chỉ biết thuyền dùng để đi đánh cá mà thôi. Chúa chủ động còn ông Si-môn rất thụ động trong việc đem Phúc Âm đến cho dân chúng.

Ông Lu-ca viết: Chúa thấy hai chiếc thuyền một chiếc của ông Si-môn, còn chiếc kia của ai? Suy đoán theo câu 9 thì chiếc thuyền còn lại là của nhà Xê-bê-đê. Khi học Kinh Thánh Mác 1:16-20 người ta cho rằng gia đình của Xê-bê-đê khá giả hơn. Chúa không xuống chiếc thuyền kia mà Chúa xuống thuyền của ông Si-môn. Có thể ông Si-môn tự nhủ: “Thuyền của người ta Chúa không xuống, cứ nhằm thuyền tôi mà xuống. Chúa thật là!” Thật ra Chúa đụng đến tài sản của mỗi người một cách khác nhau. Chúa đụng đến con thuyền của Si-môn một cách trực tiếp nhưng biết đâu chừng Ngài sẽ dụng đến thuyền của ông Gia-cơ và ông Giăng một cách gián tiếp!
Khi Chúa xuống thuyền của ông Si-môn, Ngài không bảo ông làm việc gì to tát hoặc nói: “Hãy theo ta! Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tay thả lưới cứu người.” Ngài chỉ mượn thuyền của ông để giảng dạy mà thôi. Chúa muốn biến thuyền của ông Si-môn thành cái bục giảng.

Xuống thuyền mà không bị đuổi, Chúa xin ông Si-môn chèo ra xa bờ một chút (câu 3) Đã mượn được thuyền thì phải nhờ luôn chủ thuyền. Thật rắc rối! Nhưng chỉ một chút thôi! Hình ảnh ông Si-môn ngồi đằng sau, Chúa ngồi đằng trước, còn trong bờ là dân chúng làm chúng ta tưởng tượng ông Si-môn giống như mục sư chủ toạ mời Chúa làm diễn giả cho hội chúng trong buổi giảng ngoài trời. Hội chúng rất muốn nghe, họ đến rất đông đúc, diễn giả rất muốn rao giảng lời Đức Chúa Trời, nhưng không biết ông mục sư bất đắt dĩ tên là Si-môn có sẵn lòng không, có vui không?

Không biết trong khi Chúa giảng dạy cho đoàn dân đông ông Si-môn làm gì? Có thể nói lần này thì ông Si-môn có chạy đàng trời. Ông phải ngồi ở đó, chẳng trốn đi đâu được. Có thể ông Si-môn nghĩ Chúa giảng cho dân chúng nghe, chẳng dính dáng gì đến mình cả. Trình độ như mình thì học riêng với Chúa chớ không cần những bài vỡ lòng cho dân chúng. Tuy nhiên nếu ông Si-môn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực việc ông cho Chúa mượn con thuyền, việc ông vâng lời Chúa chèo ra xa bờ một chút, việc ông để cho Chúa sử dụng con thuyền cho việc truyền giảng thì ông có cơ hội nghe lời của Chúa. Việc Chúa nhờ ông cũng đem lại ích lợi cho ông.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

NGÀY 28 THÁNG 8. CHÚA XUỐNG THUYỀN CỦA ÔNG SI-MÔN (1)


1 Một ngày kia, Chúa Giê-xu đang đứng bên bờ hồ Ghê-nê-xa-rết, dân chúng chen lấn quanh Ngài để nghe lời Đức Chúa Trời. 2 Chúa thấy hai chiếc thuyền đậu ven bờ hồ, còn các tay chài đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới, 3 Chúa xuống một trong hai chiếc, là thuyền của ông Si-môn, và xin ông chèo ra xa bờ một chút, rồi Ngài ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng.

4 Giảng dạy xong, Chúa bảo ông Si-môn: “Anh hãy chèo ra chỗ sâu, thả lưới đánh một mẻ đi!” 5 Ông Si-môn trả lời: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6 Rồi họ thả lưới và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới gần rách. 7 Họ vẫy gọi các bạn chài trên thuyền khác đến giúp; các bạn đến, đổ cá lên đầy cả hai thuyền, đến nỗi thuyền gần chìm.

8 Thấy thế, ông Si-môn Phi-e-rơ quỳ xuống nơi chân Chúa Giê-xu mà thưa: “Lạy Thầy, xin lìa xa tôi, vì tôi là người tội lỗi.” 9 Vì ông và tất cả các bạn chài đều kinh ngạc về mẻ cá họ vừa đánh được. 10 Cả ông Gia-cơ và ông Giăng, con của ông Xê-bê-đê, bạn chài của ông Si-môn cũng vậy. Chúa Giê-xu bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ thả lưới cứu người.”

11 Sau đó, họ kéo thuyền lên bờ và bỏ tất cả mà theo Ngài.
(Lu-ca 5:1-11)

Có bao giờ bạn đồng ý với Chúa Giê-xu về vấn đề gì chưa? Bạn hãy cẩn thận vì khi bạn đồng ý với Chúa thì sẽ có ‘những chuyện rắc rối’ xảy đến cho bạn. Vì khi bạn đồng ý với Chúa ở chuyện này thì không thể lắc đầu với Chúa trong chuyện tiếp theo.

Có lẽ bạn đã từng nghe tiếng Chúa và từng hứa sẽ theo Chúa và làm môn đệ của Ngài. Chuyện gì xảy ra sau đó? Bạn thấy mình không thể đi theo Chúa được. Theo Chúa được vài hôm là bạn để Chúa đi một mình còn bạn trở về với những công việc đời thường. Bạn phải làm sao đây? Vì sao bạn chưa thể theo Chúa luôn được?

Trong câu chuyện mà ông Lu-ca ghi lại, chúng ta thấy có những việc rất vô lý:

-Dường như những người được Chúa gọi (Mác 1:16-20) và đi theo Ngài thì nay đã trở về với nghề cũ và rất thờ ơ với công việc của Chúa.

-Chúa bận rộn, lo giảng dạy cho dân chúng trong khi những người được Chúa gọi (ông Si-môn, ông Giăng, ông Gia-cơ) lại lo đi đánh cá cả đêm và sáng đến lại bận rộn với việc giặt lưới để chuẩn bị cho lần đánh cá tiếp theo.

-Theo cách viết của ông Lu-ca cho mãi đến sau khi Chúa kêu gọi ông Lê-vi (Lu-ca 5:27) thì hai tiếng ‘môn đệ’ mới bắt đầu được nói đến (Lu-ca 5:30: Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn với các môn đệ Chúa…) Và sau đó (6:1) mới thấy các môn đệ cùng đi với Chúa.

-Rồi Chúa yêu cầu ông Si-môn làm một việc cũng rất vô lý trong việc đánh cá.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

NGÀY 27 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(7)


7. ‘Lo chiêu đãi khách.’

Từ tình trạng ‘nằm trên giường’ đến ‘lo phục vụ khách’ là kết quả tiếp theo của việc thăm viếng.
Đừng bao giờ đi thăm viếng với mục đích muốn người ta ‘phục vụ ngay’ khi chưa giúp cho người ta hết sốt. Nhiều người phạm sai lầm này khi đi thăm viếng.

Khi một người được lành bệnh người đó sẽ không nằm trên giường bệnh nhưng đương nhiên sẽ đứng dậy sinh hoạt bình thường. Khi một người hết buồn thì vui, hết tiêu cực thì trở nên tích cực.

Chúng ta thường muốn một người vừa sốt vừa phục vụ. Làm sao vừa đau yếu lại vừa mạnh mẽ được? Làm sao thể xác vừa nằm trên giường vừa có những hoạt động dưới bếp được?

Phải chăng đi thăm viếng là nhằm khuyến khích tín hữu đến thờ phượng Chúa tại nhà thờ? Phải chăng đi thăm viếng là nhằm khuyến khích tín hữu tham gia các sinh hoạt và hoạt động của hội thánh? Hoặc phải chăng trước hết bạn cần giải quyết vấn đề của cá nhân, của gia đình người đó? Bạn muốn bà gia của Si-môn khỏe mạnh trước hoặc Nhà Hội có đông người đến thờ phượng Chúa trước? Bạn muốn bà hữu ích trong gia đình trước hay hữu ích cho Nhà Hội trước?

* Thu hoạch

-Được gì khi đi thăm viếng.

Đối với người đi thăm viếng: biết nhà cửa, gia đình của đối tượng rõ hơn, biết tình trạng của từng cá nhân tín hữu, biết có người cần được cầu thay,...

Đối với người được thăm viếng: tình trạng được thay đổi, sinh hoạt được thay đổi.

Đối với cả hai đối tượng: Thông công và phục vụ lẫn nhau.

-Bạn nhận được những bài học gì qua chuyến đi thăm với Chúa Giê-xu.

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

NGÀY 26 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(6)


6. ‘Hết sốt ngay.’

Đây là kết quả tức thời của việc thăm viếng. Từ tình trạng ‘đang bị sốt’ đến ‘hết sốt ngay’. Một trong những kết quả của việc thăm viếng là thay đổi tình trạng tiêu cực trong đời sống. Đối với bà gia của ông Si-môn thì tình trạng sức khoẻ là nan đề. Nhóm thăm viếng xin Chúa giúp bà về vấn đề sức khoẻ. Đối với người khác có thể là vấn đề nghề nghiệp, nhóm thăm viếng cần giúp người đó về phương diện nghề nghiệp. Khi thăm viếng bạn thường gặp những vấn đề nào? Cần tiếp cận và giải quyết ngay những vấn đề gì? (Sức khỏe, tình cảm, nghề nghiệp, xung đột gia đình, tài chánh, sinh hoạt gia đình, đời sống tâm linh...)

Khi giải quyết xong một nan đề trước mắt của một thành viên trong gia đình, chuyện gì sẽ xảy ra? Thay đổi của một cá nhân sẽ làm cho không khí trong gia đình được thay đổi. Đem niềm vui đến cho một người tức là cho cả gia đình người đó.

Bà gia ông Si-môn nghĩ gì? Vợ ông Si-môn nghĩ gì? Các con ông Si-môn nghĩ gì? Ông Si-môn nghĩ gì?

Suy nghĩ của họ đối với Chúa Giê-xu thay đổi nên thái độ của họ đối với Ngài cũng thay đổi.

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

NGÀY 25 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(5)


5. ‘Bước đến, cầm tay đỡ... dậy.’

Nếu bạn là trưởng nhóm đi thăm viếng, sau khi biết tình trạng của đối tượng, bạn làm gì? (Tất nhiên là bạn trình lên cho Chúa (cầu nguyện), nhưng sau đó bạn làm gì?)

(1)‘Bước đến.’ Người cần giúp đỡ nhất là ai, cần gặp người đó ngay. Trong gia đình ông Si-môn lúc bấy giờ có bao nhiêu thành viên? (Ông Si-môn, vợ ông Si-môn, các con của ông bà Si-môn, bà gia ông Si-môn, ông Anh-rê) Người cần giúp đỡ nhất là bà gia của ông Si-môn, cần gặp bà ngay. 

Tiếp cận với con người cũng là tiếp cận với nan đề của người đó. Vì sao lại nói đến vấn đề này? Vì đôi khi bạn đi thăm một người, vào nhà người đó, hỏi thăm người đó, gần người đó, biết nan đề của người đó nhưng lại không tiếp cận với nan đề của người đó. Đó là lý do biết nhau nhưng chẳng giúp gì cho nhau cả.

Như vậy khi bạn ‘bước đến’ có nghĩa là bạn muốn giúp đỡ người đó.

(2)‘Cầm tay đỡ... dậy.’ Tiếp cận với người cần giúp đỡ, tiếp cận với nan đề để giải quyết cách tích cực, với mục đích làm cho tốt hơn chứ không làm cho trở nên tệ hại hơn: Sốt mà cầm tay làm cho sốt hơn, đau mà đụng đến làm cho đau hơn, buồn mà an ủi làm cho buồn hơn, vấp ngã cầm tay để mà ngã theo...

‘Cầm tay đỡ... dậy’ cũng hàm ý giúp giải quyết ngay tình trạng của đối tượng. Có giải pháp ngay, nói ngay, góp ý ngay, có lời Chúa ngay... Như vậy thăm viếng không chỉ mang ý nghĩa thăm và viếng mà còn nâng đỡ, giúp đỡ để đối diện với nghịch cảnh, và giải quyết nan đề.

Đến gần, tiếp xúc và nâng đỡ mới giúp một người một cách đúng mức.

* Bạn biết một đối tượng bạn thăm viếng và bạn đã làm gì để giúp giải quyết vấn đề của người đó?

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

NGÀY 24 THẮNG. THĂM VIẾNG (5)


4. ‘Trình ngay cho Ngài.’ ‘Tức thì chúng thưa với Ngài.” (Bản Truyền Thống)

Nhờ đâu họ có thể trình ngay vấn đề với Chúa?

(1)Nhờ 'ban thăm viếng' ‘đi thẳng đến nhà’, nhờ họ có ‘vào nhà’. Tuy nhiên đôi khi có người ‘vào nhà’ người ta nhưng không biết ‘trình’ lên Chúa điều gì.

(2)Nhờ hỏi thăm. Do người khách đến thăm hỏi. Nhờ có mối liên hệ thân tình giữa người đi thăm với người được thăm.

(3)Nhờ trình bày. Do chủ nhà. Nhờ người được thăm tin cậy và thân với người đi thăm.

* Bạn có thể kể những tình huống, những trường hợp giúp người thăm viếng biết nhu cầu của đối tượng được thăm.

-Khách: Người đi thăm phải làm gì?
-Chủ: Người được thăm làm gì?

(Khi đi thăm bạn làm gì để biết đối tượng?
Khi được thăm bạn làm gì để bày tỏ tình trạng của mình?

Các cụm từ dưới đây thuộc về đối tượng nào?
Quan tâm, gợi chuyện, hỏi thăm, tâm sự, kể lể, phàn nàn, nhờ vả, mời, nhắc nhở, quan sát, khóc lóc...)

+Người đi thăm    +Người được thăm   
   - Quan tâm             - Tâm sự
   - Quan sát               - Kể lể
   - Gợi chuyện           - Phàn nàn                        
   - Hỏi thăm               - Nhờ vả                
   - Mời gọi                 - Khóc lóc                      
   - Nhắc nhở                 

Chú ý:
  • Người đi thăm cần chủ động, tích cực tìm hiểu.
  • Người đi thăm cần tránh những bộc lộ tiêu cực.
Nhờ thái độ tích cực của người đi thăm, thái độ hưởng ứng của người được thăm mà người thăm viếng biết có chuyện gì xảy ra, biết hoàn cảnh gia đình, tình trạng của từng người trong gia đình được thăm.

* Sau khi biết tình trạng của đối tượng được thăm viếng, bạn làm gì?

Tùy theo từng tình huống phải tìm phương án giải quyết nan đề của đối tượng. Tuy nhiên sau khi biết tình trạng của đối tượng, việc đầu tiên cần làm là trình ngay cho Chúa. Nói với người tổ trưởng, không tự ý giải quyết vấn đề, trình bày vấn đề với Chúa.

Trước khi có thể giúp đỡ đối tượng. Trong thực tế của chúng ta tiếp theo 'trình lên cho Chúa' là trình cho những nhân vật khác hoặc cấp cao hơn. Trình cho ai? Hội đoàn? Tổ chức? Tài chánh...

Thăm viếng tạo nên sự tương giao với nhau và với Chúa.

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 




Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

NGÀY 23 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(3)


3. ‘Đi thẳng đến nhà...’ 'vào nhà (Bản truyền thống)

-Giả sử bạn là Chúa Giê-xu, lên chương trình cho ngày Sa-bát, bạn sẽ ghi vào sổ tay những việc gì? (Căn cứ vào Mác 1:21-34)

Có phải như thế này không:

+Sáng: Đến Nhà Hội, giảng dạy.
+Trưa: Đến thăm gia đình Si-môn và Anh rê.
+Chiều: Nghỉ ngơi.

Như vậy thăm viếng

-Là một công việc được Chúa lên chương trình hẳn hoi. Đây không phải là chuyện đột xuất tùy hứng.

-Là việc quan trọng không kém những việc khác; không phải đi chơi, hoặc đi mua bán rồi tạt qua thăm viếng. ‘Vào Nhà Hội’ rồi, bây giờ ‘vào nhà Si-môn và Anh-rê’.

Có hai từ ngữ liên quan đến chữ ‘nhà’: ‘Nhà Hội’ và ‘nhà của ông Si-môn và Anh-rê (nhà riêng). Thăm viếng là ‘rời Nhà Hội’ để đến nhà riêng. Đây là việc cần làm, đến nhà này rồi đến nhà kia, cần dựa vào chương trình.

-Thực hiện liền, không trì hoãn. Đây là việc cần thực hiện liền sau khi rời Nhà Hội. Ưu tiên một là ‘vào Nhà Hội’, tiếp theo là ‘vào nhà Si-môn và Anh-rê’ chứ không phải là ‘vào nhà của mình’.

* Thảo luận:

-Trong kế hoạch của bạn có mục thăm viếng không?
-Thăm viếng ai? Đi thăm với ai?
-Đi thăm bao nhiêu lần? Bao nhiêu nhà trong tuần, trong tháng?

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

NGÀY 22 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(2)


2. ‘Và... cùng với...’

Mấy từ ngữ rất đơn giản nhưng bạn cần chú ý. Chẳng ai làm việc một mình. Cũng không nên lập ban thăm viếng mà chỉ có một người thực hiện công tác. Chúa Giê-xu nêu gương cho chúng ta trong mục vụ cùng làm việc với nhau. Chúa không giảng dạy một mình, không chữa bệnh một mình, cũng không đi thăm viếng một mình. Chúa cùng các môn đệ, với ông Gia-cơ và ông Giăng là một ban thăm viếng.

Nhiều người cho rằng ban thăm viếng của Chúa sao mà đông thế! Thật ra trường hợp này là một mục trong chương trình huấn luyện của Chúa. Chúa muốn các môn đệ đi theo Ngài và học nơi Ngài về mọi lãnh vực, trong đó có vấn đề thăm viếng. Ngoài ra có lẽ hai anh em Si-môn và Anh-rê đã mời nên tất cả ban thăm viếng đến nhà của họ.

* Thảo luận:
-Nên cùng với người khác đi thăm viếng. Vì sao?
-Không nên một mình đi thăm viếng. Vì sao?
-Bạn đi thăm viếng với ai?
Tôi ______________ (tên của bạn) với ______________ (tên) và _______________ (tên)
đi thăm _______________ (tên)?

Câu sau đây có khiến bạn nghĩ ngợi không? Chúa và các môn đệ cùng với ông Gia-cơ và ông Giăng đi thẳng đến nhà ông Si-môn và ông Anh-rê. Vì sao nêu tên ông Gia-cơ và ông Giăng cùng đi với nhóm các môn đệ?

Nếu xưa kia Chúa Giê-xu và các môn đệ cùng với ông Gia-cơ và ông Giăng đi thăm gia đình ông Si-môn và Anh-rê thì hôm nay: Bạn và Chúa Giê-xu cùng với bạn của A đi thăm A. Nếu bạn đi thăm viếng mà không có Chúa Giê-xu đi cùng thì không khác chi người chưa tin Chúa vì họ cũng biết đi thăm viếng. Nếu bạn cùng với bạn của A đi thăm A mà không có Chúa Giê-xu đi cùng thì không khác chi người chưa tin Chúa vì họ cũng làm như vậy, họ rủ bạn bè đi thăm nhau. Bạn cần mời Chúa Giê-xu cùng với bạn đi thăm viếng ai đó. Cùng đi với bạn cũng cần có người quen biết đối tượng bạn muốn thăm viếng.

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

NGÀY 21 THÁNG 8. THĂM VIẾNG(1)


29 Rời Nhà Hội, Chúa và các môn đệ cùng với ông Gia-cơ và ông Giăng đi thẳng đến nhà ông Si-môn và ông Anh-rê.        
30 Lúc bấy giờ bà gia của ông Si-môn đang bị sốt, nằm trên giường; họ trình ngay cho Ngài về bệnh tình của bà cụ.          
31 Chúa bước đến, cầm tay đỡ bà cụ dậy; bà cụ hết sốt ngay và lo chiêu đãi khách. (Mác 1:29-31)

* Gợi ý:

- Có bao giờ bạn đi thăm viếng củng cố niềm tin của tín hữu nào chưa? Bạn thực hiện cuộc thăm viếng như thế nào? Ghi lại trình tự và kinh nghiệm của bạn.

- Gạch dưới những từ ngữ trong đoạn Kinh Thánh mà bạn cho rằng có thể giúp bạn rút ra những nguyên tắc cho việc thăm viếng và chăm sóc.

1. ‘Rời’. Vừa ở Nhà Hội ra (Bản Truyền Thống)
Theo bạn động từ này có quan trọng không?

-Chúa rời Nhà Hội (ra khỏi Nhà Hội), rời khỏi nơi thờ phượng  chung của cộng đồng, rời công tác ở nơi đông người (giảng dạy, rời công tác chữa bệnh). Công tác phục vụ và củng cố niềm tin không phải chỉ quanh quẩn ở Nhà Hội hoặc Nhà Thờ. Cần rời nơi đó, ra khỏi nơi đó để đi đến những nơi khác. (Gia đình, học đường, chỗ làm việc, nhà người khác,...)

-‘Rời’ không có nghĩa là đang làm việc dở dang nửa chừng rồi bỏ đi. Nhiều người nhận đủ loại công tác, việc nào cũng nhúng tay vào nhưng không hoàn tất việc nào cả. Thí dụ: dạy Kinh Thánh chập chờn, thường trễ giờ hoặc vắng mặt, nhưng ôm thêm việc thăm viếng. Đến nhà thờ để củng cố niềm tin của mình thì chuyện trò lung tung trong giờ thờ phượng, rồi cũng 'rời' nơi đó đi gây dựng đức tin cho người khác.

-‘Rời’ cũng không có nghĩa là trốn tránh việc này đi làm việc kia. Tránh ban truyền giảng nên gia nhập ban thăm viếng. Trốn dạy lớp Kinh Thánh nên đi thăm viếng. Rời khỏi ban ngành này chạy vào ban ngành kia.

-Khi xong việc, hoàn tất công việc mới ‘rời’. Chúa Giê-xu thực hiện xong công tác tại Nhà Hội nên Ngài ‘rời’ nơi đó để thực hiện một công việc khác, đó là đi thăm viếng.

Như vậy, công việc thăm viếng chăm sóc là sự nối tiếp của những công tác khác. Truyền giảng rồi cần đi thăm viếng. Giảng dạy rồi cũng cần đi thăm viếng. Chữa bệnh rồi cũng cần đi thăm viếng.

Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

NGÀY 20 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(7)


7. Xa con mãi mãi

* Gợi ý: Các bà mẹ muốn xa con theo cách nào?
Xa con là chuyện đương nhiên phải xảy ra vì như chim con khi đủ lông đủ cánh thì bay ra khỏi tổ. Con cái khi lớn lên, trưởng thành thì cũng sẽ ‘lìa’ cha mẹ.  Thế nhưng, vì cớ những sự việc bà Rê-bê-ca gây ra, ngoài cảnh huynh đệ tương tàn, bà phải xa Gia-cốp mãi mãi. Bà nói với cậu con yêu quý rằng: “Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ biểu con về.” (27:45) Người gây ra mọi chuyện nay lại bảo đó là ‘việc con gây nên với nó’. Bà hy vọng rằng một ngày nào đó bà sẽ nhắn con trở về. Bà Rê-bê-ca không biết rằng Gia-cốp phải xa nhà trong 20 năm và bà không bao giờ gặp lại Gia-cốp nữa.

Phải xa con trong khi con chưa lập gia đình là nỗi đau của bà Rê-bê-ca. Bây giờ bà phải gần đứa con mà bà không yêu thương cho lắm. Phải nhớ nhung, lo lắng cho đứa con bà thương yêu. Có lẽ bà Rê-bê-ca phải dành thì giờ để cầu nguyện với Chúa; phải hạ mình xin lỗi chồng và con; phải dành nhiều thì giờ chuyện trò, cảm thông với chồng, với con. Những năm tháng xa mẹ làm cho Gia-cốp trở thành người biết nhờ cậy Chúa và trưởng thành hơn. Chúng ta cũng hy vọng những năm tháng xa con có thể làm cho bà mẹ Rê-bê-ca trưởng thành hơn trong vai trò làm vợ, làm mẹ và trong niềm tin.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

NGÀY 19 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(6)


6. Mẹ nào con nấy

Trong vụ ông Gia-cốp cướp phước lành của ông Ê-sau, bà Rê-bê-ca giữ vai trò chủ động và chính yếu. Dường như bà đã sắp đặt mọi chuyện. Trong diễn biến của vụ việc, chúng ta thấy bà Rê-bê-ca là người hướng dẫn cho ông Gia-cốp làm điều dối trá. Thậm chí bà sẵn sàng chịu rủa sả nếu cơ mưu bị bại lộ. (27:13) Nói ra có vẻ thương con, nhưng thương như vậy thì thật là sai lầm.

Vì thương con, mong con nhận được lời chúc phước mà bà Rê-bê-ca đã đẩy con từ sự dối trá này sang sự dối trá khác.

(1)Ông Gia-cốp nói dối về tên của mình, nói cách khác ông mạo nhận là trưởng nam. (27:19a)

(2)Ông nói mình đã làm theo lời cha dặn biểu. (27:19b)

(3)Ông nói dối về thức ăn. Thịt dê mà dám nói là ‘thịt săn của con’. (27:19c)

(4)Ông dám gán ghép Chúa vào lời nói dối của mình: nhờ Chúa mà ông nhanh chóng trở về. (27:20)

(5)Khi ông I-sác nghi ngờ và rờ vào Gia-cốp, ông tiếp tục xác nhận ông chính là Ê-sau. (27:24)

(6)Khi được bảo đến gần và hôn cha, Gia-cốp dùng cái hôn giả dối để hôn cha. (27:27) Dối trá sinh dối trá. 

Có bậc cha mẹ nào dạy con mình nói dối không? Dù chúng ta trả lời là "Không bao giờ!" nhưng vì muốn ý riêng của mình được kết quả chúng ta có thể đẩy con mình vào thế dối trá nhiều lần.

Chân thật phải trở thành đức tánh của các thành viên trong gia đình. Mọi người cần phải loại bỏ những mưu mô, những toan tính riêng tư. Cần thay thế bằng sự chân thật, chân thành giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái.

Ngoài ra, cha mẹ phải tin nơi quyền tể trị của Chúa. Bà Rê-bê-ca có đức tin nơi Chúa, nhưng bà không tin nơi quyền và sự tể trị của Chúa. Bà nghĩ rằng sẽ quá trễ nếu bà không ra tay ngay. Trước kia bà cầu nguyện, tin cậy và chờ đợi trong tinh thần thuận phục. Giờ đây, chẳng rõ bà còn nhớ đến việc cầu nguyện hay không? Rõ ràng là bà không chờ đợi mà còn ra tay thực hiện gấp việc của Chúa chứ không phải là việc của bà.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

NGÀY 18 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(5)


5. Nội trợ giỏi giang

* Gợi ý:
  • Mẹ của bạn nấu món ăn gì ngon nhất?
  • Các bà mẹ nấu những món ăn gì cho gia đình mình?

Bà Rê-bê-ca là người nội trợ giỏi giang. Nhờ đâu chúng ta biết bà Rê-bê-ca nấu ăn ngon? Vì bà có thể nấu món thịt dê con mà khi ăn ông I-sác tưởng là thịt rừng. Bà cũng là người dạy cho Gia-cốp nấu nướng. Gia-cốp nấu ăn cũng không đến nỗi tệ, vì có thể kích thích bao tử của Ê-sau.
Nấu ăn ngon là lợi thế của các bà, các cô khi làm vợ, làm mẹ. Chồng con sẽ rất tự hào về những món ăn do các bà đích thân trổ tài. Cho nên có thể nói nấu ăn ngon là đặc điểm của người mẹ. Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu ngon ở đây là ngon trong phạm vi gia đình. Như trong cảnh nghèo khó của vợ chồng trong câu ca dao này:

Ruột bầu nấu với râu tôm,
Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon.

Không rõ công thức nấu dê con thành thịt rừng có bị thất truyền hay không. Nếu có thì các bà, các cô cũng nên học ở bà Rê-bê-ca để các ông chồng và con cái có thể thưởng thức tài nấu nướng của các bà, các cô.

Sai trật của bà Rê-bê-ca là bà lợi dụng thế mạnh của bà trong tài nấu nướng để lừa gạt chồng. Dùng món ăn để lừa gạt chồng là điều chẳng nên làm. Gia-cốp từng dùng món canh phạn đậu để mua quyền trưởng nam của anh. Bây giờ trầm trọng hơn nữa là bà Rê-bê-ca trong tư cách là vợ, là mẹ lại âm mưu với con dùng món ăn để gạt chồng, hớt tay trên của con. Làm như vậy chẳng khác gì hạ thấp giá trị của chồng trước mặt con cái và hạ thấp giá trị của chính mình đối với chồng và con cái. Các bà mẹ và các bà vợ nên tránh xa lối hành xử này.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

NGÀY 17 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(4)


4. Người mẹ quán xuyến việc nhà

Một trong những điểm quan trọng của người mẹ đó là quán xuyến mọi việc trong gia đình. Bà Rê-bê-ca cũng có đặc điểm này. Bà là người nắm rõ tình hình trong nhà. Đây là điều tốt. Tuy nhiên phương pháp bà Rê-bê-ca dùng để nắm rõ tình hình trong nhà thì có thể sai lầm. Trường hợp ông I-sác nói chuyện với ông Ê-sau mà bà Rê-bê-ca vô tình nghe được, hoặc nghe một cách khách quan thì chúng ta không nói đến. Nhưng nếu bà tìm cách nghe lén hoặc nghe trộm thì lại là vấn đề khác. Giữa bà Rê-bê-ca với ông I-sác phải chăng không thể trao đổi, không còn nói chuyện với nhau được nữa. Nếu còn chuyện trò với nhau thì làm gì có chuyện vợ phải đi nghe lén xem chồng mình nói gì với con cái. Phải chăng hai vợ chồng không còn tin tưởng nhau?

Ông I-sác nói với Ê-sau rằng: “Này, cha đã già, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tuỳ theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.” Nếu các bà ở trong vị trí của bà Rê-bê-ca thì các bà sẽ làm gì?

Sau khi nghe chồng mình nói với Ê-sau như vậy bà Rê-bê-ca giải quyết vấn đề theo mưu kế của bà. Qua việc giúp ông Gia-cốp gạt cha, bà làm cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng già trở nên tệ hại hơn.

Bà Rê-bê-ca không đồng ý với ông I-sác, chẳng phải vì về chuyện ông thèm ăn thịt rừng, mà là chuyện chúc phước cho Ê-sau. (1)Ông I-sác biết Ê-sau khinh quyền trưởng nam và đã bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. (2)Ông I-sác cũng biết lời Chúa nói ‘đứa lớn phải phục đứa nhỏ’. (3)Ông I-sác cũng biết Ê-sau không vâng lời cha mẹ và đã lập gia đình với người không cùng niềm tin. Thế mà ông vẫn muốn chúc phước cho Ê-sau. Đối với một ông chồng như vậy, các bà vợ sẽ làm gì? Có cách nào khác hơn cách của bà Rê-bê-ca không?

Đúng ra điều bà Rê-bê-ca nên làm là dành thì giờ nói chuyện với chồng, nói với chồng điều mình tin, thuyết phục chồng thay đổi ý định... Biết đâu ông I-sác sẽ thay đổi ý định. Có lẽ bà Rê-bê-ca quá yêu thương Gia-cốp, hoặc bà cho rằng chồng già gàn dở nên bà lập mưu với Gia-cốp để gạt ông I-sác.

Thử tưởng tượng sau khi ông I-sác lỡ ăn món Gia-cốp bưng lên, lỡ chúc phước cho Gia-cốp thì nội vụ đổ bể, bà Rê-bê-ca nói năng ra sao với chồng, Ê-sau nhìn mẹ mình như thế nào? Thật rắc rối. Người tin nơi lời của Chúa mà thực hiện ý muốn của Chúa theo ý đồ không minh bạch của mình sẽ gặp nhiều rắc rối trong cuộc đời.

Một người mẹ có đức tin nơi Chúa cũng cần có sự kính sợ Chúa, cần đối xử tốt với chồng, với con để tiếp tục yêu chồng, để các con có thể yêu thương và kính trọng. Nhiều người mẹ chơi hụi, làm ăn buôn bán, giao dịch, chẳng thèm hỏi ý chồng (chỉ hỏi ý Chúa thôi!?!?). Sau đó những chuyện không vui, không đẹp hoặc mất mát tiền bạc khiến gia đình rạn nứt, các thành viên chia rẽ nhau.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

NGÀY 16 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(3)


3. Đau khổ của mẹ

Chẳng có người mẹ (và cha) nào không khổ tâm về đời sống của con cái khi chúng lớn lên: Từ chuyện học hành, đến chuyện bạn bè, mối liên hệ nam nữ, nhất là chuyện tình cảm và hôn nhân con cái. Con cái có thể gây nhiều đau khổ cho cha mẹ trong vấn đề tình cảm và hôn nhân. Các ông cha thì la rầy, quát tháo, còn các bà mẹ thì khổ tâm, chịu đựng và khóc lóc. 

Việc Ê-sau khinh quyền trưởng nam không làm cho ông I-sác bà Rê-bê-ca buồn khổ bằng chuyện ông lập gia đình. Khi Ê-sau bốn mươi tuổi, cưới Giu-đít, con gái của Bê-ê-ri, người Hê-tít; và Bách-mát, con gái của Ê-lôn, cũng người Hê-tít. Hai dâu đó là một sự cay đắng lòng cho I-sác và Rê-bê-ca (26:34-35). Ông Ê-sau không phải là người không biết ý muốn của Chúa và ý định của cha mẹ trong việc ông nên lập gia đình với ai và không nên lập gia đình với ai. Tuy nhiên ông Ê-sau chỉ thấy những cô gái Ca-na-an ngay trước mắt; ông không có đức tin và không muốn đi tìm vợ ở tận quê hương xa xôi là Pha-đan A-ram.

Chẳng những làm cha mẹ buồn khổ, ông Ê-sau còn chọc giận cha mẹ và làm cho cha mẹ buồn khổ hơn nữa. Ê-sau thấy I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp, và sai đi qua xứ Pha-đan A-ram đặng cưới vợ; và trong lúc đương chúc phước có dặn rằng: Chớ cưới vợ trong đám con gái Ca-na-an; lại thấy Gia-cốp vâng lời cha mẹ đi qua xứ Pha-đan A-ram, thì biết bọn con gái Ca-na-an không vừa ý I-sác; nên người bèn đi đến nhà Ích-ma-ên (ngoài hai người vợ đã có rồi) cưới thêm nàng Ma-ha-lát, con gái của Ích-ma-ên, cháu nội của Áp-ra-ham và em của Nê-ba-giốt (28:6-9). Ông Ê-sau thích làm ngược lại với những điều cha mẹ dạy bảo. Trong phương diện anh em, ông hoàn toàn tương phản với em mình. Nếu em vâng lời thì ông sẽ làm điều ngược lại. Nếu em ông thuộc linh thì ông sẽ tỏ ra xác thịt.

Ở đây chúng ta thấy hai hình ảnh trái ngược nhau của hai người con: người vâng lời và người không vâng lời. Vâng lời chẳng những bản thân được phước, cha mẹ vui lòng mà Đức Chúa Trời cũng vui lòng. Chắc chắn ông I-sác và bà Rê-bê-ca đã dạy dỗ cả hai cậu con về vấn đề hôn nhân, nhưng khi con cái không chịu vâng lời thì biết thế nào?

Những người làm con cần chú ý đến điều này. Các quyết định của bạn, nhất là quyết định lập gia đình có thể làm cho cha mẹ vui lòng mãn nguyện hoặc cũng có thể làm cho cha mẹ đau lòng xót dạ.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

NGÀY 15 THÁNG 8. RÊ-BÊ-CA(2)



2. Tình yêu thương của mẹ

* Gợi ý:
  • Sau nhiều năm chờ đợi, Chúa cho hai đứa con trai, các bà sẽ thương yêu đứa nào?
  • Khi lớn lên có đứa ngoan, đứa hư, các bà sẽ thương đứa nào?
Sau nhiều năm chờ đợi mới có hai đứa con trai, chắc chắn hai vợ chồng đều thương yêu các con của mình như nhau. Tuy nhiên khi Ê-sau và Gia-cốp lớn lên thì tình yêu thương của hai vợ chồng đã bị thiên lệch. I-sác yêu thương Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu thương Gia-cốp (25:28). Cả cha lẫn mẹ đều yêu thương con cái, nhưng ‘tình yêu vì’ đã làm cho gia đình chia phe. Chính vì thiếu sự công bình trong tình yêu thương mà gia đình ông I-sác bị chia rẽ. Tình yêu thương chia gia đình ra làm hai phe. Nếu ông I-sác vì miếng ăn mà thương yêu Ê-sau thì bà Rê-bê-ca cũng có những lý do khác để yêu thương Gia-cốp. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái mà căn cứ vào đủ loại lý do thì có còn là tình yêu thương đích thực không?

Các bà mẹ thương yêu con vì cớ gì? Khi con còn nhỏ tuổi, các bà dễ trả lời câu hỏi này: "Vì sinh ra nó nên yêu thương nó." Nhưng khi con cái lớn lên tình yêu thương chúng ta không còn như xưa nữa, chẳng những vì chúng là con nhưng còn vì những lý do khác nữa. Có nhiều bà mẹ yêu thương con vì thấy con hợp với mình, hoặc ngoan ngoãn, hoặc thường xuyên giúp đỡ, hoặc đem tiền về cho gia đình, hoặc biết vâng lời cha mẹ hơn đứa kia, hoặc yêu mến Chúa hơn đứa kia. Thật ra chúng ta phải yêu thương con cái vì cớ con là con chứ không vì bất cứ lý do nào hết. Hơn nữa, lẽ ra chúng ta phải yêu thương người con kém cỏi hơn, tội lỗi hơn, hư hỏng hơn.

Bà Rê-bê-ca có lẽ yêu thương Gia-cốp hơn vì bà biết tương lai của Gia-cốp có nhiều hứa hẹn hơn Ê-sau. Bà không dành thì giờ cho Ê-sau, dù Ê-sau cũng là con. Thương yêu Gia-cốp theo cách của Rê-bê-ca đã vô tình loại bỏ Ê-sau khỏi tình mẫu tử và làm cho I-sác và Ê-sau trở thành phe đối địch trong gia đình. Ông Ê-sau khó nhận định về tình yêu thương của mẹ dành cho ông. Các bà mẹ hãy xét lại tình yêu thương dành cho con cái.

Có câu chuyện cổ Ấn Độ kể về tình yêu. Cô gái nói với người mình yêu: Anh có thật lòng yêu em không? Nếu thật lòng yêu em anh hãy tặng em trái tim của mẹ anh. Để làm vui lòng người yêu, chàng trai phi ngựa về nhà, trong đêm đó giết mẹ, lấy tim mẹ bỏ vào cái hộp, rồi vội vã phi ngựa đến nhà người yêu. Trên đường ngựa vấp ngã nên người một nơi, tim của mẹ một nẻo. Chàng trai lồm cồm bò dậy tìm trái tim của mẹ. Trong bóng tối chàng thấy ánh sáng trái tim của mẹ: “Con ơi, con té có đau không?”

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)