Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Ngày 31 tháng 12. DALETH NHẮC BẠN ĐIỀU GÌ?

31 13 Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi,
             Lạc ý lấy tay mình mà làm công việc.

Mở đầu câu 13 là mẫu tự DALETH, nghĩa là CÁI CỬA (cửa ra vào) Trong tiếng Hy-bá lai, tên riêng A-đam (אדם) có mẫu tự Daleth ở giữa A D M (Alept, Daleth, Mem) nghĩa là người. Địa danh Ê-đen (עדן) cũng có mẫu tự Daleth (cái cửa) ở giữa. Daleth là cái cửa dẫn vào vườn Ê-đen. Sau khi phạm tội ông A-đam và bà Ê-va phải rời khỏi Ê-đen qua cái cửa này. Sau đó các chê-ru-bim bảo vệ cửa ra vào vườn Ê-đen. Kinh Thánh ghi rằng: Khi đuổi người ra, Đức Chúa Trời đặt các thiên thần cầm kiếm chói loà tại phía đông vườn để canh gác con đường dẫn đến cây sự sống. (Sáng Thế Ký 3:23-24) Từ ngữ khôn ngoan, hiểu biết (דעת Daath) có mẫu tự Daleth đứng đầu. Vì vậy “cây biết (דעת Daath) điều thiện và điều ác” cũng có mẫu tự Daleth đứng đầu. Tại “cây biết điều thiện và điều ác” có sẵn cái cửa.
Daleth nhắc nhở vợ chồng, những A-đam (con người), là những cái cửa trong gia đình. Từ ngữ con người hàm ý diễn đạt sự khôn ngoan qua cánh cửa trí tuệ, bộc lộ tình cảm qua cánh cửa tâm hồn,… Những hỉ, nộ, ái, ố, sân, si của  chúng ta đều đi qua những cánh cửa của con người chúng ta từ trạng thái, đến nét mặt, lời nói cho đến hành vi.

Daleth trong vườn Ê-đen nhắc nhở vợ chồng nhớ rằng sau khi bi đuổi ra khỏi vườn Ê-đen thì không có cơ hội trở lại nữa. Chính vì không vâng lời Đức Chúa Trời, ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác” mà ông bà phải rời khỏi vườn Ê-đen.   

Daleth nhắc nhở vợ chồng về những quyết định đối với những cám dỗ bên trong lẫn bên ngoài gia đình. Bên trong vườn Ê-đen, ma quỷ giả dạng con rắn cám dỗ bà Ê-va. Dù ông A-đam có mặt ở đó cũng không nhận ra. (Sáng Thế Ký 3:1-7) Bên ngoài Ê-đen, tội lỗi rình rập chờ đợi. Đức Chúa Trời phán với ông Ca-in: Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm, nhưng ngươi phải quản trị nó. (Sáng Thế Ký 4:7)

Daleth nhắc nhở chúng ta là ai. Bà An-ne vui mừng cầu nguyện: Ngài nhắc kẻ nghèo lên từ bụi đất, đem người ăn xin lên từ nơi dơ bẩn, đặt họ ngang hàng với các hoàng tử, ngồi ghế danh dự… (I Sa-mu-ên 2:8) Kẻ nghèo trong tiếng Hy-bá-lai là dal (דל), cũng có mẫu tự Daleth đứng đầu. Dù giàu sang quyền quý trong đời này mà không có Đức Chúa Trời thì chỉ là kẻ nghèo tâm linh. Cần khiêm nhường hạ mình để gây dựng gia đình trở thành giàu có tâm linh.  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Ngày 30 tháng 12. LUÔN LUÔN LÀ NGUỒN HẠNH PHÚC

31 12 Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi,
             Chớ chẳng hề sự tổn hại. 

-Người nữ tài đức làm cho chồng được ích lợi. Động từ làm trong câu Châm Ngôn này không mang ý nghĩa sẽ làm nhưng mang ý nghĩa đã thực hiện. 

Sau khi ông Gia-cốp qua đời, các anh của ông Giô-sép lo sợ bàn với nhau: Có thể Giô-sép còn hằn thù ác cảm với chúng ta, và sẽ thẳng tay báo thù việc ác chúng ta đã làm. (Sáng Thế Ký 50:15) Việc các anh Giô-sép đã làm là việc ác đối với một Giô-sép17 tuổi. Còn việc ông Giô-sép đã làm là tha thứ cho họ từ lâu rồi. 

Động từ làm trong câu chuyện giữa vua Sau-lơ với ông Đa-vít có nghĩa là đối đãi. Vua Sau-lơ nói với ông Đa-vít như sau: Con thật công bình hơn cha; vì con có lấy điều thiện mà báo điều ác cha đã làm cho con. (I Sa-mu-ên 24:18) Trong khi vua Sau-lơ đối đãi với ông Đa-vít như kẻ thù thì ngược lại ông Đa-vít vẫn tôn trọng vua Sau-lơ. Ông đã làm điều thiện thay vì làm điều ác. 

Động từ làm cũng được dùng về Đức Chúa Trời khi vua Đa-vít ca ngợi Ngài: Vì Ngài đã làm ơn cho tôi. (Thi Thiên 13:6) Hỡi linh hồn ta, hãy trở về nơi an nghỉ ngươi, vì Đức Gia-vê đã hậu đãi ngươi. (Thi Thiên 116:7) Chúa làm ơn, Chúa hậu đãi, Chúa ban ơn lành là những việc đã xảy ra. 

Người nữ tài đức làm cho chồng được ích lợi. Không phải người vợ sẽ làm, nhưng nàng đã làm và đang làm cho chồng được ích lợi.

-Người nữ tài đức làm cho chồng được ích lợi. Mục tiêu của người vợ là làm cho chồng được ích lợi. Cũng vậy, mục tiêu của Hội thánh là làm cho Đức Chúa Trời được vinh hiển. Sứ đồ Phao-lô viết: A-đam không được sáng tạo vì Ê-va nhưng Ê-va được sáng tạo vì A-đam. Tuy nhiên, ông không hạ thấp vai trò của nữ giới: Nhưng trong Chúa người nam vẫn cần người nữ; và người nữ vẫn cần người nam. (I Cô-rinh-tô 11:9, 11)

Là vợ của vua nhưng hoàng hậu Vả-thi không chịu ra mắt vua khiến vua bị mất mặt trước bá quan văn võ. (Ê-xơ-tê 1:12) Còn vợ của ông Gióp dường như chỉ giúp ông trong cảnh giàu sang. Khi ông gặp thử thách, bà không làm cho chồng được ích lợi với câu nói “xóc óc”: Ông vẫn cương quyết sống đạo đức à? Sao không nguyền rủa Đức Chúa Trời rồi chết đi? (Gióp 2:9)

-Người nữ tài đức trọn đời làm cho chồng được ích lợi. Nhà Truyền Đạo nói: Làm việc gì nên làm hết sức mình. (Truyền Đạo 9:10) Trọn đời ngụ ý gắn bó cả đời, từ thanh xuân cho đến đầu bạc răng long, không nửa đường đứt gánh. Trọn đời ngụ ý luôn luôn, lúc nào cũng vậy, hoàn cảnh nào cũng vậy, luôn luôn làm cho chồng được ích lợi, không có chuyện sáng nắng chiều mưa.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Ngày 29 tháng 12 GIÚP NHAU VƯỢT SA MẠC TRẦN GIAN

31 12 Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi,
             Chớ chẳng hề sự tổn hại. 

Mở đầu câu 12 là mẫu tự GIMEL, nghĩa là LẠC ĐÀ, con vật to lớn nhất trong sa mạc. 

(1)Lạc đà đi xa. Những chuyến đi của lạc đà là băng qua sa mạc. Nói đến sa mạc và lạc đà ta nhớ lại gia đình của ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra. Họ được Đức Chúa Trời kêu gọi rời bỏ quê hương để đi đến vùng đất Chúa hứa ban cho họ. Họ lên đường đến xứ mình sẽ nhận làm sản nghiệp. Ra đi nhưng chẳng biết sẽ về đâu. (Hê-rơ-rơ 11:8) Nhưng hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp trong thời gian trông đợi lời hứa của Đức Chúa Trời thành sự thật. Có thể ví hôn nhân Cơ Đốc là chuyến đi của một cặp vợ chồng băng qua sa mạc trần gian để đến thiên đàng. Một số cặp vợ chồng đã biến cuộc sống chung của họ thành “sa mạc hôn nhân”. Họ tự tạo ra những “sa mạc” để rồi đi dông dài, đau khổ và chịu chết trong đó. Ngược lại, có những cặp vợ chồng giúp nhau sống và vượt qua “sa mạc” của cuộc đời. Đây là những hoàn cảnh, những gian khổ mà họ phải đương đầu và vượt qua. 

(2)Lạc đà mang nặng. Trong sa mạc, lạc đà mang hàng hoá nặng và phải đi đường dài nhưng không hề mệt nhọc hoặc ngã quỵ. Trong sa mạc có những bộ xương khô của ngựa hoặc lừa chớ lạc đà không bỏ thây trong sa mạc. Trong hôn nhân, mỗi người đều có gánh nặng phải mang, vì mỗi người đều có những bổn phận riêng phải làm cho trọn. Ai gánh riêng phần nấy (Ga-la-ti 6:5) Tuy nhiên, vợ chồng cũng cần mang lấy gánh nặng cho nhau. (Ga-la-ti 6:2) Người nữ tài đức biết chia sẻ gánh nặng với chồng của mình. Dù mang gánh nặng nhưng vì tình yêu nên nàng không xem là gánh nặng mà là niềm vui khi chia ngọt xẻ bùi với người mình yêu. 

(3)Lạc đà chịu đựng. Chịu đựng đường dài, chịu đựng gánh nặng, chịu đựng ngày nóng, đêm lạnh trong sa mạc, lạc đà vượt qua tất cả để đến nơi người chủ muốn. Sứ đồ Phi-e-rơ viết về trường hợp người vợ kiên trì, nhẫn nại có thể cảm hoá được người chồng. Vợ nên thuận thảo với chồng; nếu người chồng nào không chịu nghe vợ nói về Chúa, cũng có thể nhìn thấy cách ăn nết ở của vợ mà được cảm hoá. (I Phi-e-rơ 3:1)   

Trong hôn nhân, nhờ hai người giúp đỡ nhau, mang gánh nặng cho nhau, kiên nhẫn với nhau mà đồng hoang và đất khô hạn sẽ vui mừng, sa mạc sẽ hớn hở và trổ hoa sặc sỡ. (Ê-sai 35:1) Chắc chắn trong cuộc sống hôn nhân, người nữ tài đức là người kính sợ Chúa và tin nơi lời hứa của Ngài: Chúa sẽ dìu dắt ngươi mãi mãi, cho linh hồn ngươi sung mãn giữa mùa khô hạn, cho thân thể ngươi khoẻ mạnh và đầy năng lực. Ngươi sẽ như vườn năng tưới, như suối nước không bao giờ khô cạn. (Ê-sai 58:11)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Ngày 28 tháng 12. CHUNG THUỶ ĐƯỢC 3T

31 11 Lòng người chồng tin cậy nơi nàng,
             Người sẽ chẳng thiếu huê lợi.

Từ ngữ người chồng trong câu Châm Ngôn được dùng trong Cựu Ước cũng có nghĩa là chúa,chủ nói lên sự tôn trọng và vâng phục của người vợ đối với chồng. Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc lại gương của bà Sa-ra với vẻ đẹp nổi bật nơi các nữ thánh ngày xưa là: tin cậy Đức Chúa Trời và tùng phục chồng mình. Bà Sa-ra vâng phục và tôn trọng chồng như chủ (I Phi-e-rơ 3:5-6 – Bản Hiện Đại) (Bản Truyền Thống: Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình)

Lòng người chồng tin cậy nơi nàng. Người mà nàng gọi là chồng, là chúa, là chủ tin cậy nàng; người mà nàng vâng phục và tôn trọng tin cậy nơi nàng. Đây là mối tin cậy hỗ tương giữa vợ chồng.

Người vợ lăng loàn bỏ lời dạy lúc thiếu thời và quên giao ước Đức Chúa Trời (Châm Ngôn 2:16) trở thành người đàn bà tội lỗi, một dâm phụ (Châm Ngôn 6:24). Là người vợ đợi chồng vắng nhà để đi tán tỉnh người khác phạm tội. Chồng tôi vắng nhà, anh ấy đã lên đường đi xa, mang theo rất nhiều tiền bạc, đến ngày rằm mới trở về. (Châm Ngôn 7:19-20) Một người vợ như thế chỉ gây xấu hổ làm chồng tàn cốt mục xương (Châm Ngôn 12:4) chớ chồng không tin tưởng được. Trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời cũng vậy. Ê-xê-chi-ên chương 16, ẩn dụ dài nhất trong Kinh Thánh, ví dân I-sơ-ra-ên như một người vợ bất trung, thất tiết đối với chồng mình là Đức Chúa Trời. Sứ đồ Gia-cơ khuyên các tín hữu: Anh em giống như người vợ ngoại tình, yêu kẻ thù của chồng. Anh em không biết rằng kết bạn với kẻ thù của Đức Chúa Trời là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Kẻ thù đó là thế gian, là những thú vui tội lỗi. (Gia-cơ 4:4)

Khi người vợ chung thuỷ, người chồng không nói thành lời nhưng luôn luôn tỏ ra hoàn toàn tin cậy nơi tình yêu của nàng đối với mình. Kính sợ Đức Chúa Trời vừa là niềm tin, vừa là nền tảng để chung thuỷ với người bạn đời. Chẳng những người chồng hoàn toàn tin cậy nơi lòng chung thuỷ của người vợ mà còn tin rằng công việc của vợ sẽ có kết quả thu hoa lợi không thiếu thốn. Hoa lợi mà người vợ đem về cho chồng của mình là vật thực cho kẻ kính sợ Ngài (Thi Thiên 111:4), là niềm vui về lời Chúa khác nào kẻ tìm được mồi lớn. (Thi Thiên 119:162)   

Ngày nay trong tình yêu và hôn nhân Cơ Đốc vợ chồng có tôn trọng nhau, có tin cậy nhau không? Thật đáng buồn khi trong nhiều gia đình Cơ Đốc vợ chồng không tôn trọng nhau cũng chẳng tin tưởng nhau. Họ không tin rằng người bạn đời còn chung thuỷ với họ, cũng không tin cậy người bạn đời trong vấn đề tiền bạc. Hai người “nên một thịt” nhưng không thể “nên một túi” vì tiền ông riêng tiền bà riêng.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)