“Đạo thập tự giá” là
những lời rao giảng về sự chết của Chúa Giê-xu trên cây thập tự, là giáo lý cứu
rỗi, là sự chuộc tội qua sự kiện Chúa Giê-xu chết thay thế nhân loại chết vì
tội của họ. Sứ đồ Phao-lô, người từng chống lại “Đạo thập tự giá”, sau khi tin
Chúa viết như sau: Tôi đã quyết định
không nói gì với anh em ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng chịu đóng đinh trên cây
thập tự.” (II Cô-rinh-tô 2:2)
Người chưa tin Chúa
Giê-xu thường chống lại “Đạo thập tự giá” rồi cho rằng những lời rao giảng về
thập tự giá là điều hết sức ngu xuẩn. Người Hy-lạp tìm khôn ngoan nơi các triết
gia, người Do-thái tìm phép lạ nhưng khi họ nghe giảng về Đấng Cứu Thế chịu
đóng đinh thì chế giễu. Vì người Do Thái
cho là sỉ nhục trong khi các dân tộc khác coi như khờ dại. (I Cô-rinh-tô 1:23) Trước
hết, người bị đóng đinh vào cây thập tự tên là Giê-xu vốn là một người thợ mộc
bình thường ở thành Na-xa-rét. Ngoài ra, bị đóng đinh vào thập tự giá là hình
thức tử hình nhục nhã nhất thời đế quốc La-mã mặc dù đây là trường hợp “tử vì
đạo”. Thật điên rồ khi rao giảng cái chết ô nhục của một người mà gọi là chuộc
tội cho loài người. Lời thách thức của các thầy chánh tế, các thầy thông giáo,
các trưởng lão và dân chúng: “Đấng Cứu
Thế, vua I-sơ-ra-ên ơi! Xuống khỏi cây thập tự ngay bây giờ đi, để chúng tôi
thấy và tin” (Mác 15:32) có lẽ vẫn còn cho đến ngày nay đối với những người
chưa tin.
Khi giảng về Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự
cũng có nghĩa là giảng về Chúa Cứu Thế và
sự sống lại (Công Vụ 17:18), điều mà con người không chấp nhận. Sứ đồ
Phao-lô từng giảng tại A-thên. Khi ông nói: “Đức
Chúa Trời đã xác nhận uy quyền của Người (Chúa Giê-xu) bằng cách cho Người
(Chúa Giê-xu) sống lại” thì nhiều
người chế giễu. (Công Vụ 17:31-32)
Đối với người tin Chúa
Giê-xu, sự chết của Ngài biến cây thập giá thành cây thánh giá. Thập giá trở
thành thánh giá được sứ đồ Phao-lô tóm tắt trong hai từ ngữ: cứu rỗi và quyền năng. Khi nói rằng chúng
ta là người được cứu rỗi, tức là nói về đức tin của chúng ta nơi sự chết và
sự sống lại của Chúa Giê-xu. Chúng ta tin rằng Đấng Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh, Ngài đã bị
chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh. (I Cô-rinh-tô 15:3-4)
Chúng ta tin giá trị và quyền năng sự hy sinh của Chúa Giê-xu vốn là hiện
thân của Đức Chúa Trời. “Tôi chẳng bao
giờ hổ thẹn về Phúc Âm vì Phúc Âm thể hiện quyền năng để cứu rỗi mọi người tin
nhận. (Rô-ma 1:16) Nhưng đối với người Do-thái hay Hy-lạp nào tiếp nhận Phúc
Âm, Chúa Cứu Thế là hiện thân của quyền năng và khôn ngoan của Đức Chúa Trời.”
(I Cô-rinh-tô 1:24)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét