3. Giữ chính mình cách bền đỗ.
Bạn dự định giữ chính mình trong bao
lâu? Phải chăng bạn chủ trương là khi không giữ chức vụ hoặc vai trò gì trong
ban hướng dẫn thì có thể sống bê bối, lè phè, tuỳ hứng, chẳng cần đọc Kinh
Thánh, chẳng cần cầu nguyện gì cả. Rồi được đắc cử vào ban điều hành, hoặc bị
chỉ định – hoặc được mời vào vai trò lãnh đạo (vì gia đình có truyền thống Cơ
Đốc, hoặc có thành tích trong một số công việc...). Bây giờ phải lo sống cho
đàng hoàng, tu tỉnh trong việc học lời Chúa, siêng năng cầu nguyện, nói chung
là sống thuộc linh một chút. Sau một hoặc hai năm bị ràng buộc trong công tác
lãnh đạo thì sinh hoạt thuộc linh có phần nghiêm chỉnh. Nhưng khi công tác chấm
dứt, thì kể như thả hổ về rừng, lại tung hoành ngang dọc.
Ở trại hè năm nay, khi làm tổ trưởng
thì không quậy mà còn khuyên các bạn đừng quậy. Năm sau chỉ làm tổ viên thì trở
thành tổ trưởng tổ quậy!
Bạn có giữ chính mình theo kiểu đó
không? Giữ mình như vậy là sống theo kiểu tuỳ cơ ứng biến, là giả bộ, là đóng kịch,
là đối phó với Chúa và với người.
Phải bền đỗ trong mọi sự (cứ chuyên
tâm, hãy bền chí). Chữ bền đỗ, chuyên tâm, bền chí của một người giữ mình và sứ
điệp của mình vừa diễn tả sự bền bỉ liên tục trong hiện tại và tiếp diễn đến
tận cùng trong tương lai. Bền bỉ nghĩa là không có chấm dứt, không có điểm
dừng. Chỉ chấm dứt khi có thể nói như Phao-lô: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được
đức tin.” (2Ti-mô-thê 4:7)
Bạn giữ chính mình, không phải để cho
người ta thấy, không phải để chứng tỏ mình hơn người. Bạn giữ chính mình dù không ai biết, chẳng ai hay, cứ đều
đặn liên tục sống với lời Chúa hằng ngày.
Khi giữ chính mình bạn phải chiến đấu
không ngừng chống bản ngã – thế gian – xác thịt, đây có thể là cuộc chiến trong
tâm trí, cuộc chiến trong chốn riêng tư, chẳng ai thấy, chẳng ai hay. Cũng có
thể là cuộc chiến tại nơi bạn đi học, đi làm, cuộc chiến chỉ liên quan đến bạn,
vì những người khác chưa tin Chúa, họ không quan tâm đến cuộc chiến đó. Họ cho
rằng hút thuốc, uống rượu, thủ thuật làm ăn... là chuyện thường. Còn bạn phải
trả giá.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng bền bỉ, kiên
trì đến một lúc nào đó thì sức sẽ cùng lực sẽ kiệt, đến lúc đó sẽ không còn sức
kiên trì và chuyên tâm nữa. Về phương diện con người và sức lực riêng thì đúng
là như vậy. Vì Kinh Thánh viết: “Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người
trai tráng cũng phải vấp ngã.” (Ê-sai 40:30)
Nhưng sự bền đỗ, chuyên tâm, bền chí ở
đây bao gồm lòng tin cậy nơi Thánh Linh của Chúa. Bạn không đơn độc trong việc
giữ mình, Chúa không bỏ rơi bạn, Thánh Linh của Chúa ở cùng bạn, ban sức mạnh
cho bạn để có thể luôn luôn kiên trì, bền chí. “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va
thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc,
đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31) Trông cậy nơi Chúa bạn có thể luôn giữ mình trong sự bền bỉ.
Khi bền bỉ giữ chính mình sẽ giúp bạn
bền bỉ trong công tác phục vụ. Tuy nhiên bạn cần tránh một điều là chúng ta rất
dễ dùng sức riêng để bền bỉ trong công việc, rồi lấy công việc thay thế cho
việc bền bỉ giữ mình.
(Còn tiếp)
XuânThu
(XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét