Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

NGÀY 30 THÁNG 4. BỘ BA QUAN TRỌNG

Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. (1Cô-rinh-tô 13:13)
Đức tin, hy vọng và tình yêu thương là bộ ba cần thiết không thể thiếu trong nếp sống và sinh hoạt của người Cơ Đốc. Viết thư cho tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca, ông Phao-lô đề cập đến bộ ba đức tánh cơ bản này: Chúng tôi luôn cảm tạ Đức Chúa Trời vì tất cả anh em, nhắc đến anh em trong giờ cầu nguyện. Mỗi khi hầu chuyện Đức Chúa Trời, Cha trên trời, chúng tôi không bao giờ quên công việc anh em thực hiện do đức tin, những thành quả tốt đẹp do tình yêu thương và lòng nhẫn nại đợi chờ Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại (1Tê-sa-lô-ni-ca 1:2-3 – BHĐ). Sau đó ông khẳng định:  Nhưng chúng ta là người của ban ngày, nên phải tỉnh táo, mặc áo giáp đức tin và yêu thương, đội nón sắt hy vọng cứu rỗi. (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:8 – BHĐ)

Người Cơ Đốc không có đức tin, không có hy vọng, không có tình yêu thương thì dù nhiều tài năng, dù hăng say phục vụ cũng trở thành vô nghĩa. Muốn xây dựng ngôi nhà Cơ Đốc, người tin Chúa cần bộ ba đức tin, hy vọng và tình yêu thương.

Đức tin không bao giờ đơn độc mà luôn luôn có hy vọng đi cùng. Hy vọng như người lên kế hoạch, còn đức tin như người thực hiện kế hoạch, biến kế hoạch thành hiện thực. Đức tin và hy vọng hỗ tương cho nhau nhờ đó trong hiện tại có thể nhìn thấy và chào mừng điều mình sẽ nhận được trong tương lai. Đức tin bảo đảm cho hy vọng về những điều chưa trông thấy.

Đức tin và hy vọng đều quan trọng và cần thiết, nhưng tình yêu thương quan trọng hơn tất cả. Đức tin và hy vọng đều cần đến tình yêu thương. 

Đức tin mà không có tình yêu thương sẽ trở nên lạnh nhạt. Người có đức tin nhưng đánh mất tình yêu thương thì sẽ ích kỷ, kiêu ngạo. Tình yêu thương ví như ngọn lửa khiến đức tin và hy vọng bừng cháy năng lực cho đến cuối cùng. 

Còn hy vọng mà không có tình yêu thương thì sẽ buồn tẻ và nản lòng. Tình yêu thương đem đến cho hy vọng sự an ủi, niềm vui và sự kiên định. 

Nói cách khác tình yêu thương truyền sức mạnh cho hy vọng và đức tin, làm cho người Cơ Đốc trưởng thành trong niềm tin.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

NGÀY 29 THÁNG 4. NÊN ĐẦU TƯ VÀO ĐÂU?

Đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban cho mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. (1Ti-mô-thê 6:17)

Lời khuyên gồm có ‘2 Đừng & 1 Hãy’.

1. Đừng kiêu ngạo, đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn

- Không chắc chắn là đặc điểm của tiền bạc và của cải vật chất ở trần gian; không lâu bền, hay thay đổi, bấp bênh nên bị xem là của cải phù vân. Tiền bạc mất giá, đầu tư thua lỗ, của cải hư hao và bị hủy hoại là điều chắc chắn. Thế nhưng thứ của cải không chắc chắn lại là nguy cơ khiến con người giảm sút hoặc đánh mất niềm tin nơi Đức Chúa Trời.

- Tiền bạc, của cải có thể khiến con người trở thành kiêu ngạo. Người có nhiều tiền lắm của cho rằng “có tiền mua tiên cũng được” nên tự cao tự đại, cậy vào những điều mình sở hữu mà không tin cậy Đức Chúa Trời. Vì quan niệm ‘có tiền mua tiên cũng được’ nên ai nấy lo kiếm tiền để càng giàu càng tốt.

- Tiền bạc, của cải có thể khiến con người tôn thờ Ma-môn (thần tiền), coi tiền bạc là thần thánh, đồng thời hạ thấp vị trí và vai trò của Đức Chúa Trời, thậm chí không tôn thờ Ngài. Người trông cậy nơi của cải tin rằng của cải sẽ giải quyết mọi việc, sẽ đem lại sự an toàn và bình yên cho cuộc sống. Một khi đã đặt hy vọng nơi tiền bạc thì không còn trông cậy nơi Chúa.

Kinh Thánh không dạy đừng sở hữu của cải, nhưng dạy đừng để của cải làm cho chúng ta trở nên kiêu ngạo, ỷ lại của cải rồi quên Đức Chúa Trời.

2. Hãy trông cậy Đức Chúa Trời
Điều quan trọng là con người cần trông cậy Chúa. Khi chưa có nhiều tiền bạc của cải thì tin cậy Chúa. Khi trở nên giàu có, lắm tiền nhiều của thì cần tin cậy Chúa nhiều hơn.

- Đức Chúa Trời là Đấng mỗi ngày ban cho mọi vật. Có thể lắm người đang nghèo khó nghĩ rằng Chúa đã quên mình rồi. Ngược lại người đang thịnh vượng giàu có thì quên Ngài. Chúa là Đấng hằng sống, Ngài luôn luôn có mặt trong cuộc sống, tể trị mọi việc, cung cấp mọi điều cho nhu cầu của chúng ta. Đừng nghĩ Chúa là Đấng của quá khứ, hoặc là Đấng của tương lai. Ngài là Đấng hằng sống trong quá khứ vô tận và trong tương lai đời đời, luôn luôn hiện diện để chăm sóc chúng ta.

- Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi vật dư dật. Chúa là Đấng rộng rãi, Ngài ban cho một cách dồi dào. Nhận biết Chúa là Đấng ban cho sẽ không còn tự phụ tự mãn cho rằng mình làm ra tất cả. Đúng là chúng ta có siêng năng chăm chỉ làm lụng nhưng cần nhận biết rằng Chúa ban cho mọi thành quả. Càng có nhiều thì càng nhận biết mình đang nhận lãnh cách dư dật từ nơi Chúa.

- Đức Chúa Trời là Đấng cho chúng ta được hưởng. Chúa ban cho, chúng ta nhận lấy, nhưng không phải để chúng ta khốn khổ. Nhiều người trở nên giàu có nhưng lại khốn đốn vì tiền muôn bạc triệu. Chúa muốn chúng ta vui hưởng những điều Ngài ban cho chúng ta.

Được hưởng không có nghĩa là hưởng thụ theo ý riêng của con người lắm tiền nhiều của. Chúng ta vui hưởng những điều Chúa ban cho trong tinh thần sử dụng cho mình và cho người khác với niềm vui và theo ý Chúa. Nói cách khác khi biết Chúa là Đấng ban cho thì chúng ta chỉ là người quản lý những điều Chúa cho để sử dụng theo ý Ngài.

 “Money no enough”
Money can buy a House but not a Home
Money can buy a Bed but not Sleep
Money can buy a Watch but not Time
Money can buy Books but not Knowledge
Money can buy a Position but not Respect
Money can buy Medicine but not Health
Money can buy Blood but not Life
Money can buy Sex but not Love
***
Beware the money trap.
Invest for eternity


Có tiền nhưng...
Tiền mua cửa rộng nhà cao,
Có mua được cảnh gia đình ấm êm?
Tiền mua chăn gấm nệm hoa,
Có mua được giấc ngủ trong êm đềm?
Tiền mua sắm lắm đồng hồ,
Có mua lại được thì giờ trôi qua?
Tiền mua sách vở thế gian,
Có mua được sự khôn ngoan vẹn toàn?
Tiền mua chức tước cao sang,
Có mua được chút tấm lòng kính yêu?
Tiền mua đủ loại thuốc thang,
Có mua sức khỏe quý hơn ngàn vàng?
Tiền mua những bịch máu đào,
Có mua sự sống cho mình được chăng?
Tiền mua má phấn buôn hương,
Có mua được chút tình yêu con người?
***
Đầu tư vào cõi đời đời,
Coi chừng vướng bẫy tiền tài trần gian.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

NGÀY 28 THÁNG 4. GIẢI PHÁP HỮU HIỆU

Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? (Ma-thi-ơ 6:27)

Đứng trước những vấn đề vật chất tạm bợ, những nhu cầu cơm áo gạo tiền trong cuộc đời, con người nên giải quyết như thế nào?

1. Giải pháp lo lắng
Qua lời dạy trong Ma-thi-ơ 6:25-34 của Chúa Giê-xu, chúng ta biết:
- Con người lo lắng vì không nhận ra giá trị đích thực của mình.
- Con người lo lắng vì quên Đấng tạo dựng mình, là Đức Chúa Trời toàn năng, toàn quyền.
- Con người lo lắng vì có đức tin nhưng yếu kém.
- Con người lo lắng nên bỏ qua điều đầu tiên quan trọng nhất trong đời sống mình.

Con người xử trí với những nan đề trong cuộc đời của mình bằng cách lo lắng. Tuy nhiên giải pháp lo lắng đẩy con người đi tìm những điều không đáng tìm, đồng thời phủ nhận vai trò của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình. Chính vì lo lắng mà con người chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân, không quan tâm đến Đức Chúa Trời, cũng chẳng suy xét xem điều nào là quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Chúa Giê-xu tóm tắt giải pháp lo lắng tác động trên con người với nhóm từ ngữ “làm cho đời mình”. Ngài cũng cho thấy giải pháp lo lắng là ảo tưởng và thất bại vì không giải quyết được vấn đề.

2. Giải pháp không lo lắng
Với câu hỏi: Có ai lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? Chúa Giê-xu vạch ra sự vô dụng của tánh lo lắng và khuyên chúng ta đừng lo lắng nữa.

- Không lo lắng tức là bày tỏ đức tin. Đây là giải pháp phát xuất từ nội tâm: Một tấm lòng bình an đối với những vấn đề của cuộc đời.

- Không lo lắng tức là bày tỏ sự phó thác, sự trông cậy. Không trông cậy nơi nỗ lực con người nhưng trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Đây là hình ảnh trao phó cho Chúa, lệ thuộc vào Chúa, tin rằng Chúa sẽ giải quyết mọi nan đề trong cuộc sống.

- Không lo lắng tức là bày tỏ chúng ta bắt đầu tìm kiếm điều quan trọng nhất và thiết yếu nhất.

Khi không còn cậy vào nỗ lực và tài xoay xở của mình nhưng bắt đầu tin cậy quyền năng của Đức Chúa Trời, thì đó là lúc chúng ta không còn lo lắng nữa và cũng là lúc chúng ta nhận được điều tốt nhất.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NGÀY 27 THÁNG 4. TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Vì tôi nóng lòng muốn gặp gỡ anh em để chia sẻ ân tứ tâm linh, giúp anh em ngày càng vững mạnh, để anh em và tôi đều khích lệ lẫn nhau bởi đức tin của mỗi người. (Rô-ma 1:11-12 – BHĐ)

Người lãnh đạo thuộc linh nhiệt thành thường lo thực hiện công việc nhiều hơn là tiếp xúc với con người, thường nỗ lực làm việc này việc kia hơn là chia sẻ những vấn đề thuộc linh. Ông Phao-lô cho chúng ta thấy người lãnh đạo thuộc linh cần nhiệt tình trong vấn đề gì?

1. Ông Phao-lô nóng lòng muốn gặp gỡ anh em
Có lúc vì cớ hoàn cảnh, vì công tác người lãnh đạo thuộc linh phải rời xa anh em của mình. Nhưng người lãnh đạo thuộc linh phải có tâm tình của người chăn chiên, nghĩa là muốn gần bầy của mình. Lòng mong mỏi gặp lại các tín hữu cho thấy người lãnh đạo thuộc linh yêu thương, nhớ nhung và muốn gần gũi hội thánh.

2. Ông Phao-lô nóng lòng muốn gặp gỡ anh em để chia sẻ ân tứ tâm linh
Người lãnh đạo thuộc linh cần quan tâm đến việc này vì là việc quan trọng nhất. Rõ ràng tín hữu Hội Thánh Rô-ma đã vượt qua giai đoạn con đỏ thuộc linh. Họ đang trưởng thành, cần hiểu biết và phát huy ân tứ trong khi phục vụ Chúa.

Nếu người lãnh đạo thuộc linh chỉ quan tâm chia sẻ kế hoạch, chia sẻ công việc, chia sẻ trách nhiệm nhưng không quan tâm chia sẻ ân tứ thì cộng đồng Cơ Đốc sẽ có nhiều chức vụ, nhiều công việc nhưng không hiệu quả hoặc không thể chu toàn.

3. Ông Phao-lô nóng lòng muốn gặp gỡ anh em để giúp anh em ngày càng mạnh mẽ
Lắm người lãnh đạo thuộc linh làm cho người cộng sự và cộng đồng trở nên mệt mỏi thay vì mạnh mẽ. Người lãnh đạo thuộc linh có thể mệt nhọc vì cống hiến thì giờ, sức lực cho anh em, với mục đích làm cho anh em ngày càng mạnh mẽ. Đây có phải là mong mỏi và mục đích của người lãnh đạo thuộc linh không?

4. Ông Phao-lô nóng lòng muốn gặp gỡ anh em để anh em và tôi đều khích lệ lẫn nhau bởi đức tin của mỗi người
Chúng ta thường so sánh đức tin để khen người này có đức tin mạnh mẽ và chê người kia sao mà yếu đuối thế. Ở đây ông Phao-lô không nói ông là mạnh mẽ, còn anh em là yếu đuối. Người mạnh, kẻ yếu đều có thể hoà hiệp với nhau, khích lệ lẫn nhau theo lượng đức tin của mình.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)