Sứ đồ
Phi-e-rơ xưng nhận những người tin Chúa rải
rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, những người được Chúa
chọn (1:1) là “anh em thân yêu”. Cách xưng hô này cho thấy tấm lòng của
người lãnh đạo thuộc linh đối với các tín hữu trong cộng đồng Cơ Đốc.
Vấn đề sứ đồ
Phi-e-rơ đề cập đến là “hoạn nạn thử thách”. Đối với chúng ta, hoạn nạn thử
thách thường chỉ là những khó khăn, những nghịch cảnh. Thế nhưng vào thời khai
nguyên của Hội thánh, “hoạn nạn thử thách” còn có nghĩa là lưu lạc, chết chóc. Trong
thời trị vì của hoàng đế Nero, các cuộc bách hại Hội thánh khiến nhiều người Cơ
Đốc bị hành hình, thậm chí sứ đồ Phi-e-rơ và sứ đồ Phao-lô cũng vậy. Sứ đồ
Phi-e-rơ khuyên các tín hữu rằng khi bản thân họ, khi cộng đồng của họ gặp hoạn nạn thử thách hoặc khi nhìn thấy anh
em cùng niềm tin thuộc cộng đồng khác gặp hoạn nạn thử thách thì đừng hoang
mang, bỡ ngỡ như gặp một việc khác
thường.
Gặp hoạn nạn thử thách, đừng hoang mang, bỡ
ngỡ như gặp phải một việc khác thường vì hoạn nạn
thử thách là điều Chúa Giê-xu đã báo trước. Chúa báo trước cho các môn đệ của
Ngài: Trong thế gian, anh em chịu nhiều
đau khổ; nhưng hãy vững tin, vì ta thắng thế gian rồi! (Giăng 16:33) Chúa
báo trước cho sứ đồ Phi-e-rơ: “Khi về
già, anh sẽ dang tay ra để người khác thắt lưng rồi đưa anh đến chỗ anh chẳng
muốn đi!” (Giăng 21:18)
Gặp hoạn nạn thử thách, đừng hoang mang, bỡ
ngỡ như gặp phải một việc khác thường vì nhờ hoạn
nạn thử thách mà đức tin được tăng trưởng và trở nên trọn vẹn. Sứ đồ Gia-cơ
viết thư khuyên người tin Chúa nên có thái độ tích cực đối với nghịch cảnh: Thưa anh em, phải chăng anh em hiện đương
đầu với bao nhiêu gian lao thử thách? Hãy vui mừng lên, vì đường đức tin của
anh em có chông gai hiểm trở, nghị lực mới có cơ phát triển. (Gia-cơ 1:2-3)
Gặp hoạn nạn thử thách, đừng hoang mang, bỡ
ngỡ như gặp phải một việc khác thường vì trong
hoạn nạn thử thách chúng ta được chia sẻ
sự đau khổ với Chúa Cứu Thế. (I Phi-e-rơ 4:13) Sứ đồ Phao-lô xem hoạn nạn
thử thách mà ông phải chịu là phương pháp
duy nhất để biết Chúa Cứu Thế, để kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Ngài, để
chia sẻ những nỗi khổ đau và chịu chết với Ngài. (Phi-líp 3:10)
Đây là tinh
thần và thái độ người Cơ Đốc cần trang bị để vững vàng khi đối phó với những
biến cố đau buồn trong cuộc đời theo Chúa. Một đời sống Cơ Đốc giữ trọn niềm
tin nơi Chúa, một cộng đồng Cơ Đốc trung thành với Chúa mà không gặp hoạn nạn
thử thách mới là điều khác thường. Còn một đời sống Cơ Đốc bày tỏ niềm tin nơi
Chúa, một cộng đồng Cơ Đốc vì danh Chúa mà gặp hoạn nạn thử thách thì đó là
điều bình thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét