9.
Trở ngại ở mục đích phục vụ
Mấy bạn của người bại giúp anh ta vì
mục đích gì? Họ quan tâm đến điều gì? Có phải mong được khen ngợi tán thưởng
không? Hoặc là mong nhận phần thưởng cụ thể đích đáng đối với thành tích và
công sức đóng góp?
Bạn làm việc vì mục đích gì? Nếu bạn
chỉ quan tâm đến thành tích, đến phần thưởng thì đó sẽ là trở ngại cho sự phục vụ
của bạn. Chẳng mấy ai quan tâm đến công việc, đến kết quả của công việc hoặc
những đóng góp của bạn đâu. Trái lại, đôi khi người khác còn hiểu lầm bạn nữa.
Sau khi người bại được lành, có thể
người ta ca ngợi Chúa, xúm quanh người bại hỏi han, xuýt xoa vui mừng. Mấy bạn
của người bại vẫn là người vô danh. Khi họ làm việc thì người xung quanh tỏ vẻ
thờ ơ, có thể làm khó dễ. Nhưng khi người xung quanh khởi sự chú ý thì ống kính
lại chĩa vào Chúa Giê-xu và người bại được lành. Không ai nhắc đến mấy bạn của
người bại. Thậm chí khi mọi người giải tán, ai về nhà nấy để nghỉ ngơi, hoặc ra
quán để kháo chuyện thì mấy người này còn phải cặm cụi sửa lại mái nhà cho chủ
nhân và có thể còn bị chủ nhà la rầy làm khó dễ.
Phục vụ người khác là một quá trình:
trước, trong và sau khi phục vụ; công tác phục vụ không có điểm dừng, luôn luôn
diễn tiến. Nhiều người thoạt tiên phục vụ rất tốt, nhưng sau một thời gian thì
chán nản và từ bỏ công việc. Vì sao? Vì ‘cái tôi’ của người đó không được thoả
mãn trong sự phục vụ.
Đừng để cho những mục đích tầm thường của bản thân cản trở công tác
phục vụ của bạn.
Mấy người bạn của người bại rút ra bài
học gì sau khi cùng nhau giúp đỡ người bại? Chẳng lẽ họ nói: “Lần tới ai làm
thì làm, tôi không thèm làm đâu, chẳng ai coi tôi ra gì cả.”
Nếu bạn là một trong mấy người khiêng
người bại đến với Chúa Giê-xu, bạn được gì? Có phần thưởng không? Phần thưởng
ra sao?
(1)Khi khiêng người bại đến với Chúa,
tôi biết Chúa là Đấng có quyền trên bệnh tật. Sự hiểu biết và niềm tin của tôi chỉ
ở mức độ đó thôi. Nhưng khi người bại đã gặp Chúa, niềm tin và sự hiểu biết của
tôi về Chúa tăng lên rõ rệt. Bây giờ tôi biết Chúa là Đấng có quyền tha tội.
Ngài không chỉ quan tâm đến bệnh tật trong cơ thể mà còn quan tâm đến căn bệnh
tâm linh. Kinh nghiệm về Chúa là phần thưởng rất lớn đối với tôi trong khi phục vụ.
(2)Phần thưởng mà tôi, nhóm của tôi
nhận được là niềm vui vì một người được lành bệnh.
(3)Từ nay nhóm của tôi không còn phải
khiêng bạn đó nữa. Bạn đó sẽ cùng chúng tôi đi khiêng những người bại khác. Bạn
đưa một người đến với Chúa để Ngài giải quyết nan đề trong cuộc đời người đó,
rồi người đó cùng đứng chung với bạn trong công tác phục vụ, đó là phần thưởng
lẫn niềm vui cho bạn. Chỉ những người quên mình mới nhận được phần thưởng và
niềm vui này.
*
* *
1. Khi đưa người bại đến với Chúa, mấy
bạn của người bại phải vượt qua những trở ngại nào?
2. Trước khi đem người bại đến với Chúa
và sau khi người đó được lành, đức tin của mấy người bạn có thể thay đổi như
thế nào?
3. Bạn có biết một ‘người bại’ nào
không? Theo gương mấy bạn của người bại, bạn cần làm gì cho người đó? Bằng cách
nào?
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét