Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm
cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức
sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm
cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.
(2Phi-e-rơ 1:5-7)
Khi viết cụm từ phần
anh em, ông Phi-e-rơ ngầm xác định rằng Chúa đã thực hiện phần của Ngài.
Chúa đã ‘ban cho’ còn chúng ta đã nhận lãnh, giờ đây chúng ta phải làm gì? Ông
Phi-e-rơ viết: Phải gắng hết sức thêm cho... là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Vì
sao sau khi tin Chúa một thời gian, tình trạng thuộc linh giữa các tín hữu
không như nhau? Họ đều tiếp nhận sự sống của Chúa, đều có bước khởi đầu của nếp
sống đạo, nhưng sau một thời gian người thì trưởng thành, còn người thì vẫn ấu
thơ thuộc linh hoặc mất dần sức sống thuộc linh? Không thể đổ thừa cho Chúa về
tình trạng này, hãy xét lại nỗ lực của mỗi người. Vì sao có sự khác biệt về
tình trạng thuộc linh giữa các Cơ Đốc nhân khi mà khởi đầu của họ đều giống
nhau? Vì có người lo phát huy những điều Chúa ban cho mình, còn có người chẳng
quan tâm ngó ngàng gì đến những điều đó. Thật ra, mỗi người phải chịu trách nhiệm
về những điều mình nhận từ Chúa.
Khi
viết phải gắng hết sức, ông Phi-e-rơ
ngầm xác định rằng anh em không nên thụ động mà phải chủ động, phải nỗ lực, phải
dấn thân, toàn tâm toàn ý đối với những điều mình đã nhận. Phải gắng hết sức cũng diễn đạt ý nỗ lực tối đa, triệt để.
Chúng
ta thường nghe nói về ‘những người có lòng’. Ông ấy, bà ấy, anh ấy, chị ấy ‘có
lòng’. Nhưng sau đó vẫn là “có lòng” và cứ ở mãi trong tình trạng ‘có lòng’, tức
là một đời sống nửa vời hoặc trung bình chủ nghĩa. Muốn trải nghiệm sự ban cho
của Chúa, muốn trưởng thành, trở nên tầm thước vóc giạc, bạn phải gắng hết sức.
Phải
gắng hết sức thêm cho nghĩa là phải nỗ lực trang bị, tự gây dựng để trưởng thành, phải
tự học, tự trau dồi để tấn tới với những điều Chúa cho mình. Trang bị đến mức độ
nào? Phải hết sức cho đến mức tối đa.
Người ta thường thích trang bị tối thiểu, gọn nhẹ, mục đích là chỉ sử dụng
trong mức độ giới hạn, tạm thời cho đỡ mệt. Nhưng cũng có người lo ‘trang bị đến
tận răng’, trang bị tối đa khi họ định thực hiện một công việc nào đó.
Sống
với những điều Chúa cho trong tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết sức để trưởng
thành trong đức tin và sự phục vụ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi thường
xuyên nỗ lực, liên tục nỗ lực chứ không phải thỉnh thoảng nỗ lực. Chúng ta thường
tự an ủi và trấn an lương tâm bằng những ‘liều thuốc kích thích’ qua các buổi lễ
hội lớn và ‘thuốc tăng lực’ qua những kỳ bồi linh. Chúng ta cũng thường tự lừa
dối bản thân khi chờ đợi một khoảnh khắc đột biến ‘Chúa thăm viếng’, như cây
đũa thần của bà tiên biến nàng lọ lem thành công chúa xinh đẹp.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét