Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

NGÀY 31 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (7)


3. Đối với người, người quản lý giúp đỡ người khác.

“Hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau.”

Ông Phi-e-rơ viết “mỗi người trong anh em”, mỗi một chúng ta dù là ai đi nữa. “Mỗi anh em” có liên hệ đến “lẫn nhau”. Điều này cho thấy muốn dâng tài năng, sử dụng tài năng của mình cho Chúa thì phải quan tâm “lẫn nhau”. Nhiều người có tài năng, sử dụng tài năng và coi người khác chẳng ra gì. Coi mình là chính hiệu và giữ độc quyền. Đừng coi thường bất cứ người nào trong hội thánh. Vì ai cũng có tài năng Chúa cho cả.

Có thể chúng ta trung tín làm lợi ra, nhưng không giúp ích cho người khác mà chỉ làm cho mình được nổi danh.

Lẫn nhau ở đây cũng có nghĩa người này cần đến người kia. Trong một hội thánh mà ai nấy đều dâng khả năng của mình cho Chúa thì sẽ nảy sinh nhiều công tác. Nhiều công tác được tiến hành trong nhiều lãnh vực và hội thánh, con người sẽ phát triển quân bình. Hội thánh sẽ nẩy ra đủ các bông trái, đủ các việc lành.

Ông Phi-e-rơ khuyên trong câu 9: “Người này người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn.” Hãy vui lòng, đừng than van, đừng oán trách.

Có người làm việc và giúp đỡ trong tinh thần khó chịu, luôn luôn càu nhàu. Có người nói mà không làm. Có người làm mà cằn nhằn, than vãn, chê trách người khác.

Giúp đỡ nhau cũng hàm ý người này cần đến người kia, có việc một người đủ sức thực hiện, nhưng cũng có việc cần sự góp sức của nhiều người. Một người làm lâu hoàn thành, nhiều người làm mau đạt đến mục tiêu. Cần nhiều người góp công góp sức. Có tài năng ít được người khác biết đến, có tài năng được nhiều người biết đến. Nhưng rồi tất cả đều cần lẫn nhau.

Cũng cần lưu ý là tài năng ít người biết đến nhưng lại rất quan trọng đó là tài năng cứu giúp. Trong 1Cô-rinh-tô 12:28 nêu tài năng này trước tài năng lãnh đạo và tài năng nói tiếng mới. Cứu giúp, giúp đỡ là sẵn sàng đưa tay ra cứu giúp người khác. Nhưng trong hội thánh và ngoài xã hội, ai cũng ngửa tay xin người khác giúp mình, cho nên thiếu tình thương, thiếu người giúp đỡ.

Công Vụ 9:36 ghi lại chuyện một phụ nữ tên là Ta-bi-tha, nghĩa là Đô-ca, làm nhiều việc lành và hay bố thí. Để làm việc lành và bố thí, Ta-bi-tha cần tài năng gì? (Câu 39) Khi ông Phi-e-rơ đến thăm, tất cả các goá phụ đều khóc với ông Phi-e-rơ, và đưa cho ông xem những chiếc áo lúc Ta-bi-tha may cho họ lúc bà còn sống. Tài năng của Ta-bi-tha nằm trong đôi tay, cây kim, sợi chỉ cùng thời gian. Ta-bi-tha đã trung tín dùng bàn tay của mình để mở mang vương quốc của Chúa và đem lợi ích đến cho tha nhân.

Trung tín làm lợi cho Chúa và làm lợi cho người khác là đặc điểm của những người dâng tài năng cho Chúa.

Tóm tắt

Người quản lý trung tín giữ các thứ ơn 
của Đức Chúa Trời
qua P3 phục vụ hiệu quả với phẩm chất T2: Trung tín


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

NGÀY 30 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (6)


1. Đối với Chúa, người quản lý cần có phẩm chất trung thành hoặc trung tín khi sử dụng tài năng.

Ông Phi-e-rơ viết về người quản lý trung tín. Ông Phao-lô viết 1Cô-rinh-tô 4:2 “Điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành”.

Trung thành hoặc trung tín là đặc điểm đầu tiên của người quản lý. Đối với Chúa trung thành hoặc trung tín là có thể tin cậy. Đối với chúng ta là ngay thẳng, không gian lận khi quản lý những điều Chúa giao cho.
Chúa giao con người, giao khả năng, giao tiền bạc, giao thời gian... cho chúng ta. Vì sao? Vì Ngài tin cậy chúng ta.

Cần tự hỏi, chúng ta có ngay thẳng không? Có gian lận với Chúa không? Có phụ lòng Chúa không?
Biết đâu chừng Chúa nhìn vào đời sống chúng ta và Ngài buồn rầu nói: “Xem kìa, ta giao cho nó tài năng, thời gian, tiền bạc, vậy mà nó xài phung phí như thể là của riêng. Ta tin cậy nó, vậy mà nó không trung tín, nó không xứng đáng với lòng tin cậy của ta chút nào.”

Khi Chúa tin cậy và giao phó tài năng, tiền bạc, thời gian cho chúng ta, mà chúng ta lại không sử dụng như ý Chúa muốn, Chúa rất buồn.

2. Đối với tài năng, người quản lý phải làm lợi ra cho Chúa.

Có ba loại quản lý:
·         Quản lý làm lợi ra cho chủ. (Ma-thi-ơ 25)
·         Quản lý không sinh lợi cho chủ.
·         Quản lý phá hoại của chủ. (Lu-ca 16)

Người quản lý sinh lợi cho chủ là người chịu đầu tư, lo làm việc, tận tâm tận lực. Dành thời gian, đổ công sức vào công việc.

Người quản lý không làm lợi ra thì chẳng cần làm gì cả ngoại trừ đem chôn tài năng Chúa cho. Anh ta không tốn thì giờ, chẳng nhọc công, nhọc sức gì cả. Anh ta có thể nói: Thưa còn đủ đây, không hao hụt chút nào cả.

Chúng ta tự hỏi, anh ta dùng thời gian để làm gì?
Còn người quản lý phá hoại tài sản của chủ, chắc chắn anh ta không làm lợi ra cho chủ, không giữ nguyên cho chủ. Đây là người lợi dụng danh nghĩa của chủ để lấy danh lấy tiếng cho mình. Anh ta làm hao hụt tài sản của chủ, gây thiệt hại cho chủ, nhưng lợi lộc thì về anh ta. Nhiều người trong chúng ta sống và đối xử với Chúa giống như người này.

Chúng ta lấy khả năng Chúa cho, những điều Chúa giao cho để sử dụng cho lợi ích riêng của chúng ta. Lắm khi chúng ta dùng khả năng Chúa cho lẫn Danh của Chúa để làm lợi cho mình và danh tiếng của mình.

Thiếu gì người trong chúng ta nói, cám ơn Chúa cho có khả năng này, nghề nghiệp kia, thành công nọ. Nhưng trong thâm tâm thì cho rằng các khả năng đó là của mình chứ không phải là Chúa. Thành công là do nỗ lực của mình và lợi ích là cho chính mình.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

NGÀY 29 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (5)


P3: Phục vụ hiệu quả

Sau khi đã thực hiện 3H và 3T, nghĩa là đã phát hiện và phát huy tài năng, bạn cần phục vụ hiệu quả. Muốn phục vụ hiệu quả bạn cần T2. Đó là trung tín hoặc trung thành.
  • Trung tín trong mối tương giao với Chúa
  • Trung tín trong việc sử dụng thì giờ
  • Trung tín trong việc sử dụng tiền bạc
  • Trung tín trong việc tập tành hành động
  • Trung tín...
Trung tín là điều dễ thực hiện, nhưng cũng khó duy trì cho đến cuối cùng. Dễ vì ai cũng có thể trung tín, nhưng khó vì không phải ai cũng kiên trì, bền bỉ. Không phải chỉ trung tín trong một ngày, nhưng suốt trong cuộc đời.

Trung tín trong những việc nhỏ mới có thể trung tín trong những việc lớn. Có trung tín dâng 50.000$ thì mới trung tín dâng 500.000$. Có trung tín dạy 5 thiếu nhi thì mới trung tín trong lớp 50 thiếu nhi. Có trung tín chăm sóc 1 người thì mới trung tín chăm sóc 10 người.

Trong ngày cuối cùng,
  • Chúa không nhận xét rằng anh là đầy tớ ngay lành tài ba, cô là đầy tớ ngay lành nổi tiếng.
  • Chúa nhận xét rằng anh là đầy tớ ngay lành trung tín.

Người dâng khả năng cho Chúa phải trung tín mà làm lợi ra cho Chúa.

Trở thành người quản lý giỏi

Nhiều người có tài năng, tài năng đã phát triển, nhưng chỉ sử dụng tài năng cho mình một cách ích kỷ. Vì sao?

- Vì chưa nhận thức mình là người quản lý chớ không phải là ông chủ. Sau khi phát huy tài năng chúng ta sinh ra kiêu căng và nói: tài năng của tôi chứ không phải của Chúa. Thế là chúng ta sử dụng tài năng cho mình, vì lợi ích của mình.

- Vì người đó là người quản lý tồi. Chúng ta nói tài năng của chúng ta là của Chúa nhưng chúng ta lại sử dụng tài năng Chúa cho không đúng, không kết quả.

- Để trở thành một người quản lý giỏi chúng ta cần biết rằng tài năng đó phải dẫn chúng ta đến ba vấn đề:
  • Đối với Chúa.
  • Đối với ân tứ (tài năng).
  • Đối với người khác.


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

NGÀY 28 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (4)


Muốn phát huy tài năng phải tốn . . . 3T

T1: Thời gian

Như vậy, muốn dâng tài năng cho Chúa, chúng ta phải biết cách sử dụng thời gian. Nói cách khác dâng tài năng cho Chúa tùy thuộc vào việc ta có dâng thời gian cho Chúa không. Nhiều người có tài năng Chúa cho, muốn hầu việc Chúa tốt hơn, nhưng lại không chịu dành thời gian rèn luyện.

T2: Tài chánh

Muốn dâng tài năng, ngoài việc dâng thời gian còn dâng tiền bạc. Muốn dâng tiền bạc để trau dồi tài năng thì phải hy sinh. Thí dụ: Một số con cái Chúa có tài năng âm nhạc, hội hoạ. Muốn phát huy tài năng này để hữu ích cho Chúa về lâu về dài, bản thân họ phải dành nhiều thời gian học nhạc, học vẽ. Rồi bản thân họ và cha mẹ phải bớt chi tiêu vào những việc khác để có tiền đi học. Đôi khi hội thánh cũng cần có học bổng dành cho các con cái Chúa trau giồi tài năng để phục vụ Chúa hiệu quả hơn. Thí dụ: Một số con cái Chúa có tài năng về lãnh vực giáo dục. Họ phải sắp xếp thì giờ, hi sinh công việc riêng, tốn tiền để đi học khoá huấn luyện. Hội thánh cần giúp họ tài chánh.

T3: Tập luyện

Tài năng chỉ nảy nở và phát triển khi có tập luyện. Đầu tư thì giờ, tiền bạc mà bản thân không tập luyện thì chỉ hao tốn cách vô ích. Cho nên bản thân phải tập luyện. Nhiều người không chịu tập luyện, không kiên trì, không chịu khó. Một học sinh học đàn muốn thi thố tài năng ngay giữa hội trường thì phải miệt mài tập luyện trong phòng kín. Muốn dạy 50 em thiếu nhi thì phải bắt đầu với vài ba em.

Như vậy sau khi phát hiện mầm tài năng, ta phải đầu tư tiền bạc, thời gian tập luyện. Việc gì sẽ xảy ra: Tài năng phát triển. 

Vấn đề suy nghĩ:

Phải chăng Chúa cho chúng ta có rất nhiều tài năng? Bản thân chúng ta có nỗ lực trau giồi tài năng không? Hội thánh cần đầu tư gì cho các tài năng tiềm tàng trong hội thánh?

Tóm tắt

Người quản lý trung tín giữ các thứ ơn 
của Đức Chúa Trời
qua P2 phát huy tài năng với 3 yếu tố:
·         T1: Thời gian
·         T2: Tài chánh
·         T3: Tập luyện

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

NGÀY 27 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (3)

P2: Phát huy tài năng
Người quản lý trung tín sau khi phát hiện tài năng Chúa ban cho mình phải làm gì?

Nhiều người phát hiện mình có tài năng, người khác cũng biết người đó có tài năng, nhưng lại không dùng cho công việc Chúa. Vì sao? Vì tài năng của người đó không được phát huy.

Ẩn dụ trong Ma-thi-ơ 25:14-30, Chúa Giê-xu dạy, chúng ta là quản gia của Chúa. Trong ẩn dụ đó:

- Người chủ tượng trưng cho Chúa.

- Người đầy tớ tượng trưng cho chúng ta.

- Ta-lâng hoặc tiền bạc tượng trưng cho tài năng.

Ẩn dụ này cho chúng ta nhiều bài học.

- Chúa là Đấng ban tài năng cho mỗi người.

- Tài năng nơi mỗi người khác nhau. Người có nhiều, người ít; có người thông minh, người khá, người trung bình.

- Chúa muốn mỗi người đều phát triển tài năng của mình.

- Mỗi người phải khai trình về cách mình sử dụng tài năng.

- Chúa thưởng cho người biết lo sử dụng tài năng, ngược lại Ngài sẽ phạt.

Vấn đề chúng ta cần lưu ý là đầu tư cho tài năng. Một số người có tài năng vẽ, có người giỏi về âm nhạc, có người giỏi về kỹ thuật máy móc, có người biết dạy dỗ, có người giỏi kinh doanh. Nhưng nếu chúng ta không đầu tư thì khó mà thu gặt thành quả. Khi hỏi những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ... bí quyết nào giúp họ thành công, ai nấy đều trả lời: “Một phần là do Trời cho, nhưng phần khác là do tôi cố gắng.”

Chúa cho tài năng ở dạng hạt giống, khi gặp cơ hội nó sẽ nảy mầm, chúng ta phải phát huy.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

NGÀY 26 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (2)


Muốn phát hiện tài năng Chúa cho, có ba bước gọi là 3H.

H1: Hỏi ý Chúa (Tương giao với Chúa)

Nếu bạn tin rằng Chúa có chương trình cho đời sống của bạn, thì Chúa sẽ ban cho bạn tài năng cần thiết để thực hiện chương trình của Ngài. Hãy hỏi Chúa, Ngài sẽ chỉ cho bạn, giúp bạn khám phá ra những tài năng này để bạn làm vinh hiển danh Ngài.
Hỏi ý Chúa bao gồm mối liên hệ giữa bạn với Chúa. Bạn có liên tục sống trong mối liên hệ với Chúa không? Chúa sẽ cho bạn biết những tài năng nào Ngài ban cho bạn.

H2: Hướng về (Tầm nhìn)

Chúa Giê-xu bảo các môn đệ “Hãy nhướng mắt lên mà xem đồng ruộng...” Khi bạn nhướng mắt lên và nhìn xem, khi bạn quan sát, quan tâm chú trọng, bạn sẽ thấy nhiều nhu cầu trong hội thánh, trong xóm, trong thành phố bạn đang cư trú. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để làm việc tốt cho hội thánh, cho hàng xóm, cho thành phố của bạn. Khải tượng chỉ bày tỏ cho những ai nhìn lên, nhìn thấy những nhu cầu quanh mình. Nhiều người không thấy khải tượng, không thấy nhu cầu vì không chịu nhướng mắt lên và nhìn xem.
Bạn đã nhìn thấy gì chưa? Có khải tượng nào đến với bạn không? Cơ hội và nhu cầu là một trong những cách Chúa cho chúng ta phát hiện tài năng của mình và sử dụng tài năng đó theo ý muốn Chúa.

