Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

NGÀY 10 THÁNG 11. TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI CHĂN CHIÊN (6)


Vì sao cô gái muốn biết người yêu dấu của mình chăn bầy ở đâu? Cô gái muốn đến với người mình yêu và muốn cùng với người yêu chăn bầy. Quan tâm đến người mình yêu và quan tâm đến công việc của người ấy là tinh thần tích cực trong tình yêu và hôn nhân.

Có thể trước kia người chăn chiên đã tâm sự với người yêu:

Hỡi người đẹp hơn hết trong các người nữ,
Nếu em chẳng biết, hãy ra theo dấu của bầy
Và chăn các dê con mình 
gần bên trại kẻ chăn chiên.
(Nhã Ca 1:8)

Này trang tuyệt thế giai nhân,
Em mà không biết, theo chân bầy cừu.
Chăn dê em dẫn vài con,
Thả ăn quanh quẩn gần chòi người chăn.

(Cũng có thể đám bạn của người nữ chỉ dẫn cho cô phương cách gặp người mình yêu.)

Vậy là trong thời gian yêu nhau, người nữ tìm hiểu và biết người mình yêu là ai, công việc của anh ta là gì, phần lớn thời gian anh ta ở đâu. Cho nên khi lập gia đình chắc chắn cô ta phải trả lời được câu hỏi lương nhân của chị đi đâu?

Câu trả lời của người yêu, của người vợ rất có ý nghĩa:

Lương nhân tôi đi xuống vườn người,
Nơi vuông đất hương hoa,
Đặng chăn trong vườn và bẻ hoa huệ,
Tôi thuộc về lương nhân tôi
Và lương nhân tôi thuộc về tôi;
Người chăn bầy mình giữa đám hoa huệ.
(Nhã Ca 6:2-3)

Trong văn hóa Á Đông người ta dùng hình ảnh khu vườn để mô tả con tim, tâm hồn, cuộc sống tình yêu và hôn nhân như sau:

Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng đã mở nhưng chưa ai vào.

Người nữ nói rằng: Lương nhân tôi đi xuống vườn người. Vườn người ở đây không phải là ‘vườn của người ta’ mà là ‘vườn của chàng’. Người yêu tôi đi xuống vườn của chàng. Người yêu của tôi không có đi lạc qua vườn nhà người ta, anh ấy đi xuống khu vườn của mình, khu vườn đó là khu vườn tình yêu và hôn nhân, cụ thể là người vợ của mình. Người chăn thuộc linh không phải chỉ chăm sóc bầy chiên thuộc linh mà còn chăm sóc khu vườn tình yêu của mình.

Khu vườn được mô tả là nơi vuông đất hương hoa. Làm sao khu vườn có thể trở thành ‘vuông đất hương hoa’ được nếu nơi đó không có người siêng năng chăm sóc. Vườn tình yêu của người chăn chiên thuộc linh khác xa vườn của người biếng nhác được mô tả trong Châm Ngôn 24:30-31. Khu vườn bị bỏ bê là nơi cây tật lê mọc khắp cùng, gai góc che khuất mặt đất và tường đá của nó đã bị phát hư. Vườn của kẻ biếng nhác không phải là ‘vuông đất’ mà cũng chẳng có ‘hương hoa’.

Người nữ không mô tả màu sắc của khu vườn tình yêu và hôn nhân của mình đẹp đẽ như thế nào, nhưng cô ta dùng từ ngữ ‘hương hoa’ để nói lên hương vị của tình yêu và hôn nhân. Khi vườn có hương hoa thì màu sắc của tình yêu mới có giá trị, còn nếu khu vườn chỉ có màu sắc nhưng chẳng có hương hoa thì tình yêu và hôn nhân thật là vô vị.

(Còn tiếp)
XuânThu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét