Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Ngày 31 tháng 1. QUÂY QUẦN QUANH CHÚA


31 28 Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước;
             Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng rằng:

Câu Châm Ngôn này có con cái nàng, chồng nàng và nàng. Đối với người vợ, chẳng có gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng khi có chồng con ở bên cạnh trong cảnh gia đình đầm ấm bên nhau. Đến với ngôi nhà Thi Thiên 128 chúng ta thấy cảnh gia đình quây quần bên nhau như thế nào thì đến ngôi nhà Châm Ngôn 31 chúng ta cũng thấy một gia đình tương tự như vậy.

Từ ngữ chỗi dậy mô tả sự mạnh mẽ, năng động của các thành viên trong gia đình. Không có sự yếu đuối, chán nản hoặc thất vọng. Mối liên hệ giữa con cái với mẹ, giữa chồng với vợ rất tốt đẹp, hoàn toàn khác với những gia đình có con cái chống nghịch cha mẹ, hoặc vợ chồng xung khắc, hễ nói chuyện là gây lộn.  

Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước vừa ám chỉ mối tương giao tốt đẹp giữa con cái với mẹ vừa mô tả hành động cụ thể bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với mẹ.   

Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng vừa ám chỉ mối tương giao tốt đẹp giữa hai vợ chồng với nhau vừa mô tả sự tôn trọng của chồng đối với vợ. Điều gì tạo nên mối tương giao tốt đẹp giữa vợ chồng? Thật sai lầm khi lấy tiền bạc, trang sức, nước hoa, quần áo… làm tiêu chuẩn để tạo mối liên hệ.

Khi nữ tỳ Xinh-ba sinh con trai thứ nhì cho ông Gia-cốp, Lê-a đặt tên nó là A-se (có nghĩa là vui mừng) rồi giải thích: “Tôi vui mừng vô cùng! Các phụ nữ sẽ nhìn nhận tôi là người có phúc.” (Sáng Thế Ký 30:13) Bà Lê-a rất đúng khi nói vui mừng và phước hạnh đi đôi với nhau. Nhưng liệu có vui mừng và phước hạnh thật sự khi bà với cô em Ra-chên luôn luôn ganh ghét và đố kỵ nhau? Người nữ tài đức không tranh chấp với người khác để có niềm vui và phước hạnh.

Người nữ tài đức là người hạnh phúc và là người được phước. Đây là người trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi tất cả những điều đó (bao gồm sự vui mừng) được thêm cho nàng. (Ma-thi-ơ 6:33)

Trước hết tìm kiếm Đức Chúa Trời hay trước hết tìm kiếm vui mừng và phước hạnh? Nguyên tắc để có phước, để vui mừng, để có A-se, là phải hướng về Đức Chúa Trời trước hết và trên hết.  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Ngày 30 tháng 1. CHI TIẾT NHỎ VAI TRÒ LỚN


31 28 Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước;
              Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng rằng:

       28 Con cái chúc nàng hạnh phúc.
              Chồng nàng tấm tắc khen:
              (Bản Hiện Đại)

Mẫu tự QOF đứng đầu câu 28 là mẫu tự thứ mười chín. Mẫu tự này có nhiều ý nghĩa. Theo cách phát âm mẫu tự này có nghĩa là “con khỉ”; theo nguồn gốc có nghĩa là “lỗ kim”; theo dạng tượng hình có nghĩa là cái rìu. Chúng ta chỉ suy nghĩ về nghĩa thứ ba của mẫu tự này.

Cái rìu gồm có lưỡi rìu và cán rìu. Lưỡi rìu là phần bằng sắt, có cái lỗ để tra cán rìu bằng gỗ vào. Lưỡi rìu và cán rìu đều quan trọng. Lưỡi rìu chạm vào thân cây, đụng vào cây củi, còn cán rìu nằm trong tay người sử dụng. Lưỡi rìu đốn cây, chẻ củi nhưng nếu không có cán rìu thì chẳng làm được gì.

Điều quan trọng là lưỡi rìu phải có cái lỗ. Lưỡi rìu mà không có lỗ, có thể là do người sản xuất sơ xuất quên làm lỗ chớ không thể nào có lưỡi rìu không có lỗ. Điều quan trọng tiếp theo là cán rìu và lỗ phải khớp với nhau. Nếu cán rìu lớn quá hoặc nhỏ quá cũng không được. Khi tra cán rìu vào lưỡi rìu, khi cả hai khớp chặt với nhau. Khi sử dụng người ta cần chú ý tránh trường hợp lưỡi rìu văng khỏi cán rìu.  

Các môn đệ của tiên tri Ê-li-sê xin thầy của họ cùng đi đốn gỗ dựng nhà để ở. Ông Ê-li-sê đồng ý và đi với họ. Khi đang đốn cây ở sông Giô-đanh, lưỡi rìu của một người sút cán văng xuống nước. Người ấy kêu lên: “Thầy ơi! Rìu này con mượn của người ta!” Người của Đức Chúa Trời hỏi: “Nó rơi chỗ nào?” Môn đệ chỉ nơi nó văng xuống. Ê-li-sê chặt một khúc gỗ, ném xuống nơi ấy, lưỡi rìu nổi lên. Ê-li-sê bảo: “Nhặt nó lên.” Người môn đệ với tay nắm lấy lưỡi rìu. (II Các Vua 6:1-7)

Lưỡi rìu bằng sắt chìm xuống nước là lẽ tự nhiên. Nhưng khi tiên tri của Đức Chúa Trời quăng khúc gỗ xuống thì lưỡi rìu nổi lên. Đó là phép lạ. Tuy nhiên, khi lưỡi rìu nổi lên, khi tiên tri bảo: “Nhặt nó lên!” mà môn đệ chần chờ, không lo cầm lấy lưỡi rìu thì chuyện gì xảy ra? Chưa hết, sau khi cầm lưỡi rìu mà môn đồ đó không tra thật chặt cán rìu vào lưỡi rìu thì phép lạ về cái lưỡi rìu cũng vô ích mà thôi.

Cái lưỡi sắt bén, cây làm cán sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu không nhờ cái lỗ của lưỡi rìu. Xin đừng coi thường, đừng bỏ qua những chi tiết thật nhỏ nhặt nhưng không thể thiếu trong mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ để đem đến hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Ngày 29 tháng 1. BẢO VỆ CHỚ KHÔNG SOÁN QUYỀN

31 27 Nàng coi sóc đường lối của nhà mình,
             Không hề ăn bánh của sự biếng nhác.

Nàng coi sóc đường lối của nhà mình. Động từ coi sóc có ý nghĩa là “canh chừng”. Đối với kẻ ác “canh chừng” có nghĩa là “rình rập”: Kẻ ác rình rập người công chính, và tìm giết người. (Thi Thiên 37:32) Đối với người công chính “canh chừng” nhằm bảo vệ, giống như lính canh đứng trên tháp Gít-rê-ên, thấy…. liền la lên…. (2 Các Vua 9:17) Động từ coi sóc cũng được dùng cho tiên tri Ê-xê-chi-ên: Này, hỡi con người, ta lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ (canh gác) cho nhà I-sơ-ra-ên. (Ê-xê-chi-ên 33:7)  

Nàng coi sóc đường lối của nhà mìnhma quỷ, như sư tử rống đi rình mò xung quanh, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. (I Phi-e-rơ 5:8) Nàng coi sóc những người thân trong gia đình, là chồng con của nàng. Nói cách khác, nàng tìm cách bảo vệ, nhằm duy trì sự an toàn, sự bình yên. Bà A-ba-ga-in, vợ của ông Na-banh rất nhanh nhạy trong việc coi sóc đường lối của gia đình mình khi biết chồng mình đã cư xử thiếu lễ độ và thiếu tình nghĩa với ông Đa-vít. (I Sa-mu-ên 25)

Nàng coi sóc đường lối của nhà mình. Không có nghĩa người nữ tài đức soán quyền của chồng để làm chủ nhà. Nàng không phải là bà vợ nắm quyền hành trong nhà, hoặc trong cơ quan. Bà Rê-bê-ca coi sóc đường lối của nhà mình một cách sai lầm. Khi bà nghe chồng nói với Ê-sau về việc chúc phước, thay vì bàn luận, góp ý với chồng, bà đã dùng mưu kế để Gia-cốp được chúc phước thay vì Ê-sau. (Sáng Thế Ký 27) Bà Rê-bê-ca đã vượt quá vai trò của người canh giữ.

Nàng không hề ăn bánh của sự biếng nhác. Từ ngữ biếng nhác này cũng được sử dụng trong Châm Ngôn 6:6,9: hỡi kẻ biếng nhác; Châm Ngôn 19:15: sự biếng nhác; và Châm Ngôn 24:30: ruộng kẻ biếng nhác. Trong những lời mẹ của vua Lê-mu-ên nói về người nữ tài đức, không có lời nào nói về sự biếng nhác. Nàng không dư thời gian, không rảnh rỗi để mà biếng nhác, nàng cũng không bị thúc bách đến nỗi làm không hết việc.

Không hề ăn bánh của sự biếng nhác, nàng vui thích với đời sống siêng năng: Nàng lạc ý lấy tay mình mà làm công việc. Nàng đặt tay vào con quay, và các ngón tay nàng cầm con cúi. Nàng làm lấy những chăn mền. Nàng chế áo lót và bán nó…  Không có bánh cho người biếng nhác trong nhà của người nữ tài đức.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Ngày 28 tháng 1. CÔNG CHÍNH CÁCH KHIÊM CUNG

31 27 Nàng coi sóc đường lối của nhà mình,
             Không hề ăn bánh của sự biếng nhác.

       27 Nàng chăm sóc mọi việc trong nhà,
              Không bao giờ biếng nhác.  
              (Bản Hiện Đại)

Mẫu tự TSADE đứng đầu câu 27 là mẫu tự thứ mười tám, có nghĩa là LƯỠI CÂU hoặc săn bắt. Mẫu tự có dáng dấp người quỳ gối, hai tay đưa lên hướng về Đức Chúa Trời cách khiêm cung, hạ mình ngụ ý chỉ về sự CÔNG CHÍNH. Đức Chúa Trời là Đấng Công Chính: Công việc của Hòn Đá là trọn vẹn; vì các đường lối Ngài là công chính. Ấy là Đức Chúa Trời thành tín và vô tội. (Phục Truyền 32:4)

Ông Nô-ê được gọi là người công chính. Nô-ê trong đời mình là một người công chính và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời. (Sáng Thế Ký 6:9) Nhờ đâu con người đươc kể là công chính? Tiên tri Ha-ba-cúc giải đáp: Người công chính thì sống bởi đức tin. (Ha-ba-cúc 2:4) Sứ đồ Phao-lô khẳng định: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công chính cho người. (Rô-ma 4:3)

Vua Sa-lô-môn đề cập đến “nền công chính”; trên “nền” đó người khôn ngoan làm những việc công chính:  
Khi gió trốt thổi qua, kẻ hung ác không còn nữa;
Song nền của người công chính còn đến đời đời.
(Châm Ngôn 10:25)

Gia đình Cơ Đốc cần có những thành viên công chính. Con người và đời sống công chính của ông Gióp được Kinh Thánh mô tả là trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. (Gióp 1:1) Người cha công chính cũng muốn đời sống của mình ảnh hưởng trên con cái. Đó là lý do ông Gióp sai gọi các con về để tẩy thanh. Ông thức dậy sớm dâng tế lễ thiêu cho mỗi người. (Gióp 1:5) Ông biết rằng tội lỗi và khước từ Đức Chúa Trời đánh mất sự công chính trong đời sống.

Chính Đức Chúa Trời nói với Sa-tan về ông Gióp: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” (Gióp 1:8)

Đức Gia-vê yêu mến người công chính. (Thi Thiên 146:8b) Đức Gia-vê không để linh hồn người công chính chịu đói khát, nhưng Ngài xô đuổi sự ước ao của kẻ ác đi. (Châm Ngôn 10:3) 

Mấy câu Kinh Thánh này rất đáng cho chúng ta là những người được xem là tài đức và đang làm chồng làm cha suy ngẫm.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)