Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

NGÀY 30 THÁNG 11. NGƯỜI MẸ THẬT(4)


Làm thế nào để biết ai là người mẹ thật của đứa bé?

Sau khi nghe hai người mẹ trình bày, vua không tra hỏi về việc bất cẩn của họ. Cả hai người mẹ đều ngủ. Chúa Giê-xu kể Ẩn dụ Mười Trinh Nữ, Chúa cho biết: "Vì chú rể đến trễ, nên tất cả đều ngủ gật rồi thiếp đi. (Ma-thi-ơ 25:5) Tất cả đều bất toàn, tất cả đều bất cẩn. Vua làm gì? Vua Sa-lô-môn truyền lệnh đem ra một thanh gươm và dùng thanh gươm đó để thực hiện một cuộc trắc nghiệm. Chúng ta có thể xem đó là cuộc trắc nghiệm về “tình yêu thương”. Vua bảo: “Người nào cũng nhất định đứa sống là con mình, đứa chết là con người kia. Thế thì, đem cho ta một thanh gươm!” Cuộc trắc nghiệm của vua bắt đầu bằng lệnh: “Hãy chia đứa trẻ sống làm hai; phân nửa cho người nầy và phân nửa cho người kia.” (Câu 25)

Thấy con của mình sắp bị sát hại, người mẹ thật đã làm gì và nói gì?

-Người mẹ thật của đứa bé còn sống, thương xót con mình, vội vàng nói: “Xin hãy cho người kia con trẻ sống, chớ giết nó” (Câu 26a) còn người mẹ giả coi con người như một loại đồ vật để chia chác, không quan tâm đến sự sống của đứa trẻ, không cần sở hữu một đứa trẻ sống khi nói rằng: “Nó sẽ chẳng thuộc về tao, cũng chẳng thuộc về mầy; hãy chia nó đi!” (Câu 26b)

-Câu nói của người mẹ thật là câu nói của người

  • Không muốn từ chỗ bất cẩn thành bất nhẫn.
  • Xem sự sống của con người là quan trọng nhất. Không coi con mình như một loại đồ vật.
  • Tìm cách để cho con mình được sống. Không muốn con mình bị chết.
Tình cảm của người mẹ không phải chỉ dừng lại ở lòng thương yêu mà còn bày tỏ qua việc tích cực bảo vệ mạng sống của con mình. Hành động tích cực ở đây không phải là hy sinh mạng sống cho con, nhưng

  • Chấp nhận bị hiểu lầm là người nói dối.
  • Chấp nhận mất con.
  • Chấp nhận mất niềm vui nuôi dạy và sống với con.
  • Chấp nhận mất hy vọng mai sau nhờ cậy con.
  • Chấp nhận mất niềm tự hào làm mẹ của một người con trai.
  • Chấp nhận tất cả để con mình được sống.
Khi nói: “Xin hãy cho người kia con trẻ sống, chớ giết nó.” Người mẹ thật không muốn mình từ một người bất cẩn trở thành người bất nhẫn, người mẹ muốn trước hết con mình phải sống. Phải làm cách nào để cho đứa trẻ sống là điều quan trọng nhất của người mẹ thật.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

NGÀY 29 THÁNG 11. NGƯỜI MẸ THẬT(3)


Hai người mẹ đều có điểm giống nhau

  • Cả hai đều ở trong một ngôi nhà.
  • Cả hai đều có con.
  • Cả hai đều ngủ say.
  • Cả hai đều bất cẩn. Việc bất cẩn dẫn đến hậu quả là một người đè chết con của mình, còn một người bị tráo con mà không biết.
  • Cả hai đều đứng trước mặt vua Sa-lô-môn. (Chịu phân xử)
Điểm khác biệt giữa hai người mẹ bất cẩn căn cứ vào mấy câu nói của họ trong câu 20 và câu 26b:

“Nửa đêm, lúc tôi đang ngủ cạnh con trai tôi, chị ấy dậy ẵm con tôi đi, tráo đứa con trai chết của chị ấy vào.” (Câu 20)

“Nó không thuộc về tôi, cũng không thuộc về chị. Cứ chia đôi nó đi!” (Câu 26b)

-Dù cả hai đều bất cẩn nhưng một trong người mẹ bất cẩn đè chết con mình lại là người bất nhân khi đánh tráo con người ta để làm con của mình. (Câu 20) Người mẹ ngủ say đè chết con không chấp nhận sự thật về mình và về con của mình. Không muốn mang tiếng bất cẩn cho nên trở thành bất nhân. Không thừa nhận sự thật con mình đã chết nên tìm cách giành lấy đứa sống làm con của mình và đẩy đứa chết làm con người ta. 

-Người mẹ bất cẩn đè chết con mình chẳng những là người bất nhân khi đánh tráo con người ta làm con của mình mà còn là người bất nhẫn khi sẵn sàng để cho người ta xẻ em bé còn sống ra làm hai. “Nó sẽ chẳng thuộc về tao, cũng chẳng thuộc về mày; hãy chia nó đi.” (Câu 26b)

Người mẹ “giả” (“không thật”) trong chuyện là người mẹ 3B (3BẤT). Từ bất cẩn: câu 19 (đè con) trở thành bất nhân: câu 20 (đánh tráo con người ta) đến bất nhẫn: câu 26 (để cho em bé còn sống bị sát hại).

Là "người mẹ thuộc linh", trong khi nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của người khác, vì bất cẩn có thể bạn vô tình gây tổn hại hoặc làm thất lạc những "em bé" trong Hội thánh. Hãy cẩn thận vì "người mẹ thuộc linh" bất cẩn có thể trở thành "người mẹ thuộc linh" bất nhân và bất nhẫn. Sai lầm này có thể dẫn đến sai lầm khác.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

NGÀY 28 THÁNG 11. NGƯỜI MẸ THẬT(2 )


- Hai đứa con là hình ảnh của trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc.

- Hai người mẹ là hình ảnh những người chăm sóc trẻ.

- Vua Sa-lô-môn là hình ảnh người lãnh đạo, người phán xử.

- Người cầm gươm là hình ảnh của công lý.

Có thể bạn chọn làm một trong hai đứa bé, tức là bạn chọn làm ấu nhi, cần có người chăm sóc, bảo vệ. Bạn chẳng có trách nhiệm gì cả. Sống hoặc chết không do bạn, ở với mẹ hoặc bị bắt đi ở với người khác bạn cũng chẳng nhận biết. Vì sao hai em bé, một bé bị đè chết, một bé bị đánh tráo? Chúng ta không thể nói vì chúng ngủ say hoặc vì chúng không lo tự bảo vệ nên cơ sự mới như thế. Là người chăm sóc (giáo viên dạy Kinh Thánh, người chăm sóc tân tín hữu, hướng dẫn các ban ngành...) bạn không thể chọn làm một trong hai bé sơ sinh trong chuyện này được.

Có thể bạn chọn làm một trong hai người mẹ trong chuyện. Bạn nhận mình là người chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bạn nhận vai trò là "người mẹ thuộc linh". Tất nhiên bạn chẳng muốn chọn làm người mẹ đè chết con. Thế là bạn đành phải làm người mẹ mất con.

Cũng có thể bạn chọn làm vua Sa-lô-môn. Chắc bạn tưởng chọn làm vua là an toàn và sung sướng ngồi trên ngai? Không phải vậy. Khi chọn làm vua tức là bạn làm người lãnh đạo ban ngành trong Hội thánh. Sẽ có những "người mẹ" đến gặp bạn để kiện nhau và cãi nhau: “Đứa chết là con của chị, còn đứa sống là con của tôi!” Là người lãnh đạo thuộc linh, đôi khi bạn tự hỏi làm thế nào để nhận biết ai là “mẹ thật” của những đời sống non trẻ trong Hội thánh? Thậm chí, bản thân mỗi người đang nuôi nấng, chăm sóc đời sống tâm linh của người khác cũng cần tự hỏi mình có phải là “mẹ thật” không?

Chắc chắn Chúa biết ai là "mẹ thật", vì Kinh Thánh chép:

Con mắt Đức Gia-vê ở khắp mọi nơi,
Xem xét kẻ gian ác và người lương thiện.
(Châm Ngôn 15:3)

Con người chỉ nhìn thấy bề ngoài còn Đức Gia-vê nhìn thấy trong lòng. (I Sa-mu-ên 16:7) Đúng là Chúa biết tất cả. Thế nhưng hai người mẹ đến trước mặt vua Sa-lô-môn, xin vua phân xử xem ai là mẹ của đứa bé bị đè chết, ai là mẹ của đứa bé còn sống. Chắc chắn hai bà mẹ đều tự biết họ là người mẹ của đứa bé nào. Vì không có nhân chứng và bằng chứng cho nên thật giả chưa được phơi bày. Còn vua Sa-lô-môn, trong vai trò người lãnh đạo, làm cách nào để biết ai là "mẹ thật'.

(Còn tiếp)

XuânThu 

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

NGÀY 27 THÁNG 11. NGƯỜI MẸ THẬT(1)


16 Bấy giờ, có hai gái mại dâm đến đứng chầu trước mặt vua. 17 Một người nói: “Tâu bệ hạ, tôi và người đàn bà này ở chung một nhà. Tôi sinh được một đứa con trai trong lúc chị ấy đang ở nhà với tôi. 18 Ngày thứ ba sau khi tôi sinh con thì người đàn bà này cũng sinh con. Chúng tôi ở chung với nhau, không có một người lạ nào ở với chúng tôi trong nhà, mà chỉ có hai chúng tôi thôi. 19 Đêm nọ, con trai của người đàn bà này chết, vì chị ấy đã nằm đè lên nó. 20 Giữa đêm khuya, trong khi tớ gái bệ hạ đang ngủ, thì chị ấy thức dậy, bế đi con trai tôi đang ở bên cạnh tôi và đặt nằm trong lòng mình, rồi chị đặt đứa con trai đã chết của mình nằm trong lòng tôi. 21 Đến sáng, khi tôi thức dậy cho con bú thì thấy nó đã chết! Nhưng khi trời sáng, tôi nhìn kỹ thì thấy nó chẳng phải là đứa con mà tôi đã sinh.” 22 Người đàn bà kia trả lời: “Không! Đứa sống là con của tôi, còn đứa chết là con của chị." Nhưng người này lại nói: “Không! Đứa chết là con của chị, còn đứa sống là con của tôi.”

Họ cãi nhau như vậy trước mặt vua. 23 Bấy giờ vua phán: “Người này nói: ‘Đứa sống là con của tôi, còn đứa chết là con của chị.’ Người kia nói: ‘Không! Đứa chết là con của chị, còn đứa sống là con của tôi.’” 24 Rồi vua truyền: “Hãy đem cho ta một thanh gươm.” Người ta đem cho vua một thanh gươm. 25 Vua ra lệnh: “Hãy chặt đứa bé còn sống ra làm hai, rồi cho người này một nửa và cho người kia một nửa.” 26 Người đàn bà có đứa con còn sống rất xúc động vì thương con mình liền tâu với vua: “Ôi, chúa tôi! Hãy cho chị ấy đứa trẻ còn sống, xin đừng giết nó.” Nhưng người kia nói: “Nó sẽ chẳng thuộc về tôi, cũng chẳng thuộc về chị, cứ chia đôi nó đi!” 27 Bấy giờ, vua phán quyết: “Hãy trao đứa bé còn sống cho người đàn bà nói trước, và đừng giết nó vì bà ấy chính là mẹ nó.” 28 Toàn dân I-sơ-ra-ên nghe việc phân xử và phán quyết của vua đều rất kính phục vua, vì họ thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban cho vua sự khôn ngoan để thực thi công lý. (1Các Vua 3:16-28)

Bạn muốn làm nhân vật nào trong chuyện trên? Vì sao chọn nhân vật đó?

     [  ] Em bé bị đè chết
     [  ] Em bé bị đánh cắp
     [  ] Người mẹ đè chết con
     [  ] Người mẹ mất con
     [  ] Vua Sa-lô-môn
     [  ] Người cầm gươm

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

NGÀY 26 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (5)


Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-xu.

(Sau đó, ông Anh-rê đưa anh mình đến gặp Chúa Giê-xu.)

‘Dẫn đến’, ‘đưa đến’ trước hết cho thấy làm chứng cho người thân không chấm dứt ở khâu nói bằng lời. Bạn nên nhớ rằng không có chỗ dừng sau khi bạn nói sứ điệp Phúc Âm. Bạn cần sẵn sàng thực hiện những công tác tiếp theo. Bạn sẽ tốn thời gian hơn, tốn công sức hơn. Lúc đó có thể bạn nghĩ: Té ra nói dễ hơn, còn dẫn đưa người thân đến gặp Chúa, để họ có thể đối diện và nói chuyện với Chúa là chuyện khó hơn.

Người làm chứng cho người thân cần biết rằng đây là công việc lâu dài cần sự kiên trì.

Nhiều người chỉ nói cho người thân nghe trải nghiệm của mình, rồi dừng ở đó, mà quên giúp người thân gặp đối tượng mà mình giới thiệu là Chúa Giê-xu. Mục tiêu của lời làm chứng là làm sao khích lệ, dẫn dắt người thân đến chỗ gặp Chúa, nghe Chúa nói với họ và rồi tự họ quyết định theo Chúa.

Khi con người đã gặp Chúa rồi thì chúng ta không cần ép họ tin. Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép tin!
Ông Anh-rê dẫn anh mình đến gặp Chúa chứng tỏ lời làm chứng của ông có hiệu quả. Hiệu quả ở điểm anh Si-môn sẵn lòng đi gặp Chúa để tìm hiểu thêm. Trong khi chúng ta làm chứng hoặc truyền giảng việc tìm hiểu thêm của thân hữu được xem như tiếng thở dài vì tưởng là thất bại. Chúng ta muốn người thân phải tin Chúa ngay. Thậm chí Chúa Giê-xu cũng không đòi hỏi như vậy.

Ông Anh-rê không nói: Bộ anh không tin em sao? Em không đủ sức thuyết phục anh sao? Nhưng ông sẵn lòng đưa anh mình đến gặp Chúa. Khi bạn làm chứng cho người thân, có người lớn tuổi hơn bạn, có người ngang hàng với bạn, có người nhỏ tuổi hơn bạn. Với mỗi đối tượng bạn cần có những cách thức khác nhau, nhưng đối với mọi trường hợp bạn đều phải kiên trì, nhịn nhục và thân thiện.

Ông Anh-rê làm chứng cho anh mình là ông Si-môn. Về sau ông Si-môn trở thành nhân vật nổi tiếng thu hút nhiều người. Còn ông Anh-rê chỉ là cái bóng của ông anh mình. Chẳng phải như vậy là ông Anh-rê kém cỏi hơn ông Si-môn. Nhưng sự kiện đó cho chúng ta thấy có thể không bao giờ có một Phi-e-rơ nếu khởi đầu không có Anh-rê làm chứng. Bạn có sẵn sàng làm một Anh-rê không?

Suy ngẫm

1. Vì sao bạn chưa thể làm chứng cho người thân? (Vì chưa có trải nghiệm về Chúa. Vì sợ hãi. Vì chưa có mối liên hệ….)

2. Bạn hãy thành thật nhận diện nguyên nhân. Vì sao bạn ‘ngậm miệng’ đối với những người thân. Bạn có thể thay đổi bằng cách nào?

3. Nếu bạn đã làm chứng cho người thân rồi. Bạn có nghĩ như vậy là xong trách nhiệm không? Bạn cần làm gì để đưa người thân đến gặp Chúa? Cụ thể.

XuânThu



Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGÀY 25 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (4)



Người gặp anh mình … thì nói

(Đi tìm anh mình. Rồi kể…)

Ông Anh-rê đi tìm một người, đó là anh Si-môn của mình để làm chứng. Ngoài việc có liên hệ thân thuộc với ông Si-môn, ông Anh-rê cũng cần có liên hệ truyền thông để trò chuyện. Em nói anh nghe, anh nói em nghe. Muốn như vậy hai người phải dành thì giờ cho nhau.

Sau khi đã có và đã thiết lập mối liên hệ, bạn dành bao nhiêu thời gian để đi tìm, để gặp và để trò chuyện với một người thân. Mối liên hệ thân thiết của bạn với người thân trước khi làm chứng là yếu tố rất quan trọng. Ngày nay, ngay cả trong việc kinh doanh, người ta chú ý đến việc hình thành nhóm khách hàng thân thiết trong việc tiêu thụ hàng hoá. Khi đã thân thiết rồi thì rất dễ truyền thông, quảng cáo và bán hàng.

Rất khó cho chúng ta nói về Chúa cho người thân nếu lâu nay chúng ta liên hệ lỏng lẻo với họ. Không thể nào đột nhiên đến nói với họ ba điều bốn chuyện về Phúc Âm cho xong trách nhiệm rồi lại lãnh đạm với họ như xưa. Bạn không thể làm chứng cho người thân theo kiểu nhân viên đi tiếp thị dầu gội đầu. Họ chẳng cần có mối liên hệ gì cả, chỉ gặp một lần và thao thao nói một lần rồi đi mất.

Nói rằng: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si-a.”

(Rồi kể: “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si-a”)

Ông Anh-rê ‘nói’. Nói ở đây là thuật lại, kể lại, bày tỏ trải nghiệm mình gặp Chúa như thế nào. Em đi tìm anh, khi gặp anh thì nói, bạn thấy làm như vậy có dễ không?

Thật ra ‘nói’ bằng lời là nan đề có thật của một số người. Họ có người thân nhưng không nói được. Họ chỉ có mối liên hệ, chỉ sống với người thân, nhưng họ không nói như ông Anh-rê được. Làm chứng bằng đời sống là cách biện hộ của nhóm người này. Có thể bạn đã làm chứng bằng đời sống, và bạn sẽ tiếp tục ‘nói bằng đời sống’, nhưng bày tỏ trải nghiệm gặp Chúa không thể chỉ ‘nói bằng đời sống’ mà phải bằng lời nói. Những người chủ trương không nói bằng lời chỉ cần nói bằng cách sống cũng tương tự như chơi trò diễn câm cho người khác đoán ý tưởng vậy.

Cũng không thiếu gì người coi người thân như thùng rác để chứa tâm sự của mình. Những người này đi tìm người thân, và nói rất lâu, rất nhiều, nhưng nội dung họ nói không dính dáng gì đến Chúa Giê-xu cả. Đây có phải là tình trạng của bạn với người thân không, hai bên cùng làm thùng rác cho nhau!

Ông Anh-rê đã nói bằng lời, nội dung rất rõ ràng. Đó là trải nghiệm gặp Chúa của ông. “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si-a.”  Lời nói của ông Anh-rê là lời nói khẳng định rõ ràng ‘đã gặp Đấng Mê-si-a’. Ông Anh-rê không nói lạc qua những chuyện khác dù ông cũng có trọn cuộc đời để ‘nói bằng đời sống’. Ông trình bày rõ ràng về trải nghiệm của mình bằng lời làm chứng.

Trải nghiệm của bạn ra sao? Bạn có thể kể lại cho người thân về sự kiện bạn tin Chúa không?

Chúng ta đã gặp (Chúng em đã gặp)

Ông Anh-rê không nói "một mình em đã gặp", nhưng nói "chúng em đã gặp". Tức là không phải chỉ có em gặp Chúa mà còn có người khác cũng gặp nữa. Đây là cách nói tăng tính thuyết phục. Bản thân bạn là một bằng chứng, có thêm người khác cũng là bằng chứng thì sẽ tăng tính thuyết phục.

Nhiều người thân của chúng ta cho rằng việc chúng ta tin Chúa rồi kể lại cho họ chỉ là chuyện nông nỗi nhất thời của một cá nhân. Chúng ta phải làm sao cho những người thân của chúng ta thấy rằng có nhiều người tin thờ Chúa, có nhiều người được thay đổi. Điều chúng ta kể lại không phải là một trải nghiệm đơn lẻ mà là trải nghiệm phổ quát.

Cần nhớ rằng lời làm chứng của bạn là chính còn lời làm chứng của người đi chung với bạn bổ sung củng cố. Đôi khi có người làm chứng về trải nghiệm của người khác, dựng người khác lên làm nhân vật chính chứ bản thân không có trải nghiệm gặp Chúa.

Nói rằng "chúng ta đã gặp" cũng cho thấy bạn không đơn độc trong việc làm chứng cho người thân. Vì người thân của bạn sẽ nói chuyện với nhân vật thứ hai trong lời làm chứng "chúng ta đã gặp". Ông Phi-e-rơ có thể sẽ gặp bạn của em mình để hỏi thêm về trải nghiệm gặp Chúa. Bạn thấy không, nhóm nhỏ hai người cũng có ích trong việc làm chứng cho người thân.

Sau khi làm chứng cho anh mình, ông Anh-rê làm gì?

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

NGÀY 24 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (3)


Trước hết người gặp anh mình là Si-môn.

(Trước hết, ông Anh-rê đi tìm ông Si-môn, anh mình.)

Từ ‘trước hết’ trong câu này cũng nói lên lòng nhiệt thành của ông Anh-rê. Ông Anh-rê là em, có thể ông nói năng dở hơn anh Si-môn…, nhưng chắc chắn anh Si-môn sẽ nhìn thấy nơi em mình lòng nhiệt thành, nôn nóng thổ lộ.

Người thân của bạn nhìn thấy gì nơi bạn? Họ có nhận thấy lòng nhiệt thành của bạn đối với Phúc Âm không? Nên lưu ý là lòng nhiệt thành, lòng nôn nóng thổ lộ niềm tin phải lộ ra thì người thân mới thấy được. Chúa Giê-xu có phải là nguồn nhiệt huyết, có phải là Đấng thôi thúc chúng ta đến với người thân, đến nỗi họ nhận ra lòng nhiệt thành của chúng ta không?

Hai môn đệ gặp Chúa Cứu Thế trên con đường về Em-ma-út và nhận biết Ngài đã sống lại. Các sứ đồ và môn đệ khác đều nhìn thấy lòng nhiệt thành của họ khi họ lập tức đi bộ trở về Giê-ru-sa-lem trong buổi tối đó để báo tin cho mọi người.

Người gặp anh mình (Đi tìm anh mình).

Tương tự như chúng ta, ông Anh-rê có rất nhiều người thân. Vấn đề là trước hết bạn làm chứng cho ai? Cần cụ thể người thân mà bạn đi tìm gặp. Đôi khi chúng ta nói về người thân, yêu thương người thân và cầu nguyện cho người thân một cách rất mơ hồ, chung chung. Có lẽ bạn chưa thể làm chứng cho tất cả bà con nội ngoại, cho tất cả bạn bè trong lớp hoặc trong sở làm, vì không phải tất cả mọi người đều chịu nghe bạn. Bạn nên bắt đầu từ một người thân nhất là người chịu nghe bạn.

Nhiều người nói rằng trong nhà tôi chẳng thân với ai cả, tôi chỉ thân với người ở ngoài đường. Khi gia đình, người thân thuộc trở thành xa lạ thì đời sống của bạn đang có vấn đề. Người khác nói rằng trong lớp học, trong sở làm tôi chẳng thân ai cả. Như vậy, dù bạn không bị bại liệt nhưng đời sống của bạn có vẻ giống người bại liệt bên ao Bê-tết-đa khi ông than thở: “Tôi chẳng có ai” (Giăng 5:7)

Cần thiết lập mối liên hệ để không đánh mất người thân thuộc và để có bạn thân. Khi bạn không sống xa lánh người khác thì sẽ có cơ hội có người thân. Khi bạn thể hiện sự quan tâm đến người khác, bạn sẽ có người thân. Bạn hãy chịu khó lắng nghe, khiêm nhường giúp đỡ và nhờ cậy thì bạn sẽ có người thân. Bạn hãy chủ động trong cách sống, lúc đó bạn sẽ có người thân.

Bạn có đối tượng cụ thể nào để làm chứng cho họ chưa? Người đó là ai? Tên gì? Nếu bạn thật sự chưa có ai cả, hãy suy xét lại. Do đâu? Do chưa nghĩ đến hoặc do lối sống cô lập của bạn?

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

NGÀY 23 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (2)


Câu 41 bắt đầu với từ ‘trước hết’

Trước hết tính từ ngay sau thời điểm gặp Chúa và theo Ngài. Sau khi theo Chúa, sau khi biết Chúa, việc trước hết ông Anh-rê làm là gì? Ông tìm người thân để làm chứng cho họ. Nhiều người cũng theo Chúa nhưng lại nói: “Khoan đã, từ từ đã.” Vì sao lại nói như vậy?

Vì cho rằng chưa từng trải nhiều, vì chưa kinh nghiệm nên họ chờ, chờ khi có nhiều từng trải hơn thì mới làm chứng. Những người suy nghĩ như vậy cần nhớ là ông Anh-rê chỉ mới gặp Chúa và ở lại với Chúa lúc bốn giờ chiều hôm trước, và ngay ngày hôm sau việc trước hết ông làm là đi tìm người thân để làm  chứng.

Thật ra chúng ta thường thấy ý nghĩ ‘từ từ’ xuất hiện nơi nhiều người theo Chúa lâu năm. Khi được nhắc nhở về việc làm chứng cho người thân, họ tự nhủ: ‘Từ từ rồi tính”, hoặc : “Từ từ rồi mình sẽ tìm cơ hội để làm chứng’. Kết quả là họ ‘từ từ tiến từ năm này qua năm nọ’, họ cứ sống trong sự lần lữa, tránh né, và chắc chắn là họ chẳng bao giờ làm chứng cho ai cả. Nên nhớ càng ‘từ từ’ thì càng khó làm chứng. Càng từ từ thì tấm lòng càng chai lì, càng mất tình yêu thương và sự quan tâm thật sự.

‘Từ từ rồi sẽ làm chứng cho người thân’ cũng là lập luận của những người cảm thấy sợ sệt e ngại khi làm chứng. Sợ phải trả giá như bị từ bỏ, bị chế giễu, bị cô lập… Ngại vì người thân biết rõ những nhược điểm của mình. Chính vì thế mà nhiều người nói làm chứng cho người lạ dễ, còn đối với người thân sao khó quá. Họ không nói vì sợ hoặc vì ngại, nhưng lại lập luận theo cách khác: “Người lạ không biết khi nào mình mới gặp lại, nên phải nắm lấy cơ hội và làm chứng ngay. Còn người thân, ngày nào cũng gặp, từ từ rồi tính.” Nghe có vẻ hợp lý, nhưng vẫn ẩn chứa sự mâu thuẫn, gần gũi thân thiết thì câm như hến còn đối với người xa lạ thì líu lo như chim sáo. Thật là lạ! Chỉ những người nói ‘từ từ rồi tính’ mới biết lý do thật sự là vì thiếu kinh nghiệm, vì e ngại, vì sợ sệt, vì không có uy tín để nói hoặc vì những lý do nào khác.

Vì sao ông Anh-rê quyết định làm chứng ngay, làm chứng liền, làm chứng sớm, làm chứng lập tức? Vì ‘để lâu nó nguội’ theo cách người ta thường nói. Thật ra không quyết định bắt đầu ngay mới là chuyện lạ. Gặp được Đấng Cứu Thế, nói chuyện với Ngài rồi quyết định theo Ngài, một ‘sự kiện nóng hổi’ mà bản thân đã trải qua thì không thể ‘từ từ’ được. Phải coi việc chia sẻ lại cho người khác là việc trước hết, là ưu tiên hàng đầu.

Cũng có một lý do khác buộc chúng ta làm chứng ngay với người thân đó là chúng ta không nên giấu giếm niềm tin của mình. Dù không nói về niềm tin của bạn nhưng làm sao bạn giấu được nếp sống khác hẳn người chưa tin. Vì vậy, nếu không nói ngay thì càng ngày sự khác biệt sẽ càng lớn, khi đó sẽ khó nói hơn, và khi nói sẽ nói nhiều hơn tình trạng xung đột thay vì làm chứng về Phúc Âm. Cho nên tốt nhất là nói ngay càng sớm càng tốt.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

NGÀY 22 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (1)


40 Trong hai người đã nghe điều Giăng nói và đi theo Đức Chúa Giê-xu đó, một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ. 41 Trước hết người gặp anh mình là Si-môn, thì nói rằng: Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si (Nghĩa là Đấng Christ). 42 Người bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-xu. Ngài vừa ngó thấy Si-môn, liền phán rằng: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phi-e-rơ).  (Giăng 1:40-42)     

40 Một trong hai người nghe ông Giăng nói về Chúa rồi đi theo Ngài tên là Anh-rê, em của ông Si-môn Phi-e-rơ. 41 Trước hết, ông Anh-rê đi tìm ông Si-môn, anh mình, rồi kể: “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si-a (có nghĩa là Đấng Cứu Thế).” 42 Sau đó, ông Anh-rê đưa anh mình đến gặp Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu nhìn ông và bảo: “Anh Si-môn, con của ông Giô-na, anh sẽ được gọi là Sê-pha!” Tên riêng này có nghĩa là ‘hòn đá’. (Giăng 1:40-42 - Bản Phạm Xuân)

Người làm chứng cho người thân phải là người đã trải nghiệm mối liên hệ với Chúa Giê-xu. Người làm chứng ở đây là ông Anh-rê. Ông Anh-rê nghe thầy mình là ông Giăng Báp-tít giới thiệu về Chúa Giê-xu, ông đã đi theo Chúa, gặp Chúa, đến thăm Chúa tại chỗ Ngài ở, ở lại nói chuyện với Ngài (Giăng 1:35-39). Ông Anh-rê chỉ gặp và biết Chúa trong thời gian rất ngắn ngủi.

Ông Anh-rê kể về những điều ông từng trải chứ không kể về những điều người khác nói với ông, không phải nói theo những lời người khác dạy bảo ông. Ông chẳng cầm theo ‘pho bí kíp’ nào cả, chẳng có Cây Cầu Cứu Rỗi, chẳng có Bảy Điều Cần Nhất Trên Đời, chẳng có Bàn Tay Phúc Âm. Nói như vậy không có nghĩa là tặng những quyển sách nhỏ cho những người thân của chúng ta là sai, nhưng mục đích là nhấn mạnh rằng kinh nghiệm và từng trải cá nhân của chúng ta là yếu tố chính trong việc nói về Chúa cho người thân.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

NGÀY 21 THÁNG 11. LÀM CHỨNG VỀ CHÚA GIÊ-XU(10)


Không rõ ông Si-môn đã phản ứng thế nào, Kinh Thánh chỉ ghi: Người (ông Anh-rê) bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-xu” (Câu 42). Chắc chắn ông Si-môn có phản ứng tích cực nên ông Anh-rê lập tức đưa anh mình đến gặp Chúa. Đây là hình ảnh một người sau khi nghe làm chứng cần được dìu dắt đến với Chúa. 

Dìu dắt người nghe có phản ứng tích cực cho thấy việc chứng đạo không chấm dứt ở khâu nói mà còn tiếp tục. Có những người tự họ có thể tìm hiểu về Chúa. Nhưng có những người cần người dìu dắt trong khi tìm hiểu.

Mục tiêu của việc dìu dắt là gặp Chúa chứ không phải gặp con người, gặp tổ chức, gặp tôn giáo. Rất nhiều người đã dìu dắt người có phản ứng tích cực cách sai trật. Nhiều người chỉ dắt bạn đến nhà thờ rồi bỏ mặc cho người khác lo dìu dắt chăm sóc, người khác thì đưa đến nhà thờ để gặp con người và gia nhập đạo. 

Làm cách nào để dìu dắt những người có phản ứng tích cực đến khi họ tin Chúa? Làm thế nào để dìu dắt họ đến chỗ đối diện với Chúa Giê-xu rồi tin Ngài? Khi ông Na-tha-na-ên nói: “'Na-xa-rét ghét việc lành’ mà?” (Câu 46) chúng ta tưởng ông phản ứng tiêu cực, nhưng thật ra không phải vậy. Khi chúng ta nói về Chúa Cứu Thế mà người nghe thắc mắc, hỏi lại thì đó là dấu hiệu tốt. Phản ứng của ông Na-tha-na-ên là muốn biện luận, muốn tìm sự hữu lý trong Phúc Âm. Chỉ e là người làm chứng phản ứng tiêu cực rồi nổi nóng, tranh luận hơn thua và cải vã với người tìm sự hữu lý. Ông Phi-líp rất nhã nhặn mời ông Na-tha-na-ên đến gặp Chúa. Chính Chúa biện luận với ông Na-tha-na-ên. Ngài không nói về vốn hiểu biết Kinh Thánh mà nói về con người của riêng ông. Chúa không đụng đến trí tuệ của ông, Ngài dụng đến nội tâm của ông. Kết quả là ông tin Ngài.

Bạn đừng bỏ cuộc, bỏ ngang sau khi đã làm chứng về Chúa Giê-xu. Bạn cũng đừng nản lòng khi người nghe chưa quyết định tin Chúa Cứu Thế. Bạn hãy phấn khởi khi người nghe có phản ứng tích cực. Bạn hãy phản ứng tích cực, hãy tiếp tục dìu dắt họ. Công khó của bạn trong Chúa chẳng vô ích đâu.

XuânThu