Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NGÀY 31 THÁNG 12. RONG RUỔI TRÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở TRẦN GIAN (5)


2. Con đường Giê-ri-cô – Sống yêu thương. (Lu-ca 10:30-37)

30 Có người kia đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, rơi vào tay bọn cướp; chúng trấn lột và đánh đập người, rồi bỏ đi, để mặc người nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ có một thầy tư tế cũng đi xuống con đường đó, khi trông thấy nạn nhân thì tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự, một người Lê-vi cũng đến chỗ đó, trông thấy nạn nhân cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng có một người Sa-ma-ri đang đi đường, khi trông thấy nạn nhân thì cảm thương. 34 Ông đến gần, băng bó, lấy dầu lấy rượu đổ trên các vết thương, rồi đỡ người ấy lên lừa, đưa về quán trọ săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy hai đơ-ni-ê trao cho chủ quán và dặn: “Xin bác săn sóc người này, nếu có tốn kém hơn, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho bác.”

Câu chuyện Chúa Giê-xu kể liên quan đến con đường xuống Giê-ri-cô.

-Trong câu chuyện có những nhân vật nào?

(1)Nạn nhân, (2)Kẻ cướp, (3)Thầy tư tế, (4)Người Lê-vi, (5)Người Sa-ma-ri, (6)Chủ quán.

- Bạn cảm thấy mình tương tự như nhân vật nào trong câu chuyện? Vì sao bạn nghĩ như vậy?

- Với hai cụm từ CỦA TÔI LÀ..., CỦA ANH LÀ... bạn có thể viết ra bao nhiêu câu?

  • Của tôi là của tôi, của anh là của tôi.
  • Của tôi là của tôi, của anh là của anh.
  • Của tôi là của anh nếu của anh là của tôi.
  • Của tôi là của anh.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

NGÀY 30 THÁNG 12. RONG RUỔI TRÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở TRẦN GIAN (4)


(4)Chúa đụng đến hành vi của ông Sau-lơ. Ông Sau-lơ kể lại chi tiết này trong Công Vụ 22:10. Sau khi biết Chúa là ai, ông liền thưa rằng: “Thưa Chúa, con phải làm gì?” Sau khi được khai tâm, khai trí, sau khi nhìn nhận Chúa là Chủ của mình, ông không còn dám hành động theo ý riêng nữa. Ông hỏi “Con phải làm gì?”, ông hỏi ý Chúa và vâng theo sự chỉ bảo của Chúa.

Chúa bảo: “Con đứng dậy, vào thành Đa-mách! Tại đó con sẽ nghe những điều ta ủy thác cho con thực hiện.” Kể từ giây phút đó ông Sau-lơ theo chỉ dẫn của Chúa vào thành Đa-mách. Trước kia ông tự quyết định nơi ông đi đến, việc ông thực hiện. Giờ đây, sau khi nhìn nhận Chúa Giê-xu là Chúa, ông không tự mình quyết định nữa, ông vâng theo chỉ dẫn của Chúa, ông đi đến nơi Chúa chỉ cho ông và làm những việc Chúa bảo ông làm trong suốt cuộc đời còn lại.

Hỏi ý Chúa, chờ đợi ý Chúa và vâng lời là khởi đầu của người nghe tiếng Chúa phán và muốn sống theo Chúa trên con đường Đa-mách. Nếu trong bước đầu mà không chịu hỏi, chờ đợi và không vâng theo tiếng Chúa, thì trọn đời sống khó mà sống theo tiếng Chúa.

Tự xét

Bạn có gặp Chúa trong khi đi trên đường Đa-mách chưa?

(1)Bạn có nhận biết bạn là ai và Chúa là ai không?
(2)Khi biết Chúa là ai, nghe được tiếng của Chúa, bạn có ăn năn và từ bỏ ý riêng không?
(3)Bạn có tìm cầu ý muốn của Chúa?  
(4)Sau khi từ bỏ ý riêng, sau khi biết ý Chúa bạn có vâng theo ý Chúa không?

Con đường Đa Mách là khởi đầu của quãng đời làm con của Chúa, khởi đầu bằng việc công nhận điều Chúa phán là đúng và bằng lòng vâng phục theo ý của Ngài. Trên con đường này Chúa có phần việc của Ngài và con người cũng có phần việc của con người. Phần của Chúa là lên tiếng, là bày tỏ Ngài; còn phần con người là lắng nghe và tiếp nhận. Phần của Chúa là cảnh cáo, phần con người là vâng lời Chúa.

Không phải tất cả chúng ta đều gặp Chúa trong bối cảnh của ông Sau-lơ, được nghe tiếng Chúa phán như ông Sau-lơ nghe, được thấy ánh sáng của Chúa như ông Sau-lơ thấy, bị té ngã rồi bị mù như ông Sau-lơ. Nhưng chúng ta vẫn có thể có kinh nghiệm như ông Sau-lơ khi đối diện với lời Chúa, nhận ra thực trạng của mình, tiếp nhận Chúa để trải nghiệm ân tha thứ, để trở thành con của Chúa và thuộc về Chúa.

Rất nhiều người bỏ qua và xem thường kinh nghiệm này, hoặc là không có kinh nghiệm này trong đời sống. Nhiều người sẵn sàng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, hầu việc Chúa, dâng hiến tài chánh... nhưng không nhận biết mình là ai, không nhận biết Chúa là ai, và không đầu phục Chúa. Bạn đã gặp Chúa chưa? Cần đầu phục Chúa Giê-xu để cuộc đời được thay đổi.

Gợi ý thảo luận

Bạn đã tin nhận Chúa như thế nào? Bạn phải trả giá như thế nào khi tin Chúa và tiếp tục theo Chúa?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

NGÀY 29 THÁNG 12. RONG RUỔI TRÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở TRẦN GIAN (3)



Đức Chúa Trời biến đổi ông Sau-lơ như thế nào?

(1)Chúa đụng đến cá nhân ông Sau-lơ: Trong khi ông Sau-lơ sống theo ý riêng, chống nghịch Chúa thì Chúa đến với ông, đụng vào thể xác lẫn nội tâm của ông và phán với ông một cách riêng tư: “Sau-lơ! Sau-lơ!” (Câu 4) Chúa cũng cho ông biết ông đang làm gì: “Sao con bức hại ta?” Dù ông đang đi cùng với nhiều người nhưng Chúa hỏi riêng ông mà thôi.

(2)Chúa đụng đến lương tâm, tác động đến tấm lòng, đập vỡ con người kiêu căng ngạo nghễ và cứng cỏi trong ông. Chúa làm cho ông ‘ngã nhào xuống đất’ và nhận ra mình thật sự là ai và đang làm gì: “Con bức hại ta.” Công Vụ 26:14 có thêm câu: “Đá vào mũi nhọn chỉ đau nhức cho con thôi.” Con đang hủy hoại cuộc đời mình.

Mỗi người cần tiếp nhận những tín hiệu dành cho chính mình trong đời sống theo Chúa. Bạn có muốn Chúa làm cho bạn ‘ngã nhào’ và khiến bạn chẳng còn nhìn thấy gì giống như ông Sau-lơ không? Mong rằng bạn không bị đau đớn vì cú ‘ngã nhào’ đó nhưng bạn vẫn nghe Chúa ‘nói riêng’ với bạn. Liệu bạn có nghe Chúa nói: “________ (tên của bạn), sao con không nghe lời ta? Sao con làm buồn lòng ta? Sao con khinh lờn ta. Sao con làm khó cho ta?”

(3)Chúa đụng đến tâm trí của ông Sau-lơ. Câu: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” vừa là câu hỏi, vừa là câu xưng nhận đối tượng mà ông đang chống đối và bắt bớ là Chúa. “Lâu nay con chưa biết Ngài và nay con muốn biết Ngài là ai?” Chúa trả lời: “Ta là Giê-xu người Na-xa-rét mà con đang bức hại.” Câu trả lời của Chúa khai sáng tâm trí ông Sau-lơ. Thật ra ông Sau-lơ biết Giê-xu người Na-xa-rét rồi vì ông là người cùng thời với Giê-xu. Ông biết hoạt động của Giê-xu. Ông biết Giê-xu đã bị đóng đinh trên thập tự, đã chết và người ta đã chôn trong mộ. Ông nghe nói sau ba ngày Giê-xu đã sống lại. Tuy nhiên ông không tin. Ông không tin Giê-xu đến từ trời, càng không tin Giê-xu đã sống lại. Cho nên khi thấy nhiều người tin Giê-xu ông thẳng tay ngăm đe và bắt bớ họ.

Khi nghe Chúa Giê-xu trả lời: “Ta là Giê-xu người Na-xa-rét mà con đang bức hại”, ông Sau-lơ nhận thức ngay Đấng ông vừa xưng nhận là Chúa hóa ra là Giê-xu người Na-xa-rét, Đấng mà lâu nay ông hiểu lầm; Đấng đang sống mà ông nghĩ là đã chết; Đấng ông bức hại là Đấng có mối liên hệ với những người tin và theo Ngài mà ông cho rằng họ tin vớ vẩn. Ông Sau-lơ hiểu ra rằng đụng đến những môn đệ của Chúa chính là đụng đến chính Chúa.

“Lâu nay con nghe về ta, con chống lại ta, vì con không thật sự biết ta là ai. Bây giờ con thưa trong tinh thần phủ phục: ‘Lạy Chúa’, Chúa mà con muốn biết rõ là Giê-xu, Đấng yêu thương con, kiên nhẫn với con.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

NGÀY 28 THÁNG 12. RONG RUỔI TRÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở TRẦN GIAN (2)


1. Con đường Đa Mách  – Kinh nghiệm gặp Chúa (Công vụ 9:1-2; 22:6-11)

Đây là con đường ông Sau-lơ từng đi qua. Thoạt tiên con đường Đa Mách là con đường của ý riêng, con đường làm theo điều mình cho là phải, con đường của sự mê muội, con đường chống nghịch Chúa. Đây là con đường lột tả một góc tội lỗi của ông Sau-lơ trong quá khứ.

1 Sau-lơ vẫn tiếp tục đe dọa giết hại các tín đồ của Chúa. Ông đến xin thầy tế lễ tối cao 2 viết thư gửi cho các hội trường thành phố Đa-mách, yêu cầu giúp ông lùng bắt tất cả tín đồ nam nữ, trói lại giải về Giê-ru-sa-lem. (Công Vụ 9 - Bản Hiện Đại)

Mặc dù có thể chúng ta không chống cự Chúa như ông Sau-lơ, nhưng trước khi tin Chúa chúng ta cũng có những điểm tương đồng với ông Sau-lơ, đó là:
  • Theo một tôn giáo nào đó và rất nhiệt thành với tôn giáo đó. Có thể có nếp sống sinh hoạt tôn giáo rất tốt, có một nếp sống đạo đức tốt trong xã hội.
  • Không nhận biết Chúa Giê-xu thật sự là ai, và dĩ nhiên
  • Không tin Ngài.

Ông Sau-lơ theo Do Thái giáo và rất nhiệt thành với tôn giáo của mình. Vì chưa biết Chúa Giê-xu là ai cho nên ông ra sức chống lại Chúa một cách mù quáng. Chính trên con đường chống nghịch Chúa, một kinh nghiệm quan trọng đến với ông Sau-lơ. Đó là Chúa Giê-xu bày tỏ cho ông biết Ngài là ai, và ông đã ăn năn, qui phục Chúa.

6 Vào khoảng giữa trưa, tôi đang đi trên đường đến gần Đa-mách, thình lình có luồng sáng từ trời chiếu xuống chung quanh tôi. 7 Tôi ngã nhào xuống đất, và nghe có tiếng gọi bên tai: “Sau-lơ! Sau-lơ! Sao con bức hại ta?” 8 Tôi thưa: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Chúa bảo: “Ta là Giê-xu người Na-xa-rét mà con đang bức hại.” 9 Những người bạn đường của tôi cũng thấy luồng sáng, nhưng không nghe tiếng nói với tôi. 10 Tôi hỏi: “Thưa Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo: “Con đứng dậy, vào thành Đa-mách! Tại đó con sẽ nghe những điều ta ủy thác cho con thực hiện.” 11 Nhưng mắt tôi mù lòa vì ánh sáng quá rực rỡ, nên các bạn đường cầm tay tôi dẫn đến thành Đa-mách. (Công vụ 22 - Bản Hiện Đại)

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

NGÀY 27 THÁNG 12. RONG RUỔI TRÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở TRẦN GIAN (1)

Gợi ý:

-Bước 1: Nếu phải vẽ lại dòng đời của mình, bạn sẽ vẽ như thế nào? (Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn là những sự kiện gì?) Vạch một đường thẳng theo chiều ngang (hoặc dọc) Ghi vào đó những cột mốc trong cuộc đời của bạn.

-Bước 2: Ghi ra một câu nhận định về cuộc đời của bạn.

-Bước 3: Chuyện trò với một người bạn về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời bạn và của người đó.

Khi cụ Gia-cốp yết kiến Pha-ra-ôn, cụ được Pha-ra-ôn hỏi: “Cụ bao nhiêu tuổi?” Để trả lời, cụ Gia-cốp tóm tắt cuộc đời của cụ như sau: “Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó.” (Sáng Thế Ký 47:9) (Cụ Gia-cốp tạm trú ở Ai-cập được 17 năm, như vậy cụ hưởng thọ 147 tuổi. (47:18)) 

Cụ Gia-cốp nói những năm tháng trong cuộc đời cụ là
  • Cuộc đời phiêu lưu. (130 năm)+(17 năm ở Ai-cập)
  • Những năm ngắn ngủi.
  • Những năm nhọc nhằn.
  • Không bằng những năm tháng của tổ phụ là cụ nội Áp-ra-ham và thân phụ Y-sác.
Cuộc đời của người Cơ Đốc là một cuộc hành trình từ trần gian đến thiên đàng. Có phải là một cuộc phiêu lưu kỳ thú không? Cuộc hành trình trên thiên lộ của bạn bắt đầu từ khi nào? Những sự kiện nào trong cuộc hành trình của bạn là quan trọng? Trong khi rong ruổi trên thiên lộ bạn đã trải qua những chặng đường nào? Những trải nghiệm đó liên hệ đến những con đường được ghi trong Kinh Thánh. Đây là những con đường bạn lần lượt đi qua trong cuộc hành trình từ trần gian đến thiên đàng.


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 



Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

NGÀY 26 THÁNG 12. GIÁNG SINH - VÂNG LỜI (4)


4. Anh Giô-sép vâng lời Đức Chúa Trời

- Giô-sép là ai? Dù thuộc dòng dõi vua Đa-vít, anh Giô-sép cũng chỉ là một người bình thường như mọi người dân I-sơ-ra-ên. Trong xã hội anh có nghề nghiệp là thợ mộc.

Về đời sống riêng tư, anh Giô-sép cũng có tình yêu. Người anh yêu là cô Ma-ry, hai người đã hứa hôn và đang tiến tới hôn nhân.

Kinh Thánh có ghi lại một đặc điểm của Giô-sép, đó là người có nghĩa (nhân nghĩa).

- Khi cô Ma-ry kể cho anh Giô-sép biết việc thiên sứ gặp cô và báo tin là cô sẽ mang thai và sinh con trai, chắc chắn anh Giô-sép rất bàng hoàng. Liệu Ma-ry có gặp thiên sứ thật không? Làm sao cô ấy lại có thai được? Sao thiên sứ gặp Ma-ri mà không gặp mình? Cũng như mọi người khác, phản ứng hoang mang, nghi ngờ của anh Giô-sép đối với cô Ma-ry, đối với Chúa là điều tất nhiên.

Sau đó anh Giô-sép tính cắt đứt mối liên hệ giữa mình với cô Ma-ry. Điều này cho thấy anh Giô-sép không tin điều cô Ma-ry nói. Nhưng anh Giô-sép được xem là người nhân nghĩa khi anh dự định giải quyết vấn đề một cách cao thượng.

- Trong khi suy nghĩ và toan tính chia tay với cô Ma-ry thì anh Giô-sép được thiên sứ truyền phán qua giấc chiêm bao. Nội dung của chiêm bao xác nhận chuyện cô Ma-ry kể cho Giô-sép là đúng.

(1)Cô Ma-ry mang thai là do Thánh Linh.
(2)Cô sẽ sinh một con trai.
(3)Ngoài ra thiên sứ cũng nhắc đến lời của tiên tri Ê-sai.

- Sau đó anh Giô-sép đã vâng lời Chúa. Như vậy chứng tỏ anh Giô-sép

(1)Tin sự bày tỏ của Chúa.
(2)Tin điều cô Ma-ry nói.
(3)Tin cách chỉ dẫn của Chúa.

Cho nên thay vì giải quyết vấn đề theo ý của mình, anh Giô-sép đã giải quyết vấn đề theo sự chỉ dạy của Chúa.

Chính vì anh Giô-sép vâng theo lời Chúa mà sau này Chúa lại tiếp tục dùng thiên sứ của Ngài đến cùng anh và chỉ dạy cho anh, không phải chỉ một lần, mà nhiều lần.

Tất cả các nhân vật: Tiên tri Ê-sai, thiên sứ Gáp-ri-ên, cô Ma-ry, anh Giô-sép, đều có một điểm chung, đó là

  • Họ có mối tương giao với Đức Chúa Trời.
  • Họ được Đức Chúa Trời bày tỏ chương trình và ý định của Ngài qua đời sống họ.
  • Họ sẵn lòng lắng nghe tiếng của Chúa.
  • Họ bằng lòng vâng theo lời phán dạy của Chúa dù phải gặp hoàn cảnh như thế nào.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 



Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

NGÀY 25 THÁNG 12. GIÁNG SINH - VÂNG LỜI (3)

3. Cô Ma-ry vâng lời Đức Chúa Trời
- Cô Ma-ry là ai? Không phải là một người đặc biệt, siêu phàm. Cô Ma-ry là một thiếu nữ bình thường như mọi thiếu nữ khác. Cũng có đời sống tình cảm, đã yêu anh Giô-sép và sẽ tiến tới hôn nhân.

Khi gặp thiên sứ cô cũng sợ hãi, hoang mang và thắc mắc. Nói cách khác cô Ma-ry cũng có tâm trạng và phản ứng tự nhiên của con người nói chung.

- Qua lời nói của thiên sứ: “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi.” (Lu-ca 1:28)

  • Cô Ma-ry là người được ơn.
  • Cô Ma-ry đáng được chúc mừng.
  • Cô Ma-ry có Chúa ở cùng.
Chắc chắn trong cuộc sống hằng ngày cô Ma-ry là người có nếp sống kính sợ Chúa. Giữ gìn cả thể xác lẫn tâm linh được thánh sạch và trọn lành.

- Qua nội dung báo tin: “Này, ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai mà đặt tên là Giê-xu” (Câu 31)

  • Cô Ma-ry sẽ mang thai.
  • Sẽ sinh một con trai.
  • Đặt tên là Giê-xu.
Nếu chúng ta là cô Ma-ry chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Thật là một tin kinh khủng. Vừa nói cô là người được ơn của Chúa, vừa chúc mừng cô, nói rằng Chúa ở cùng cô, thế mà lại bảo rằng cô sẽ mang thai. Thật là kinh thiên động địa.

- Cô Ma-ry đã thắc mắc về điều thiên sứ nói. Sau đó cô chịu lắng nghe những điều thiên sứ trình bày và giải thích cho cô. Cho nên từ bối rối, sợ hãi, thắc mắc, sau khi đã lắng nghe lời thiên sứ, cô Ma-ry bày tỏ sự thuận phục ý của Chúa: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Câu 38)

Khi nói: “Tôi đây là tôi tớ Chúa”, cô Ma-ry xác nhận mình là ai. Tôi là tôi tớ Chúa. Đây là con người đầu phục hoàn toàn. Tôi biết tôi là ai, biết Chúa là ai. Tôi là tôi tớ, Chúa là Chúa, là Chủ. Vâng lời trong tinh thần của một người tôi tớ.

Cô Ma-ry bày tỏ sự vâng lời Chúa qua việc để cho Chúa hành động trên đời sống của cô: “Xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền”. Những sự ấy là những sự việc nào? Đó là việc cô Ma-ry mang thai. Việc có liên quan đến mọi phạm vi trong đời sống riêng tư của cô, đến thể xác của cô, đến thời gian sống của cô, đến sinh hoạt của cô, đến tương lai của gia đình cô.

Việc cô Ma-ry vâng lời Chúa sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của cô. Không phải chỉ mang thai, mà sinh con, nuôi nấng cho đến khi trưởng thành, thậm chí khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá, thì cô Ma-ry năm xưa lúc đó đã là bà Ma-ry vẫn đứng bên chân thập tự để nâng đỡ tinh thần cho Chúa. Đó là tinh thần và cách sống của người nói: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!”

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

NGÀY 24 THÁNG 12. GIÁNG SINH - VÂNG LỜI (2)

2. Thiên sứ Gáp-ri-ên vâng lời Đức Chúa Trời

Thiên sứ này có tên riêng hẳn hoi, không phải do con người đặt. Chính thiên sứ tự giới thiệu tên mình là Gáp-ri-ên. Như vậy tức là do Đức Chúa Trời đặt. Đức Chúa Trời tạo dựng thiên sứ và Ngài đặt tên cho thiên sứ đó là Gáp-ri-ên. Gáp-ri-ên có nghĩa là ‘Đức Chúa Trời là anh hùng của tôi’, hoặc ‘Người dũng mãnh của Đức Chúa Trời’

Tiên tri Đa-ni-ên từng gặp thiên sứ Gáp-ri-ên. 

Ta nghe tiếng một người nam từ giữa bờ sông U-lai, kêu và bảo rằng: Gáp-ri-ên, hãy cho người này hiểu sự hiện thấy đó... (Đa-ni-ên 8:16)

Vậy ta còn nói trong khi cầu nguyện, này, Gáp-ri-ên, người mà ta đã thấy trong sự hiện thấy lúc đầu tiên, được sai bay mau đến đụng ta độ lúc dâng của lễ chiều hôm. Người dạy dỗ ta và nói cùng ta rằng: Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta ra để ban sự khôn ngoan và thông sáng cho ngươi. (Đa-ni-ên 9:21, 22)

Chúng ta hãy tưởng tượng khung cảnh ở thiên đàng. Các thiên sứ múa hát và ca tụng Đức Chúa Trời:

“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa,
là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng.
Trước đã có, nay hiện có, sau còn đến!”
 (Khải Thị 4:8)

Có tiếng kèn trổi lên, và có tiếng thiên sứ:

“Lạy Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng,
công việc Chúa lớn lao và lạ lùng biết bao!
Ha-lê-lu-gia!
Từ các tầng trời hãy ngợi khen Đức Chúa Trời!
Hãy ngợi khen Ngài trong nơi cao cả!
Hỡi hết thảy các thiên sứ Ngài, hãy ngợi khen Ngài!
Hỡi cả cơ binh Ngài, hãy ngợi khen Ngài!”

“Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng,
Công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay!
Hỡi Vua của muôn đời,
đường lối Ngài là công bình và chân thật!
Lạy Chúa, ai là kẻ không kính sợ
và không ngợi khen danh Ngài?
Vì một mình Ngài là thánh,
mọi dân tộc sẽ đến thờ lạy trước mặt Ngài.”
 (Khải Thị 15:3-4)

Rồi Đức Chúa Trời phán

(Chúa) Gáp-ri-ên!

(Gáp)   Thưa Chúa, con đây.

(Chúa) Con hãy đến miền Ga-li-lê vào thành phố Na-xa-rét.

(Gáp)  Thưa Chúa, Ngài sai con đến thành phố Na-xa-rét để làm gì?

(Chúa) Con hãy tìm gặp một thiếu nữ tên là Ma-ry.

(Gáp)  Thưa Chúa ở thành phố Na-xa-rét có rất nhiều thiếu nữ tên là Ma-ry. Con phải gặp cô Ma-ry nào đây ạ.

(Chúa) Con phải tìm cô Ma-ry đã đính hôn với một anh tên là Giô-sép. Anh Giô-sép này thuộc gia tộc của vua Đa-vít. Anh ta đang làm thợ mộc.

(Gáp) Thưa Chúa khi gặp cô Ma-ry con sẽ nói gì?

(Chúa) Hãy báo cho cô Ma-ry biết, cô ấy sẽ mang thai và sinh một con trai, hãy bảo cô ấy đặt tên con trai là Giê-xu.

(Gáp)  Con xin vâng lời và đi ngay.

Đức Chúa Trời sai bảo và Gáp-ri-ên đã vâng lời Ngài. Đây không phải là lần đầu tiên Gáp-ri-ên vâng lời Đức Chúa Trời. Thiên sứ này luôn luôn vâng lời Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng. Các tạo vật của Ngài dù ở trên trời, dưới đất đều phải vâng lời Ngài. Thiên sứ Gáp-ri-ên hoàn toàn khác với thiên sứ phản loạn là Sao Mai.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

NGÀY 23 THÁNG 12. GIÁNG SINH - VÂNG LỜI (1)


1. Tiên tri Ê-sai vâng lời Đức Chúa Trời

Này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai,
Và sinh một con trai,
Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên.
 (Ma-thi-ơ 1:23)

Vài trăm năm trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, tiên tri Ê-sai đã viết các câu này. Đây là một trong những lời tiên báo của tiên tri Ê-sai.

“Hỡi nhà Đa-vít, hãy nghe! Các ngươi cho làm phiền người ta là nhỏ mọn, mà muốn làm phiền Đức Chúa Trời ta nữa sao? Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sinh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên.” (Ê-sai 7:13-14)

"Vì có một con trẻ sinh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An." (Ê-sai 9:5)

Ê-sai không tự ý viết những lời này. Đức Chúa Trời đã kêu gọi và chọn lựa ông cho công việc của Ngài. Đức Chúa Trời phán bảo với ông để ông công bố và viết ra lời của Ngài. Và tiên tri Ê-sai đã vâng theo lời Chúa.

Không dễ dàng gì để công bố và ghi lại những lời mà người ta cho rằng khó tin và không biết có xảy ra không.

Viết về một trinh nữ chưa lấy chồng mà mang thai là trái ngược với sự hiểu biết thông thường của con người. Thật là khó tin.

Viết trước về một đứa bé sẽ ra đời đã khó tin rồi, còn nói tương lai của đứa bé ấy sẽ có quyền cai trị, sẽ là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An thì thật là vượt qua suy nghĩ của con người.

Thế mà tiên tri Ê-sai vâng lời Chúa, công bố và ghi lại điều này cho tuyển dân của Chúa.

Khi vâng lời Chúa, công bố lời của Ngài, các tiên tri có thể phải hứng chịu những phản ứng của con người như là ném đá, bỏ tù, giết hại... Vì sao? Vì dân chúng không tin vào lời công bố của tiên tri. Khi vâng lời Chúa để công bố lời Ngài các tiên tri phải trả giá.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

NGÀY 22 THÁNG 12. GIÁNG SINH - VÂNG LỜI

Các nhân vật trong hai phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 1:26-28 và Ma-thi-ơ 1:18-25 đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự giáng sinh của Chúa Giê-xu.

  • Tiên tri Ê-sai tiên báo việc Chúa sẽ ra đời.
  • Thiên sứ Gáp-ri-ên báo tin về những việc sẽ xảy đến cho cô Ma-ry.
  • Cô Ma-ry mang thai và qua cô Chúa Giê-xu được sinh ra.
  • Ông Giô-sép bảo bọc cô Ma-ry và Chúa Giê-xu.
Điểm giống nhau: Dù ở thời Cựu Ước (tiên tri Ê-sai) hoặc thời Tân Ước, dù ở thiên đàng (thiên sứ Gáp-ri-ên) hoặc ở trần gian, dù là người nữ (cô Ma-ry) hoặc người nam (anh Giô-sép); tất cả đều có một điểm chung, đó là vâng lời.

  • Một tiên tri vâng lời Đức Chúa Trời.
  • Một thiên sứ vâng lời Đức Chúa Trời.
  • Một thiếu nữ vâng lời Đức Chúa Trời.
  • Một thanh niên vâng lời Đức Chúa Trời.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

NGÀY 21 THÁNG 12. HƯỚNG VỀ BẾT-LÊ-HEM


Sự kiện lịch sử về việc Chúa Giê-xu sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Đặc biệt trong mùa kỷ niệm Chúa giáng sinh, câu chuyện Chúa sinh ra được nhắc lại dưới nhiều hình thức, từ bài hát nhắc lại câu chuyện Chúa giáng sinh, đến tấm thiệp giáng sinh có hình mô tả sự tích Chúa giáng sinh. Nhiều nơi trưng bày một cái hang đá, hình ảnh của chuồng súc vật, có máng cỏ và em bé, có Ma-ry, Giô-sép, một bên các anh chăn chiên, một bên là các nhà thông thái với những lễ vật. Có nơi nhắc lại qua những hoạt cảnh về Chúa giáng sinh. Hôm nay chúng ta dùng Kinh Thánh để nhắc nhau câu chuyện Chúa giáng sinh.

Nơi Chúa giáng sinh là thành phố Bết-lê-hem. Cho nên những nhân vật chúng ta đề cập đều hướng về Bết-lê-hem.

  • Nhà tiên tri nói về Bết-lê-hem.
  • Giô-sép và Ma-ry đi đến Bết-lê-hem
  • Các anh chăn chiên đi đến Bết-lê-hem.
  • Các nhà thông thái đi đến Bết-lê-hem.
Tất cả bốn nhóm nhân vật có những điểm khác nhau:

- Nhà tiên tri, cô Ma-ry, anh Giô-sép là những người được Chúa dùng. Các anh chăn chiên là những người bình dân, các nhà thông thái thuộc tầng lớp quí tộc.

- Các anh chăn chiên là người Do Thái, còn các nhà thông thái không phải là người Do Thái.

- Nhà tiên tri sống trước khi Chúa giáng sinh mấy thế kỷ, còn các anh chăn chiên, những nhà thông thái thì sống ngay trong thời điểm Chúa giáng sinh, còn chúng ta ngày nay thì sống sau khi Chúa đã giáng sinh hơn hai ngàn năm. Nhà tiên tri nhìn về Chúa giáng sinh trước khi sự việc xảy ra, còn Ma-ry, Giô-sép, các anh chăn chiên, các nhà thông thái nhìn việc Chúa giáng sinh một cách trực tiếp, khi vừa xảy ra, còn chúng ta nhìn về việc Chúa giáng sinh sau khi sự việc đã xảy ra.

- Tuy có những điểm khác nhau về thời gian, địa vị, vai trò đối với Chúa, đối với xã hội, nhưng cả bốn nhóm người này đều hướng về Bết-lê-hem, và đều có liên quan đến nhân vật chính là Chúa giáng sinh.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

NGÀY 20 THÁNG 12. TÂM LINH TÔI AN NINH THAY


Ai ai cũng nghĩ rằng kỷ niệm Chúa giáng sinh thì phải hát những ca khúc đặc biệt xoay quanh sự kiện Cứu Chúa giáng sinh. Ít người biết rằng có những ca khúc được sáng tác trong mùa kỷ niệm Chúa giáng sinh nhưng không mang âm hưởng và giai điệu của mùa giáng sinh.

Gia đình ông bà Horatio Gates Spaffort sống trong cảnh đau buồn, tang tóc trong những mùa kỷ niệm Chúa giáng sinh.

Năm 1870, cậu con trai duy nhất của ông bà tên là Horatio qua đời khi lên 4 tuổi.

Ngày 8 tháng 10 năm 1871 tài sản của gia đình ông bà trở thành đống tro tàn khi trận hỏa hoạn quét qua thành phố Chicago. Mùa giáng sinh năm đó ông bà sống trong tình cảnh mất tất cả tài sản.

Hai năm sau, ngày 22 tháng 11 năm 1873, con tàu chở bà Anna Spaffort và 4 cô con gái đi Châu Âu bị chìm.

Ngày 2 tháng 12 ông nhận được điện tín của vợ với dòng chữ: Một mình được cứu. Em phải làm sao?

Ông Spaffort lập tức sang Châu Âu đưa vợ về nhà. Khi tàu thủy đi ngang qua khu vực con tàu bị chìm, ông Stafford sáng tác bài thơ "It is Well with My Soul" (Tâm Linh Tôi An Ninh Thay) 

“Khi tôi được bình tịnh
dường sông chảy theo đường đời

Hoặc lắm thống bi như ba đào sôi

Hoàn cảnh dẫu ra sao, Nhờ lời Chúa nói sắt đinh:
Linh hồn tôi an ninh thay, bình an thay!"

Bài thơ được sáng tác khi xung quanh người người bắt đầu chuẩn bị kỷ niệm Chúa giáng sinh. Đến với mùa giáng sinh trong cảnh mất đi 4 người con cùng một lúc, tác giả bài thơ tỏ ra đồng cảm với nỗi niềm của người mẹ ở thành Su-nem khi cậu con duy nhất của bà đột ngột qua đời. Nỗi đau tột độ được giấu kín trong lòng khi bà trả lời câu hỏi của tiên tri Ê-li-sê: "Mọi việc đều bình an chăng? Gia đình bà bình an chăng? Bà đáp: Bình an. Thật không dễ dàng gì khi trong hoàn cảnh đau thương khốn khổ có thể nói thành lời: "Tâm linh tôi, an ninh thay."

Sau thảm họa tàu chìm bà Anna tâm sự: "Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi 4 con gái. Bây giờ chúng đã rời khỏi vòng tay của tôi. Một ngày nào đó tôi sẽ hiểu vì sao."

Mấy năm sau, Chúa cho ông bà có thêm 3 con: 1 trai, 2 gái. Năm 1876 bà Anna sinh một con trai. Ông bà đặt tên cho con là Horatio. Sau kỳ lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh năm 1879, ngày 11 tháng 2 năm 1880 cậu con trai qua đời khi lên 4 tuổi.

Người phổ nhạc bài thơ Tâm Linh Tôi Yên Ninh Thay là ông Philip Paul Bliss, bạn của ông Spaffort. Hai ông song ca bài hát này trong tháng 11 năm 1876. Cuối kỳ lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh năm 1876 ông bà Bliss gặp tai nạn và qua đời vào ngày 29 tháng 12 khi chuyến tàu lửa đâm xuống dòng sông phủ băng vì cây cầu bị gãy.

Ai ai cũng muốn sống trong bình an, muốn hưởng bình an. Chẳng ai muốn tai ương, đau khổ xảy ra trong mùa kỷ niệm Chúa giáng sinh. Cũng thật khó để hát lên câu Tâm Linh Tôi An Ninh Thay trong đêm kỷ niệm Chúa giáng sinh. Thế nhưng người sáng tác bài thơ Tâm Linh Tôi An Ninh Thay và người phổ nhạc cho bài thơ từng là hai người đầu tiên hát bài hát này. Họ là hai người từng trải nghiệm những biến cố đau thương mất mát nhưng vẫn tin nơi Đấng Cứu Thế, là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Tác giả ý thơ, điệu nhạc đều làm chứng về sự bình an trong tâm linh khi họ gặp hoạn nạn trong mùa giáng sinh. Họ đã tìm được bình an thật nơi Chúa Cứu Thế, là Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An.


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

NGÀY 19 THÁNG 12. BA ÁNH SÁNG (3)


3. Ánh sáng đặc biệt trong nội tâm

“Được Chúa báo mộng...” (Câu 12)

Thời xưa, khi loài người chưa có Kinh Thánh như chúng ta hiện nay, chiêm bao là một trong những cách bày tỏ đặc biệt của Chúa trong nội tâm của người xưa. Những cách khác như Chúa phán với ông Môi-se qua bụi gai cháy (Xuất Ai-cập Ký 2), Chúa cũng hiện đến cùng vua Sa-lô-môn trong ban đêm. (2Sử Ký 7:12) Chúa phán với các tiên tri bằng cách nào chúng ta không rõ nhưng chúng ta biết có lời của Chúa phán cùng các tiên tri trong nội tâm của họ

Trong thời thầy tế lễ Hê-li, Sa-mu-ên là một người trẻ tuổi. “Trong lúc đó, lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi, và sự hiện thấy chẳng năng có.” (1 Sa-mu-ên 3:1) Thế mà Đức Giê-hô-va lại gọi Sa-mu-ên. Chẳng những thế, trong câu 21 chép: “Đức Giê-hô-va cứ hiện ra tại Si-lô, vì ấy là tại Si-lô mà Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời Ngài.”

Chúa chỉ bảo các nhà thông thái trong chiêm bao. Đây là sự bày tỏ đặc biệt riêng cho cá nhân. Nếu các nhà thông thái không đi theo ngôi sao trong tinh thần muốn gặp Chúa, không vâng theo lời của Kinh Thánh sau khi nghe Kinh Thánh chỉ dẫn, không tôn thờ Chúa Giê-xu khi gặp Ngài, thì họ không thể nhận sự chỉ dạy của Đức Chúa Trời một cách riêng như thế.

Ông Giô-sép làm thợ mộc, là chồng của cô Ma-ri. Chúa dạy bảo ông nhiều lần qua chiêm bao.

Ma-thi-ơ 1:20: “Thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ.”

Ma-thi-ơ 2:13: “Có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem Con Trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp-tô.”

Ma-thi-ơ 2:19-29: “Có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, tại nước Ê-díp-tô mà truyền rằng: Hãy chờ dậy đem Con Trẻ và mẹ Ngài trở về xứ I-sơ-ra-ên.”

Ma-thi-ơ 2:22-23: “... bởi đã được Đức Chúa Trời mách bảo trong chiêm bao, nên người vào xứ Ga-li-lê, ở trong một thành kia tên là Na-xa-rét...”

Sự bày tỏ của Chúa đối với ông Giô-sép có tính riêng tư. Ông Giô-sép lập gia đình như thế nào, ông đi ra nước ngoài ra sao, ông bảo vệ Chúa Giê-xu và bà Ma-ri, ông có thể hồi hương vào thời nào, ông nên cư trú ở đâu... Sau mỗi lần Chúa bày tỏ, ông Giô-sép luôn luôn làm theo điều Chúa chỉ dẫn.


Giữa Đức Chúa Trời là Đấng bày tỏ và người tiếp nhận, tức là các nhà thông thái, ông Giô-sép, hoặc chúng ta phải có một mối liên hệ. Có tìm kiếm ý muốn của Chúa, có mối tương giao với Chúa, có tinh thần vâng theo lời Chúa thì chúng ta sẽ hiểu Chúa hơn. Ngài sẽ sẵn sàng bày tỏ cho chúng ta ý muốn của Ngài.

Nếu ông Giô-sép không có mối tương giao với Chúa, nếu ông không luôn luôn tìm hiểu ý muốn của Chúa, nếu ông không cầu hỏi Chúa về những vấn đề của đời sống, nếu ông không vâng theo những điều Chúa bày tỏ thì ông chẳng bao giờ được Chúa phán bảo một cách cụ thể và riêng tư đối với những chặng đường tiếp theo.

Trong trường học của Đức Chúa Trời cũng như trong trường học phổ thông, khi học sinh chưa học xong lớp một thì không thể lên lớp hai. Cũng vậy, khi chúng ta chưa vâng lời Chúa qua Kinh Thánh trong những nguyên tắc căn bản, chưa có mối tương giao với Ngài, thì Ngài chưa thể bày tỏ gì cho chúng ta cách cụ thể và riêng tư.

Đức Chúa Trời có bày tỏ cho bạn điều gì không?

Bạn cần có tấm lòng quyết định hướng thượng, suy nghĩ về những vấn đề mà Chúa quan tâm.

Bạn cần có tinh thần mới mẻ trong việc học Kinh Thánh và làm theo lời của Ngài.

Bạn cần thiết lập mối tương giao riêng giữa bạn với Chúa.

Bạn cần học tập vâng lời Chúa để Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài trên cuộc đời của bạn.

“Cầu Chúa phát ánh sáng
và sự sáng chân thật của Chúa ra:
Nó sẽ dẫn tôi, đưa tôi đến núi thánh và nơi ở của Chúa”
 (Thi Thiên 43:3)


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)