Trong giai đoạn đầu của Hội thánh đầu tiên, lời hứa của Chúa
Giê-xu về Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi đã được ứng nghiệm. Hội thánh đang sống
trong không khí của Đấng Yên Ủi. Trong giai đoạn đó ông Giô-sép lại được đặt
tên là Con Trai của sự Yên Ủi thì rõ ràng là sự kiện có một không hai. Công Vụ
4:36: “Giô-sép mà các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba...” Theo mạch văn và
cách viết câu này, chúng ta có thể suy đoán ông Giô-sép được đặt tên là
Ba-na-ba trước khi ông bán ruộng và đem tiền đặt dưới chân sứ đồ. Đừng nghĩ
rằng vì ông bán ruộng rồi dâng tiền mà được đổi tên là Ba-na-ba. Điều này cũng
cho thấy khi chưa bán ruộng đem tiền dâng hết cho hội thánh, ông Giô-sép đã
sống làm gương cho các tín hữu trong Hội thánh đầu tiên. Rồi chúng ta cũng có
thể tin rằng ông là một trong những người ‘lãnh đạo nhóm nhỏ’ của Hội thánh đầu
tiên.
Ông Giô-sép nổi bật trong Hội thánh không phải vì cớ hoạt động của
ông. Thí dụ: chăm sóc tín hữu khác, giúp đỡ người nghèo, chuyên cần nhóm họp,
bố thí, chia sẻ... Nhưng trước hết và trên hết ông nổi bật vì tinh thần cảm
thông, thương xót và nhân từ. Con Trai của sự Yên Ủi là phẩm chất của những
người phục vụ. Phẩm chất này phát sinh từ cái nôi của Hội thánh thông qua việc
tương giao với Chúa, thông công với nhau, trưởng dưỡng thuộc linh và đảm trách
công tác của mình.
Ngày nay, nhiều người phục vụ Chúa xem cộng đồng Cơ Đốc như là sàn
diễn để thi thố tài năng, để biểu dương lực lượng, để diễn võ dương oai nhằm
chứng tỏ họ dư thừa năng lực để đấu sức, đua tranh với nhau. Thái độ phục vụ đó
không có chút tâm tình yên ủi nào cả.
Một người Lê-vi trong cộng đồng Cơ Đốc đầu tiên có thể được miễn
trừ nhiều việc. Anh ta không cần làm những công việc của một người tín hữu bình
thường. Anh ta cũng có thể được miễn trừ những đóng góp khác thí dụ như dâng
hiến. Nói cách khác, anh ta có thể tự liệt mình vào hạng người Cơ Đốc được ưu
đãi. Tuy nhiên người Lê-vi tên là Giô-sép lại xem mình như các tín hữu Cơ Đốc
bình thường khác. Ông không sống tách biệt khỏi họ. Công Vụ 2:42-47 có ghi lại
những sinh hoạt của các tín hữu trong Hội thánh đầu tiên. Chúng ta có thể hình
dung ông Giô-sép gắn bó với những sinh hoạt đó.
Như vậy, sau một thời gian được gọi là Ba-na-ba, ông Giô-sép người
Lê-vi quyết định bán đám ruộng của mình, đem đặt tiền nơi chân các sứ đồ. Hành
động này cho chúng ta thấy một khía cạnh khác trong tâm tình phục vụ. Đó là tâm
tình dâng hiến, hy sinh. Có thể nhiều người nghĩ rằng: Tôi dâng công rồi, người
khác lo dâng của đi. Tôi dâng hiến thì giờ rồi, người khác phải dâng hiến tiền
bạc. Tôi đã chia sẻ rồi, người khác lo đóng góp đi... Người có Tâm Tình Yên Ủi
không lập luận như vậy. Ông Ba-na-ba đã dâng hiến tất cả những điều ông có thể
dâng. Đó là tâm tình của người phục vụ Chúa.
(Còn tiếp)
Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét