Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

NGÀY 31 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (7)


Nhận xét và đúc kết
1. Trước hết phải có một điểm chung cho các thành viên trong cả hai gia đình. Đó là mọi công việc của họ đều hướng về Chúa Giê-xu. Mỗi người có thể có những cách bày tỏ khác nhau đối với Chúa Giê-xu, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng về Chúa Giê-xu.
2. Thứ nhì là tinh thần tự nguyện. Bày tỏ lòng yêu thương và biết ơn Chúa. Mỗi người đều muốn biểu lộ và tự nguyện làm một việc nào đó cho Chúa Giê-xu.
3. Theo bạn việc làm của những thành viên trong hai gia đình mang tính tự phát hay họ có có thảo luận với nhau. Nếu mạnh ai nấy làm một cách tự phát sẽ nảy sinh vấn đề gì? Còn nếu có thảo luận với nhau sẽ ra sao?
Nếu nhà La-xa-rơ và nhà ông cùi Si-môn mạnh ai nấy mời Chúa (tự phát), mạnh ai nấy nấu món ăn, hoặc tất cả đều ngồi cùng bàn với Chúa, hoặc tất cả đều cùng hầu bàn, thì bữa tiệc sẽ như thế nào? Chắc hai gia đình cần phải trao đổi với nhau. “Tôi muốn mời Chúa Giê-xu đến nhà.” “Như vậy tôi sẽ hoãn bữa tiệc ở nhà tôi vào ngày khác.” Hoặc là đợi Chúa đứng ra phân xử: “Hôm nay đến nhà Si-môn cùi, ngày mai đến nhà La-xa-rơ” Biết đâu chừng Chúa Giê-xu phát biểu: “Ta chẳng muốn đến đâu cả, ta ra quán cóc ngồi, cho xong chuyện!”
Những biểu hiện trong câu chuyện cho thấy dù tất cả bày tỏ tinh thần tự nguyện đối với Chúa nhưng có những vấn đề họ cần bàn với nhau trước, thảo luận, phân công, chia việc. Sẽ đãi tiệc ở đâu? Ai sẽ lo việc nấu các món ăn? Khách mời là những ai? Ai lo tiếp đón?
Tuy nhiên dù có tinh thần tự nguyện, có thảo luận, có phân công nhưng vẫn có những việc mà nếu phân công sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa. Chẳng hạn, xác định cụ thể chuyện cần nói với Chúa Giê-xu, việc bà Ma-ry phải lo trong khi Chúa đang dùng bữa... Nếu cả hai gia đình sắp xếp trước, phân công trước cho bà Ma-ry xức dầu cho Chúa Giê-xu thì bạn sẽ nghĩ sao? Lý trí lấn át, bóp nghẹt sự thôi thúc của tấm lòng. Hành vi có tính riêng tư mà lại phát xuất từ sự phân công sẽ mất giá trị và ý nghĩa đích thực của nó.
Như vậy trong một nhóm làm việc bạn cần xác định mấy điểm sau đây:
-Mục tiêu của nhóm. Tất cả các thành viên có nhắm vào mục tiêu đó không.
-Sự tình nguyện là yếu tố cần thiết.
-Sự tự phát cần phải kèm theo sự thảo luận bàn bạc.
-Sự phân công khiến cho công việc trôi chảy. Mỗi người cần đảm nhận công tác rõ rệt, phù hợp với khả năng.
-Không bỏ qua yếu tố tình cảm cá nhân của con người.
-Tạo cơ hội cho những việc tự phát bổ sung và phù hợp với hoàn cảnh.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
013

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

NGÀY 30 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (6)


C. Họ phải trả giá

Bà Ma-thê phải trả giá như thế nào khi bà hầu bàn, phục vụ Chúa và khách mời?

Trước hết bà phải chấp nhận vai trò của một người hầu hạ. Không phải chỉ hạ mình trong nhà riêng, trong gia đình của mình mà còn hạ mình ở nhà người khác nữa.

Bà Ma-thê phải chấp nhận là nhân vật phụ khi làm hầu bàn trong bữa tiệc. Trong bữa tiệc người ta quan tâm đến nhân vật chính là chủ tiệc và khách mời, còn hầu bàn, người phục vụ là những người vô danh.

Rồi bà Ma-thê không phải là bếp trưởng, ở nhà một mình một cõi, nhưng bây giờ phải làm việc theo sự điều động của người khác. Không thể cằn nhằn, làm eo làm sách, gây khó dễ trong bếp, đòi người khác phải chú ý đến mình, phải làm theo ý mình...

Tóm lại, cái giá mà bà Ma-thê phải trả là tinh thần, thái độ, công việc của một người đầy tớ. Tạm từ bỏ vị trí và giá trị đích thực của mình lâu nay, bằng lòng nhận vị trí của một người đầy tớ, hạ mình để phục vụ, không sợ mất mặt, không tự ái, miễn là Chúa và khách mời vui lòng.

Ông La-xa-rơ phải trả giá như thế nào khi cùng ngồi ăn với Chúa, chuyện trò với Chúa, làm chứng về quyền năng của Chúa. Ông đối diện với cơ nguy mất mạng sống. Lúc ấy, dân chúng biết Chúa ở đó (Bê-tha-ny) nên kéo đến đông đảo, không phải chỉ để nhìn thấy Chúa Giê-xu mà cũng để xem ông La-xa-rơ là người đã chết được Chúa cứu sống lại. Còn các thầy chánh tế thì bàn mưu để giết cả ông La-xa-rơ nữa, vì cớ nhiều người thấy ông sống lại nên đến và tin Chúa Giê-xu.

Còn bà Ma-ry trả giá như thế nào khi dâng hiến cho Chúa để tỏ lòng biết ơn?

(1)Hy sinh điều quý nhất về vật chất.

(2)Hy sinh danh dự (mở khăn quàng ra) của bản thân.

(3)Trở thành ‘cái gai’ đối với một số người. Chúa không khó chịu khi bà Ma-ry đập bình dầu cam tùng rất quý để xức chân Ngài. Nhưng những người khác thì rất bực mình và bất bình. Bà Ma-ry phải chịu đựng sự phê bình, chỉ trích của những người khác. Nói cách khác, dư luận có thể làm cho người muốn hầu việc Chúa nản lòng, mệt mỏi và rút lui. Họ không dám ‘xài dầu thơm’ để dâng cho Chúa. Vì ‘thơm’ quá người ta biết thì có thể lại bị chỉ trích. Nhiều người quan niệm rằng xài sang cho Chúa là điều tối kỵ. Nếu xài thì xài riêng cho mình, cho sướng cái thân, chẳng ai biết chẳng ai hay thì chẳng ai chỉ trích.

- Suy ngẫm -

- Bạn có chấp nhận sự khác biệt không? Bạn có cảm thấy bực mình vì người khác có những biểu hiện khác hẳn và hơn hẳn bạn không?

- Bạn có sẵn sàng làm những việc nhỏ nhặt cho Chúa không?

- Bạn có sẵn sàng chịu khổ khi bày tỏ Chúa không?

- Bạn có sẵn sàng chịu đựng sự phê bình khi phục vụ Chúa không?


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

NGÀY 29 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (5)


4. Bà Ma-ry xức dầu thơm vào chân Chúa.

Khi Chúa đến thăm viếng gia đình ông La-xa-rơ thì bà Ma-ry ngồi nơi chân Chúa để trò chuyện với Chúa, để nghe Ngài dạy bảo. Giờ đây đi đến nhà người khác bà vẫn ngồi bên chân Chúa, nhưng để làm một việc rất đặc biệt. Trong khi anh bà cùng ngồi dự tiệc với Chúa, chị bà hầu bàn phục vụ Chúa, bà Ma-ry đi đến bên chân Chúa, đập bể bình dầu thơm và xức trên đầu và đôi chân của Chúa. Sau đó bà Ma-ry lấy tóc mình lau chân Ngài.

So sánh hành động của bà Ma-ry với người phụ nữ xấu nết đi vào nhà người Pha-ri-si (Lu-ca 7:36-38) chúng ta thấy hai bà hành động hầu như tương tự nhau. Cả hai đều là nữ, tuy nhiên một người là dân ăn chơi, còn một người là người đàng hoàng. Cả hai đến với một bình dầu trên tay nhưng một người thì khóc còn một người thì vui mừng. Người khóc làm ướt chân Chúa cho nên dùng tóc lau chân Ngài, rồi hôn chân Chúa và xức dầu thơm. Còn bà Ma-ry không khóc nhưng bà rưới dầu lên đôi bàn chân của Chúa Giê-xu rồi dùng lọn tóc dài của mình mà lau chân của Chúa. Cả hai đều hướng về Chúa nhưng một người bày tỏ lòng ăn năn, còn một người bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn Chúa. 

Cùng trong một bữa tiệc nhưng mỗi người làm một việc khác nhau cho Chúa. Ông Si-môn cùi dùng nhà mình làm nơi tổ chức bữa tiệc. Ông La-xa-rơ cùng ngồi dự tiệc với Chúa. Bà Ma-thê hầu bàn. Bà Ma-ry xức dầu thơm cho Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa. Bạn chọn làm người nào?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

NGÀY 28 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (4)


3. Bà Ma-thê – hầu bàn
(Bản truyền thống dịch là ‘hầu hạ)

Chúng ta từng biết bà Ma-thê trong Phúc Âm Lu-ca 10:38-42. Bà Ma-thê là người rước Chúa vào nhà mình. Bà cũng là người mải lo việc vặt và thấy chỉ có một mình bà hầu việc Chúa. Bà đã hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa Thầy, Thầy không thấy em tôi để một mình tôi làm việc sao? Xin Thầy bảo cô ấy giúp tôi!” Bà Ma-thê làm nhiều việc để phục vụ Chúa, bà muốn em bà phải thấy bà đang quá bận và phải lo giúp đỡ bà. Tuy Chúa nhắc nhở bà Ma-thê, nhưng chúng ta thấy động cơ làm việc của bà phát xuất từ lòng yêu thương Chúa. Bà Ma-thê yêu thương Chúa nên mời Chúa vào nhà mình để nghỉ ngơi, lo nấu món ngon đãi Chúa.

Bây giờ có tiệc ở nhà ông cùi Si-môn, chúng ta cũng thấy bà Ma-thê đi đến nhà ông cùi Si-môn để ‘hầu bàn’. Không phải bà Ma-thê chỉ phục vụ Chúa quanh quẩn trong nhà. Ở nhà bà sẵn sàng bận rộn để tiếp đãi Chúa, qua nhà người khác bà cũng vui lòng làm một người hầu bàn để phục vụ Chúa và những người khác.

Chúng ta thử tưởng tượng khi đến nhà ông cùi Si-môn, bà Ma-thê làm những công việc gì? Toàn là những công việc ở hậu trường, ở trong bếp. Rồi bưng thức ăn ra, không phải chỉ cho Chúa mà cho tất cả khách khứa. Khi xong bữa tiệc thì dọn xuống, rửa chén bát và dùng bữa sau cùng.

Ở nhà mình bà Ma-thê cũng làm việc trong bếp lo nấu ăn để phục vụ Chúa, các môn đệ và cả cô em của mình nữa. Đi đến nhà ông cùi Si-môn cũng hầu bàn, phục vụ Chúa và những người dự tiệc.

Có phải chỉ một mình bà Ma-thê hầu bàn không? Có thể có nhiều người khác cũng hầu bàn. Có thể họ cũng biết Chúa, cũng yêu thương Chúa. Nhưng cũng có thể có những người được thuê để hầu bàn. Họ là thợ nấu, người phục vụ chuyên nghiệp, khi phục vụ xong thì trả tiền cho họ. Bà Ma-thê ở trong một nhóm người lẫn lộn như vậy để phục vụ Chúa và những người khác.

Có người nghĩ ngợi: Sao bà Ma-thê không chọn một lãnh vực khác? Sao lại đi hầu bàn, một công việc mệt nhọc và khiêm tốn quá. Bà chấp nhận âm thầm làm việc ở trong bếp. Khi chường mặt ra ngoài thì bà chỉ là một đầy tớ. Bà sẵn sàng làm những việc mà người khác cho là không quan trọng, hoặc chỉ là những việc bình thường thôi. Vì đó là cách bà Ma-thê bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Chúa.

Nếu không có những người phục vụ như bà Ma-thê thì chẳng còn bữa ăn hoặc là bữa tiệc. Nếu chỉ toàn là ‘cháo ngó mì dòm’ thì bữa tiệc sẽ như thế nào? Chẳng thể trò chuyện rôm rả, rộn ràng. Chẳng thể bày tỏ niềm vui với chủ nhà, với nhau.

Tấm lòng và tinh thần của bà Ma-thê là một bài học mà các môn đệ không chịu học hỏi và làm theo. Sáu ngày sau, trong lễ Vượt Qua, chẳng một người nào trong mười hai môn đệ chịu làm đầy tớ cho Chúa Giê-xu và cho bạn đồng môn. Họ không chịu nhúng tay vào một trong những việc của người đầy tớ, đó là rửa chân cho người khác. Đích thân Chúa Giê-xu đã ngồi xuống nơi chân các môn đệ để rửa chân cho họ. Còn các môn đệ thì chỉ muốn làm những việc ở trên bàn, trên ghế... (thảo luận, tranh chấp quyền lợi, hơn thua... và ăn uống!)

Trong thời gian Chúa Giê-xu thi hành chức vụ, vì cớ văn hoá Do Thái, Chúa không kêu gọi phụ nữ làm môn đệ của Ngài để được huấn luyện và trở thành sứ đồ. Nhưng vẫn có một số phụ nữ đi theo Chúa. Họ là những tấm gương sáng trong sự phục vụ. Ông Lu-ca ghi lại như sau: Sau đó, Chúa Giê-xu đi đến từng thành phố, từng làng mạc, giảng dạy và truyền bá Tin Lành về Nước Đức Chúa Trời. Cùng đi với Chúa có mười hai Sứ Đồ và một vài phụ nữ từng được Ngài đuổi tà linh và chữa bệnh; đó là bà Ma-ry gọi là Ma-đơ-len, người được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gian-nơ, vợ ông Chu-xa làm quản lý của vua Hê-rốt, bà Su-san-na, và nhiều bà khác nữa. Các bà này lấy tài sản mình phục vụ Chúa Giê-xu và các môn đệ (8:1-3).

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

NGÀY 27 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (3)


1. Ông cùi Si-môn – chủ nhà.

-Chúa Giê-xu trong nhà ông cùi Si-môn. Thật là vinh hạnh cho ông Si-môn khi được giới thiệu trong vai trò chủ nhà. Vào nhà ông cùi Si-môn không phải là Chúa phá luật của Mô-se về việc giao tiếp với người bị cùi. Việc ông Si-môn sinh sống trong làng Bê-tha-ny chứng tỏ ông đã được chữa khỏi căn bệnh kinh khủng đó.

Trong vai trò chủ nhà, ông Si-môn sắp xếp chỗ ngồi cho quan khách, tiếp đãi Chúa Giê-xu, các môn đệ và các khách được mời.

Ông Si-môn mời Chúa Giê-xu và các môn đệ đến nhà làm gì? Chắn chắn ông muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa. Ông muốn gia đình và bạn bè của ông, những người đã nghe ông nói về Chúa Giê-xu, có thể gặp mặt Chúa Giê-xu. Nói cách khác ông Si-môn đang tạo cơ hội để những người khác có thể gặp được Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh không cho biết thái độ của ông Si-môn cùi về sự cố trong bữa tiệc. Một người biết ơn Chúa Giê-xu, mời Ngài đến nhà của mình chắc không chỉ trích cách biết ơn của người khác đối với Chúa.

2. Ông La-xa-rơ – ngồi đồng bàn.

-Cùng ngồi dự tiệc với Chúa, ông La-xa-rơ nên làm những gì? Lúc này ông La-xa-rơ không phải là chủ nhà, mà là ông Si-môn, chắc chắn ông La-xa-rơ làm theo sự sắp xếp của ông Si-môn. Ông muốn tôi ngồi ở đâu, xin sẵn lòng. Ở nhà ông La-xa-rơ thì ông La-xa-rơ sắp xếp, nhưng ở nhà ông Si-môn thì để cho ông Si-môn sắp xếp.

Hình ảnh ông La-xa-rơ cùng ngồi dự tiệc với Chúa làm cho chúng ta thấy có vẻ hợp lý đối với người được Chúa yêu thương. Ông cùi Si-môn mời Chúa Giê-xu đến nhà mình dự tiệc, ông biết Chúa Giê-xu yêu mến ông La-xa-rơ, biết ông La-xa-rơ là bạn thân của Chúa, và nhất là ông La-xa-rơ được Chúa kêu sống lại. Cho nên khi mời Chúa Giê-xu, ông cũng mời ông La-xa-rơ. Nhưng không phải chỉ có chủ nhà (ông cùi Si-môn), người được Chúa yêu thương (ông La-xa-rơ) ngồi dự tiệc với Chúa mà còn có những người khác cùng dự nữa.

Người được Chúa yêu thương ngồi dự tiệc với Chúa. Người được Chúa chữa lành ngồi dự tiệc với Chúa. Người được Chúa kêu gọi ngồi dự tiệc với Chúa. Người lằm bằm, chỉ trích người khác cũng ngồi dự tiệc với Chúa. Người thu thuế, kẻ có tội... cũng ngồi ăn với Chúa... Như vậy thì có gì khác nhau, có gì là vinh hạnh? Thật ra họ dự tiệc với Chúa nhưng vinh hạnh hay không, vui mừng hay không còn tùy thuộc vào tấm lòng của họ đối với Chúa: có thuộc về Chúa hay không. Chắc bạn nhớ ẩn dụ Tiệc Cưới, có người đang ngồi dự tiệc lại bị trói tay chân và quăng ra nơi bên ngoài. Người đó có mối quan hệ như thế nào đối với Chúa. Tuy lúc đầu ngồi trong bàn tiệc nhưng sau đó người đó bị loại bỏ không?

Lúc ấy, dân chúng biết Chúa ở đó nên kéo đến đông đảo, không phải chỉ gặp Chúa Giê-xu mà cũng để xem ông La-xa-rơ là người đã chết được Chúa cứu sống lại (Giăng 12:9)

Ông La-xa-rơ, người được Chúa Giê-xu yêu thương, cùng ngồi dự tiệc với Ngài, không phải chỉ để ăn những món ăn ngon, không phải chỉ để nói chuyện, tương giao tri kỷ với Chúa. Ông là nhân vật để người ta gặp, sau khi gặp Chúa. Nhìn vào ông La-xa-rơ người ta nói gì? “Ôi, ông La-xa-rơ, người được Chúa cứu sống lại! Xin ông kể lại cho chúng tôi nghe Chúa đã gọi ông như thế nào? Ông có nghe Chúa gọi không? Làm sao ông đứng dậy đi ra được?” Ông La-xa-rơ chẳng những là người được Chúa yêu thương mà còn là nhân chứng sống, là bằng chứng về quyền năng của Chúa.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

NGÀY 26 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (2)


B. Họ đã làm gì?

Ông Ma-thi-ơ và Mác cho chúng ta biết Chúa đang ở làng Bê-tha-ny trong nhà ông cùi Si-môn (Ma-thi-ơ 26:6; Mác 14:3). Ông Giăng viết: Sáu ngày trước lễ Vượt qua, Chúa Giê-xu đến Bê-tha-ny, nơi ở của ông La-xa-rơ, người đã chết được Chúa cứu sống lại.

Nếu đại diện cho gia đình ông Si-môn được giới thiệu là ‘ông Si-môn cùi’ thì đại diện cho gia đình La-xa-rơ được giới thiệu là ‘người đã chết được Chúa cứu sống lại’. Thật hết sức đặc biệt. Chúa chữa bệnh cùi cho ông Si-môn ít lâu về trước. Còn Chúa cứu ông La-xa-rơ sống lại thì mới xảy ra. Chúa đã cứu hai con người, đem niềm vui đến cho hai gia đình, và bây giờ họ muốn làm một điều gì cho Chúa.

Ông Giăng cho chúng ta biết người ta đãi tiệc Ngài tại đó (Họ mở tiệc đãi Chúa tại đây). ‘Họ’ ở đây phải chăng bao gồm gia đình ông cùi Si-môn và gia đình La-xa-rơ? Theo ông Ma-thi-ơ và ông Mác thì có một bữa ăn trong nhà ông cùi Si-môn. Nhưng ông Giăng mô tả đó là một bữa tiệc. Đúng là người ở thành phố (như ông Ma-thi-ơ và ông Mác) nhận định khác với người ở vùng biển (ông Giăng). Dù là bữa ăn hay bữa tiệc thì điều chúng ta muốn biết là họ đã làm như thế nào để thết đãi Chúa? Mỗi nhân vật trong hai gia đình biểu hiện một khía cạnh mà chúng ta có thể học để cùng nhau làm việc cho Chúa Giê-xu.

Có chủ trương cho rằng trong tuần cuối cùng của Chúa Giê-xu tại Giê-ru-sa-lem, có hai bữa ăn tại Bê-tha-ny. Giăng 12:1-13 là bữa ăn sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Có lẽ bữa ăn này được tổ chức tại nhà ông La-xa-rơ. Tại đây bà Ma-ry đã xức dầu cho Chúa. Còn Ma-thi-ơ 26:1-16 và Mác 14:1-11 là bữa ăn hai ngày trước lễ Vượt Qua. Bữa ăn này được tổ chức tại nhà ông cùi Si-môn. Một phụ nữ giấu tên xức dầu cho Chúa.



(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

NGÀY 25 THÁNG 3. MỞ TIỆC ĐÃI CHÚA (1)





A. Họ là ai?

Ông Giăng cho biết Chúa Giê-xu đến làng Bê-tha-ny, nơi gia đình ông La-xa-rơ cư trú, và ‘họ mở tiệc đãi Chúa’ (Giăng 12:1). ‘Họ’ là những ai?

Theo ghi chép của ông Giăng thì 'họ' gồm bà Ma-thê, ông La-xa-rơ, bà Ma-ry. Ông Ma-thi-ơ và Mác thì chỉ ghi tên của ông cùi Si-môn và một người phụ nữ. Như vậy trong bữa tiệc hôm đó có bốn nhân vật chúng ta cần chú ý đó là ông cùi Si-môn, bà Ma-thê, ông La-xa-rơ, bà Ma-ry. Tất cả đều là người sống ở làng Bê-tha-ny, và có thể gom họ vào hai gia đình: gia đình ông cùi Si-môn và gia đình ông La-xa-rơ.

-Ông cùi Si-môn là người đã được Chúa Giê-xu chữa bệnh cùi. (Ma-thi-ơ 26:6) Tuy đã lành bệnh cùi nhưng cái tên ‘ông cùi Si-môn’ vẫn đeo bám ông. Nếu chưa khỏi bệnh cùi mà mang tên ‘ông cùi Si-môn’ thì thật đáng buồn và đầy mặc cảm. Nay dù mang tên là ‘ông cùi Si-môn’ nhưng ông đã lành bệnh nên cái tên riêng đó nhắc lại một kỷ niệm quan trọng nhất và vui nhất trong đời ông. Hơn nữa sau khi lành bệnh thì cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn. Trước kia ông phải sống cách ly khỏi làng Bê-tha-ny lẫn những người thân trong gia đình, bây giờ ông trở về trong cộng đồng xã hội và sống trong gia đình của mình. Chẳng những thế mà từ khi được Chúa chữa bệnh cùi thì mối quan hệ giữa ông với Chúa ngày càng thêm khắng khít. Qua ông toàn thể gia đình của ông cũng gần gũi với Chúa Giê-xu.

-Tình cảm Chúa Giê-xu dành cho gia đình La-xa-rơ hết sức đặc biệt: Chúa Giê-xu yêu quý các chị em Ma-thê, em nàng và La-xa-rơ. (Giăng 11:5 Bản dịch mới – 2002)

Chúa Giê-xu rất quý mến ba anh chị em bà Ma-thê, bà Ma-ry và ông La-xa-rơ. (Bản Phạm Xuân)

Vì sao Chúa rất quý mến ba anh chị em bà Ma-thê, bà Ma-ri và ông La-xa-rơ. Có lẽ họ không giàu có lắm nhưng họ là những người hiếu khách, luôn mở rộng cửa tiếp đón Chúa và các môn đệ của Ngài vào ăn uống nghỉ ngơi, chuyện trò. Có lẽ họ rất ưa thích nghe những điều Chúa dạy. Có lẽ họ tin Chúa là Đấng từ trời đến. Và Chúa trở thành bạn thân của gia đình này, Ngài rất yêu quý ba anh chị em.


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

NGÀY 24 THÁNG 3. NIỀM TIN TRỌN VẸN (5)


5. NIỀM-TIN-TRỌN-VẸN

Niềm-tin-trọn-vẹn là niềm tin không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Không phải vì Chúa vắng mặt ở Bê-tha-ny mà ông La-xa-rơ phải chết. Ngài vẫn có thể chữa bệnh từ xa mà! Nhưng việc xảy ra để (1)làm vinh quang Đức Chúa Trời, và (2)Con Đức Chúa Trời qua việc này cũng được vinh quang. Và (3)để các môn đệ có cơ hội học tập tin cậy Chúa Giê-xu.

Niềm-tin-trọn-vẹn không có chữ "nếu" hoặc chữ "sẽ". Không thể tin trong tiếc nuối hoặc chỉ tin cho đời sau. Niềm tin phải có giá trị vượt thời gian. Đối với những chuyện đã qua: tôi tin những việc đó xảy ra đều là theo ý muốn của Chúa dù tôi không hài lòng. Hướng tới tương lai: tôi tin lời Chúa hứa. Ngay trong hiện tại: tôi tin Chúa đang thực hiện công việc của Ngài.

Niềm-tin-trọn-vẹn là niềm tin có thể trải nghiệm ngay trong hiện tại. Trong câu nói của Chúa Giê-xu: “Ta há từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” Nếu tin thì sẽ thấy. Nghĩa là ngay trong hiện tại ‘tin thì thấy’. Có thể trải nghiệm ngay mà không phải hối tiếc hoặc đợi chờ.

Niềm-tin-trọn-vẹn không giới hạn thần quyền của Chúa, cũng không tùy thuộc vào tình trạng của con người. Bà Ma-thê cho rằng tình trạng của ông La-xa-rơ là không thể thay đổi. Dù là người tin rất nhiều điều về Chúa Giê-xu, nhưng bà tin rằng trước đó bốn ngày việc còn nằm trong khả năng của Chúa, còn bây giờ sau bốn ngày là việc vượt ra ngoài khả năng của Chúa.

Niềm tin trọn vẹn không lý luận theo lý trí. Không có điều gọi là lô-gic trong niềm tin trọn vẹn. Theo lý luận đời thường thì muốn đãi bốn ngàn người ăn thì phải có nhiều tiền, phải mua thực phẩm, phải chế biến thực phẩm,... Muốn lành bệnh phải mời Chúa đến tận nơi. Đánh cá thì phải chờ đến đêm tối. Bước xuống nước thì chìm. Bị cá nuốt thì làm gì có chuyện cá nhả ra... Và chết chôn 4 ngày làm gì có chuyện sống lại?

Niềm-tin-trọn-vẹn vượt qua mọi trở lực, thay đổi mọi thứ ngay trong hiện tại. Ông La-xa-rơ từ cõi chết sống lại, bà Ma-thê, bà Ma-ry thay đổi. Những người thân quen thay đổi: Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ry và thấy việc Đức Chúa Giê-xu làm, bèn tin Ngài. (Câu 45)

Niềm-tin-trọn-vẹn có dính dáng đến đối tượng chúng ta tin, dính dáng đến ý muốn của Đức Chúa Trời, đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đến công việc của Chúa Giê-xu đối với những vấn đề của chính người tin, ngay trong hiện tại.
“Bây giờ các ngươi tin chăng?” Chúa Giê-xu hỏi ai? Chúa không hỏi những người chưa tin Ngài, Chúa hỏi những người đang theo Chúa, những người đang sống với Chúa, làm môn đệ của Chúa, làm công việc Chúa.

Ai trong chúng ta cũng thưa với Chúa: “Thưa Chúa, con tin!”

Nhưng chúng ta đang sống với niềm tin nào?


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

NGÀY 23 THÁNG 3. NIỀM TIN TRỌN VẸN (3)


4. NIỀM-TIN-TỐI-THƯỢNG

Kinh Thánh không ghi lại một câu nói nào của bà Ma-ry ngoài câu bà thưa với Chúa tương tự như câu của bà Ma-thê. Trong những lần trước khi Chúa đến Bê-tha-ny, bà Ma-ry dành rất nhiều thì giờ ngồi nơi chân Chúa để nghe Ngài dạy. Còn lần này bà Ma-thê dành nhiều thì giờ để nói chuyện với Chúa. Đứng về phương diện của Chúa lần này, Chúa nói chuyện với bà Ma-thê nhiều hơn là nói với bà Ma-ry.

Dường như đối với bà Ma-ry, Chúa chỉ cần dạy là xong. Còn với bà Ma-thê, Chúa cần trao đổi, chấn chỉnh niềm tin của bà. Khi Chúa hỏi bà Ma-thê: Ngươi tin điều đó chăng? (Câu 26b) Bà Ma-thê trả lời: Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian (Câu 27). Chúa hỏi bà Ma-thê có ‘tin điều đó’ không, còn bà Ma-thê trả lời tôi ‘tin Đấng đó’ (Nếu bà Ma-thê đi thi môn giáo lý thì bà rớt rồi! Chúa hỏi một đàng, bà Ma-thê trả lời một nẻo! Chúa hỏi có tin ‘sẽ sống mặc dầu đã chết rồi’, có tin ‘không hề chết’ chớ không phải hỏi bà có tin Chúa hay không.) 

Dù sao thì câu trả lời của bà Ma-thê cũng bày tỏ niềm tin của bà nơi Chúa Giê-xu. Bà tin

  • Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế,
  • Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, và
  • Chúa Giê-xu là Đấng phải đến thế gian.
Dù câu trả lời của bà Ma-thê lạc đề nhưng lại là câu trả lời bà tin Chúa Giê-xu là ai. Bốn sách Phúc Âm đều có ghi lại câu xưng nhận Chúa của ông Phi-e-rơ. Ông Ma-thi-ơ ghi: “Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (16:16) Ông Mác ghi: “Thầy là Đấng Cứu Thế” (8:29) Ông Lu-ca ghi: “Thầy là Đấng Cứu Thế của Đức Chúa Trời” (9:20) Ông Giăng ghi: “Chúng tôi tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh đến từ Đức Chúa Trời” (6:69) So sánh câu tuyên xưng của ông Phi-e-rơ với câu tuyên xưng của bà Ma-thê, chúng ta thấy bà Ma-thê dù ở trong bếp nhưng bà tuyên xưng thật đầy đủ về Chúa Giê-xu. Đây là niềm-tin-Thầy-là-ai, hay niềm-tin-tối-thượng?

Tuy nhiên người có niềm tin này lại là người định ngăn cản công việc của Đấng Tối Thượng. Khi Chúa Giê-xu bảo: “Hãy lăn hòn đá đi!” bà Ma-thê (lại là bà Ma-thê!) thưa: "Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi." (câu 39) Chúng ta không thấy bà Ma-ry nói gì cả, có lẽ bà đang khóc hoặc bà không biết phải phản ứng thế nào đối với việc Chúa định thực hiện. Người không có phản ứng gì không có nghĩa là đã tin, còn người nói rằng ‘đã có mùi’ thì rõ ràng là không tin.

Dù có niềm-tin-Thầy-là-ai nhưng niềm tin đó chẳng giúp gì cho bà Ma-thê ngay trong lúc đó. Thật là trái ngược, sau khi các môn đệ chứng kiến Chúa dùng lời của Ngài làm sóng yên biển lặng thì họ hỏi nhau: "Người này là ai?" (Ma-thi-ơ 8:27) Còn bà Ma-thê, người có niềm-tin-Thầy-là-ai lại ngăn trở Chúa làm theo ý định của Ngài!  Bà Ma-thê cần có niềm-tin-trọn-vẹn.


(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

NGÀY 22 THÁNG 3. NIỀM TIN TRỌN VẸN (3)



3. NIỀM-TIN-SẼ

Khi Chúa Giê-xu nói với bà Ma-thê: “Anh ngươi sẽ sống lại”, bà Ma-thê trả lời: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại” (câu 24) Bà Ma-thê có niềm tin không? Bà Ma-thê có niềm tin, nhưng đây là niềm-tin-sẽ (niềm-tin-thời-tương-lai). Trong tương lai, trong ngày cuối cùng, anh La-xa-rơ sẽ sống lại, tôi biết và tôi tin như vậy. Biết bao nhiêu người đang sống với niềm-tin-thời-tương-lai. Thí dụ: Tin rằng trong tương lai mình sẽ có sự sống đời đời. Trong tương lai mình sẽ ở với Chúa, có sự tương giao với Ngài, sẽ biết Chúa như Chúa đã biết mình vậy... Niềm-tin-thời-tương-lai là niềm tin để hy vọng. Dù chắc chắn sẽ nhận được nhưng không phải là trong hiện tại. Và niềm tin này cũng phải chịu thử nghiệm theo thời gian và phải bền lòng cho đến cuối cùng. Nói cách khác niềm-tin-thời-tương-lai cũng là niềm tin chưa trải nghiệm và sẽ chịu thử nghiệm. Nếu niềm-tin-nếu đem đến sự tiếc nuối thì niềm-tin-sẽ đem đến niềm hy vọng. Điều đó sẽ đến, nhưng không phải ngay bây giờ.

Tội nghiệp cho bà Ma-thê. Bà lăng xăng làm việc vặt (những việc rất thực tế) nhưng bà không ngồi bên chân Chúa để nghe Chúa dạy dỗ. Cho nên bà chỉ nghĩ đến niềm-tin-thời-tương-lai, trong khi Chúa đề cập đến niềm-tin-trọn-vẹn. Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết (câu 25, 26) 

Nếu bà Ma-ry nghe Chúa Giê-xu nói những lời này có thể bà sẽ phản ứng như thế nào? Lần nào gặp bà Ma-ry trong Kinh Thánh chúng ta đều thấy bà ngồi hoặc quỳ.

  • Khi đón Chúa vào trong nhà của mình, bà thích ngồi bên chân Chúa. (Lu-ca 10:39)
  • Khi đi ra ngoài gặp Chúa ở nơi công cộng bà sấp mình xuống nơi chân của Ngài (Giăng 11:32)
  • Khi ở trong nhà người khác bà quỳ xuống lấy dầu xức chân Chúa và lấy tóc mình lau chân Ngài. (Mác 14:3; Giăng 12:3)  


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

GIỚI THIỆU SÁCH: CẨM NANG MỤC VỤ



CẨM NANG MỤC VỤ
QUYỂN I: GIẢNG DẠY & THỜ PHƯỢNG

Đây là quyển đầu tiên trong toàn bộ công trình gồm ba quyển nghiên cứu về chức vụ của mục sư, cung ứng khoảng gần hai trăm bài viết bao trùm nhiều lãnh vực khác nhau của mục vụ, gồm có:

GIẢNG DẠY * THỜ PHƯỢNG
ÂM NHẠC * TIỆC THÁNH * BÁP-TEM
HÔN LỄ * TANG LỄ

Mỗi phần không chỉ trình bày về thần học của lãnh vực đó, nhưng cũng đưa ra sự hướng dẫn về việc lập kế hoạch, chuẩn bị, và thực hiện mục vụ trong cách thực tiễn và cập nhật nhất.

Những ai nhận được ích lợi từ những quyển sách này?

Mục sư nhiều năm trong chức vụ muốn ôn lại và làm tươi mới kỹ năng của chức vụ.
Mục sư trẻ mới bước vào chức vụ muốn có tài liệu tham khảo khi đối diện những tình huống mới mẻ trong chức vụ.
Sinh viên thần học khao khát có cái nhìn tổng thể của chức vụ chăn bầy.

Những ngòi viết đóng góp trong quyển này là những học giả và nhà lãnh đạo Hội Thánh xuyên Bắc Mỹ, mang đến cho độc giả cái nhìn sâu xa và kinh nghiệm dày dạn trong chức vụ, gồm có:

Ronald Allen - Gordon Borror - Emily Brink - D. Stuart Briscoe
Geoffrey Bromiley - Edmund Clowney - Edward Dobson - Leighton Ford
Timothy George - Cinda Gorman - Michael Green - John Guest
Jack Hayford - E. V. Hill - David Hubbard - John Killinger
D. James Kennedy - Ralph Lewis - Thomas Long - Gordon MacDonald
Robertson McQuilken - David Mains - Karen Mains - Ralph Martin
James Massey - Calvin Miller - Lloyd Ogilvie - Robert Schaper
Bruce Shelley - Ray Stedman - Howard Stevenson - Joni Tada
David Wiersbe - William Willimon 
Và nhiều người khác nữa…


Tổng biên tập: James D. Berkley, D.Min
Chủ biên tạp chí Your Church và biên tập viên thường xuyên cho tạp chí Leadership.
Suốt hơn hai mươi năm, Tiến sĩ Berkley phục vụ hội thánh trong vai trò mục sư quản nhiệm.

NGÀY 21 THÁNG 3. NIỀM TIN TRỌN VẸN (2)



2. NIỀM-TIN-CHO-NGƯỜI-KHÁC

Sau khi nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”, bà Ma-thê nói tiếp: mà bây giờ tôi cũng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho (câu 22). Đây có phải là câu nói của niềm tin không? Mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho. Trong ‘mọi điều Ngài sẽ xin’ đó, có điều liên quan đến anh La-xa-rơ không? Bà Ma-thê không nói ‘tôi cũng tin’ hay là ‘tôi tin’, bà nói ‘tôi cũng biết’, ‘tôi biết’. Niềm tin nhuốm màu trí tuệ, rất chắc chắn, rất quả quyết. Nhưng niềm tin đầy chắc chắn đó có giúp gì cho bà Ma-thê không? Dường như chỉ giúp cho bà đoan chắc về những chuyện khác mà Chúa quan tâm chớ không phải là chuyện của anh La-xa-rơ. Đây là niềm-tin-cho-người chớ không dính dáng gì đến mình. Bà Ma-thê tin Chúa Giê-xu sẽ xin nhưng không phải xin chuyện của gia đình bà, cụ thể là chuyện của anh La-xa-rơ. Theo suy nghĩ của bà Ma-thê, chuyện của anh bà đã vượt quá giới hạn để mà tin, không còn cách nào để thay đổi được. Anh La-xa-rơ đã mồ yên mả đẹp rồi. Bà Ma-thê tin Đức Chúa Trời sẽ ban cho Chúa Giê-xu, nhưng chuyện đó liên quan đến những trường hợp khác của những người khác chớ không dính dáng gì đến trường hợp của bà. Nếu có ai hỏi Chúa đến Bê-tha-ny để làm gì, câu trả lời của bà là để viếng mộ người Chúa yêu và an ủi hai chị em bà. Bà Ma-ry cũng nghĩ như vậy thôi. Và khi nghĩ như vậy thì không thể có niềm tin nào khác ngoài niềm-tin-nếu và niềm-tin-cho-người.

Tôi biết là giờ này Chúa cầu xin bất cứ việc gì, Đức Chúa Trời cũng ban cho Ngài. Thoạt nghe bà Ma-thê nói “bây giờ tôi cũng biết” có thể chúng ta tưởng bà có niềm-tin-thời-hiện-tại, nhưng tiếc thay điều bà Ma-thê biết chắc và tin quyết không khiến bà tin Chúa sẽ xin cho anh La-xa-rơ sống lại. Tôi biết Chúa có quyền năng nhưng điều tôi biết không giúp tôi tin Chúa sẽ thay đổi thực trạng của gia đình tôi. Vì sao? Vì bản thân tôi không nghĩ đến và không tin chuyện đó có thể xảy ra ngay lúc này. Vì sao chúng ta biết như vậy?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

NGÀY 20 THÁNG 3. NIỀM TIN TRỌN VẸN (1)


1. NIỀM-TIN-NẾU

Trước khi Chúa Giê-xu đến phần mộ của ông La-xa-rơ Ngài đã nói chuyện với hai chị em Ma-thê và Ma-ry. Khi nghe tin Chúa Giê-xu đến, trước hết bà Ma-thê đi đón Ngài. Trong khi nói chuyện với Chúa Giê-xu, bà Ma-thê có nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết” (11:21). Sau đó bà Ma-thê về nhà và nói với cô em rằng: “Thầy ở đằng kia, đương gọi em lại”. Thế là bà Ma-ry vội vàng đi đón Chúa. Khi gặp Chúa, bà Ma-ry cũng nói như chị của mình: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết” (11:32). Hai chị em thưa với Chúa Giê-xu cùng một câu nói. Câu nói này có phát xuất từ niềm tin không? Hay là vừa tin Chúa mà cũng vừa oán trách Ngài? Hay là tiếc nuối về một thời điểm mà theo họ nếu có Chúa thì đâu có xảy ra chuyện buồn bã như vậy. Chúa đến trễ quá, nếu Ngài đến sớm hơn thì chúng tôi tin rằng anh La-xa-rơ không chết.

Dù hiểu thế nào đi nữa thì câu nói đó cũng bày tỏ lòng tin rằng  nếu Chúa đến sớm vài ngày thì anh tôi không chết. Như vậy đây là niềm-tin-thời-quá-khứ. Nói cách khác đây là niềm-tin-nếu. Vì mấy ngày trước không có Chúa ở đây, chớ nếu có Chúa ở đây thì tình hình đã khác rồi. Có thể bạn cũng đang sống với niềm tin như thế.

Niềm-tin-thời-quá-khứ là niềm tin chịu thử nghiệm. Anh La-xa-rơ bị bệnh, chúng tôi sai người đi báo tin, chúng tôi chờ đợi, mong Chúa đến,... Nhưng dường như sứ giả của niềm tin ra đi (người đi báo tin) chưa đến nơi thì anh La-xa-rơ đã chết rồi. Thật là đau lòng vì chúng tôi và anh La-xa-rơ là những người được Chúa yêu mến. Phải chi chúng tôi là những người chưa biết Chúa, không quen Chúa, chưa biết gì về quyền năng của Chúa. Chúng tôi gần gũi thân thiết với Chúa. Ngài từng đến ở trong gia đình chúng tôi. Ngài yêu thương gia đình chúng tôi. Thế mà một trong ba người Ngài yêu thương lại chết. Chết vì không có Ngài ở bên cạnh vào thời điểm cấp bách. Giống như nhà có bác sĩ đại tài, nhưng khi người nhà bị bệnh thì bác sĩ không ở bên cạnh, cho nên chết. Thật oan uổng, thật tức tưởi.

Niềm-tin-nếu là niềm tin chưa trải nghiệm. Nếu có kinh nghiệm thì chỉ là kinh nghiệm đau buồn, thử thách mà thôi. Bà Ma-thê và bà Ma-ry tin rằng nếu Chúa có mặt trong lúc anh La-xa-rơ đang mắc bệnh thì Ngài sẽ chữa bệnh cho anh ấy. Nhưng niềm vui về việc anh mình được lành bệnh đã không xảy ra, thay vào đó là nỗi buồn tang chế. Trong tang chế họ chỉ còn cách hướng đến một niềm tin khác.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

NGÀY 18 THÁNG 3. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ KỶ LUẬT (10)

D. Vững lòng bền chí trong kỷ luật

Trong Giô-suê chương 1, nhóm từ ‘hãy vững lòng bền chí’ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và nhóm từ này đặc biệt dành cho người lãnh đạo thuộc linh.

Nhóm từ ‘vững lòng bền chí’ vừa bày tỏ tâm thế vững vàng, kiên định, vừa bày tỏ tinh thần kiên trì, bền bỉ, đồng thời cũng nói lên tính kỷ luật. Người vững lòng bền chí là người có nếp sống kỷ luật.

1. Đức Chúa Trời truyền phán cho người lãnh đạo thuộc linh: “Hãy vững lòng bền chí, vì ngươi sẽ dẫn dân này đi nhận lấy xứ mà ta đã thề cùng tổ phụ ban cho chúng nó. Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi...” (Giô-suê 1:6, 7)

“Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.” (1:9)

Ba lần nhóm từ hãy vững lòng bền chí được nhắc đến.

Chắc chắn ông Giô-suê nhớ đến thời điểm trước đó, khi ông Môi-se còn sống, Đức Chúa Trời ra lịnh cho Giô-suê, con trai Nun, mà rằng: “Hãy vững lòng bền chí, vì ngươi sẽ đưa dân I-sơ-ra-ên vào trong xứ mà ta đã thề ban cho chúng nó; còn ta, ta sẽ ở với ngươi.” (Phục Truyền 31:23)

Đức Chúa Trời không phán với ông Giô-suê một lần, mà nhiều lần: “Hãy vững lòng bền chí.” Điều này cho thấy ‘tâm thế vững lòng bền chí’, tính kiên trì, tính kỷ luật trong đời sống của người lãnh đạo thuộc linh quan trọng biết dường nào.

2. Ông Môi-se khuyên người lãnh đạo: “Hãy vững lòng bền chí.” Chắc chắn ông Giô-suê không thể quên được sự kiện xảy ra trước đó: Ông Môi-se, 120 tuổi, sau khi nói với dân I-sơ-ra-ên: “Hãy vững lòng bền chí... (Phục Truyền 31:6) đã gọi Giô-suê, nói cùng người tại trước mặt cả I-sơ-ra-ên mà rằng: Hãy vững lòng bền chí; vì ngươi sẽ vào với dân này trong xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho tổ phụ họ, và ngươi sẽ chia xứ cho họ. (Câu 7)

Đây là hình ảnh người lãnh đạo thuộc linh thế hệ đi trước, lớp đàn anh khuyên người lãnh đạo thuộc linh thế hệ tiếp theo, lớp đàn em: Hãy sống có kỷ luật.

3. Hội chúng yêu cầu người lãnh đạo: “Hãy vững lòng bền chí”

Những người ấy thưa cùng Giô-suê rằng: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều ông dặn biểu, và đi khắp nơi nào ông sai; chúng tôi sẽ vâng theo ông trong mọi việc y như đã vâng theo Môi-se. Chỉ nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ông ở cùng ông, y như Ngài đã ở cùng Môi-se vậy! Phàm ai nghịch mạng không vâng theo lời ông trong mọi điều ông dặn biểu chúng tôi, thì người đó sẽ bị xử tử, chỉ ông hãy vững lòng bền chí.” (Giô-suê 1:16-18)

Đây là yêu cầu của hội chúng đối với người lãnh đạo thuộc linh. Xin ông hãy sống cho có kỷ luật.

4. Bản thân người lãnh đạo thuộc linh nghĩ thế nào? Quyết định như thế nào?

-Đức Chúa Trời truyền phán: “Hãy vững lòng bền chí.”

-Người lãnh đạo đàn anh khuyên: “Hãy vững lòng bền chí.”

-Hội chúng yêu cầu: “Hãy vững lòng bền chí!”

-Người lãnh đạo thuộc linh không nên nói: “Tôi sẽ vững lòng bền chí” nhưng hãy nói: “Tôi vững lòng bền chí sống kỷ luật suốt đời.”


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)