5. Người Sa-ma-ri
Bạn có dám sống khác người không? Bọn
cướp khi thấy nạn nhân thì tìm cách trấn lột. Thầy tế lễ và người Lê-vi khi thấy
nạn nhân thì tránh. Chủ quán khi thấy nạn nhân thì thấy tiền. Còn người Sa-ma-ri
khi thấy nạn nhân thì thương. Người bắt buộc người khác phải cho mình là người ích
kỷ. Người không chịu ban cho trong khi đáng phải ban cho cũng là người ích kỷ.
Người ban cho mà đòi nhận lại cũng là người ích kỷ. Người ban cho khi đáng phải
ban cho và không đòi nhận lại là người có tình yêu thương. Bạn là người ích kỷ
hay là người có tình yêu thương?
Giống như thầy tư tế, người Lê-vi, chủ
quán, người Sa-ma-ri cũng có niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Người Sa-ma-ri cũng là
tình cờ trông thấy nạn nhân. Điểm khác biệt giữa người Sa-ma-ri với những người
khác không phải vì ông ta giàu có hơn, hoặc có rượu, có dầu, có lừa hay là có
tiền. Mấy người khác cũng có những điều người Sa-ma-ri có. Sự khác biệt cũng
không nằm ở giá trị thấp kém mà xã hội Do Thái gán cho người Sa-ma-ri. Sự khác
biệt là tình yêu thương. Trong câu chuyện Chúa kể, chúng ta không nhìn thấy sự
cảm thương nơi bọn cướp mà chỉ thấy sự tàn bạo. Nơi thầy tư tế và người Lê-vi chúng
ta chỉ thấy sự lạnh lùng, vô cảm. Nơi chủ quán chúng ta chỉ thấy sự tính toán.
Chỉ có người Sa-ma-ri biết cảm thương nạn nhân.
Xin chú ý là tình yêu thương đem đến sự
khác biệt trong công tác và trong mục tiêu. Điểm khác nhau giữa người Sa-ma-ri
với thầy tư tế và người Lê-vi là tình yêu thương chớ không phải một bên làm
công tác xã hội còn một bên không làm. Điểm khác nhau giữa người Sa-ma-ri với
bọn cướp và chủ quán là tình yêu thương chớ không phải là cướp của hay làm việc
để có tiền, hoặc đem tiền đi cho. Tình yêu thương thúc đẩy người Sa-ma-ri làm
việc với động lực là vì cớ nạn nhân, còn vì không có tình yêu thương nên bọn
cướp chỉ biết trấn lột và chủ quán chỉ biết tính tiền sòng phẳng.
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét