Làm gì để sống yêu thương?
Gặp Chúa trên con đường Đa-mách rồi tin
Chúa, vâng theo ý Chúa cần phải trả giá, phải hy sinh. Bây giờ trên đường đi
xuống Giê-ri-cô, người tin Chúa có phải hy sinh điều gì không? Chấp nhận đi
trong con đường đức tin là chấp nhận trả giá. Chấp nhận sống yêu thương cũng phải
chấp nhận trả giá. Phải hy sinh những điều mình có. Người ta có thể biện hộ cho
thầy tư tế và người Lê-vi rằng: “Chắc là hai vị đó nghèo, không có gì trong tay
thì làm sao giúp nạn nhân!” Không nhất thiết phải có vật chất mới có thể giúp
đỡ người khác. Thật ra họ vẫn có thể hy sinh thì giờ, có thể góp công, góp sức,
góp lời cầu nguyện cho nạn nhân.
Người Sa-ma-ri có gì? Có dầu, có rượu
xức vết thương, có vải để băng bó, có lừa cho nạn nhân cỡi, có tiền trả cho chủ
quán. Người Sa-ma-ri còn phải tạm ngưng công việc của mình lại để giúp cho
người bị nạn. Trên đời này ai cũng nói mình bận cả. Người Sa-ma-ri cũng bận,
nhưng ông đã gác lại mọi chuyện để giúp người khác.
Rồi không phải hy sinh một lần, không
phải quan tâm cứu giúp một lần (để lương tâm không bị cáo trách) mà còn giúp đỡ
cho đến nơi đến chốn, như vậy phải tốn thêm tiền, phải thêm thì giờ, phải hoãn
công việc của mình.
Nhưng những việc đó mới chỉ là bề nổi
khi người Sa-ma-ri hy sinh để giúp người bị nạn. Người Sa-ma-ri còn phải xoá bỏ
những nỗi tức tối, oán hận, thù ghét thâm căn cố đế giữa người Sa-ma-ri với
người Do Thái. Thay vì vỗ tay vui mừng và nói: “Đáng đời thằng Do Thái!” thì người
Sa-ma-ri lại ra tay cứu giúp con người từng coi khinh mình.
Giúp người có thể là chuyện thường
tình, giúp kẻ thù là việc rất khó thực hiện. Cho nên đó là một trong những kinh
nghiệm hiếm hoi, rất quí báu và rất quan trọng. Vì sao? Vì đây là cột mốc đánh
dấu sự tăng trưởng trong đời sống thuộc linh.
- Vì lâu nay chỉ biết nhận, bây giờ
biết cho.
- Vì qua công việc đó người Sa-ma-ri
thấy mình có giá trị, thấy mình thật hữu ích. Thấy mình có thể làm một
điều gì cho người khác.
- Thấy giá trị của niềm tin. Không
phải chỉ tin cách thụ động, nhưng sống với niềm tin.
Con đường đi Giê-ri-cô tạo cơ hội cho
người Sa-ma-ri bày tỏ tình yêu thương qua hành động. Đây là con đường tạo cơ
hội cho ông phá đổ những bức tường ngăn cách, phá đổ những thành kiến giữa con
người với nhau. Ngược lại khi đối diện cùng cơ hội đó, thầy tư tế và người
Lê-vi bộc lộ thực trạng của họ. Họ chỉ có cái vỏ tôn giáo, chỉ đạo đức giả,
thực chất của họ là ích kỷ, là vô tình, lạnh nhạt, thiếu hẳn tình yêu thương.
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét