Đất nước ngươi
sẽ không còn nghe chuyện áp bức, hung tàn; lãnh thổ ngươi không còn đổ nát,
tiêu điều nữa. Bảo toàn ngươi sẽ có tường luỹ Cứu độ và cổng Ngợi khen. (Ê-sai
60:18 – BHĐ)
Kinh Thánh mô tả lịch sử loài
người bắt đầu ở khu vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký) và kết thúc ở một thành phố. Họ sẽ gọi Giê-ru-sa-lem là “thành phố Chúa Hằng
Hữu” là “Thủ đô Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 60:14b)
Tiên tri Ê-sai đã báo trước về
“ngày ấy” của đất nước I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Đấng Thánh
của I-sơ-ra-ên trong nội dung câu hát: Ngày
ấy, bài ca này sẽ vang lừng trong xứ Giu-đa: Chúng ta có một Thành kiên cố! Sự
cứu rỗi của Chúa là thành đồng lũy sắt bảo vệ chúng ta! (Ê-sai 26:1)
Trong thời kỳ cuối cùng,
Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Chúa sẽ là đệ nhất kỳ quan trên thế giới. Tất cả
các dân tộc sẽ kéo về đó để thờ lạy Chúa Hằng Hữu. Đó là thời kỳ Chúa sẽ ngự tại
Giê-ru-sa-lem để cai trị toàn thế giới. Ngài sẽ phân xử các vụ tranh chấp quốc
tế. Tất cả các dân tộc sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi hái. Các cuộc
chiến tranh sẽ chấm dứt; các chương trình huấn luyện quân sự sẽ bị bãi bỏ… (Ê-sai
2:2-4) cho nên đất nước ngươi sẽ không
còn nghe chuyện áp bức, hung tàn; lãnh thổ ngươi không còn đổ nát, tiêu điều nữa.
Trong thế giới Đức Chúa Trời
cai trị không có cảnh bạo lực, chẳng có cảnh chiến tranh. Cảnh tượng đốt phá ruộng
vườn, trang trại, nhà cửa; cảnh từ thôn quê đến thành thị bị hủy phá không còn nữa. Những
cuộc diễu hành của đội quân chinh phạt chấm dứt.
Sự cứu rỗi là tường thành ngụ
ý người sống trong “Thành phố của Chúa Hằng Hữu” không cần xây dựng tường thành
để bảo vệ. Tường thành bảo vệ dân trong thành không do con người xây dựng.
Chính Đức Chúa Trời là tường thành bảo vệ họ. Chúa Hằng Hữu sẽ là một bức tường lửa bao bọc Giê-ru-sa-lem, Ngài là
vinh quang của thành. (Xa-cha-ri 2:5) Ngài bảo vệ người tin Ngài bằng sự cứu
rỗi.
Sự cứu rỗi là tường thành ngụ
ý người trong thành không cần một loại tường thành nào khác để bảo vệ ngoại trừ
sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi của Chúa là thành
đồng lũy sắt bảo vệ chúng ta.
Nếu trong quá khứ tường thành Giê-ru-sa-lem đổ nát, cổng thành
cháy rụi (Nê-hê-mi 1:3b), khi Đức Chúa Trời cai trị sẽ là bình an và vui mừng.
Nơi hung dữ, nơi đổ nát, hoang vu sẽ trở thành nơi cứu rỗi, nơi ngợi khen.
Sự ca ngợi là cổng thành là kết
quả tất nhiên của những ai sống trong thành lũy cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Cổng
Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi dùng để thờ phượng, cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời
(II Sử Ký 31:2) Ước ao của người sống trong ơn cứu rỗi là tại cửa con gái Si-ôn, con tỏ ra mọi sự ngợi khen Chúa, và mừng rỡ về
sự cứu rỗi của Ngài. (Thi Thiên 9:14) Lời mời gọi cho mọi người là Hãy qua cổng Đền với lời cảm tạ, vào sân Đền
với tiếng ngợi ca, cảm ta tôn vinh danh Đấng Cao cả. (Thi Thiên 100:4)
Bài ca về đất nước I-sơ-ra-ên,
về Giê-ru-sa-lem được lập lại, cũng là bài ca về mỗi đời sống con dân của Đức
Chúa Trời.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét