Không phải
Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng. Nhưng Ngài chờ đợi, vì không
muốn ai bị hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn. (II
Phi-e-rơ 3:9 – BHĐ)
Người tưởng Chúa chậm trễ thực
hiện lời hứa là ai? Họ là những kẻ sống
thác loạn theo dục vọng, cười nhạo chân lý. Họ mỉa mai: "Chúa Giê-xu hứa
Ngài sẽ tái lâm phải không? Vậy Ngài ở đâu chưa thấy đến? Ngài chẳng bao giờ trở
lại, vì từ khi có trời đất, mọi sự đều y nguyên, chẳng có gì thay đổi. (II
Phi-e-rơ 3:3-4)
Họ cũng có thể là những người mà
sứ đồ Phi-e-rơ gọi là "anh em thân yêu". Họ đang trông chờ ngày của
Chúa và mong sao cho ngày ấy mau đến. Họ cảm thấy kiệt quệ trong đức tin, nhàm
chán trong việc tuyên xưng Chúa sẽ trở lại, mòn mỏi trong khi trông đợi mà chẳng
thấy Chúa trở lại. Kèm theo sự nản lòng, mất kiên nhẫn là nghi ngờ và cuối cùng
là vô tín.
Họ cũng có thể là những người
năng nổ hăng hái phục vụ Chúa. Họ giống như linh
hồn những người bị giết vì đã công bố Đạo Chúa và trung thành làm chứng cho
Ngài. Họ kêu lớn: Lạy Chúa, là Đấng thánh và chân thật, đến bao giờ Chúa mới
xét xử và báo ứng những người trên mặt đất đã sát hại chúng con? (Khải Huyền
6:9-10)
Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta biết:
(1)Chúa là Đấng thành tín. Ngài không chậm trễ thực hiện lời hứa. Người nghĩ rằng
Chúa không bao giờ trở lại là người cố tình quên sự thật trong lịch sử loài người.
Đó là việc Ngài đã tiêu diệt thế giới đầu tiên bằng một trận đại hồng thủy.
Chính Ngài cũng phán bảo trời đất tồn tại, để dành cho lửa thiêu đốt vào ngày Phán
xét, và tiêu diệt tất cả những kẻ vô đạo. (II Phi-e-rơ 3:5-7) Ngài đã phán và
Ngài sẽ thực hiện.
(2)Chúa có thời điểm của Ngài. Nhiều người dùng thời gian của
con người để tính giùm cho Chúa điều Ngài sẽ thực hiện. Anh em đừng quên sự thật này: đối với Chúa, một ngày như ngàn năm và
ngàn năm như một ngày. (II Phi-e-rơ 3:8) Thời gian và thời điểm nằm trong
quyền hạn quyết định của Chúa.
(3)Chúa chờ đợi. Đây là tình yêu thương của Đức
Chúa Trời. Ngài đầy ân phúc, hay thương
xót, chậm giận, đầy nhân ái và đổi ý không giáng tai họa. (Giô-ên 2:13) Tình
yêu thương được bày tỏ qua sự kiên nhẫn, chờ đợi. Thời ông Nô-ê, Đức Chúa Trời nhẫn nại chờ đợi họ ăn năn khi
Nô-ê đóng tàu, nhưng họ cứ ngoan cố nên trong trận hồng thủy, chỉ có tám người
được cứu. (I Phi-e-rơ 3:20) Chúa đã kiên nhẫn trong thời ông Nô-ê thế nào
thì ngày nay Ngài vẫn đang kiên nhẫn.
Chúa chờ đợi vì Ngài không muốn ai bị hư vong. Như ta hằng sống, Đức Chúa Trời phán, ta chẳng
vui gì khi kẻ ác chết. (Ê-xê-chi-ên 33:11) Đức Chúa Trời là hằng sống, Ngài
không muốn một người nào phải chết trong tội lỗi. Đức Chúa Trời là tình yêu
thương, Ngài không muốn ai bị hư vong. Cụm từ "không muốn ai",
"không muốn cho một người nào" nói về một cá nhân, một con người
riêng lẻ.
Chúa chờ đợi vì Ngài muốn mọi người có dịp ăn năn. Chúa Hằng Hữu phán: "Ta chẳng vui thích
gì khi người ác chết. Ta chỉ muốn nó ăn năn để được sống. (Ê-xê-chi-ên 18:23;
33:11) Chúa không muốn nhìn thấy một người hư vong, Ngài muốn nhìn thấy mọi
người ăn năn. Chúa muốn điều tốt nhất cho con người nhưng đừng quên chẳng còn bao lâu nữa, Đấng ta chờ mong sẽ
trở lại, Ngài không chậm trễ đâu. (Hê-bơ-rơ 10:37)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét