Những người có trách nhiệm đối với trẻ em cần biết
rằng thế gian đang dẫn dụ trẻ trở nên bất thường trong nhiều lãnh vực như tri
thức, giải trí, tiêu thụ, hưởng thụ… nhưng hiếm người quan tâm dẫn dắt trẻ đến
cùng Chúa.
Chúa Giê-xu khuyến khích người lớn đem trẻ em đến với
Ngài, khích lệ các em đến với Ngài, khuyên các môn đệ đừng gây trở ngại cho các
em. Rồi Ngài làm gì cho thiếu nhi? Ngài không giảng cho các em nghe, cũng không
kêu gọi các em: “Hãy theo ta!”, cũng không bảo các em phải làm điều này hoặc
không được làm điều kia. Những người có trách nhiệm đối với các em sẽ làm những
điều đó (và đôi lúc họ làm hơi quá đáng!). Chúa Giê-xu không nói những điều quá
cao xa với các em. Chúa cũng không bắt các em nghe giảng như người lớn. Chúa
Giê-xu không nói nhiều về lý thuyết, Ngài bày tỏ lòng yêu thương bằng hành
động. Ngài “bỗng ẵm các em” và “đặt tay chúc phúc cho các em”.
Chúa Giê-xu “bồng ẵm các em”, Ngài đã làm nhiều hơn
điều ao ước của phụ huynh. Họ chỉ mong Ngài sờ đến, đụng đến, nhưng Chúa lại
bồng ẵm. Sờ đầu, vuốt tóc, nựng một đứa trẻ tốn ít thời gian và sức lực hơn là
bồng một đứa trẻ. Hình ảnh Chúa Giê-xu ‘bồng ẵm các em’ bày tỏ Ngài coi trẻ em
là quí trọng, phải nâng niu, giữ gìn và bảo vệ.
“Chúa đặt tay chúc phúc cho các em”, tức là bao gồm cả
cầu nguyện và chúc phúc. Trẻ em có cả một cuộc đời ở phía trước, chúng đáng
được cầu thay và chúc phúc. Sự cầu thay và phước hạnh không dành riêng cho
người lớn. Trẻ em cũng đáng được quan tâm và phải được nêu lên trong lời cầu
thay. Trẻ em được chúc phúc vì các em đáng được hưởng phúc. Không ai muốn thấy
trẻ em sống trong cảnh bất hạnh dù là thuộc thể hay thuộc linh.
Khi bàn tay của người lớn – bàn tay bảo vệ, bàn tay
nuôi nấng, bàn tay cứu giúp, bàn tay nâng đỡ, bàn tay dìu dắt, bàn tay cầu
nguyện, bàn tay dạy dỗ, bàn tay chúc phúc – đụng chạm vào trẻ em đó là lúc
chúng ta làm theo ý Chúa Giê-xu với tình yêu thương và những hành động cụ thể
dành cho trẻ em.
Trẻ em còn vinh dự hơn nữa khi Chúa Giê-xu dùng trẻ em
làm gương cho người lớn. Chúng ta thường dùng người lớn làm gương cho trẻ em,
điều đó không sai. Nhưng ở một phương diện khác, Chúa Giê-xu lại dùng trẻ em
làm gương cho người lớn. Chúa Giê-xu dùng trẻ em để làm gương cho người lớn về
hai điều: (1)sự đơn sơ, khiêm tốn, và (2)lòng tin cậy. Chúa Giê-xu dùng trẻ em
để dạy dỗ người lớn, trước hết phải trở thành khiêm tốn như các em và tiếp nhận
Nước Trời như các em.
Khi Chúa Giê-xu nói với các môn đệ việc “tiếp nhận Nước Đức Chúa Trời như một đứa
trẻ” (Lu-ca 18:17) thì chúng ta hiểu rằng trẻ em có khả năng tin nhận Chúa
Giê-xu. ‘Đứa trẻ’ mà Chúa nói ở đây không phải là bé sơ sinh nhưng là đứa trẻ
Chúa từng nói: “Còn ai cám dỗ một em nhỏ
đã tin ta phạm tội, thì thà người ấy bị buộc cối đá vào cổ rồi dìm xuống đáy hồ
còn hơn” (Ma-thi-ơ 18:6). Chữ ‘đứa trẻ’ trong Lu-ca 18:17 cũng chính là ‘em
nhỏ’ trong Ma-thi-ơ 18:6. ‘Đứa trẻ’ hoặc ‘em nhỏ’ mà Chúa Giê-xu nói lên mấy
tuổi? Chúng ta không rõ, nhưng chúng ta biết khi một em nhỏ có thể tin nhận Chúa
Giê-xu tức là em nhỏ đó ý thức thế nào là tội lỗi.
*
* *
Hãy quyết định đem thiếu nhi đến cùng Chúa Giê-xu ngay
khi có cơ hội. Nếu chúng ta không đưa trẻ em đến với Chúa Giê-xu thì chắc chắn có
lúc chúng ta phải đi tìm Chúa để mời Ngài về nhà cứu sống chúng.
Hãy quyết định yêu thương, chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi
như Chúa Giê-xu đã làm.
Hãy quyết định cầu nguyện và chúc phúc cho các em.
Liệu chúng ta có đang ngăn trở thiếu nhi đến với Chúa
Giê-xu không?
Chúng ta sẽ làm gì khi gặp trở ngại trong công tác đem
thiếu nhi đến với Chúa Giê-xu?
XuânThu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét