4. Chủ quán
Nhìn bề ngoài, ông chủ quán lẫn người Sa-ma-ri
đều hướng về một đối tượng là nạn nhân, cả hai đều phục vụ nạn nhân. Tuy nhiên
mỗi người có một mục đích riêng và khác nhau. Chủ quán phục vụ để có lợi cho
mình. Đây là con người sẵn lòng làm việc, hết lòng làm việc nhưng đóng khung
trong tinh thần thương mại. Cống hiến để có lợi cho mình.
Chủ quán biết cách phục vụ tốt, không
ai chê trách được. Ông ta coi trọng đối tượng, coi trọng cách thức phục vụ, coi
trọng nội dung phục vụ và không quên tính tiền phục vụ. Ông ta phục vụ trong
tinh thần rất sòng phẳng, tiền trao cháo múc, có qua thì phải có lại. Mối quan hệ
chỉ tốt khi hai bên cùng có lợi. Chủ quán hết lòng hết sức phục vụ để làm vui
lòng khách đến, vừa lòng khách đi với mục đích nhận được tiền công và được tín nhiệm để nhận thêm hai đơ-na-ri nữa.
Trong phần thuộc linh, trên con đường
phục vụ có thể có những ‘thương gia’ dựng lên những ‘cái quán’ để kinh doanh qua
việc phục vụ. Đó là tinh thần của một số tổ chức xã hội lẫn một số người làm
công tác xã hội.
Vì sống theo chủ nghĩa duy lợi cho nên
chủ quán không nghĩ đến việc hợp tác với người Sa-ma-ri giúp nạn nhân. Ông ta
không nói anh góp công thì tôi góp của, anh giúp nạn nhân tiền bạc, tôi cũng
xin góp một phần công sức.
Giả sử chủ quán cũng đi trên đường
xuống Giê-ri-cô và tình cờ trông thấy nạn nhân, ông ta sẽ làm gì? Liệu ông ta
có xử sự như thầy tế lễ và người Lê-vi không? Người sống theo quan niệm phục vụ
phải có qua có lại rất dễ bỏ mặc nạn nhân, còn nếu phải phục vụ thì tinh thần
vụ lợi sẽ ảnh hưởng mọi hành động.
Bạn có sống theo kiểu đổi chác với Chúa
hoặc với tha nhân không? Khi thiên hạ là ‘khách hàng’ còn bạn là ‘thương gia’
bạn vẫn phục vụ mà không cần đến tình yêu thương. Cũng có một số người áp dụng
phương thức đổi chác trong niềm tin đối với Chúa. Con tin Chúa, đổi lại Chúa
phải ban phước cho con. Có người cũng mặc cả khi nhận công tác phục vụ. Tôi
giúp đỡ anh thì anh phải giúp tôi, hoặc phải trả công cho tôi. Họ chỉ có thể
phục vụ tốt khi có lợi cho họ.
Nếu người có tinh thần 'chủ quán' phục
vụ trong một chương trình cứu trợ, bạn nghĩ xem người ấy sẽ làm những gì? Liệu
người ấy có làm tốt những chương trình và kế hoạch của nhóm cứu trợ không? Sau
khi làm xong việc có tường trình không? Chắc chắn kèm theo tờ tường trình công
việc là tờ đòi tiền công phục vụ.
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét