Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

NGÀY 30 THÁNG 9. TỔ CHỨC TỐT ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC (2)



1
Muốn tổ chức tốt đời sống Cơ Đốc
cần xác định bạn là quản gia của Đức Chúa Trời.
“Ai là người quản gia...”

Một đời sống Cơ Đốc tốt phải do người Cơ Đốc tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người đã tin Chúa nhưng lại sống rất lè phè, rất nghệ sĩ rởm, có người nhàn nhã như ông hoàng bà chúa, người khác thì sống hoang phí như những cậu ấm cô chiêu. Những người này cần được cảnh tỉnh để tổ chức đời sống cho phù hợp với đời sống một Cơ Đốc nhân tốt.

Cũng có những người tin Chúa nhưng chỉ biết sống cho mình và vì mình. Họ có tổ chức đời sống và trở nên những người rất thành đạt trong học hành, nghề nghiệp và công việc. Tuy nhiên tất cả chỉ nhằm mưu tìm lợi ích cho bản thân chớ không phải cho Đức Chúa Trời. Thành phần này cũng cần được thức tỉnh để nhận thức được bổn phận và trách nhiệm của họ khi làm Cơ Đốc nhân, rồi mới thay đổi quan niệm trong khi tổ chức đời sống của họ.

Có những người Cơ Đốc chỉ tổ chức đời sống theo giai đoạn, thí dụ khi nhận vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh thì lo tổ chức đời sống cho đàng hoàng. Nhưng khi không còn công tác thì đời sống trở nên bê bối, lộn xộn. Đây là cách sống theo kiểu đối phó với công việc. Những người này cần biết rằng tổ chức đời sống Cơ Đốc nhân không giống như việc trang hoàng, tổ chức sắp xếp cho một đám tiệc, một buổi lễ, sau tiệc sau lễ là dẹp hết. Tổ chức đời sống là cả cuộc đời chớ không phải chỉ trong một thời gian, một giai đoạn nào đó.

Chúa Giê-xu nói về những người thắt lưng, thắp đèn đợi chủ. Đây là những người đang tỉnh táo trong việc nhận biết mình là ai, công việc của mình là gì, và mình cần phải làm gì. Chỉ trong vỏn vẹn vài câu mà có đến ba lần (câu 36, 37, 38) nói đến những người thức đợi chủ trở về. Những người đang mê muội, đang lầm lạc trong suy nghĩ và trong cách sống không thể có một đời sống sẵn sàng cho Chúa.

(Còn tiếp) 

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

NGÀY 29 THÁNG 9. TỔ CHỨC TỐT ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC (1)


Lý do nào bạn muốn tổ chức đời sống Cơ Đốc? Có thể có nhiều lý do khiến bạn quan tâm và nghĩ đến việc tổ chức lại đời sống Cơ Đốc của mình. Bạn hãy xem xét những lý do dưới đây:

[ ]Lâu nay tôi sống bê bối quá, bây giờ phải tổ chức lại đời sống để chuẩn bị cho việc học hành thi cử sắp tới.

[ ]Nghe nói người biết tổ chức đời sống thường đạt được nhiều kết quả cho nên tôi muốn tổ chức đời sống mình với mong ước thành công trong cuộc sống.

[ ]Tôi mới nhận báp-tem nên muốn chấn chỉnh đời sống.

[ ]Tôi mới nhận một chức vụ trong Hội Thánh nên muốn nêu gương tốt.

[ ]Tôi thấy người ta làm cho nên tôi cũng làm theo.

[ ]Vì lâu nay tôi thất bại trong việc tổ chức đời sống.

[ ]________________________________.

Nếu lý do tổ chức đời sống của bạn nằm trong một hoặc vài mục trên đây thì việc tổ chức đời sống chắc chắn chỉ giúp bạn sống tốt về một phương diện nào đó, còn về phương diện khác sẽ tệ hơn. Cho nên chúng ta cần xem xét vấn đề tổ chức đời sống Cơ Đốc theo một tầm nhìn bao quát hơn.

(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

NGÀY 28 THÁNG 9. TỔ CHỨC TỐT ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC


35 Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. 36 Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. 37 Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình, và đến hầu việc họ. 38 Hoặc canh hai, canh ba, chủ trở về, thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ! 39 Hãy biết rõ, nếu chủ nhà hay kẻ trộm đến giờ nào, thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nó đào ngạch nhà đâu. 40 Các ngươi cũng vậy, hãy chực cho sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.
41 Phi-e-rơ bèn thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, thí dụ này Chúa phán cho chúng tôi, hay là cũng cho mọi người? 42 Chúa đáp rằng: Ai là người quản gia ngay thật và khôn ngoan, chủ nhà đặt coi cả người nhà mình, để đến dịp tiện, phát lương phạn cho họ? 43 Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy! 44 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình. 45 Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa, 46 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không dè, vào giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và để cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. 47 Đầy tớ này đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.
(Lu-ca 12:35-48) 




Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

NGÀY 27 THÁNG 9. LOẠI BỎ NHỮNG Ý NGHĨ NÀO?

Sau khi khuyên các tín hữu tại thành Phi-líp sống trong tinh thần hiệp ý một, lạc quan, vui mừng trong Chúa, sau khi cho các tín hữu biết sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế (Phi-líp 4:7), sứ đồ Phao-lô kết thúc vấn đề với lời khuyên: Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức, đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. (Phi-líp 4:8)

Chân thật tức là chân thành và thành thật, không giả dối nên đáng tin. Đáng tôn tức là đáng tôn trọng, cao thượng nên có giá trị về phương diện đạo đức. Công bình hàm ý công chính trước mặt Đức Chúa Trời và con người. Thanh sạch hay trong sạch là đặc điểm của người có đạo đức trọn lành (trọn vẹn và ngay thẳng). Đáng yêu chuộng hàm ý đáng khâm phục, đáng noi theo. Có tiếng tốt chỉ về nhười có uy tín. Nhân đức biểu thị sự cao đẹp, xuất sắc về đạo đức. Đáng khen là xứng đáng được đề cao.

-Lời khuyên: Hãy suy nghiệm, hãy tập trung tâm trí vào, phải nghĩ đến... những điều tích cực nhắc và loại bỏ thái độ tiêu cực trong cuộc sống. Chúng ta thường sống với thái độ sai lầm đối với chính mình lẫn đối với người xung quanh. Chúng ta tự hại khi cho rằng chúng ta không tốt còn người ta cũng không tốt. Chúng ta tự ti khi cho rằng chúng ta không tốt còn người ta thì tốt. Chúng ta tự tôn khi cho rằng chúng ta tốt còn người ta không tốt.

Cũng vậy, khi đối diện với công tác, chúng ta bi quan về chính mình và cũng bi quan về người khác và nói rằng chúng ta không làm được, người khác cũng không làm được. Hoặc bi quan về mình nhưng lại lạc quan về người khác nên nói rằng chúng ta không làm được, còn người khác làm được. Cũng có thể chúng ta lạc quan về mình nhưng lại bi quan về người khác nên nói rằng chúng ta làm được còn người khác không thể làm được.

-Lời khuyên: Hãy suy nghiệm, hãy tập trung tâm trí vào, phải nghĩ đến... những điều tích cực nhắc nhở rằng chúng ta không tự thân hướng đến những suy nghĩ tích cực. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế. (Phi-líp 4:7) Để có những suy nghĩ tích cực trong đời sống Cơ Đốc, chúng ta cần sự bình an của Đức Chúa Trời. 

-Lời khuyên: Hãy suy nghiệm, hãy tập trung tâm trí vào, phải nghĩ đến... những điều tích cực nhắc nhở chúng ta rằng dù lòng và ý tưởng của chúng ta được Chúa bảo vệ và giữ gìn, nhưng nếu chúng ta không tập trung tâm trí vào những điều tích cực thì những điều tiêu cực sẽ thắng thế và hủy hoại chúng ta.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

NGÀY 26 THÁNG 9. TRỞ NGẠI & PHỤC VỤ (9)


9. Trở ngại ở mục đích phục vụ

Mấy bạn của người bại giúp anh ta vì mục đích gì? Họ quan tâm đến điều gì? Có phải mong được khen ngợi tán thưởng không? Hoặc là mong nhận phần thưởng cụ thể đích đáng đối với thành tích và công sức đóng góp?

Bạn làm việc vì mục đích gì? Nếu bạn chỉ quan tâm đến thành tích, đến phần thưởng thì đó sẽ là trở ngại cho sự phục vụ của bạn. Chẳng mấy ai quan tâm đến công việc, đến kết quả của công việc hoặc những đóng góp của bạn đâu. Trái lại, đôi khi người khác còn hiểu lầm bạn nữa.

Sau khi người bại được lành, có thể người ta ca ngợi Chúa, xúm quanh người bại hỏi han, xuýt xoa vui mừng. Mấy bạn của người bại vẫn là người vô danh. Khi họ làm việc thì người xung quanh tỏ vẻ thờ ơ, có thể làm khó dễ. Nhưng khi người xung quanh khởi sự chú ý thì ống kính lại chĩa vào Chúa Giê-xu và người bại được lành. Không ai nhắc đến mấy bạn của người bại. Thậm chí khi mọi người giải tán, ai về nhà nấy để nghỉ ngơi, hoặc ra quán để kháo chuyện thì mấy người này còn phải cặm cụi sửa lại mái nhà cho chủ nhân và có thể còn bị chủ nhà la rầy làm khó dễ.

Phục vụ người khác là một quá trình: trước, trong và sau khi phục vụ; công tác phục vụ không có điểm dừng, luôn luôn diễn tiến. Nhiều người thoạt tiên phục vụ rất tốt, nhưng sau một thời gian thì chán nản và từ bỏ công việc. Vì sao? Vì ‘cái tôi’ của người đó không được thoả mãn trong sự phục vụ.
Đừng để cho những mục đích tầm thường của bản thân cản trở công tác phục vụ của bạn.

Mấy người bạn của người bại rút ra bài học gì sau khi cùng nhau giúp đỡ người bại? Chẳng lẽ họ nói: “Lần tới ai làm thì làm, tôi không thèm làm đâu, chẳng ai coi tôi ra gì cả.”
Nếu bạn là một trong mấy người khiêng người bại đến với Chúa Giê-xu, bạn được gì? Có phần thưởng không? Phần thưởng ra sao?

(1)Khi khiêng người bại đến với Chúa, tôi biết Chúa là Đấng có quyền trên bệnh tật. Sự hiểu biết và niềm tin của tôi chỉ ở mức độ đó thôi. Nhưng khi người bại đã gặp Chúa, niềm tin và sự hiểu biết của tôi về Chúa tăng lên rõ rệt. Bây giờ tôi biết Chúa là Đấng có quyền tha tội. Ngài không chỉ quan tâm đến bệnh tật trong cơ thể mà còn quan tâm đến căn bệnh tâm linh. Kinh nghiệm về Chúa là phần thưởng rất lớn đối với tôi trong khi phục vụ.

(2)Phần thưởng mà tôi, nhóm của tôi nhận được là niềm vui vì một người được lành bệnh.

(3)Từ nay nhóm của tôi không còn phải khiêng bạn đó nữa. Bạn đó sẽ cùng chúng tôi đi khiêng những người bại khác. Bạn đưa một người đến với Chúa để Ngài giải quyết nan đề trong cuộc đời người đó, rồi người đó cùng đứng chung với bạn trong công tác phục vụ, đó là phần thưởng lẫn niềm vui cho bạn. Chỉ những người quên mình mới nhận được phần thưởng và niềm vui này.

*
*      *

1. Khi đưa người bại đến với Chúa, mấy bạn của người bại phải vượt qua những trở ngại nào?

2. Trước khi đem người bại đến với Chúa và sau khi người đó được lành, đức tin của mấy người bạn có thể thay đổi như thế nào?

3. Bạn có biết một ‘người bại’ nào không? Theo gương mấy bạn của người bại, bạn cần làm gì cho người đó? Bằng cách nào?


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)