Ngày nay chúng ta có Trường Chúa Nhật. Nhưng cần nhớ rằng thoạt đầu Trường Chúa Nhật hình thành do một người Anh, ông Robert Raikes khi ông nhìn thấy nhu cầu của thiếu nhi và thiếu niên.

H3: Hành động (Thực hiện)

Không dám liều lĩnh thì không thể qua sông. Không vào hang hùm sao bắt được cọp? Bạn hãy thử làm một việc cho Chúa xem bạn có thể hoàn tất tốt hay không.

Nếu bạn yêu thích một lãnh vực nào đó, hãy can đảm hành động. Khi bạn hành động, Chúa sẽ cho bạn thấy Ngài đã ban cho bạn tài năng, khi bạn hành động Chúa sẽ không để bạn một mình, và người khác cũng sẽ phát hiện bạn có tài năng Chúa cho.

Thí dụ: Một cô nọ cảm thấy mình không có tài năng. Cô cầu nguyện với Chúa, xin Chúa giúp cô phát hiện và thúc giục cô dâng tài năng đó cho Ngài. Khi cô cầu nguyện như vậy, Chúa cho cô nhìn thấy nhu cầu trong xóm, nhiều thiếu nhi và thiếu niên không biết chữ. Cô thử hành động bằng cách dạy một số em, sau đó nhiều em tới học. Cô bắt đầu nhận ra tài năng của mình. Tất nhiên câu chuyện đến đây chưa chấm dứt. Vì sao? Vì cô trau giồi khả năng. Nay cô trở thành giáo viên tốt nghiệp đại học. Chúa biến nơi cô ở thành một trường tình thương cho con em người dân tộc. Rồi nhiều người nhìn thấy, họ bắt đầu học tập và noi gương cô.

Đây không phải kinh nghiệm của một người mà của nhiều người trong các hội thánh. Chẳng ai bắt buộc hoặc thúc đẩy họ cả.

Vấn đề suy nghĩ:

- Ngày nay nhiều người trong hội thánh thuộc loại ăn không ngồi rồi, chỉ hiện diện trong hội thánh, chỉ nhìn người khác làm việc. Vì sao?

- Hội thánh có nhiều nhân tài, nhưng vẫn còn những “ngoạ hổ tàng long” (cọp ngồi, rồng ẩn) vì sao?

Tóm tắt

Người quản lý trung tín giữ các thứ ơn 
của Đức Chúa Trời

qua P1 phát hiện khả năng với 3 bước:

·         H 1 : Hỏi ý Chúa (Tương giao)
·         H 2 : Hướng về (Tầm nhìn)
·         H 3 : Hành động (Thực hiện)

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

NGÀY 25 THÁNG 1. NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN (1)


Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. (I Phi-e-rơ 4:10)

Ai trong chúng ta cũng có vài tài năng do Chúa ban cho. Chúa cho bạn tài năng nào?

- Bạn có giọng hát hay, hãy hát tôn vinh Ngài.

- Bạn là thợ mộc hoặc thợ nề phải không? Ngoài việc mưu sinh, bạn hãy dâng tài năng đó cho Chúa để xây dựng hoặc tu sửa nhà thờ, hoặc xây dựng nhà cho anh em tín hữu nghèo.

- Bạn có tài năng dạy dỗ phải không? Hãy dâng tài năng của bạn để dạy các lớp Trường Chúa Nhật, thiếu nhi, hoặc hướng dẫn một nhóm học Kinh Thánh, hoặc chăm sóc tân tín hữu.

- Bạn có tài năng nào nữa? Chịu khó viết ra giấy tất cả mọi tài năng của bạn.

- Bạn có muốn dâng tài năng cho Chúa không?

- Bạn mong Chúa sẽ dùng tài năng của bạn vào những môi trường nào?

- Hội thánh có phải là môi trường tốt để bạn dâng tài năng của bạn cho Chúa không?

- Bạn thấy có trở ngại nào khi dâng tài năng cho Chúa?

Nhiều người thấy có quá nhiều trở ngại trong việc dâng tài năng cho Chúa. Thế nhưng nếu áp dụng câu Kinh Thánh: Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 4:10) bạn có thể sử dụng tài năng cho Chúa để trở thành người quản lý trung tín của Ngài.

Làm thế nào để người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời?

Có ba chữ P mà bạn cần lưu ý:


P1: Phát hiện tài năng
Bước đầu tiên của người quản lý trung tín không phải là xét xem mình có tài năng hay không. Đã là quản lý của Đức Chúa Trời thì phải có tài năng.

Người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời bằng cách phát hiện tài năng, ân tứ mà Chúa giao cho mình. Nhiều người cho rằng họ không có tài năng nào cả và than thở là không thể làm gì cho Chúa cả, hoặc viện cớ mình không có tài năng cho nên cứ thụ động, chỉ nhìn người khác làm việc. Thế nhưng theo lời dạy của Chúa, thì không người nào hoàn toàn không có tài năng. Vấn đề là bản thân họ chưa khám phá ra tài năng tiềm ẩn trong họ hoặc những nhà lãnh đạo chưa phát hiện ra họ có tài năng nào.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn không có tài năng thì phải làm sao?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

NGÀY 24 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (12)


2. Người tôi tớ tự xét xem mình có hội đủ tinh thần tôi tớ.

Trên con đường tìm kiếm, người-lãnh-đạo-có-phẩm-chất-tôi-tớ nêu ba câu hỏi để xác định đối tượng đang tìm kiếm. Bạn cũng có thể dùng ba câu hỏi này để tự xét bản thân có phải là người-lãnh-đạo-có-phẩm-chất-tôi-tớ hay chưa. Câu hỏi đó là:

  • Bạn có thể giúp tôi được không?
  • Bạn có quan tâm đến tôi không?
  • Tôi có thể tin cậy bạn không?
Câu đầu tiên tìm hiểu về khả năng giúp đỡ. Câu thứ hai tìm hiểu ý hướng tinh thần, tấm lòng thật tâm muốn giúp đỡ. Câu thứ ba tìm hiểu tính cách đáng tin cậy và trung thành của con người.
Ba câu hỏi liên quan đến tài năng, tấm lòng và tính cách của con người.

a. Bạn có thể giúp tôi được không? Người lãnh đạo thường có khuynh hướng muốn người khác giúp mình, bắt người khác cống hiến, phục vụ mình vì mình có tài năng. Nhưng người lãnh đạo đích thực phải nhận ra rằng phục vụ người khác là công việc của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải làm sao để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn cho người mà mình lãnh đạo. Người lãnh đạo tốt sẽ thuyết phục được nhiều người theo mình nếu thực hiện được nhiều việc ích lợi cho họ. Bản thân người lãnh đạo cũng cần tự xét xem mình có khả năng giúp đỡ người khác hay không. Đây là tiêu chuẩn chính để có thể làm tôi tớ, tức là để trở nên một người lãnh đạo hữu hiệu.

b. Bạn có quan tâm đến tôi không? Câu hỏi này tìm hiểu tấm lòng khao khát muốn giúp đỡ người khác. Nhiều người lãnh đạo bận bịu với những vấn đề của riêng bản thân, nặng lòng với công việc nhưng không chịu hướng đến con người mình đang phục vụ. Họ có đôi tay và đôi chân làm việc, có cái đầu kế hoạch, tính toán... nhưng trái tim thì trống rỗng. Chính vì thế mà cách đối xử, mối quan hệ với con người khác có vấn đề. Cách thực hiện công việc cũng thiếu sự quan tâm và tình yêu thương. Cái tâm của người lãnh đạo sẽ lộ rõ khi làm việc, phục vụ vì bản thân hoặc vì con người.

c. Tôi có thể tin cậy bạn không? Câu hỏi này tìm hiểu tính cách của người lãnh đạo. Không phải người lãnh đạo chỉ cần có tài năng và kinh nghiệm, hoặc chỉ cần khao khát muốn giúp đỡ người khác, người lãnh đạo cần có tính kiên định. Đặc tính này bắt nguồn từ kỷ luật trong đời sống. Nhờ có kỷ luật mà một người có thể trung thành trong việc thực hiện những việc mình đã hứa. Thước đo để biết một người có đáng tin cậy hay không là nghe người đó nói gì và quan sát xem người đó đã làm gì. Người-lãnh-đạo-có-phẩm-chất-tôi-tớ lãnh đạo bằng sự tín nhiệm chứ không phải bằng tài năng của bản thân.

Đối với ba câu hỏi trên, người mà bạn tìm kiếm trả lời ‘không’, thì chắc chắn bạn không tạo cơ hội cho người đó phục vụ. Còn nếu bản thân bạn, người đang ở trong vai trò lãnh đạo và phục vụ, bạn cũng trả lời là ‘không’ thì thế nào?




Xuân Thu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

NGÀY 23 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (11)


Kết luận

1. Tìm kiếm và phát hiện người có tinh thần tôi tớ.

Sáng Thế Ký chương 24 ghi lại bốn lần sự phục vụ của cô Rê- bê-ca.

- Lần thứ nhất trong lời cầu xin của ông Ê-li-ê-se. (Câu 12-14) Đây là mong ước của ông Ê-li-ê-se.

- Lần thứ nhì là sự việc diễn ra. (Câu 17-21) Lời cầu xin của Ê-li-ê-se trở thành sự thật.

- Lần thứ ba và thứ tư trong lời tường thuật của Ê-li-ê-se tại nhà cô Rê-bê-ca. (Câu 43-46) Khi kể lại cho gia đình của cô Rê-bê-ca, ông Ê-li-ê-se nhắc lại lời cầu xin của mình và cho biết cô Rê-bê-ca đã làm đúng những điều ông cầu xin. Ông Ê-li-ê-se kể lại như sau: Ngày nay, khi đi đến giếng kia, tôi có cầu rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của chủ Áp-ra-ham! Xin đoái đến mà giúp công việc của tôi đi đây được thành! Này, tôi ngồi bên giếng nước này: Cầu xin hễ người gái trẻ nào sẽ ra xách nước mà tôi nói cùng nàng rằng: ‘Xin cho tôi uống một hớp nước trong bình’; mà sẽ trả lời rằng: ‘Hãy uống đi, rồi tôi sẽ xách cho các lạc đà ngươi uống nữa’, xin cho người gái trẻ đó là vợ mà Đức Giê-hô-va đã định cho con trai của chủ tôi!”

Chưa dứt lời thầm nguyện, bỗng đâu nàng Rê-bê-ca vác bình trên vai đi ra, xuống giếng xách nước. Tôi nói với nàng rằng: ‘Xin cho tôi uống hớp nước.’ Nàng lật đật hạ bình trên vai xuống mà nói rằng: ‘Hãy uống đi, rồi tôi sẽ xách nước cho các lạc đà ngươi uống nữa; vậy tôi có uống và nàng cũng có cho lạc đà uống nữa.” (Câu 42-46)

Để tìm được một Rê-bê-ca, ông Ê-li-ê-se đã
  • Tìm kiếm (24:10-11). 
  • Trình bày với Chúa (câu 12-14).
  • Tỏ bày (câu 15-19).
  • Tìm hiểu (câu 20-21).
Tìm một người có phẩm chất tôi tớ như Rê-bê-ca là mong ước và lời cầu xin của nhiều quản gia. Mong ước đó không phải là viễn vông. Quản gia Ê-li-ê-se đã nêu cho chúng ta một tấm gương trong việc phát hiện ra Rê-bê- ca với những phẩm chất tốt đẹp.

Ngày nay những Rê-bê-ca vẫn đi đến giếng nước nhưng chẳng ai cầu nguyện bên giếng nước để xin Đức Chúa Trời  giúp mình gặp họ. Chẳng ai quan tâm tìm kiếm họ, chẳng ai ngó ngàng hoặc nói chuyện với họ, chẳng ai quan sát, tìm hiểu xem họ có phải là hiện thân của sự trả lời của Đức Chúa Trời hay không.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

NGÀY 22 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (10)


5. Tới nơi tới chốn

Khi đỡ cho người uống xong rồi,
“Chừng nào uống đã thì thôi.”

Cô Rê-bê-ca làm việc rất tốt. Cô tình nguyện phục vụ, thực hiện hai công tác và không bỏ dở công tác nào. Lúc bắt đầu cô chỉ có một công việc nhưng sau đó hoàn tất hai công việc. Không bỏ ngang công việc mà làm tới nơi tới chốn là một trong những phẩm chất tốt của người tôi tớ.

Cô Rê-bê-ca mời ông Ê-li-ê-se uống nước. Khi ông Ê-li-ê-se uống xong, cô Rê-bê-ca nói “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc đà chúa uống nữa, chừng nào uống đã thì thôi.” Ta thấy công việc của cô Rê-bê-ca theo trình tự. Trước hết giải quyết ngay và giải quyết cho xong điều người ta yêu cầu, sau đó mới tiến sang điều mình tình nguyện thực hiện. Trước hết hoàn tất việc ngắn hạn, sau đó tiến sang việc dài hạn. Việc trước mắt, việc dễ làm mà không hoàn tất được thì làm sao hoàn tất được việc lâu dài và khó hơn. Đứng ngay tại chỗ, dỡ bình nước cho Ê-li-ê-se uống có một lần mà làm không xong thì làm sao chạy lên chạy xuống nhiều lần, xách nước đổ vào máng cho đàn lạc đà?

Cô Rê-bê-ca không nói: “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc đà ông uống nữa, chừng nào tôi mệt thì thôi.” Khi đàn lạc đà uống nước đã đời và không uống nữa, có lẽ cô Rê-bê-ca ngạc nhiên khi nhìn lại công việc cô đã làm. Thật là vượt hơn cả điều cô mong đợi. Người ta thường dùng nhóm từ ‘trên cả tuyệt vời’. Phục vụ như Rê-bê-ca phải bỏ ra nhiều công sức và tốn nhiều thì giờ.

Một người tình nguyện làm việc rất dễ bị cám dỗ bỏ ngang công việc, vì chỉ là tình nguyện. Có tinh thần phục vụ, có nỗ lực làm việc nhưng không bền lòng cho đến cuối cùng cũng chỉ vì tình nguyện. Cộng đồng Cơ Đốc có rất nhiều người tỏ ra mau mắn tình nguyện nào là dạy Kinh Thánh, làm công tác chứng đạo, chăm sóc... nhưng không có phẩm chất tôi tớ, chỉ theo đuổi công việc trong một thời gian, thấy mệt, thấy khó, thấy tốn thời gian... cho nên nửa chừng gãy cánh.

Để có phẩm chất tốt của một tôi tớ, để phục vụ tới nơi tới chốn, ngoài việc thực hiện công việc theo thứ tự trước sau, một mặt người phục vụ cần nhìn vào tình trạng của đối tượng mình phục vụ, một mặt phải chuẩn bị tinh thần và thể lực của bản thân. Bằng không, nửa chừng người phục vụ sẽ nhìn vào tình trạng của mình rồi bỏ cuộc.

Hãy xét lại những lần bạn phục vụ không đến nơi đến chốn để tìm ra nguyên nhân. Phải chăng vì ôm đồm quá? Phải chăng vì thiếu sắp xếp thứ tự ưu tiên? Phải chăng vì thương thân xót phận mà không chịu nhìn vào nhu cầu của đối tượng? Phải chăng vì thiếu thể lực, thiếu năng lực để hoàn tất công việc?

Chúng ta lo giữ niềm tin cho đến cuối cùng thì cũng phải bền lòng phục vụ đến nơi đến chốn. Trung thành trong niềm tin cũng cần trung thành trong phục vụ.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

NGÀY 21 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (9)


Ngày nay tiền bạc làm cho việc phục vụ nhanh chóng hơn. Chữ ‘chạy’ thể hiện phẩm chất tôi tớ trong sự phục vụ đã biến chất và trở thành ‘chạy chọt’, ‘chạy tiền’. Còn phục vụ trở thành dịch vụ. Dịch vụ vì tiền bạc làm cho công việc trở nên nhanh chóng hơn, người phục vụ ‘chạy’ nhanh hơn. Tiền bạc làm cho mọi thứ trở nên trơn tru hơn; không có tiền, mọi thứ đều trì trệ, chậm chạp.

Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là làm thế nào để phục vụ một cách nhanh nhạy, thành thục mà không vì động cơ tiền bạc.

Ai trong anh em có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn ngoài đồng trở về mà lại bảo người đầy tớ đó: ‘Mời chú ngồi ngay vào bàn dùng cơm!’? Trái lại, anh em bảo đầy tớ: ‘Chú hãy dọn bữa cho tôi dùng! Hãy xăn tay áo lên hầu bàn cho tôi ăn uống, rồi chú sẽ ăn uống sau!’, phải vậy không? Chủ có cám ơn đầy tớ vì đầy tớ đã tuân lệnh chủ không? Đối với anh em cũng vậy, sau khi hoàn thành tất cả những công tác được giao cho mình, anh em hãy thưa: ‘Chúng con là đầy tớ vô dụng, chúng con chỉ làm tròn bổn phận phải làm đó thôi!’  (Lu-ca 17:7-14)

Người đầy tớ trong ẩn dụ Chúa kể phục vụ rất tốt mà chẳng trông chờ lời cám ơn chớ đừng nói đòi hỏi tới tiền bạc. Đây là người đầy tớ rất chuyên nghiệp. Câu nói của anh ta có gói ghém động lực khiến anh ta làm việc rất tốt: (1)Là đầy tớ và (2)Làm tròn bổn phận đầy tớ.

*
*    *

Cô Melina Salazar là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở Texas (Mỹ). Trong gần 7 năm, cụ Walter Swords, một cựu quân nhân trong thế chiến II là khách hàng trung thành nhưng vô cùng khó tính của nhà hàng. Khi cụ Swords đến nhà hàng, cô Salazar luôn luôn mang thức ăn nóng mà ông cụ ưa thích, ngay cả khi bị mắng mỏ một cách vô cớ cô vẫn nở nụ cười thân thiện.

Cảm kích trước thái độ phục vụ ân cần và nhẫn nại của cô Salazar, cụ Swords đã để lại cho cô Salazar phần thừa kế trị giá 50.000 USD và một chiếc xe hơi. Tháng 7.2007 cụ qua đời thọ 89 tuổi, nhưng mãi đến trước giáng sinh cô Salazar mới biết việc cô được thừa kế. Cô nói: “Tôi không thể tin là mình lại được nhận món quà bất ngờ.”

Cô Melina Salazar là người phục vụ trong tinh thần tôi tớ, chỉ làm tròn bổn phận phải làm. Trong khi phục vụ, cô chẳng bao giờ đòi hỏi và nghĩ đến việc cụ Swords phải cám ơn hoặc tưởng thưởng cho cô bất cứ điều gì.  

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

NGÀY 20 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (8)


4. Thành thục

“... rồi nàng lật đật...”
“ Nàng lật đật..., chạy xuống...”

Cô Rê-bê-ca thực hiện công việc rất chuyên nghiệp. Cô không vin vào tính chất công việc (làm việc không công), đối tượng phục vụ (chỉ là lạc đà), hoàn cảnh (chỉ có một mình),... để chần chờ hoặc chậm chạp. Hai từ ngữ mô tả cách làm việc của cô Rê-bê-ca là ‘lật đật’ (‘nhanh nhẹn’ – Bản Dịch Mới 2002) và ‘chạy’. Làm việc nhanh nhẹn và khẩn trương.

Nhanh nhẹn không có nghĩa là cẩu thả, làm qua quít cho xong chuyện. Nhanh nhẹn vừa cho thấy khả năng làm việc và tinh thần làm việc. Hai điều này bộc lộ qua trình tự làm việc, tiến độ thực hiện và thao tác thành thục.

Hai điểm yếu thường thấy nơi người lãnh đạo thiếu tinh thần tôi tớ là cự li và tốc độ. Thứ nhất là cự li, nghĩa là lơ là không chịu gần gũi, không gắn bó với đối tượng và công việc; thứ nhì là tốc độ, nghĩa là đáp ứng nhu cầu một cách chậm chạp, không thực hiện công việc cho nhanh chóng. Lời chê bai và than thở thông thường đối với phong cách phục vụ chậm chạp là ‘chậm như rùa’.

Tốc độ làm việc được thể hiện qua từ ‘chạy’. Người phục vụ là người phải ‘chạy’. Ở đâu người ta cũng cần những người ‘chạy việc’ tốt, từ ‘chạy giấy’ trong văn phòng đến ‘chạy bàn’ ở nhà hàng. Trong công việc người ta quan tâm đến tốc độ, sự nhanh chóng, mau mắn. Thật là chán khi vào nhà hàng mà gặp người ‘chạy bàn’ chậm chạp, bắt thực khách chờ đợi quá lâu, bày bàn thì thiếu trước thiếu sau.

Để góp phần xóa bỏ hai điểm yếu này người ta chủ trương tạo động lực cho người làm việc bằng ‘cây gậy và củ cà rốt’, tức là kỷ luật và khen thưởng. Nếu biện pháp đó mang ý nghĩa tích cực và trong sáng thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi ‘cây gậy’ trở thành sự răn đe và lý lẽ của kẻ mạnh để đẩy con người vào tình trạng bị cưỡng bức làm nô lệ, khi ‘củ cà rốt’ trở thành một loại do-ping tiền bạc làm hủy hoại phẩm chất đạo đức thì sự phục vụ không còn ý nghĩa nữa.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

NGÀY 19 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (7)


Ông Áp-ra-ham là một người lớn tuổi, giàu có và có địa vị, tuy nhiên ông là người có phẩm chất tôi tớ. Sáng Thế Ký chương 18 ghi lại câu chuyện sau:

Trời nắng chang chang, ông Áp-ra-ham ngồi tại cửa trại dưới tàng cây sồi. Vừa ngước nhìn lên, ông thấy ba người đang tiến đến trước mặt, liền chạy ra nghênh đón và cúi mọp xuống đất.

Thời tiết không thuận lợi, ông Áp-ra-ham đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên ông nghỉ ngơi trong tư thế ngồi và vẫn quan sát. Khi thấy ba người lạ tiến đến, ông chủ động chạy ra đón với thái độ kính trọng – thái độ của một người đầy tớ.

Ông Áp-ra-ham thưa: “Thưa Chúa, nếu tôi được Chúa đoái thương, xin đừng bỏ qua đầy tớ Chúa. Xin cho tôi xách nước rửa chân Chúa và kính mời Chúa nghỉ mát dưới bóng cây. Tôi xin đem bánh Chúa dùng rồi sẽ lên đường, vì thế Chúa mới hạ cố đến thăm nhà đầy tớ Chúa. Ba người ấy đáp: “Ông cứ dọn ăn đi!”

Ông Áp-ra-ham nói chuyện trong tư cách một đầy tớ chớ không phải trong tư cách chủ nhân. Ông xưng hô với khách là Chúa là Chủ, còn ông là đầy tớ. Được chủ đoái thương, để mắt đến, không bỏ qua là đầy tớ vui mừng lắm rồi.

Ông Áp-ra-ham xin được làm những công việc của đầy tớ để phục vụ ba vị khách. Ông không nghỉ ngơi mà khách nghỉ ngơi, ông đi xách nước, ông rửa chân cho khách, ông dọn bàn, ông bưng bánh... Khi nói những điều này, ông Áp-ra-ham chỉ nói về những việc tối thiểu mà một đầy tớ phải làm cho khách. Nói cách khác, những việc ông làm chẳng có gì gọi là to tát hoặc quan trọng. Các đầy tớ đều làm như vậy. Bữa ăn mà ông nói với khách cũng chỉ là bữa ăn đạm bạc mà thôi.

Ông Áp-ra-ham vội vã vào trại bảo bà Sa-ra: “Mau lên, lấy ba đấu bột lọc nhồi cho nhuyễn rồi làm bánh nhỏ.” Ông Áp-ra-ham chạy đến chuồng gia súc, chọn một con bê béo bảo đầy tớ nấu dọn gấp. Ông Áp-ra-ham đem sữa và bơ cùng thịt con bê đã nấu xong, dọn ra trước mặt ba người ấy, rồi đứng cạnh hầu bàn dưới tàng cây. Ba người đều ăn. (Sáng Thế Ký 18:1-8)

Thật lạ lùng khi trong nhà có tôi trai tớ gái mà một người có tuổi như ông Áp-ra-ham lại đích thân ‘chạy bàn’, vợ ông là bà Sa-ra trở thành ‘đầu bếp’. Cả hai ông bà chủ trở thành đầy tớ để hầu hạ ba vị khách. Ta thấy ông Áp-ra-ham làm hết việc này đến việc kia. Bữa ăn mà ông gọi là đạm bạc, khi thức ăn được dọn ra, không phải chỉ có bánh mà còn có cả thịt bê, đúng là một bữa tiệc thịnh soạn. Rồi ông Áp-ra-ham vẫn tiếp tục phục vụ trong tư cách người hầu bàn. Ông không chịu ngồi xuống để nghỉ ngơi, để ăn uống, nhưng tiếp tục đứng làm người phục vụ.

Ngoài thái độ của người đầy tớ, lời nói của người đầy tớ, tinh thần của người đầy tớ, tính ra ông Áp-ra-ham làm rất nhiều công việc của người đầy tớ. Trong đời sống phục vụ của bạn, bạn đã thực hiện những công việc nào với tinh thần của một người tôi tớ?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)