3. Bà Ma-thê – hầu bàn
(Bản truyền thống dịch là ‘hầu hạ)
Chúng ta từng biết bà Ma-thê trong Phúc
Âm Lu-ca 10:38-42. Bà Ma-thê là người rước Chúa vào nhà mình. Bà cũng là người mải lo việc vặt và thấy chỉ có một mình bà hầu việc
Chúa. Bà đã hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa Thầy,
Thầy không thấy em tôi để một mình tôi làm việc sao? Xin Thầy bảo cô ấy giúp
tôi!” Bà Ma-thê làm nhiều việc để phục vụ Chúa, bà muốn em bà phải thấy bà
đang quá bận và phải lo giúp đỡ bà. Tuy Chúa nhắc nhở bà Ma-thê, nhưng chúng ta
thấy động cơ làm việc của bà phát xuất từ lòng yêu thương Chúa. Bà Ma-thê yêu
thương Chúa nên mời Chúa vào nhà mình để nghỉ ngơi, lo nấu món ngon đãi Chúa.
Bây giờ có tiệc ở nhà ông cùi Si-môn,
chúng ta cũng thấy bà Ma-thê đi đến nhà ông cùi Si-môn để ‘hầu bàn’. Không phải
bà Ma-thê chỉ phục vụ Chúa quanh quẩn trong nhà. Ở nhà bà sẵn sàng bận rộn để
tiếp đãi Chúa, qua nhà người khác bà cũng vui lòng làm một người hầu bàn để
phục vụ Chúa và những người khác.
Chúng ta thử tưởng tượng khi đến nhà
ông cùi Si-môn, bà Ma-thê làm những công việc gì? Toàn là những công việc ở hậu
trường, ở trong bếp. Rồi bưng thức ăn ra, không phải chỉ cho Chúa mà cho tất cả
khách khứa. Khi xong bữa tiệc thì dọn xuống, rửa chén bát và dùng bữa sau cùng.
Ở nhà mình bà Ma-thê cũng làm việc
trong bếp lo nấu ăn để phục vụ Chúa, các môn đệ và cả cô em của mình nữa. Đi
đến nhà ông cùi Si-môn cũng hầu bàn, phục vụ Chúa và những người dự tiệc.
Có phải chỉ một mình bà Ma-thê hầu bàn
không? Có thể có nhiều người khác cũng hầu bàn. Có thể họ cũng biết Chúa, cũng
yêu thương Chúa. Nhưng cũng có thể có những người được thuê để hầu bàn. Họ là
thợ nấu, người phục vụ chuyên nghiệp, khi phục vụ xong thì trả tiền cho họ. Bà
Ma-thê ở trong một nhóm người lẫn lộn như vậy để phục vụ Chúa và những người
khác.
Có người nghĩ ngợi: Sao bà Ma-thê không
chọn một lãnh vực khác? Sao lại đi hầu bàn, một công việc mệt nhọc và khiêm tốn
quá. Bà chấp nhận âm thầm làm việc ở trong bếp. Khi chường mặt ra ngoài
thì bà chỉ là một đầy tớ. Bà sẵn sàng làm những việc mà người khác cho là không
quan trọng, hoặc chỉ là những việc bình thường thôi. Vì đó là cách bà Ma-thê
bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Chúa.
Nếu không có những người phục vụ như bà
Ma-thê thì chẳng còn bữa ăn hoặc là bữa tiệc. Nếu chỉ toàn là ‘cháo ngó mì dòm’
thì bữa tiệc sẽ như thế nào? Chẳng thể trò chuyện rôm rả, rộn ràng. Chẳng thể
bày tỏ niềm vui với chủ nhà, với nhau.
Tấm lòng và tinh thần của bà Ma-thê là
một bài học mà các môn đệ không chịu học hỏi và làm theo. Sáu ngày sau, trong
lễ Vượt Qua, chẳng một người nào trong mười hai môn đệ chịu làm đầy tớ cho Chúa
Giê-xu và cho bạn đồng môn. Họ không chịu nhúng tay vào một trong những việc
của người đầy tớ, đó là rửa chân cho người khác. Đích thân Chúa Giê-xu đã ngồi
xuống nơi chân các môn đệ để rửa chân cho họ. Còn các môn đệ thì chỉ muốn làm
những việc ở trên bàn, trên ghế... (thảo luận, tranh chấp quyền lợi, hơn
thua... và ăn uống!)
Trong thời gian Chúa Giê-xu thi hành
chức vụ, vì cớ văn hoá Do Thái, Chúa không kêu gọi phụ nữ làm môn đệ của Ngài
để được huấn luyện và trở thành sứ đồ. Nhưng vẫn có một số phụ nữ đi theo Chúa.
Họ là những tấm gương sáng trong sự phục vụ. Ông Lu-ca ghi lại như sau: Sau đó, Chúa Giê-xu đi đến từng thành phố,
từng làng mạc, giảng dạy và truyền bá Tin Lành về Nước Đức Chúa Trời. Cùng đi
với Chúa có mười hai Sứ Đồ và một vài phụ nữ từng được Ngài đuổi tà linh và
chữa bệnh; đó là bà Ma-ry gọi là Ma-đơ-len, người được giải thoát khỏi bảy quỷ,
bà Gian-nơ, vợ ông Chu-xa làm quản lý của vua Hê-rốt, bà Su-san-na, và nhiều bà
khác nữa. Các bà này lấy tài sản mình phục vụ Chúa Giê-xu và các môn đệ
(8:1-3).
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét