Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

NGÀY 24 THÁNG 4. THÀNH CÔNG (10)


7. Tiếp nhận trách nhiệm (Tinh thần lạc quan)

Có người nghe Đa-vít hỏi chuyện, đem báo cáo với Sau-lơ, Sau-lơ cho đòi Đa-vít đến. Đa-vít nói: “Xin đừng ai mất tinh thần vì người đó! Để tôi ra đánh với hắn!" (I Sa-mu-ên 17:31-32 - Bản Hiện Đại)

Muốn thực hiện công việc, chẳng những cần có chương trình kế hoạch mà còn phải nói ra, phải vận động người xung quanh để họ hậu thuẫn hoặc giới thiệu với người có thẩm quyền, mong sao người này ủng hộ và thực hiện. Có khải tượng mà không chia sẻ thì khó có cơ hội để thực hiện.

Nhờ Đa-vít nói ra quan điểm của mình mà chàng được vua Sau-lơ vời đến. Đa-vít yết kiến vua Sau-lơ với tinh thần lạc quan: “Xin đừng ai mất tinh thần vì người đó!” Từ vua đến các tướng lĩnh và binh sĩ đều ‘khiếp sợ’, bi quan, chủ bại suốt 40 ngày qua. Vì sao? Vì họ chỉ nhìn thấy người khổng lồ Phi-li-tin. Còn Đa-vít không khiếp vía, không sợ hãi. Vì sao? Vì Đa-vít biết người Phi-li-tin kia là ai, cũng không tin tưởng nơi năng lực của con người nhưng tin cậy nơi Đức Gia-vê vạn quân.

Đa-vít yết kiến vua Sau-lơ trong tinh thần khiêm nhường và sẵn sàng nhận trách nhiệm đương đầu với Gô-li-át. Trước hết Đa-vít trấn an Sau-lơ: “Xin đừng ai mất tinh thần vì người đó!” Đa-vít không nói về nỗi sợ hãi, thiếu can đảm của vua lẫn của quân I-sơ-ra-ên. Nói cách khác lời lẽ của Đa-vít không xúc phạm vua Sau-lơ, không có ý coi thường hay chê bai quân lính, cũng không tự nhận mình là anh hùng.

Dù có lòng can đảm nhưng Đa-vít không tách mình khỏi cộng đồng dân Chúa. Chàng vẫn coi mình thuộc về tuyển dân của Chúa. Chàng nhận mình là ‘tôi tớ’ của vua Sau-lơ: “Kẻ tôi tớ vua sẽ đi đấu địch cùng hắn!” (Bản Truyền Thống)  Đa-vít, người được xức dầu, được Đức Chúa Trời thúc giục, đang trình bày với vua Sau-lơ, người lãnh đạo đang sợ kẻ thù vì bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Khi nhận mình là tôi tớ của Sau-lơ, Đa-vít nhận mình là một chiến sĩ trong quân đội I-sơ-ra-ên, cùng đứng chung với các binh lính khác. Vì nhận mình là tôi tớ của vua nên Đa-vít không tự ý đi ra đấu với Gô-li-át. Sau khi vua vời đến, rồi vua cho phép chàng mới ra đi.

Người can đảm thường chê người khác là chết nhát, rồi huênh hoang rằng chỉ có mình mới dám làm việc này việc nọ, còn mọi người bó tay chịu trận. Đôi khi họ còn đẩy người khác vào thế bi quan yếm thế: "Chỉ có tôi làm được còn anh thì được tích sự gì!"

Người lãnh đạo là người biết thay đổi tầm nhìn của người xung quanh đối với hoàn cảnh. Không những nói: “Đừng nản lòng, đừng bi quan” mà còn đưa ra giải pháp để vượt qua hoàn cảnh nữa. Đó là: “Tôi sẽ đi!” “Tôi sẽ đứng ra giải quyết vấn đề”.

Đôi lúc nghe một người nói câu này thiên hạ đâm ra sợ hãi. Đã sợ nay càng sợ thêm, đã bi quan lại thêm bi quan. Vì sao? Vì biết rõ trước sau gì đương sự cũng thất bại, khiến tình hình bi đát trở nên bi đát hơn. Còn trường hợp của Đa-vít thì sao?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét