Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

NGÀY 23 THÁNG 4. THÀNH CÔNG (9)


6. Giữ vững quan điểm. Không từ bỏ khải tượng
    (Vượt qua những ngăn trở, áp lực)

Ê-li-áp, anh cả của Đa-vít nghe em nói chuyện như thế, nổi giận, mắng em: “Mày đến đây làm gì? Đàn chiên bỏ cho ai trông? Tao biết mày là đứa tự phụ, ranh mãnh. Mày chỉ muốn đến xem đánh nhau chứ gì.” (I Sa-mu-ên 17:28 - Bản Hiện Đại)

Câu hỏi của Đa-vít đánh động binh sĩ I-sơ-ra-ên khiến họ phải suy xét: Sao mình không phải là người nhận giải thưởng? Mình là ai? Còn tên Gô-li-át là ai? Mình thuộc về đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống mà!

Câu hỏi của Đa-vít chạm đến tự ái của ông anh cả. Ai ai cũng nói: “Nếu người nào giết được...”, chẳng ai dám nói: “Người giết được...” Thế mà thằng út này lại nói về chuyện "giết được", chuyện "sỉ nhục", chuyện "quân đội của Đức Chúa Trời Hằng sống".

Thái độ và cách nói của Ê-li-áp đối với Đa-vít khiến chúng ta nghĩ đến mẫu người lãnh đạo dễ nổi nóng, hay gây sự lẫn thường quát tháo kẻ dưới quyền. Phải chăng đây là lý do Chúa không chọn Ê-li-áp? Sa-mu-ên thấy Ê-li-áp, bèn nghĩ thầm rằng: “Quả hẳn, người chịu xức dầu của Đức Gia-vê đang ở trước mặt Ngài.” Nhưng Đức Gia-vê phán cùng Sa-mu-ên rằng: “Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Gia-vê chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Gia-vê nhìn thấy trong lòng.” (1Sa-mu-ên 16:6-7)
Nếu quân đội I-sơ-ra-ên có vua Sau-lơ là một loại Gô-li-át thì trong gia đình, Ê-li-áp cũng là một loại Gô-li-át. Tiên tri Sa-mu-ên cũng cảm thấy nếu Ê-li-áp được Chúa chọn và xức dầu thì với hình dạng cao lớn đó Ê-li-áp có thể thay thế cho Sau-lơ. Tuy nhiên Chúa cho ông biết Ngài đã bỏ Ê-li-áp.

Trong gia đình, khi đối diện với những 'Gô-li-át' ta nên làm gì? Điều đáng buồn là các anh của Đa-vít chẳng những không ủng hộ mà còn la rầy, vu oan cho Đa-vít. Đây là những ngăn trở, chống đối và áp lực từ người thân. Muốn thành công cần vượt qua những trở ngại này trước tiên. Con người sống theo cảm xúc rất dễ nản lòng khi rơi vào hoàn cảnh này. Nếu Đa-vít có thói anh hùng rơm, thường cao hứng ăn to nói lớn, hoặc quen thói ba hoa thì chắc đã cụt hứng, ngậm miệng, rút lui khi bị các anh la rầy. Nếu Đa-vít không kiên định trong quan niệm, trong khải tượng thì cũng rất dễ nản lòng rồi bỏ về Bết-lê-hem. Nếu Đa-vít có tinh thần thù vặt, chàng sẽ ra về, mặc cho các anh và các binh sĩ tìm chỗ trốn. Cho biết tay! Cho đáng đời!
Đa-vít đối đáp với các anh cách nhẹ nhàng và vẫn giữ lập trường của mình. Đa-vít đáp: “Em có làm gì đâu? Chỉ hỏi một câu thôi." Nói xong, Đa-vít đến hỏi một người khác cùng một câu như trước, và cũng được trả lời như thế. (I Sa-mu-ên 17:29-30 - Bản Hiện Đại)

Đa-vít không phải là người dễ nổi nóng, cũng không thích gây sự như các anh. Đa-vít không hỏi ngược các anh mình: “Thế các anh làm được gì? Sao anh không ra đấu với Gô-li-át? Chỉ giỏi bắt nạt em út. Có giỏi thì nói phải quấy với tên Gô-li-át đi!”

Đa-vít không tạo căng thẳng nơi các anh, cũng không muốn làm nhục các anh khi họ không dám nói những lời như mình nói. Đa-vít chỉ phân trần, giải thích với ông anh Ê-li-áp và tránh xa các anh. Tuy nhiên Đa-vít không im lặng bỏ ngang, chàng cứ nói lên mối quan tâm và ý kiến của mình.

(Còn tiếp)
(XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét