Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

NGÀY 25 THÁNG 11. LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI THÂN (4)



Người gặp anh mình … thì nói

(Đi tìm anh mình. Rồi kể…)

Ông Anh-rê đi tìm một người, đó là anh Si-môn của mình để làm chứng. Ngoài việc có liên hệ thân thuộc với ông Si-môn, ông Anh-rê cũng cần có liên hệ truyền thông để trò chuyện. Em nói anh nghe, anh nói em nghe. Muốn như vậy hai người phải dành thì giờ cho nhau.

Sau khi đã có và đã thiết lập mối liên hệ, bạn dành bao nhiêu thời gian để đi tìm, để gặp và để trò chuyện với một người thân. Mối liên hệ thân thiết của bạn với người thân trước khi làm chứng là yếu tố rất quan trọng. Ngày nay, ngay cả trong việc kinh doanh, người ta chú ý đến việc hình thành nhóm khách hàng thân thiết trong việc tiêu thụ hàng hoá. Khi đã thân thiết rồi thì rất dễ truyền thông, quảng cáo và bán hàng.

Rất khó cho chúng ta nói về Chúa cho người thân nếu lâu nay chúng ta liên hệ lỏng lẻo với họ. Không thể nào đột nhiên đến nói với họ ba điều bốn chuyện về Phúc Âm cho xong trách nhiệm rồi lại lãnh đạm với họ như xưa. Bạn không thể làm chứng cho người thân theo kiểu nhân viên đi tiếp thị dầu gội đầu. Họ chẳng cần có mối liên hệ gì cả, chỉ gặp một lần và thao thao nói một lần rồi đi mất.

Nói rằng: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si-a.”

(Rồi kể: “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si-a”)

Ông Anh-rê ‘nói’. Nói ở đây là thuật lại, kể lại, bày tỏ trải nghiệm mình gặp Chúa như thế nào. Em đi tìm anh, khi gặp anh thì nói, bạn thấy làm như vậy có dễ không?

Thật ra ‘nói’ bằng lời là nan đề có thật của một số người. Họ có người thân nhưng không nói được. Họ chỉ có mối liên hệ, chỉ sống với người thân, nhưng họ không nói như ông Anh-rê được. Làm chứng bằng đời sống là cách biện hộ của nhóm người này. Có thể bạn đã làm chứng bằng đời sống, và bạn sẽ tiếp tục ‘nói bằng đời sống’, nhưng bày tỏ trải nghiệm gặp Chúa không thể chỉ ‘nói bằng đời sống’ mà phải bằng lời nói. Những người chủ trương không nói bằng lời chỉ cần nói bằng cách sống cũng tương tự như chơi trò diễn câm cho người khác đoán ý tưởng vậy.

Cũng không thiếu gì người coi người thân như thùng rác để chứa tâm sự của mình. Những người này đi tìm người thân, và nói rất lâu, rất nhiều, nhưng nội dung họ nói không dính dáng gì đến Chúa Giê-xu cả. Đây có phải là tình trạng của bạn với người thân không, hai bên cùng làm thùng rác cho nhau!

Ông Anh-rê đã nói bằng lời, nội dung rất rõ ràng. Đó là trải nghiệm gặp Chúa của ông. “Chúng em đã gặp Đấng Mê-si-a.”  Lời nói của ông Anh-rê là lời nói khẳng định rõ ràng ‘đã gặp Đấng Mê-si-a’. Ông Anh-rê không nói lạc qua những chuyện khác dù ông cũng có trọn cuộc đời để ‘nói bằng đời sống’. Ông trình bày rõ ràng về trải nghiệm của mình bằng lời làm chứng.

Trải nghiệm của bạn ra sao? Bạn có thể kể lại cho người thân về sự kiện bạn tin Chúa không?

Chúng ta đã gặp (Chúng em đã gặp)

Ông Anh-rê không nói "một mình em đã gặp", nhưng nói "chúng em đã gặp". Tức là không phải chỉ có em gặp Chúa mà còn có người khác cũng gặp nữa. Đây là cách nói tăng tính thuyết phục. Bản thân bạn là một bằng chứng, có thêm người khác cũng là bằng chứng thì sẽ tăng tính thuyết phục.

Nhiều người thân của chúng ta cho rằng việc chúng ta tin Chúa rồi kể lại cho họ chỉ là chuyện nông nỗi nhất thời của một cá nhân. Chúng ta phải làm sao cho những người thân của chúng ta thấy rằng có nhiều người tin thờ Chúa, có nhiều người được thay đổi. Điều chúng ta kể lại không phải là một trải nghiệm đơn lẻ mà là trải nghiệm phổ quát.

Cần nhớ rằng lời làm chứng của bạn là chính còn lời làm chứng của người đi chung với bạn bổ sung củng cố. Đôi khi có người làm chứng về trải nghiệm của người khác, dựng người khác lên làm nhân vật chính chứ bản thân không có trải nghiệm gặp Chúa.

Nói rằng "chúng ta đã gặp" cũng cho thấy bạn không đơn độc trong việc làm chứng cho người thân. Vì người thân của bạn sẽ nói chuyện với nhân vật thứ hai trong lời làm chứng "chúng ta đã gặp". Ông Phi-e-rơ có thể sẽ gặp bạn của em mình để hỏi thêm về trải nghiệm gặp Chúa. Bạn thấy không, nhóm nhỏ hai người cũng có ích trong việc làm chứng cho người thân.

Sau khi làm chứng cho anh mình, ông Anh-rê làm gì?

(Còn tiếp)
XuânThu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét