Người
bèn dẫn Si-môn đến cùng Đức Chúa Giê-xu.
(Sau đó, ông Anh-rê đưa anh mình đến gặp Chúa Giê-xu.)
‘Dẫn đến’, ‘đưa đến’ trước hết cho thấy làm chứng cho
người thân không chấm dứt ở khâu nói bằng lời. Bạn nên nhớ rằng không có chỗ dừng
sau khi bạn nói sứ điệp Phúc Âm. Bạn cần sẵn sàng thực hiện những công tác tiếp
theo. Bạn sẽ tốn thời gian hơn, tốn công sức hơn. Lúc đó có thể bạn nghĩ: Té ra
nói dễ hơn, còn dẫn đưa người thân đến gặp Chúa, để họ có thể đối diện và nói
chuyện với Chúa là chuyện khó hơn.
Người làm chứng cho người thân cần biết rằng đây là
công việc lâu dài cần sự kiên trì.
Nhiều người chỉ nói cho người thân nghe trải nghiệm
của mình, rồi dừng ở đó, mà quên giúp người thân gặp đối tượng mà mình giới
thiệu là Chúa Giê-xu. Mục tiêu của lời làm chứng là làm sao khích lệ, dẫn dắt
người thân đến chỗ gặp Chúa, nghe Chúa nói với họ và rồi tự họ quyết định theo
Chúa.
Khi con người đã gặp Chúa rồi thì chúng ta không cần
ép họ tin. Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép tin!
Ông Anh-rê dẫn anh mình đến gặp Chúa chứng tỏ lời làm
chứng của ông có hiệu quả. Hiệu quả ở điểm anh Si-môn sẵn lòng đi gặp Chúa để
tìm hiểu thêm. Trong khi chúng ta làm chứng hoặc truyền giảng việc tìm hiểu
thêm của thân hữu được xem như tiếng thở dài vì tưởng là thất bại. Chúng ta
muốn người thân phải tin Chúa ngay. Thậm chí Chúa Giê-xu cũng không đòi hỏi như
vậy.
Ông Anh-rê không nói: Bộ anh không tin em sao? Em
không đủ sức thuyết phục anh sao? Nhưng ông sẵn lòng đưa anh mình đến gặp Chúa.
Khi bạn làm chứng cho người thân, có người lớn tuổi hơn bạn, có người ngang
hàng với bạn, có người nhỏ tuổi hơn bạn. Với mỗi đối tượng bạn cần có những
cách thức khác nhau, nhưng đối với mọi trường hợp bạn đều phải kiên trì, nhịn
nhục và thân thiện.
Ông Anh-rê làm chứng cho anh mình là ông Si-môn. Về
sau ông Si-môn trở thành nhân vật nổi tiếng thu hút nhiều người. Còn ông Anh-rê
chỉ là cái bóng của ông anh mình. Chẳng phải như vậy là ông Anh-rê kém cỏi hơn
ông Si-môn. Nhưng sự kiện đó cho chúng ta thấy có thể không bao giờ có một
Phi-e-rơ nếu khởi đầu không có Anh-rê làm chứng. Bạn có sẵn sàng làm một Anh-rê
không?
Suy
ngẫm
1. Vì sao bạn chưa thể làm chứng cho người thân? (Vì
chưa có trải nghiệm về Chúa. Vì sợ hãi. Vì chưa có mối liên hệ….)
2. Bạn hãy thành thật nhận diện nguyên nhân. Vì sao
bạn ‘ngậm miệng’ đối với những người thân. Bạn có thể thay đổi bằng cách nào?
3. Nếu bạn đã làm chứng cho người thân rồi. Bạn có
nghĩ như vậy là xong trách nhiệm không? Bạn cần làm gì để đưa người thân đến
gặp Chúa? Cụ thể.
XuânThu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét