Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

NGÀY 3 THÁNG 4. GHẾT-SÊ-MA-NÊ (3)


2. Nhóm-ở-đây

Ngài bèn đem ông Phi-e-rơ, ông Gia-cơ và ông Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não. Ngài phán cùng ba người rằng: “Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức.” (Ma-thi-ơ 26:22-24)

Nếu bạn được ở trong nhóm ba người, bạn cảm thấy thế nào? Trong khi tám môn đệ không được đi với Chúa, thì ba môn đệ được Chúa đem theo. Họ trở thành những người gần Chúa hơn những môn đệ khác. Không biết được đi với Chúa một cách đặc biệt như thế này có làm cho ông Phi-e-rơ, ông Giăng và ông Gia-cơ cảm thấy hãnh diện khi được Chúa quan tâm, thấy  đây là một đặc ân hay họ thấy khốn khổ vì phải đi với Chúa. Hay là họ cảm thấy nhiều lần được đi riêng với Chúa rồi cho nên cảm thấy cũng bình thường thôi.

Nhóm ba người cùng với Chúa đi vào sâu hơn trong vườn, Chúa không nói với họ theo cách Ngài nói với nhóm tám môn đệ kia. Ngài tâm sự với họ, cho họ biết về tình trạng của Ngài: “Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết” và yêu cầu họ: “Các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức”, ông Ma-thi-ơ ghi lại rõ hơn: “Các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta!” (Ma-thi-ơ 26:38)

Dù chia ra nhóm ngồi đây, nhóm ở đây hay nhóm ở kia, dù được Chúa tâm sự hay không thì Chúa đều hướng tất cả các môn đệ vào một việc đó là tỉnh thức và cầu nguyện.

Nhóm-ở-đây có tỉnh thức và cầu nguyện không? Chắc chắn họ có cầu nguyện. Khi Chúa trở lại xem việc cầu nguyện của họ thế nào. Ba môn đệ vẫn ở đúng vị trí, tuy nhiên họ đang ở trong tình trạng 'cầu nguyện không thôi'.

* Việc Chúa bảo tất cả các môn đệ hãy cầu nguyện, rồi bảo nhóm tám môn đệ: “Hãy ngồi đây đợi”, sau đó với ba môn đệ đi đến chỗ kia và bảo họ: “Hãy ở đây, và tỉnh thức”, rồi Ngài đi tới một quãng. Đôi khi chúng ta tự hỏi việc gì Chúa phải làm như vậy, sao Chúa không tập trung tất cả các môn đệ vào một chỗ, chắc chắn khi có Chúa ở đó với họ, họ sẽ tỉnh thức và lo cầu nguyện. Nếu cần có thể cho thi đua cầu nguyện... Nhưng nếu cầu nguyện theo kiểu đó thì Chúa trở thành cai tù hoặc giám thị và các môn đệ trở thành tù nhân của sự cầu nguyện(!) Việc cầu nguyện lúc đó mất đi ý nghĩa vì mang tính ép buộc. Nhưng biết đâu dù có Chúa ở với các môn đệ, trong khi Ngài sấp mình xuống đất để cầu nguyện thì các môn đệ cũng sấp mình xuống đất và ngủ.

* Cầu nguyện là vấn đề riêng tư, cá nhân. Bạn quyết định cho chính mình cầu nguyện hay không cầu nguyện. Dù bạn ở trong một tập thể lớn hay nhỏ hay một mình. Có cầu nguyện hay không là chuyện cá nhân của bạn.

Bạn đang ở đâu trong vườn Ghết-sê-ma-nê? Đang ở gần cổng hay ở sâu bên trong? Đang ở trong nhóm tám người (nhóm-ngồi-đây) hay trong nhóm ba người (nhóm-ở-đây)? Cũng có thể là nhóm một người, đang cô đơn một mình. Việc bạn đang ở đâu không quan trọng bằng việc cá nhân bạn có đang tỉnh thức với Chúa và cầu nguyện hay không.

* Cầu nguyện là việc tự nguyện. Việc Chúa chia ra nhóm tám người ngồi ở đây, nhóm ba người ngồi ở chỗ kia, bảo họ tỉnh thức với Ngài trong sự cầu nguyện, rồi Ngài đi sâu vào trong vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện cho thấy việc cầu nguyện là việc tự nguyện, không thể ép buộc. Tôi muốn cầu nguyện, tình nguyện cầu nguyện chớ không phải bị ép buộc cầu nguyện.

Vì là việc tự nguyện cho nên không phải người nào được Chúa cho đi riêng với Ngài, gần bên Ngài hơn những người khác, được Ngài tâm sự  là trở thành người mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Đôi khi chúng ta thấy những người đi với Chúa và rất gần với Chúa lại là những người ngủ nhiều hơn là cầu nguyện (Lu-ca 9:28-32)

* Cầu nguyện là việc tự giác. Việc Chúa chia các môn đệ ra từng nhóm, rồi Ngài đi riêng đến một nơi để cầu nguyện làm chúng ta nhớ đến điều Chúa dạy các môn đệ: “Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. Phước cho đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh...” (Lu-ca 12:35-37) Người thức canh đợi chủ là người quản gia, người đầy tớ. Trong ý nghĩa đó, chúng ta là những người đang quản lý cuộc đời mà Chúa ban cho chúng ta. Chúa sẽ kiểm tra xem cách chúng ta quản lý đời sống và linh hồn của mình. Điều này cho thấy cầu nguyện là việc tự giác của một người ý thức về trách nhiệm của mình đối với chính bản thân. Và đó cũng là với chính Chúa. Chúng ta lo cho thân thể nhưng có lo cho tâm linh không? Lo học Kinh Thánh nhưng có lo cầu nguyện không? Lo đi nhóm lại, tương giao với cộng đồng Cơ Đốc nhưng có lo tương giao với Chúa không? Đây là tinh thần tự giác, ý thức về trách nhiệm đối với cuộc đời của mình.

* Cầu nguyện là chấp nhận sự đơn độc. Không ai muốn đơn độc trong công việc, và nhất là trong sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu không muốn cô đơn trong sự cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện mà có ai đó cùng với chúng ta thì sẽ cảm thấy được an ủi vô cùng.

Khi Chúa nói với ba môn đệ: “Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức” chúng ta nghĩ đến việc chia sẻ gánh nặng trong việc cầu nguyện, đến việc khích lệ nhau trong sự cầu nguyện, đến việc không phải chỉ lo cho sự an nguy của mình mà còn quan tâm, lo nghĩ đến sự an nguy của người khác nữa. Dù Chúa nói như vậy nhưng các môn đệ dường như hoàn toàn bỏ mặc Chúa trong sự cầu nguyện. Chúa hoàn toàn cô đơn trong sự cầu nguyện.

Được đi với Chúa đến Ghết-sê-ma-nê, nơi lý tưởng để cầu nguyện; được Chúa dạy hãy cầu nguyện; được Chúa chia nhóm ra để cầu nguyện, nhưng các môn đệ đã cầu nguyện qua loa, chiếu lệ vì không thể tỉnh thức để duy trì sự cầu nguyện vì

  • Họ không ý thức về hiểm hoạ ở phía trước.
  • Họ không có tinh thần tự nguyện, lo nghĩ đến vấn đề cầu nguyện.
  • Họ không ý thức về trách nhiệm đối với bản thân.
  • Họ không quan tâm đến vấn đề của người khác.
Chính vì thế Ghết-sê-ma-nê trở thành nơi nghỉ ngơi của các môn đệ, cũng là nơi thất bại khi giải quyết vấn đề theo ý riêng (phản ứng của ông Phi-e-rơ) và là nơi không thể trung thành theo Chúa (các môn đệ bỏ Chúa và trốn đi).

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét