Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

NGÀY 31 THÁNG 8. CẢM TẠ CHÚA

Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức Gia-vê, vì Ngài là thiện.
Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. 
(Thi Thiên 106:1)

"Ha-lê-lu-gia!" là tán thán từ dùng để ca ngợi Đức Chúa Trời. "Ha-lê-lu" nghĩa là ca ngợi, chúc tụng. Jah (Gia) là từ viết tắt của Javeh (Gia-vê), Đức Gia-vê. Khi nói "Ha-lê-lu-gia" tức là ca ngợi chúc tụng Chúa với niềm hân hoan tột độ. Thi Thiên 106 mở đầu với lời ca ngợi "Ha-lê-lu-gia!", kết thúc cũng với lời ca ngợi "Ha-lê-lu-gia!": Nguyện muôn dân nói "A-men", Ha-lê-lu-gia! (Thi Thiên 106:48)

Dù hoàn cảnh vui hay buồn, hưng thịnh hay suy sụp, dù kém cỏi bất toàn, dù có lúc bị Đức Chúa Trời sửa phạt thì trước sau như một, chúng ta hãy ca ngợi Chúa: Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức Gia-vê, vì Ngài là thiện. Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.

Chúng ta "Ha-lê-lu-gia!" vì Ngài là thiện. Người tôn thờ vui mừng ca ngợi Chúa, và tự hào về Đấng mình tôn thờ. Dân I-sơ-ra-ên có Chân Thần, Đức Gia-vê là thiện khác hẳn với tà thần Ba-anh và Át-tạt-tê của dân ngoại.

Lời ca ngợi Đức Gia-vê vì Ngài là thiện nhắc nhở chúng ta nhận biết Chúa là ai và chúng ta là ai. Chúa là Đấng toàn thiện, còn chúng ta chỉ là con người tội lỗi, chẳng xứng đáng gì. Dầu vậy chúng ta được Ngài cứu chuộc, được kể là công chính để có thể đến gần Ngài và ca ngợi Ngài. Càng đến gần Ngài chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn và thốt lên lời ca tụng: "Ha-lê-lu-gia".

Chúng ta "Ha-lê-lu-gia!" vì sự nhân từ của Ngài. Đức Chúa Trời không phải là thần dữ. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời chính là tình yêu (I Giăng 4:8 - BHĐ) Ca ngợi Chúa, cảm tạ Chúa vì sự nhân từ của Ngài tức là chúng ta đang vui hưởng và đang sống trong sự nhân từ và thương xót của Ngài. Trong Thi Thiên có nhiều lời ca ngợi ân điển của Chúa ban cho con người: Đức Gia-vê có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. (Thi Thiên 103:8; 145:8)      

Chúng ta "Ha-lê-lu-gia!" vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. Dù cho có điều gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta thì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. Khi mở đầu lẫn kết thúc lịch sử, khi bắt đầu cuộc sống Hãy cảm tạ Đức Gia-vê, vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. (Thi Thiên 136:1, 26) Vua Đa-vít đã cử một số người Lê-vi phục vụ trước Rương Giao Ước để cầu nguyện, cảm tạ và ca ngợi Chúa. Họ cầm nhạc khí, đàn cầm, đàn sắt, chập chõa, thổi kèn cùng với ca đoàn và toàn thể dân I-sơ-ra-ên đối đáp ca ngợi:    
Hãy cảm tạ Đức Gia-vê, vì Ngài là nhân từ;
Sự thương xót Ngài còn đến đời đời. 
(I Sử Ký 16:34)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

NGÀY 30 THÁNG 8. CÔNG BÌNH CHÍNH TRỰC

Trong hiện tại, người tin Chúa Giê-xu được Ngài tha tội và nhìn nhận là công chính. (Rô-ma 3:26 - BHĐ)

Khi sứ đồ Phao-lô viết: Trong hiện tại, người tin Chúa Giê-xu được Ngài tha tội và nhìn nhận là công chính, ông muốn nhắc đến điều Đức Chúa Trời đã thực hiện trong quá khứ: Nhưng Đức Chúa Trời ban ân, rộng lòng tha thứ, kể chúng ta là công chính, do công lao cứu chuộc bằng máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đức Chúa Trời đã cho Chúa Giê-xu hy sinh chuộc tội chúng ta, những người tin cậy máu Ngài. Việc cứu chuộc này chứng tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi loài người trong quá khứ và hiện tại. Trong quá khứ, Ngài nhẫn nhục bỏ qua tội lỗi. (Rô-ma 3:24-25 - BHĐ) 

Trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự công chính của Ngài qua việc Chúa Cứu Thế Giê-xu hy sinh dâng chính mình làm của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Của lễ chuộc tội của Chúa Giê-xu là gánh tội lỗi thay cho mọi người và chuộc tội bằng máu, qua việc Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự. Án phạt dành cho tội lỗi là sự chết. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết. (Rô-ma 6:23) Đây là lý do Chúa Giê-xu chịu chết và chôn.

Nếu Đức Chúa Trời tha thứ cho tội lỗi mà không có sự hy sinh để vĩnh viễn đền tội thì Ngài không phải là Đức Chúa Trời công chính. Nếu Đức Chúa Trời chỉ trừng phạt tội lỗi mà không tha thứ, Ngài không phải là Đức Chúa Trời yêu thương. Sự kiện Chúa Giê-xu chịu hình phạt thế cho chúng ta, sự kiện máu Ngài đã đổ ra, sự kiện Ngài nếm trải sự chết bày tỏ hai điều về Đức Chúa Trời. 
(1)Sự công bình của Đức Chúa Trời, và 
(2)Tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúa không báo trả tương xứng tội ta phạm, Cũng chẳng gia hình thích đáng lỗi ta làm. (Thi Thiên 103:10 - BHĐ)

Trong hiện tại, sự hy sinh của Chúa Giê-xu và sự chết của Ngài vẫn có giá trị. 
(1)Người tin Chúa Giê-xu được Đức Chúa Trời tha tội vì Ngài đã lãnh hết hình phạt tội lỗi loài người trên chính thân Ngài; Ngài hy sinh chuộc tội cho chúng ta và cho cả nhân loại. (I Giăng 2:2 - BHĐ)  
(2)Người tin Chúa Giê-xu được nhìn nhận là công chính. Đây là điều đi kèm với sự tha tội. Đức Chúa Trời bày tỏ sự công chính của Ngài qua sự kiện Chúa Giê-xu chết thay cho chúng ta. Bây giờ Ngài bày tỏ sự yêu thương của Ngài cho người tin Chúa Giê-xu. Người tin Chúa được Ngài kể là công chính.

Chúng ta cần nhìn thấy nơi Đức Chúa Trời, đức công chính và đức yêu thương luôn luôn đi với nhau, không thể phân rẽ, tách rời nhau. Cũng đừng quên rằng khi một người tin nhận Chúa Giê-xu thì được Chúa tha tội và được kể là công chính

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

NGÀY 29 THÁNG 8. CON ĐƯỜNG DUY NHẤT (3)

Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha. (Giăng 14:6 - BHĐ)

Khi Chúa Giê-xu phán: "Ta là Nguồn sống", Ngài nói về sự sống trong cuộc đời mới, trong kỷ nguyên mới. Sứ đồ Giăng giới thiệu "Nguồn sống" như sau: Chúa Cứu Thế là Nguồn Sống bất diệt. Nguồn sống ấy soi sáng cả nhân loại, chiếu rọi trong bóng tối dày đặc, nhưng bóng tối không bao giờ dập tắt được ánh sáng. (Giăng 1:4 - BHĐ) "Nguồn sống" đó chính là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Nguồn sống, nên Con Ngài cũng là Nguồn sống. (Giăng 5:26 - BHĐ) Đúng như lời Chúa phán: Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật. (Giăng 10: 10b)

Nhân loại đắm chìm trong bóng tối dày đặc của tội lỗi và sự chết tâm linh. Nhu cầu của con người là sự sống, cụ thể hơn: nhu cầu của con người chính là Chúa Giê-xu, là Nguồn sống. Tin nhận Chúa Giê-xu là tiếp nhận Nguồn sống. Chúa hứa: Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. (Giăng 5:24)

Khi Chúa Giê-xu phán: "Ta là Nguồn sống" tức là Ngài khẳng định Ngài là con đường duy nhất dẫn đến sự sống, không phải sự sống tạm bợ ở trần gian này mà là sự sống đời đời sau khi chết. Con người khởi đầu với sự chết tâm linh và kết thúc với sự chết thuộc thể và hình phạt về tâm linh. Nhưng khi tin nhận Chúa Giê-xu thì con người tiếp nhận Nguồn sống. Được vậy, họ khởi đầu với sự sống mới và kết thúc với sự sống vĩnh cửu.

Nếu trong tình yêu và hôn nhân con người cho rằng mình chưa hề biết sống là gì cho đến khi gặp người phối ngẫu thì trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời cũng vậy. Con người chỉ có sự sống thật sự khi tiếp nhận Nguồn sống là Chúa Giê-xu. 

Nếu Chúa là Con đường, là Chân lý mà không phải là Nguồn sống thì con người sẽ khởi đầu trong bế tắc và kết thúc trong tuyệt vọng. Chúa Giê-xu là Con đường duy nhất, là Chân lý, và là Nguồn sống. Lời tuyên bố của Chúa Giê-xu: Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha thật đầy đủ trọn vẹn cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Mối tương giao giữa Ngài với từng cá nhân sẽ truyền sự sống mới cho họ.  

Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống.
Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc,
Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.
(Thi Thiên 16:11) 


Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

NGÀY 28 THÁNG 8. CON ĐƯỜNG DUY NHẤT (2)

Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. (Giăng 14:6) 

Chúa Giê-xu phán: "Ta là Chân lý". Lời tuyên bố của Chúa nhằm bày tỏ cho con người biết Ngài là ai. Còn phần của con người là tiếp nhận Chân lý.

Khi Chúa Giê-xu nói với ông Phi-lát: "Ta đã đến thế gian và được sinh ra để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì lắng nghe tiếng ta." Ông hỏi Chúa: "Chân lý là gì?"   Ông Osho, giáo sư triết học người Ấn Độ, cho rằng ông Phi-lát bỏ đi sau khi hỏi: "Chân lý là gì?" vì ông nghĩ rằng không có chân lý, còn Chúa Giê-xu không thể trả lời câu hỏi nên im lặng. Thật phi lý khi cho rằng Người tuyên bố: "Ta là chân lý" lại không thể trả lời câu hỏi "Chân lý là gì?" Ông Phi-lát bỏ đi chỉ vì không nhận biết Chân lý đang ở trước mặt mình. Không tin rằng Chúa Cứu Thế đã mang lấy hình hài thể xác con người, sinh hoạt giữa chúng ta, đầy tràn ân phúc và chân lý (Giăng 1:14 - BHĐ)  thì khó lòng tiếp nhận Chân lý.

Với lòng nhiệt thành của mình, con người chỉ có thể nhận rằng mình là người tìm kiếm chân lý, hoặc nhận rằng mình là người dạy dỗ, truyền đạt chân lý. Trong khi chẳng một ai tuyên bố mình là chân lý thì Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là chân lý. Trong khi nhiều người cho rằng chân ý còn ở phía trước, tương lai mới có sự thật thì Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là chân lý, là sự thật.

Khi Chúa Giê-xu tuyên bố Ta là Chân lý, người nghe được thức tỉnh về ma quỷ, một kẻ sát nhân, nó không đứng về phía chân lý. Khi nó láo khoét là láo khoét từ bản năng, vì nó là tay láo khoét và là trùm láo khoét. (Giăng 8:44 - BPX) Trong vườn Ê-đen, con người đã đánh mất Chân lý khi nghe theo lời dối trá của ma quỷ nhập vào hình hài con rắn. Chúa Giê-xu là Chân lý đã đắc thắng Kẻ dối trá khi Ngài chịu cám dỗ và Ngài đem đến hy vọng đắc thắng cho những ai tin Ngài.

Chẳng những chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chân lý, chúng ta còn: Thưa Chúa Hằng Hữu, xin dạy con đường lối Ngài đã vạch, để con đi theo chân lý Chúa, cho con nhất tâm kính sợ Ngài. (Thi Thiên 86:11 - BHĐ) 
  
Ông Lee Strobel Patrick, sinh năm 1952, tốt nghiệp Cao học Luật tại Đại Học Yale và khoa báo chí tại Đại Học Missouri. Dù ông chủ trương vô thần, nhưng vợ của ông khích lệ ông điều nghiên về Chúa GIê-xu, người được gọi là Đấng Cứu Thế. Ông đúc kết toàn bộ cuộc điều nghiên về Chúa Giê-xu trong tác phẩm Những Lý Lẽ Ủng Hộ Đấng Cứu Thế: Một Nhà Báo Điều Nghiên Về Chứng Cớ Bênh Vực Chúa Giê-xu (The Case for Christ: A Journalist’s Personal Investigation of the Evidence for Jesus) với kết luận: Chúa Giê-xu đúng là “Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống” như lời Ngài đã tuyên phán.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


NGÀY 27 THÁNG 8. CON ĐƯỜNG DUY NHẤT (1)

Chúa Giê-xu đáp: Ta là Con đường, Sự thật và Sự sống. Chẳng nhờ ta thì không ai đến cùng Cha được. (Giăng 14:6 - BPX)

Khi Chúa Giê-xu phán: "Ta là Con Đường", Ngài nhấn mạnh: (1)"Ta, không ai khác ngoài ta, là Con Đường." Nếu không có Chúa Giê-xu thì không có Con Đường, không có giải pháp đối với tội lỗi. Cụ thể hơn, không có Chúa Giê-xu thì không có Con Đường Cứu Rỗi, không có phương pháp cứu rỗi.

Khi Chúa Giê-xu nhấn mạnh: "Ta, không ai khác ngoài ta, là Con Đường." Chúa nhấn mạnh (2)Ngài là Con Đường Cứu Rỗi duy nhất, là phương pháp cứu rỗi duy nhất.

Chẳng có người nào tuyên bố như Chúa Giê-xu. Chẳng những Ngài tìm cho nhân loại con đường (phương pháp) và chỉ đường cho họ, nhưng Ngài chính là con đường. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà tiên tri, các thầy thông giáo là những người chỉ đường cho thiên hạ nhưng họ chưa bao giờ tuyên bố mình là con đường. Còn Chúa Giê-xu không những chỉ cho nhân loại con đường cứu rỗi, mà Ngài chính là con đường cứu rỗi.

Khi đứng trước các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, sứ đồ Phi-e-rơ là người đầu tiên nhắc lại ý "không có ai khác" của Chúa Giê-xu: Ngoài Chúa Giê-xu, không ai có quyền năng cứu rỗi loài người, vì dưới bầu trời này, chúng ta không thể kêu cầu danh nào khác để được cứu rỗi. (Công Vụ 4:2 - BHĐ)

Khi chưa tin Chúa, sứ đồ Phao-lô bách hại những người tin Ngài. Nhưng sau khi quy phục Chúa và phục vụ Ngài, ông đã nhắc nhở ông Ti-mô-thê rằng: Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế, là người. (I Ti-mô-thê 2:5)

Như vậy trước khi Chúa Giê-xu đến trần gian, ai là Con Đường? Chính là Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu khẳng định với người Do Thái về nguồn gốc của Ngài như sau: Ta nói quả quyết, trước khi Áp-ra-ham ra đời ta vẫn hằng hữu. (Giăng 8:58) Tuyên bố của Chúa Giê-xu khiến người Do Thái và chúng ta nhớ đến lời phán của Đức Chúa Trời thuở xưa. Khi ông Mô-se thưa cùng Ngài: Tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi, nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? Thì tôi nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU. Hãy nói với dân I-sơ-ra-ên như vầy: ĐẤNG TỰ HỮU đã sai ta đến cùng các ngươi. (Xuất Ai-cập Ký 3:14)  

Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Chúa Giê-xu là con đường duy nhất (1)giải quyết vấn đề tội lỗi cho nhân loại (2)đưa nhân loại đến với Đức Chúa Trời. Nếu Chúa Giê-xu là con đường duy nhất thì chỉ có một cách là quyết định đi vào con đường đó. Đi thẳng, không quay lui, không quẹo trái hoặc quẹo phải. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc thiện, lễ nghi tôn giáo, giáo dục, tu thân tích đức... có thể là con đường, là biện pháp cứu rỗi.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)