Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

NGÀY 30 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(8)


B. Chúa Giê-xu đối với thiếu nhi

Chúa Giê-xu đối xử với thiếu nhi như thế nào? Ngài có đáp ứng điều các phụ huynh mong muốn không? Ngài làm gì cho con em của họ? Ông Mác ghi lại rằng: “Chúa bất bình với các môn đệ”, ông Lu-ca ghi: “Chúa gọi các môn đệ đến và bảo”. Nói cách khác Chúa Giê-xu không tán thành thái độ và hành động ngăn cản của các môn đệ đối với trẻ em và những người đem trẻ em đến với Chúa.

Chúa Giê-xu dạy: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em.” Chúa dạy các môn đệ, nhưng ai là người nghe lời nói này? Tất nhiên các môn đệ nghe, người đem trẻ em đến với Chúa nghe, và chính trẻ em cũng nghe.

Khi các môn đệ, những người gần gũi Chúa nhất, nghe; những người ngăn cản trẻ em đến với Chúa nghe câu nói: “Hãy để  trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em”, họ hiểu Chúa trách họ. Họ hành động sai lầm, làm điều không đúng với ý Chúa. Họ đóng cửa lại trong khi lẽ ra phải mở; treo bảng cấm vào, trong khi lẽ ra phải treo bảng mời vào; họ giới hạn Phúc Âm thay vì phổ biến Phúc Âm.

Khi những người đem thiếu nhi đến với Chúa nghe Ngài nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cản các em”, chẳng những họ được khích lệ, mà họ còn biết chắc họ đang làm một việc tốt, việc đúng, và Chúa hài lòng về việc đó.
Khi đám đông nghe Chúa Giê-xu nói: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em”, họ hiểu rằng ngăn cản, gây khó khăn, trở ngại trong việc đưa các em nhỏ đến với Chúa là điều không nên. Người lớn được phép đến với Chúa thì trẻ em cũng được phép đến với Chúa.

Khi trẻ em nghe Chúa Giê-xu nói: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em”, thì các em hiểu rằng tuy còn ít tuổi nhưng các em có thể đến với Chúa Giê-xu.

Điều đặc biệt ở đây là Chúa Giê-xu không nói: “Hãy để những người lớn đem trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản họ.” Dù đúng là người lớn đem trẻ em đến, nhưng Chúa nói ‘hãy để trẻ em đến cùng ta’. Như vậy, có thể hiểu rằng dù người lớn đưa trẻ em đến nhưng bản thân các em cũng muốn đến với Chúa Giê-xu. Chúng không cảm thấy bị ép buộc nhưng chúng rất vui khi được đến với Chúa.

Chữ ‘trẻ em’ Chúa Giê-xu dùng ở đây chỉ về thiếu nhi có khả năng tiếp nhận Chúa. (Tiếp nhận Nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ). Điều này cho thấy thiếu nhi có ý thức muốn đến cùng Chúa, tự nguyện muốn đến với Chúa, tin nhận Chúa, chứ không phải vì cớ bị ép buộc. Người lớn giúp đỡ, khích lệ các em trong bước đầu, nhưng bản thân các em muốn đến cùng Chúa.

Ngày nay khi chúng ta nghe Chúa Giê-xu nói: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em”, chúng ta nghĩ gì? Có thể chúng ta nghĩ cửa đã mở rồi. Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao cửa đến với Chúa đã mở nhưng sao không thấy em nào đến với Chúa Giê-xu? Hoặc cửa mở rất rộng nhưng sao chỉ có một nhóm nhỏ thiếu nhi đến với Chúa. Có lẽ do chúng ta chưa quan tâm đến thiếu nhi như Chúa quan tâm, hoặc chúng ta chưa có tinh thần giống như các bậc phụ huynh. Chúng ta không lo đưa thiếu nhi đến với Chúa.

(Còn tiếp)
XuânThu 



Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

NGÀY 29 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(7)


Chính vì những suy nghĩ sai lầm của những người gần gũi Chúa nhất mà những người đem thiếu nhi đến với Chúa cần chuẩn bị tinh thần vì:

-Những người đem thiếu nhi đến với Chúa dễ bị các môn đệ ‘trách’, dễ bị ‘rầy la’ nhất. Làm việc giữa vòng thiếu nhi dễ bị rầy la nhất. Có những người tình nguyện dạy thiếu nhi khóc sướt mướt, nản lòng vì bị những môn đệ la rầy họ, trách mắng họ, làm khó làm dễ họ. Nếu họ sai sót trong công tác thiếu nhi, thì nên hướng dẫn và chỉ bảo họ một cách nhẹ nhàng. Nhưng họ trở thành đối tượng để các các môn đệ trút cơn thạnh nộ. Tương tự như thường diễn ra trong gia đình, thiếu nhi là đối tượng cho người lớn la rầy đánh đập khi họ cần xả cơn giận.

-Những người đem thiếu nhi đến với Chúa có thể bị các môn đệ ‘ngăn cản’, ‘cấm’, ‘ngăn trở’. Dạy thiếu nhi tại tư gia cũng bị cấm. Chuyên trách trọn thì giờ cho thiếu nhi cũng bị ngăn trở. Cầu nguyện cho thiếu nhi tin Chúa cũng bị cho là trái phép. Xin tài chánh để lo cho thiếu nhi cũng gặp trở ngại. Xin mở lớp huấn luyện cho công tác dạy thiếu nhi cũng không cho… Có rất nhiều lý do để ngăn trở công tác dạy dỗ và truyền giáo cho thiếu nhi.

-Không phải chỉ một môn đệ ngăn trở mà bị nhiều môn đệ ngăn trở. Điều này cho thấy dù trong cộng đồng Cơ Đốc và xã hội có rất nhiều thiếu nhi nhưng rất hiếm môn đệ quan tâm và lo cho thiếu nhi cũng như khuyến khích một số người chuyên trách thiếu nhi.

Điều an ủi và khích lệ những người quan tâm đến thiếu nhi đó là việc ngăn trở của các môn đệ không kéo dài, và nhất là các môn đệ không phải là những người có quyết định cuối cùng trong việc đem các thiếu nhi đến với Chúa Giê-xu. Chính Chúa Giê-xu là Đấng quyết định và giải quyết những trở ngại mà những người đem trẻ em đến cho Chúa phải đối diện.


Chúa
 Giê-xu:
“Hãy
để trẻ em 
đến cùng tôi.”
_______________

Các môn đệ:
“Chúng tôi bận,
chúng tôi mệt,
không có thì giờ,
không có chương trình
dành cho thiếu nhi.”
_________­­­­__________________

Hội chúng: “Chúng tôi
không cản trở những người
đưa thiếu nhi đến với Chúa Giê-xu.”
_____________­­­­________________________

Phụ huynh – Người hướng dẫn:
“Chúng tôi muốn đưa thiếu nhi đến với Chúa.”
______________________________________

Thiếu nhi:
“Chúng con muốn đến với Chúa Giê-xu.”



(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

NGÀY 28 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(6)


4. Những người gần gũi Chúa Giê-xu là trở ngại

Trong chuyện này trẻ em sẵn lòng đến với Chúa. Những người có trách nhiệm trên các em, các bậc phụ huynh sẵn sàng đem trẻ em đến với Chúa. Đám đông người lớn cũng không gây trở ngại cho người muốn đem con em đến gặp Chúa. Nói cách khác, các em thiếu nhi đã vượt qua được ba trở ngại, và đến gần Chúa lắm rồi. Nhưng trở ngại lại đến từ những người gần gũi Chúa nhất.

Ông Ma-thi-ơ và ông Lu-ca ghi: “Các môn đệ trách họ”; còn ông Mác ghi: “Các môn đệ rầy la họ”. Người gần gũi Chúa nhất lại trách cứ và rầy la người đem con em đến với Chúa Giê-xu. Thật đáng kinh ngạc khi những người gần gũi Chúa nhất lại là những người ngăn trở thiếu nhi đến với Chúa! Nghe ra thật mâu thuẫn, nhưng thực tế là vậy. Chúa dùng những động từ các môn đệ đã ‘ngăn cản’, đã ‘cấm’ (Mác 10:14), đã ‘ngăn trở’ (Lu-ca 18:16) trẻ em đến với Ngài.

Kinh ngạc hơn nữa là những môn đệ của Chúa Giê-xu cũng là những người có con cái. Không rõ họ có quan tâm đến con của họ không? Họ có nghĩ đến việc đưa con họ đến gặp Chúa Giê-xu không? ‘Cha làm thầy con đốt sách’ có thể là tình trạng của một số môn đệ ngày nay, vì họ chưa quan tâm đúng mức đến con cái của họ.

Làm sao những người gần Chúa nhất lại là những người ngăn trở trẻ em đến với Chúa? Có thể các em nhỏ sẽ hỏi: “Vì sao các bác ấy không muốn cho tụi cháu đến với Chúa Giê-xu?” Có phải các môn đệ muốn độc quyền giữ Chúa cho họ không? Hoặc là họ đang bận rộn lo những việc mà họ cho là quan trọng hơn là đưa thiếu nhi đến với Chúa? Phải chăng ông Ni-cô-đem, giới thầy thông giáo, phái Pha-ri-si đến gặp Chúa Giê-xu quan trọng hơn là các em thiếu nhi gặp Chúa? Dĩ nhiên trẻ em thì ồn ào, luôn năng động, không chịu ngồi một chỗ. Có thể các môn đệ đang mệt về nhiều chuyện, giờ đây họ không muốn bận rộn và mệt mỏi thêm nữa. Hơn nữa có thể họ cho rằng con nít biết gì mà đòi gặp Chúa Giê-xu!

Có thể họ không có thì giờ cho trẻ em. Thì giờ của họ dành cho người lớn, cho công việc và cho sự nghỉ ngơi… Có thể trẻ em không phải là mục tiêu của những tay đánh lưới người đầu tiên này. Có thể họ đang nghĩ về những mục tiêu họ cho rằng to tát hơn, quan trọng hơn là những đứa trẻ. Vì nghĩ như vậy nên các môn đệ tưởng Chúa Giê-xu cũng nghĩ giống như họ.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

NGÀY 27 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(5)


3. Hội chúng là trở ngại

Thời xưa đám đông có thể gây trở ngại trong việc đem trẻ em đến với Chúa. Thời nào cũng vậy, rất đông người theo Chúa, tất nhiên họ là người lớn. Vì họ là số đông, cho nên người nào muốn đem trẻ em đến với Chúa thì phải vượt qua đám đông.

Ở các nước đã phát triển người ta thường có những ưu tiên cho trẻ em và người già. Vì sao? Vì trẻ em thấp người và yếu ớt,   không đủ sức để hơn thua với người lớn. Trong Hội thánh, dường như trong chúng ta chưa có loại ưu tiên đó, đặc biệt là ưu tiên cho trẻ em. Một Hội thánh đông đảo người lớn vẫn có thể ngăn cản đem thiếu nhi đến với Chúa. Có thể Hội thánh đó tổ chức nhiều chương trình, vạch ra nhiều kế hoạch lớn lao, thậm chí có thể sai phái truyền giáo đến nhiều nơi, tài chánh dồi dào… nhưng kế hoạch dành cho thiếu nhi rất giới hạn.

Ngày nay, nhiều Hội thánh có một hai ngàn tín hữu nhưng ban thiếu nhi vỏn vẹn chỉ hơn một trăm. Hội thánh lo cho người lớn nhiều hơn là thiếu nhi. Nhiều nơi thiếu nhi không có chỗ để nhóm. Hội thánh lo xây dựng nhà thờ, nhưng dường như không có kế hoạch về phòng ốc cho thiếu nhi. Hội thánh sẵn sàng chi tiền cho nhiều hạng mục nhưng khi nói đến thiếu nhi thì lại cho là tốn kém. Cần xem khoản tài chánh dành cho việc dạy dỗ thiếu nhi trong Hội thánh là ngân sách giáo dục Cơ Đốc. Nhưng xét kỹ thì số tài chánh dành cho thiếu nhi rất khiêm tốn, chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những khoản chi khác trong Hội thánh.

Hội thánh cũng không đầu tư vào việc đào tạo nhân sự công tác giữa vòng thiếu nhi. Những người hướng dẫn thiếu nhi thường là bất đắc dĩ, vì họ chưa được huấn luyện cũng không nhận được sự quan tâm ủng hộ từ phía Hội thánh. Cho nên họ làm việc theo kiểu ‘trả nợ thánh thần’, chỉ làm cho qua chuyện, chẳng có khải tượng, cũng không có trách nhiệm gì cả. Vì sao hiện nay trong Hội thánh nhiều bạn trẻ nản lòng và bỏ dở công việc giữa các em thiếu nhi? Vì sao rất ít người chuyên tâm và dâng trọn thì giờ truyền giảng và dạy đạo cho thiếu nhi. Không đào tạo thì làm sao có nhân sự? Không đầu tư thì làm sao thấy kết quả?

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

NGÀY 26 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(4)


2. Phụ huynh là trở ngại

Các bậc phụ huynh là trở ngại lớn nhất trong việc đem con em đến với Chúa. Con cái được đến với Chúa hoặc không là do cha mẹ. Một khi cha mẹ không đến với Chúa thì đương nhiên con cái khó có cơ hội đến với Ngài. Nhưng có trường hợp cha mẹ đến với Chúa nhưng lại không tạo cơ hội cho con cái đến với Ngài. Vì sao? Vì cha mẹ không coi trọng việc đưa con cái đến với Chúa khi con còn nhỏ tuổi. Nhiều người nghĩ rằng trẻ em đến nhà thờ chỉ ca hát vui chơi nên họ không tạo cơ hội cho con em đến với Chúa. Thậm chí có người cho rằng con cái còn nhỏ chưa biết gì, chưa hiểu nổi. Ngoài ra, một trong những trở ngại là việc đi lại. Trẻ em còn lệ thuộc vào cha mẹ nên cha mẹ đưa đi thì trẻ mới có cơ hội đến nhà thờ. Do đó khi phát phần thưởng chuyên cần cho thiếu nhi thiết tưởng cũng nên thưởng cho phụ huynh là những người đã bỏ công sức và thời gian đưa đón con em của họ đến lớp học Kinh Thánh.

Phụ huynh cũng cần tạo điều kiện cho con em của mình đến với Chúa. Ở thôn quê, trẻ em thiệt thòi hơn hết. Một số em không thường xuyên đến nhà thờ vì phải luân phiên giữ nhà. Hoặc không có phương tiện đi lại nên phải thay phiên nhau đi nhà thờ cho nên rất hiếm có gia đình nào có thể cùng nhau đi đến nhà thờ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tạo cơ hội cho con mình gặp Chúa ngay tại gia đình của mình: hướng dẫn con cái học lời Chúa, mỗi tối gia đình cùng nhau đọc Kinh Thánh, cầu nguyện. Đó là thì giờ đưa dắt con cái đến với Chúa.

Lời khích lệ của cha mẹ cũng rất quan trọng. Nhiều bậc phụ huynh chẳng những không khích lệ con cái đi học Kinh Thánh ở nhà thờ mà còn buộc con mình đi học thêm vào ngày Chúa nhật. Họ coi việc đi học thêm là chính, còn đi học Kinh Thánh là chuyện phụ. Quan niệm của cha mẹ về thứ tự ưu tiên trong sinh hoạt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Cần khuyến khích con cái đi học Kinh Thánh. Cần khích lệ con cái cân nhắc và chọn đi học Trường Chúa Nhật thay vì đi học thêm văn hóa, chọn dưỡng dục tâm linh thay vì trau dồi văn hóa vào ngày Chúa nhật.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

NGÀY 25 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(3)


A. Trở ngại khi đem thiếu nhi đến với Chúa

Không phải lúc nào cũng dễ đem thiếu nhi đến với Chúa. Trái lại có rất nhiều trở ngại: không có thì giờ, không có khả năng, không có nơi chốn, không có… Trong phạm vi mấy phân đoạn Kinh Thánh này chúng ta chỉ suy nghĩ về những trở ngại đến từ con người. Vì sao lại có những trở ngại đó?

1. Bản thân thiếu nhi là trở ngại

Mối quan tâm của người lớn chưa hẳn đã là mối quan tâm của thiếu nhi. Người lớn muốn gặp Chúa nhưng chưa chắc thiếu nhi muốn gặp. Lắm khi chúng ta muốn dẫn một thiếu nhi đến với Chúa Giê-xu nhưng bản thân trẻ lại không muốn đến với Chúa. Vì sao?

Khi con cái còn nhỏ tuổi, còn ở trong vòng tay cha mẹ thì cha mẹ dễ đem con đến với Chúa, vì trẻ em hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ. Thế giới của trẻ thơ tuỳ thuộc vào cha mẹ; nếu cha mẹ lo đưa trẻ đến nhà thờ, nó sẽ có cơ hội học về Chúa Giê-xu. Nhưng khi trẻ lớn khôn, khi bối cảnh xã hội càng mở rộng thì đứa trẻ sẽ tự chọn đối tượng để gần gũi và chọn môi trường để sinh hoạt. Nếu cha mẹ không dạy dỗ con cái từ thuở còn thơ, họ sẽ gặp nhiều trở ngại khi muốn đưa trẻ đến với Chúa Giê-xu khi chúng khôn lớn. Trở ngại ngay trong bản thân của trẻ. Ấu nhi có thói quen đến với Chúa trong môi trường Cơ Đốc sẽ khác với những ấu nhi không có thói quen đó. Sự khác biệt sẽ lộ rõ khi trẻ bước vào tuổi thiếu nhi và thiếu niên. Có ba điều tuổi thiếu niên không thích: (1)không thích đi học, (2)không thích đi nhà thờ, và (3)không thích gia đình.

Thời nay nhiều thiếu nhi trong gia đình Cơ Đốc không muốn đến với Chúa. Sáng Chúa nhật các em cảm thấy bị bắt buộc đi nhà thờ cho nên trốn lớp Kinh Thánh đi chơi điện tử. Có cha mẹ cho đi học thêm văn hoá. Đa số các phụ huynh không tập cho con cái thói quen đọc Kinh Thánh, cầu nguyện từ thuở còn thơ.

Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo.
Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.
(Châm ngôn 22:6)

Câu này cho thấy nếu được quan tâm uốn nắn khi còn ấu thơ thì bản thân đứa trẻ chẳng những không phải là trở ngại mà còn sẵn sàng gắn bó với Chúa và lời Chúa trong suốt cuộc đời. Bản thân trẻ em có thể ngăn trở các em đến với Chúa, nhưng suy cho cùng thì chính người lớn vô tình đã tạo ra trở ngại đó trong đứa trẻ.

(Còn tiếp)
XuânThu







Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

NGÀY 24 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(2)


(2)Có thể họ muốn giới thiệu con của mình với Chúa và giới thiệu Chúa cho con mình. Nhưng giới thiệu chỉ là bước đầu. Họ có ước muốn rất cụ thể cho con em của họ đó là muốn con em của họ được Chúa đụng đến. Mác 10:13: “Người ta đem trẻ em đến với Chúa để Ngài đặt tay trên các em.” Cả Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều dùng từ ‘đặt tay’. ‘Đặt tay’ trong nguyên văn có nghĩa là ‘sờ’, như Chúa từng ‘sờ’ quan tài của cậu thiếu niên thành Na-in (Lu-ca 7:14). Ông Giai-ru từng cầu khẩn Chúa: “Con bé nhà tôi đang hấp hối, xin Thầy đến, đăt tay trên cháu để cháu được lành và được sống!” (Mác 5:22)  ‘Đặt tay’ hoặc ‘sờ’ là một cử chỉ đụng đến, chạm đến để đối tượng nhận được nào là sức khỏe, sự sống, sự khôn ngoan thông sáng... đến từ nguồn năng lực mới. Mỗi một đứa trẻ đều có nhu cầu đặc biệt. Vì vậy các bậc phụ huynh này mong muốn Chúa ‘đụng đến’ con cái của họ. Thi Thiên 139:5 tác giả viết:

“Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước,
đặt tay Chúa trên mình tôi.”

Mong muốn quyền năng của Chúa tác động và thay đổi cuộc đời con cái của mình là mong muốn đúng đắn, phát xuất từ đức tin.

(3)Họ muốn Chúa cầu nguyện, muốn Chúa chúc phúc cho con em của họ. Ma-thi-ơ 19:13 ghi: “Bấy giờ người ta đem trẻ em đến cùng Chúa để Ngài đặt tay cầu nguyện cho các em.” Lu-ca 18:15: “Để Ngài đặt tay chúc phúc cho các em.”

Nhóm phụ huynh này có một yêu cầu rất cụ thể khi đem con em của họ đến với Chúa. Họ muốn Chúa cầu nguyện, muốn Chúa chúc phúc cho các em. Như vậy chứng tỏ họ nhận biết rằng con cái họ cần có Chúa chứ không phải chỉ cần họ. Cha mẹ có thể lo cho trẻ ăn ngon, mặc đẹp, có nơi học hành… để xây dựng đời sống thể chất và tri thức. Rồi cha mẹ lẫn người hướng dẫn cần chăm lo phần tâm linh của trẻ. Dầu vậy, các bậc cha mẹ và người hướng dẫn cần sự giúp sức của Chúa, cần ân điển của Chúa để thực hiện công tác quan trọng hàng đầu này.

Nhóm phụ huynh này tin rằng nếu Chúa Giê-xu ‘đặt tay cầu nguyện’ và ‘chúc phúc’ cho con cái họ thì mối liên hệ giữa đứa trẻ với Chúa được hình thành từ khi các em còn nhỏ tuổi. Theo năm tháng khi đứa trẻ trưởng thành mối liên hệ này sẽ ích lợi cho đứa trẻ.

Có thể họ cảm biết rằng họ không thể chu toàn việc dạy dỗ con cái. Họ tin rằng con cái của họ cần được Chúa cần nguyện và chúc phúc. Cha mẹ cố gắng chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ nhưng ân phúc là từ Chúa ban cho chứ không phải từ con người. Chắc chắn các bậc phụ huynh đều mong ước con cái mình càng ngày càng khôn ngoan và lớn lên, được Đức Chúa Trời và mọi người quý mến.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

NGÀY 23 THÁNG 9. ĐEM TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU(1)


13 Bấy giờ người ta đem trẻ em đến cùng Chúa để Ngài đặt tay cầu nguyện cho các em, nhưng các môn đệ trách họ.

14 Chúa Giê-xu nói: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn cản các em, vì Nước Trời thuộc về những người giống như các em.” 15 Rồi Chúa đặt tay chúc phúc cho các em, sau đó Ngài lại lên đường. (Ma-thi-ơ 19:13-15)

13 Người ta đem trẻ em đến với Chúa để Ngài đặt tay trên(*) các em, nhưng các môn đệ rầy la họ. 14 Thấy vậy, Chúa Giê-xu bất bình, nói với họ: “Hãy để trẻ em đến với ta, đừng cấm các em, vì Nước Trời thuộc về những người giống như các em! 15 Ta nói thật với anh em, Ai không tiếp nhận Nước Trời như một em nhỏ thì chẳng vào đó được.” 16 Rồi Chúa bồng ẵm và đặt tay chúc phúc cho các em. (Mác 10:13-16)

15 Người ta cũng đem trẻ em đến với Chúa Giê-xu để Ngài đặt tay chúc phúc ( ) cho các em. Thấy vậy, các môn đệ trách họ. 16 Nhưng Chúa Giê-xu gọi các môn đệ đến và bảo: “Hãy để trẻ em đến cùng ta, đừng ngăn trở các em, vì Nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như các em. 17 Ta nói thật với anh em, ai không tiếp nhận Nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì chẳng vào đó được!" (Lu-ca 18:15-17)     

Thử đoán xem mấy người đem trẻ em đến với Chúa là ai? Tất nhiên là cha mẹ, nhưng cũng có thể là ông bà, cô bác, hoặc một người bà con. Có thể họ là người từng đến với Chúa Giê-xu, hoặc nghe nói về Chúa. Giờ đây họ muốn đưa con em mình đến với Chúa. Trong khi thiên hạ mải lo làm việc, hoặc chỉ có một mình đến với Chúa thì mấy người này không chịu đến với Chúa một mình, họ là nhóm người quan tâm đến con em của mình.

Quan tâm đến con em của mình chỉ là bước đầu, vì còn phải xét xem quan tâm trong chiều hướng xấu hoặc tốt. Có những bậc phụ huynh quan tâm cho con ăn uống đến độ con béo phì; hoặc bắt buộc con học ngày học đêm học thêm Chúa nhật; hoặc quan tâm đến khía cạnh này mà bỏ qua khía cạnh khác… Cần quan tâm đến thiếu nhi một cách đúng đắn và khôn ngoan. Nhóm người đem con em đến với Chúa Giê-xu là những người quan tâm đến con em một cách đúng đắn và khôn ngoan. Họ muốn Chúa Giê-xu cũng quan tâm đến con em của họ. Vì sao?

(1)Trước hết có thể họ muốn ‘khoe’ con của họ với Chúa. Con cái là niềm vui, là niềm tự hào của các bậc cha mẹ. Có thể họ cũng muốn Chúa thấy tình trạng con cái của họ. Chúng ta thường nghe các bậc phụ huynh tâm sự với nhau về tình trạng con của mình: “Con tôi như thế này…”. “Thằng bé nhà tôi như thế kia…” Người thì khen, người khác chê có; người này tỏ vẻ vui, người nọ lộ vẻ buồn.

Có thể họ cũng muốn các em gặp Chúa, biết Chúa là ai như họ đã gặp và đã biết Ngài. Chúa Giê-xu là nhân vật mà mọi người cần gặp, người lớn cần gặp Ngài đã đành, họ thấy con em của họ cũng cần gặp. Người lớn có nhiều cơ hội gặp Chúa còn thiếu nhi ít có cơ hội. Cho nên vừa nhận thấy có cơ hội là họ vội vàng bồng bế dắt dìu con em đến gặp Chúa.

(Còn tiếp)
XuânThu


Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

NGÀY 22 THÁNG 9. LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC NHẬM(12)


11. Lời cầu nguyện cụ thể.

Muốn Chúa trả lời một cách cụ thể thì lời cầu nguyện phải cụ thể. Ông Nê-hê-mi đã có một quyết định cụ thể về việc ông sẽ làm khi Chúa nhậm lời cầu nguyện. Ông có một kế hoạch cụ thể khi cầu nguyện. Nhân vật được ông đề cập trong lời cầu nguyện là vua Ạt-ta-xét-xe. “Ngày nay xin Chúa hãy làm cho tôi tớ Chúa được may mắn, và ban cho tôi tìm được sự nhân từ trước mặt người này” (câu 11b). Nguyện ước của ông cũng rất cụ thể: Trở về xây dựng tường thành Giê-ru-sa-lem; thời gian cũng cụ thể; nhu cầu cũng rất rõ ràng từ cuộc hành trình cho đến vật liệu để thực hiện kế hoạch. Vì vậy, vua chấp thuận. 

Ông Nê-hê-mi đã đặt cả đời sống và sự cầu nguyện của ông vào một kế hoạch với những vấn đề rất cụ thể và rõ ràng. Không phải đến khi vua quan tâm, hỏi ông mới nghĩ ra những điều đó. Nhưng đó là những vấn đề và kế hoạch ông đã cầu nguyện từ trước.

Câu 8: “Vua bèn ban cho tôi các điều đó, tuỳ theo tay nhân lành của Đức Chúa Trời tôi giúp đỡ tôi.” Đời sống và lời cầu nguyện của ông Nê-hê-mi cảm động Đức Chúa Trời, lay chuyển được lòng của vua At-ta-xét-xe. Dù nhìn bề ngoài chỉ thấy vua chúa của đời này, nhưng ông Nê-hê-mi thấy Đấng nhậm lời cầu nguyện của ông, ông không quên Chúa là nhân lành và chính Chúa đã giúp đỡ ông. 

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

NGÀY 21 THÁNG 9. LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC NHẬM(11)


10. Lời cầu nguyện của người sống trong tương giao với Chúa

Trong câu 4, sau khi nghe tin tức về tuyển dân của Chúa và thành của Chúa, ông Nê-hê-mi khóc, kiêng ăn và cầu nguyện.

Câu 6: “Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ Chúa, mà tôi hiện lúc này hằng ngày và đêm cầu nguyện...”

Câu 11 chúng ta biết ông Nê-hê-mi cầu nguyện và những người khác cũng cầu nguyện, “tôi nài xin Chúa hãy lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ tôi tớ Ngài và lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài vẫn vui lòng kính sợ danh Ngài”.

Chương 2:4, khi ở bên cạnh vua và hoàng hậu, khi nghe vua hỏi, ông Nê-hê-mi cầu nguyện cùng Đức Chúa của các tầng trời rồi sau đó mới tâu với vua.

Dù trong chỗ riêng tư hoặc chỗ đông người ông Nê-hê-mi đều cầu nguyện. Dù có nhiều thời gian hoặc thời gian ngắn ngủi cấp bách ông vẫn cầu nguyện. Tuỳ cơ hội, tuỳ thời gian mà ông cầu nguyện dài hoặc ngắn. Ông Nê-hê-mi cầu nguyện trong mọi sinh hoạt, khi ở nhà, khi đứng trước mặt vua, khi ở một mình, khi hiệp với nhiều người.

(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)