Vì sao Đức Chúa Trời không sai phái người đến Sô-đôm và Gô-mô-rơ để cảnh
báo như Ngài sai tiên tri Giô-na đến Ni-ni-ve? Chúng ta không rõ vì Kinh Thánh
chỉ ghi lại những giờ phút cuối của Sô-đôm và Gô-mô-rơ mà thôi. Chắc chắn Chúa
không sai phái ông Lót đến Sô-đôm. Ông đến Sô-đôm vì nhìn thấy đồng bằng Giô-đanh phì nhiêu, vì thấy nước tưới khắp nơi, ích lợi cho việc chăn
chiên của mình. Ông đến Sô-đôm vì "khải tượng kinh tế" chứ chẳng có
"khải tượng truyền giáo" gì cả.
Từ chỗ dựng trại gần Sô-đôm (Sáng
Thế Ký 13:12) ông dời vào thành Sô-đôm và trở thành một trong những người
lãnh đạo của họ. (Sáng Thế Ký 19) Phần thuộc linh của ông trượt dốc thật rõ. Khi
rời Cha-ran đi với ông Áp-ra-ham, tức là ông có cùng đức tin, chấp nhận sống
trong lều trại, hướng về xứ mà Đức Chúa Trời hứa cho. Vậy mà ông bỏ lều trại
vào sống trong thành Sô-đôm. Phải chăng đó là lý do Đức Chúa Trời không sử dụng
ông?
Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy ông là
một người công chính, tâm hồn luôn luôn bị dày vò vì những cảnh thương luân bại
lý diễn ra hằng ngày quanh mình. (II Phi-e-rơ 2:8)
Trong thời gian sống ở Sô-đôm, dù không rao giảng, không tuyên bố chống lại
tội lỗi, nhưng ông Lót không sống giống như dân Sô-đôm. Ông không phạm những tội
lỗi mà họ đã phạm. Không sống theo chủ trương "ai sao ta vậy" cũng là
cách bày tỏ mình là ai giữa thế giới gian
ác băng hoại. (Phi-líp 2:15 - BHĐ) So với ông Gióp, ông Lót không trọn lành
và ngay thẳng. Nhưng ông kính sợ Đức Chúa
Trời và lánh xa tội ác. (Gióp 1:1 - BHĐ) Có thể nói ông Lót được Chúa cứu
chuộc và gìn giữ như lời Ngài hứa với dân I-sơ-ra-ên về sau: Khi con vượt qua đại dương, ta sẽ ở cùng.
Khi con lội qua sông, sẽ chẳng bị chìm đắm. Khi con xông qua lửa; con sẽ chẳng
bị phỏng, ngọn lửa không đốt cháy được con. (Ê-sai 43:2 - BHĐ)
Tuy không lên tiếng phản đối tội lỗi hoặc cảnh báo nhưng ông sống theo
chuẩn mực của Đức Chúa Trời. Mỗi ngày phải nghe và thấy việc tội lỗi của dân
Sô-đôm, lòng ông đau xót. Vì sao? Sứ đồ Phao-lô chia sẻ: "Không rao truyền Tin Lành thì khốn khó cho tôi thay." (I
Cô-rinh-tô 9:16) Đây là tâm tình của nhà truyền giáo, còn người yếu đuối
như ông Lót thì phải chăng ông đau xót vì không chịu đựng nổi những điều tội lỗi?
Phải chăng ông đau khổ, buồn rầu khi tội lỗi diễn ra hằng ngày trước mắt ông?
Đó là nỗi đau đớn của người được Chúa kể là công chính.
Mắt con
tuôn lệ như dòng thác,
Vì người đời
bất chấp luật trời.
Con đau xót
nhìn người gian ác,
Vì họ luôn
bất chấp luật thiêng.
(Thi Thiên
119:136, 158 - BHĐ)
Sống giữa Sô-đôm, ông Lót chỉ lo làm ăn, lo cho gia đình. Bị chê là người
yếu đuối nhưng ông không sống như cư dân Sô-đôm. Bị xem là người suy yếu về phần
thuộc linh nhưng ông cũng không dửng dưng trước những điều sai trái của người tội
lỗi. Ông không lên án, không rao án phạt, nhưng từ ngày này sang ngày khác ông
mang nặng nỗi buồn rầu, đau đớn trong tâm linh của mình.
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét