Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

NGÀY 30 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (13)

3. Nhận biết lời mời của Chúa. 

Mời anh em đến ăn! (Câu 12) Tất nhiên đây là bữa ăn sáng nhằm bồi bổ cho Nhóm 7 người sau một đêm làm việc. Nhưng bữa ăn đó còn nhắm đến mục tiêu gì khác không? Bữa ăn thông công với Chúa và với nhau, bữa ăn mừng về thành quả vừa đạt được. Thật đầy đủ cả về thuộc thể lẫn thuộc linh cho cả Thầy và trò, đó là bữa ăn biểu hiện cho tình yêu thương của thầy đối với trò.

Khi nào thì nhóm làm việc của bạn ngồi lại ăn? Phải chăng chưa ra khơi, chưa làm việc đã lo ăn? Đang làm việc đã lo ăn? Khi đang có kết quả mà lo ăn? Hay sau khi tổng kết thành bại, ưu khuyết rồi mới ngồi lại thông công qua bữa ăn yêu thương?


Suy ngẫm

-Chúa không phân biệt giữa việc đời thường (đánh cá) với việc thiêng liêng (làm môn đệ của Ngài).

-Chúa không chỉ coi trọng công việc, Ngài còn coi trọng các mối quan hệ.

-Điều quan trọng đối với nhóm làm việc: Trên hết và trước hết là mối quan hệ với Chúa. Rồi đến mối quan hệ của nhóm viên, chớ không phải là thành quả. Kế đến là bầu không khí  con người làm việc với nhau chớ không phải là cá.

-Đôi khi Chúa nói với ta mà ta không ngờ, Chúa chỉ dẫn cho ta mà ta không nhận ra, Chúa chuẩn bị cho ta mà ta chưa phát hiện. Giữa biển đời mênh mông ta nghĩ chỉ có bọn ta mà thôi.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)




Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

NGÀY 29 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (12)


2. Nhận biết mệnh lệnh của Chúa. 

“Hãy đem cá anh em vừa đánh được đến đây!” (Câu 9) Chúa Giê-xu nói cá anh em vừa đánh được chớ không nói cá nhờ ta mà anh em mới đánh được. Nếu cho rằng các môn đệ đi đánh cá là thất bại thì trong sự thất bại đó Chúa đã dạy cho các môn đệ. Họ có thể làm được một điều phi thường khi có Chúa cùng với họ. Dù Chúa có giúp đỡ Nhóm 7 người nhưng Ngài xem thành quả là của họ. Chúa không xem thường công việc của Nhóm 7 người. Chúa không nói: “Nhờ có ta các ngươi mới làm nên chuyện. Chúa cũng không muốn làm gián đoạn chương trình làm việc của Nhóm 7 người. Một chuyến đi đánh cá phải kết thúc bằng chuyện tổng kết và giặt lưới. Và bây giờ Chúa cũng muốn các môn đệ làm cho xong việc đang dang dở. Chúa Giê-xu muốn các môn đệ đã cùng nhau ra đi, đánh cá, bây giờ phải cùng nhau tổng kết chuyến đi đánh cá của họ. Bắt được cá, nhưng bao nhiêu?

Người khởi xướng việc đi đánh cá bây giờ là người tổng kết thành quả. Ông Si-môn Phi-e-rơ đi lên và kéo lưới vào bờ; lưới đầy cá lớn, đếm được 153 con, và tuy có nhiều cá như thế mà lưới vẫn không rách. (Câu 11) Ông Giăng đã ghi nhận về thành quả:

  • Cá đánh được thuộc loại lớn.
  • Số lượng nhiều: 153 con.
  • Lưới không rách.
Để có được báo cáo này cần phải làm gì? Với cá thì cần kéo lưới lên thuyền hoặc lên bờ, vừa gỡ vừa đếm khi cho vào các thúng. Với lưới thì cần giặt và kiểm tra lại mới biết có bị rách hay không.

Nhóm 7 người được trải nghiệm ba điều phi thường:

1. Từ không có đến có. Họ không chuẩn bị cho sự kiện này.
2. Lưới không đứt. Họ không chuẩn bị lưới cho loại cá to.
3. Cá và bánh có sẵn. Họ không chuẩn bị cho bữa ăn này.
Sau khi đã tổng kết việc đi đánh cá Chúa Giê-xu mới bảo các môn đệ làm việc khác.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

NGÀY 28 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (11)

1. Nhận biết sự chuẩn bị của Chúa. 

Khi lên bờ, họ thấy đã có lửa than với cá và bánh ở trên. (Câu 9) Đây là sự chuẩn bị của Chúa cho các môn đệ.
Khi thấy có sự chuẩn bị:
  • Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?
  • Bạn là Phi-e-rơ, bạn sẽ làm gì? Nhóm của bạn làm gì?
  • Ông Giăng cho biết các môn đệ tính làm gì?
Thật là hai niềm vui đến cùng một lúc, vừa biết người nãy giờ nói chuyện với mình, giúp mình là Chúa, vừa đánh được mẻ cá thật nhiều. Dường như tất cả lo vào bờ cho thật nhanh để gặp Chúa. “Mừng quá và tội nghiệp cho Chúa quá, Ngài đứng trên bờ đợi bọn mình, nói chuyện với mình, chỉ dẫn cho bọn mình đánh bắt cá vậy mà chẳng nhận ra Chúa. Bây giờ lên bờ thấy Chúa đã chuẩn bị sẵn mọi chuyện rồi, phải ăn sáng với Chúa chớ.” Thế là quên hết chuyện đánh cá cả đêm, quên luôn chuyện vừa đánh được mẻ cá, chỉ thấy chuyện trước mắt: họ thấy đã có lửa than với cá và bánh ở trên. Chắc chắn các môn đệ nghĩ gặp Chúa là quí nhất rồi, họ sẵn sàng quên hết mọi chuyện, hoãn lại tất cả mọi việc để ngồi lại với Chúa.

Trong khi các môn đệ cho rằng chuyện cá đang ở trong lưới thì cứ để đó hạ hồi phân giải. Bây giờ phải vào bờ chào Thầy, sau đó ăn điểm tâm, rồi mới nói chuyện thu hoạch cá. Chúa Giê-xu lại không nghĩ như vậy. Ngài có mệnh lệnh cho các môn đệ.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

NGÀY 27 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (10)

C. Làm gì khi nhận biết Chúa?



Khi nhận biết Chúa, ông Giăng làm gì? Ông Phi-e-rơ làm gì? Các môn đệ làm gì? Ông Giăng nói cho ông Phi-e-rơ biết đó là Chúa Giê-xu. Phản ứng của môn đệ được Chúa Giê-xu yêu thương thật đặc biệt. Ông không ‘lập công’ bằng cách lẳng lặng nhảy xuống nước bơi vào bờ trước. Ông báo cho ông bạn Phi-e-rơ biết trước. Ông Giăng không hành động trước nhưng báo cho ông bạn của mình, để cho ông ta quyết định và ra lệnh nên làm gì. Thật là vừa xứng đáng là một người bạn đối với bạn; vừa xứng đáng là người cộng sự với người chỉ huy. Còn ông Phi-e-rơ, vẫn bản tính nhanh nhạy, bỏ thuyền bơi vào bờ để gặp Chúa trước các môn đệ. Một lần nữa chúng ta thấy sự sôi nổi của ông Phi-e-rơ. Bây giờ người khởi xướng và lãnh đạo chuyến đi đánh cá không kịp nói: “Tôi bơi vào bờ!” Chẳng nói chẳng rằng, ông rời bỏ con thuyền mình đang chỉ huy để bơi vào gặp Chúa, trong khi Chúa chưa bảo ông làm như vậy. Đợi Chúa thì không đợi được nên đi đánh cá, đánh cá chưa xong, đang có kết quả cũng không đợi cho xong mà đã bỏ thuyền bơi vào gặp Chúa, để cho những người cộng sự giải quyết phần còn lại hoặc muốn làm gì thì làm. (Ngộ nhỡ tất cả 6 người còn lại cũng bắt chước nhà lãnh đạo ưu tú thì thế nào đây!) Lãnh đạo kiểu này thật là nguy hiểm!
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

NGÀY 26 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (9)


5. Làm theo lời Chúa, không nhận biết Chúa. Khi làm theo lời chỉ dẫn, thả lưới xuống phía bên phải thuyền, họ vẫn chưa biết đó là Chúa Giê-xu. Có phải bạn thường nghe về Nhóm 7 người đã ‘lấy đức tin vâng lời Chúa’ khi thả lưới phía bên phải thuyền. Nhưng thử hỏi làm sao có thể nói là lấy đức tin vâng lời Chúa trong khi chưa biết người mình đang nói chuyện là Chúa Giê-xu?

Trước đó một thời gian, khi ông Phi-e-rơ và các môn đệ của Chúa đi đánh cá suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào cả, họ trở về và đang giặt lưới, Chúa đã dùng thuyền của ông Phi-e-rơ để giảng dạy cho dân chúng, sau đó Ngài đã nói với ông Phi-e-rơ về chuyện đánh cá: “Anh hãy chèo ra chỗ sâu, thả lưới đánh một mẻ đi!” lúc đó ông Phi-e-rơ biết Chúa là ai nhưng ông vẫn tỏ ra miễn cưỡng vâng theo lời Chúa. Lần này các môn đệ chưa biết Chúa là ai nhưng họ liền làm theo lời chỉ dẫn.

Lắng nghe lời góp ý. Chịu nghe và làm theo sự chỉ dẫn của người khác nghĩa là nhìn nhận mình cần sự giúp đỡ của người khác, dù chỉ là một lời nhận xét hoặc góp ý, hoặc chỉ dẫn. Một điều lạ là trước đó chẳng thấy ai trong Nhóm 7 người có nhận xét hay đề nghị gì về việc đánh cá. Họ thả lưới cả đêm, không lẽ chỉ toàn bên trái thuyền? Chắn chắn không phải như vậy, khi ra khơi để đánh cá khi thì thả lưới bên phải, khi bên trái của thuyền tuỳ theo quyết định của người chỉ huy. Nhưng khi thuyền vào gần bờ, mọi người cố gắng thả lưới thêm vài lần nữa, trong khi thả lưới họ đã thả bên trái của thuyền, trong khi đàn cá thì ở bên phải mà các môn đệ chưa nhận ra.

Đến đây các môn đệ nghĩ người đứng trên bờ là ai? Chắc chắn đó là người dân vùng biển, mà còn là người thấy luồng cá, nói cách khác là một người dân chài. Không biết người nói chuyện với mình là ai mà chịu lắng nghe và làm theo lời chỉ dẫn của người đó thì thật là lạ. Vâng lời Chúa Giê-xu đi đến Ga-li-lê, sau đó vâng lời một người lạ mà hoàn toàn không ngờ đó là Chúa thì thật kỳ lạ.

6. Khi có kết quả mới nhận biết Chúa. Cho đến khi được nhiều cá thì ông Giăng, môn đệ mà Chúa Giê-xu rất thương mới nghĩ ra đó là Chúa. Nhờ đâu mà ông Giăng biết người đứng trên bờ là Chúa Giê-xu? Đánh cá không có kết quả, hoặc chưa có kết quả thì không nhận ra người đang chờ đợi mình, đang chăm chú theo dõi, đang hỏi thăm, đang chỉ dẫn cho mình là Chúa Giê-xu. Đến khi đánh cá có kết quả mới vỡ lẽ ra đó là Chúa Giê-xu.

Về phương diện của Chúa thì dù Nhóm 7 người đi đánh cá ngoài biển, đi đánh lưới người hay làm gì đi nữa... thì Chúa luôn luôn quan tâm đến họ. Chẳng những quan tâm mà Ngài còn có thể chỉ dẫn cho họ, giúp họ giải quyết những nan đề, và có thể xoay chuyển tình thế của họ. Về phương diện con người, các môn đệ cho rằng đi đánh cá là việc ngoài giờ, không dính dáng gì đến mối quan hệ giữa họ với Chúa. Còn khi gặp Chúa thì chỉ nói những chuyện thiêng liêng trong sứ mạng của Chúa mà thôi.


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

NGÀY 25 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (8)


4. Nghe Chúa chỉ dẫn vẫn không nhận biết Chúa. 
Đến khi Chúa Giê-xu chỉ chỗ có cá để đánh bắt, Nhóm 7 người vẫn chưa biết đó là Chúa. Thật lạ lùng khi lời chỉ dẫn của người đứng trên bờ có vẻ không đúng thời điểm (vào buổi sáng, ban ngày) và lại là lời chỉ dẫn của người xa lạ và ngoại cuộc. Là người ngoài cuộc, không biết từng trải việc đánh cá ra sao mà nhận xét, chỉ trỏ, nói này nói kia, ai mà làm chẳng được!

Lạ hơn nữa là lời chỉ dẫn này có thể vừa quen thuộc với các môn đệ, cũng quen thuộc với người nhìn thấy đàn cá vào báo tin cho nhau khi đánh cá. Rõ ràng các môn đệ đã quên mất Chúa Giê-xu rồi. Chúa từng chỉ cho họ làm điều này điều kia, thế mà bây giờ qua lời chỉ dẫn của Chúa, họ vẫn không nhận ra Ngài. Nhóm 7 người này thật là tệ!

Nội dung Chúa Giê-xu nói là một cách chỉ dẫn về công việc: Hãy thả lưới phía bên phải thuyền thì sẽ bắt được! (Câu 6) Đây là sự chỉ dẫn cụ thể, kèm theo là sự hứa hẹn. Cụ thể về điều cần phải làm. Đây không phải là lời chỉ dẫn theo kiểu cầu may: Nếu thả lưới bên phải thuyền mà không có cá thì sẽ thực hiện lại hoặc chuyển qua bên trái. Nhưng Ngài nói: “Thả lưới bên phải thuyền thì sẽ bắt được. Làm việc này thì sẽ đem đến kết quả kia.

Bạn sẽ phản ứng ra sao trước những góp ý và chỉ dẫn khi bạn đang gặp thất bại? Nổi giận, từ chối hay làm theo? Bạn nghĩ gì về người góp ý, về nội dung góp ý? Một người xa lạ góp ý, một người có kinh nghiệm góp ý bạn có hưởng ứng không?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

NGÀY 24 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (7)


3. Nói chuyện với Chúa, không nhận biết Chúa. Rồi Chúa Giê-xu nói chuyện với các môn đệ, các môn đệ nói chuyện với Ngài nhưng họ chưa biết đó là Chúa.

Câu hỏi: Anh em ơi! Không bắt được gì để ăn hết sao? (Câu 5) nói lên sự quan tâm của Chúa đối với Nhóm 7 người. Quan tâm đến công việc của họ, quan tâm đến cái ăn của họ. Việc Nhóm 7 người không nhận ra Chúa có vẻ giống trường hợp bà Ma-ri Ma-đơ-len, bà nói chuyện với Chúa mà không nhận ra Ngài. Tuy nhiên có điểm khác nhau là: bà Ma-ri Ma-đơ-len đứng rất gần với Chúa mà không nhận ra Ngài, còn các môn đệ cách xa Chúa cả 100 mét. Bà Ma-ri Ma-đơ-len không nhận ra Chúa khi chưa biết Chúa đã sống lại, còn các môn đệ biết Chúa đã sống lại, đã hiện ra cho họ 2 lần (21:14), vậy mà họ vẫn không nhận ra Ngài trong lần này. Khi nói chuyện bà Ma-ri Ma-đơ-len tưởng Chúa là người làm vườn. Còn các môn đệ tưởng Chúa là ai? Một người đợi người thân trở về và hỏi thăm về việc đánh cá.

Bạn có thắc mắc vì sao ‘người hỏi’ biết Nhóm 7 người không đánh được con cá nào không? Có phải vì là Chúa Giê-xu nên Chúa biết các môn đệ không đánh được cá. Hay câu hỏi của Chúa nêu lên trong khi các môn đệ đang tiếp tục thả lưới để cố bắt cho được ít nhất một mẻ? Đánh cá cả đêm mà sáng sớm vẫn còn đánh cá chứng tỏ chưa được con cá nào cả.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

NGÀY 23 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (6)


B. Vấn đề của Nhóm 7 người.
1. Là 7 hay 7+1? Trục trặc chính yếu của Nhóm 7 người là các môn đệ nghĩ họ chỉ có 7 chớ không phải 7+1. Chính vì nghĩ như vậy mà họ không nhận ra Chúa Giê-xu.
Có lẽ Nhóm 7 người đã quên Nhóm 4+1. Bốn người nỗ lực lo cho một người nhưng nếu chỉ có 4 người hy sinh, khiêng vác, nỗ lực, sáng kiến... mà không thêm 1 (Chúa Giê-xu) thì cũng vô ích.

2. Nhìn thấy Chúa, không nhận biết Chúa. Chúa Giê-xu đứng trên bờ nhưng họ không biết đó là Chúa Giê-xu. Lúc trời tảng sáng, Chúa Giê-xu đứng trên bờ, nhưng các môn đệ không biết đó là Chúa Giê-xu (Câu 4)

Theo cách mô tả thì Chúa Giê-xu dường như chẳng dính dáng gì đến việc đánh cá của Nhóm 7 người. Các môn đệ không ngờ Chúa đang đứng trên bờ. Họ nghĩ người đứng trên bờ là ai? Có lẽ khi Chúa Giê-xu lên tiếng thì các môn đệ mới biết có người đứng trên bờ. Nhưng nếu quan sát thì thấy sáng sớm, có một người đang lui cui nhóm lửa, chuẩn bị bánh và cá, rồi đứng trên bờ nhìn ra biển. Bạn nghĩ người đứng trên bờ là ai? Có phải là người đứng chờ thuyền đánh cá của nhà mình trở về không? Có lẽ các môn đệ tưởng người đứng trong bờ đang chờ thuyền của thân nhân trở về. Họ đâu có ngờ Chúa Giê-xu đợi thuyền của chính họ. Họ không nhận biết Ngài đang đứng trên bờ đợi họ. Họ nghĩ Chúa đang ở xa, có lẽ tại Giê-ru-sa-lem hay ở đâu đó.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

NGÀY 22 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (5)


7. Có thời gian. Nhóm 7 người đánh cá ‘suốt đêm’. Họ là những người có thời gian, biết đầu tư thời gian, tận dụng thời gian để đánh cá. Người ta cho rằng càng có nhiều thời gian cho một chương trình hay một công việc thì càng có kết quả.
Cả đêm đánh cá cũng nói lên sự quyết tâm và nỗ lực của Nhóm 7 người. Thua keo này, bày keo khác. Có thời gian, có nỗ lực và quyết tâm chắc sẽ thành công.

8. Chẳng có kết quả. Kết quả là ‘chẳng bắt được gì hết!’ Thoạt nhìn thì có vẻ thất vọng, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các môn đệ đi đánh cá cả đêm mà không được chi cả. Hơn nữa mới đi đánh cá trở lại mà không có cá cũng chẳng sao. Đánh cá là như vậy, khi được khi không. Trở về rồi sẽ ra khơi trở lại.

Cần phân biệt một nhóm làm việc có hiệu quả và có kết quả. Nhóm 7 người có thể cộng tác tốt với nhau trong khi đánh cá nhưng chưa có thành quả (chớ không phải là không có). Rồi người ta cũng không căn cứ vào một lần không có cá để kết luận về thành quả của cả mùa đánh bắt cá. Cho nên chưa được con cá nào chưa phải là điều đáng lo và đáng buồn. Điều đáng lo và đáng buồn là tình hình nội bộ của Nhóm 7 người như thế nào, có ổn không? Cứ đi đánh cá, cứ tiếp tục thả lưới thì trước sau gì cũng có cá. Nhưng không còn ai trên thuyền nữa, hoặc ở trên thuyền mà đập lộn, hoặc phá thuyền... mới là chuyện đáng lo. Việc của các môn đệ là giữ gìn sự hiệp một trên con thuyền, cùng nhau hiệp sức thi thố tài năng đánh cá. Còn việc cá vào lưới hay chưa đâu phải là chuyện của các môn đệ.

Nếu bạn ở trong Nhóm 7 người, điều bạn trông đợi là gì? Nhóm làm việc vui vẻ, hiệp một, biết lắng nghe nhau... hay bạn chỉ cần có cá cho nhiều? Tất nhiên ai lại không muốn nhóm làm việc tốt và gặt hái thành quả. Tuy nhiên các môn đệ biết điều này: bọn mình cùng nhau ở trên thuyền để đi đánh cá. Thuyền thuộc về mình, còn cá thuộc về biển. Trước hết mình phải giữ con thuyền nguyên vẹn, không thủng, không bể, sau đó mới nói đến chuyện cá thuộc về mình.

Bạn đang ở trong một nhóm làm việc, bạn quan tâm đến điều gì? Kết quả trong nhóm của bạn hay thành quả mà nhóm sẽ mang về? Bạn chỉ có thể quyết định hiệu quả của nhóm mà thôi, còn thành quả gặt hái được không đến từ nhóm làm việc mà đến từ Đấng đứng ở trên bờ. Việc của nhóm là làm gì thì bạn đã biết rồi. (Lắng nghe lời góp ý, vâng theo sự hướng dẫn, thả lưới và kéo lưới...) Như vậy vấn đề của Nhóm 7 người là gì? Họ đang vướng phải trục trặc nào?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

NGÀY 21 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (4)



4. Địa điểm, phạm vi hoạt động. Biển Ga-li-lê là nơi đánh cá quen thuộc. Các ông Phi-e-rơ, ông Anh-rê, ông Giăng và ông Gia-cơ từng đánh cá nhiều năm ở vùng biển này. Người ta thường nói công việc thành công nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Các môn đệ có một địa điểm thật tốt để thi thố khả năng. Giê-ru-sa-lem không phải là nơi thuận tiện cho việc đánh cá và nhiều việc khác, chẳng hạn việc làm môn đệ của Chúa. Dường như khi ở Giê-ru-sa-lem họ chẳng nghĩ ra nên làm việc gì, nhất là ông Phi-e-rơ. Còn ở bên hồ Ga-li-lê thì ông có sáng kiến ngay: “Tôi đi đánh cá!” Khi ở Giê-ru-sa-lem ông không thể nói: “Tôi đi... (đâu đó, làm việc gì đó)” được. Thật ra, sau này Chúa Giê-xu căn dặn họ rằng Giê-ru-sa-lem là một địa điểm tốt, lý tưởng để khởi đầu công việc rao giảng Phúc Âm.

5. Phương tiện hoạt động. Mới từ miền Giu-đê trở về miền Ga-li-lê là họ có sẵn một chiếc thuyền để sử dụng. Không biết thuyền của nhà Phi-e-rơ hay nhà Xê-bê-đê? Chắc là của nhà Xê-bê-đê. Biết đâu chừng đó là con thuyền quen thuộc mà Chúa từng ngủ ở phía sau tay lái khi biển động. Các môn đệ cần có thuyền để đi đến bến bờ nào đó, có thể là bờ bên kia đối diện với Ca-bê-na-um, để từ đó họ sẽ đi lên núi gặp Chúa Giê-xu như đã hẹn.

Ở đây chúng ta thấy Nhóm 7 người nhận được sự ủng hộ của người thân, có phương tiện để làm việc. Có ý tưởng đánh cá, có người lãnh đạo, có người tham gia, có khả năng đánh cá nhưng không có phương tiện (thuyền, lưới...) thì cũng như không. Người khởi xướng, người hiệp sức, lãnh đạo và cộng sự tất cả cùng đi với nhau, cùng trên một con thuyền của gia đình cung cấp. Do đó sự tán đồng ủng hộ, cầu thay của gia đình người thân giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của nhóm.

6. Có phương pháp, đúng thời điểm. Đánh cá vào ban đêm. Dân đánh cá vùng biển Ga-li-lê cho thuyền ra khơi vào buổi chiều để đánh cá vào ban đêm. Đây là những người làm việc có phương pháp. Họ chọn đúng thời điểm, theo truyền thống từ bao đời nay trong việc đánh cá. Làm việc có phương pháp và đúng thời điểm dễ đem lại hiệu quả và thành công.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

NGÀY 20 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (3)


Nếu một nhóm nhỏ mà có quá nhiều người khởi xướng thì khó lòng đạt được sự nhất trí. Còn nếu một người khởi xướng và thành công thì người ta xem người đó là người lãnh đạo có tài, nhưng nếu thất bại thì bị gán cho danh hiệu là kẻ đầu têu. Dù sao đi nữa thì Nhóm 7 người vẫn có ông Phi-e-rơ là người khởi xướng đồng thời cũng là người lãnh đạo tốt. Khi ông Phi-e-rơ nói: “Tôi đi đánh cá!”, sáu môn đệ kia hưởng ứng ngay: “Chúng tôi cùng đi với anh!” lãnh đạo như thế thật dễ dàng. Chẳng ai thắc mắc vì sao đi đánh cá, chẳng ai ngăn cản đừng đi hoặc khoan đi, chờ một ngày khác. Dầu vậy khi một người khởi xướng mà chẳng ai có ý kiến gì trái ngược hoặc chẳng ai thắc mắc, chẳng ai phát biểu quan điểm thì chưa chắc họ hiệp một hoặc có tinh thần hợp tác tốt. Coi chừng vì cả nể, hoặc vì không muốn đụng chạm mà mọi người chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Còn người lãnh đạo dần dần trở nên độc tài, huênh hoang và rốt cuộc bị cô lập.

Vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng khi khởi xướng một vấn đề gì đó. Phải chăng ông Phi-e-rơ là người không thể chờ đợi được. Ông không chịu đựng nổi thời gian ăn không ngồi rồi, ông cũng không muốn người khác phải chịu đựng nỗi bực bội đó. Phải bắt tay làm một việc gì ngay. Đôi khi người lãnh đạo cũng như cả nhóm cảm thấy vô nghĩa khi không tham gia vào một công việc. Cần có những sáng kiến để cho nhóm trở nên sinh động. Chính vì thế mà nhiều nhóm đã tìm cách làm sao cho nhóm mình tham gia vào nhiều hoạt động, vì cho rằng có hoạt động mới có ý nghĩa.

Qua việc ông Phi-e-rơ khởi xướng, ta có thể thấy cả ưu điểm lẫn nhược điểm của người lãnh đạo. Nhìn bề ngoài thấy ông năng nổ, quyết đoán, biết đề ra mục tiêu, khuấy động không khí làm việc của nhóm... Tuy nhiên nếu những biểu hiện đó phát xuất từ sự thiếu kiên nhẫn, từ những suy nghĩ bốc đồng, từ ý muốn là mọi người phải luôn luôn hoạt động... thì lại là vấn đề khác. Không khí làm việc của nhóm có thể biểu hiện việc lãnh đạo tốt hoặc kém. Khi tất cả tán đồng ý kiến của một người, hoặc cả nhóm không ai nói ai cả, chỉ lo làm việc, người ngoài nhìn vào tưởng nhóm hoạt động tốt, thậm chí các thành viên cũng cho là tốt, nhưng thật ra chưa chắc là như vậy.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

NGÀY 19 THÁNG 11. NHÓM 7 NGƯỜI (2)


A. Đặc điểm của Nhóm 7 người
1. Về nhân sự. Nhóm 7 người là những người đã có thời gian với nhau trên dưới ba năm, bây giờ tiếp tục làm việc với nhau. Trong tuần trước đó, tưởng rằng Nhóm Mười Hai đã tan đàn xẻ nghé vậy mà bây giờ sau khi Chúa sống lại họ có cơ hội họp lại với nhau. Thật ra trong thời gian khủng hoảng họ vẫn ở bên nhau, nhưng ‘cùng nhau trốn trong nhà’ vì sợ hãi.

2. Về khả năng. Nhóm 7 người có khả năng gì? Họ có hai khả năng: khả năng đánh cá và khả năng làm môn đệ. Nếu tính đến khả năng làm môn đệ thì 7 người này không đạt tiêu chuẩn. Họ thất bại vì sáu người bỏ Chúa, chạy trốn cho an toàn, còn một người chối Chúa vì sợ hãi. Còn về nghề tay trái thì trong 7 người có đến 4 người (nếu có Anh-rê) từng là dân đánh cá.

Họ có xứng đáng làm môn đệ của Chúa Giê-xu hay không hãy để Chúa xét. Còn họ có xứng đáng làm dân chài hay không thì các môn đệ có thể tự xét. Đi đánh cá mà không biết đánh cá thì chỉ làm vướng bận, gây khó khăn cho công việc mà thôi. Như vậy ưu điểm của nhóm 7 người trong lãnh vực đánh cá là họ có nhân lực và có kỹ năng đánh cá. Đây là hai yếu tố cho phép tiến hành công việc.

3. Về cơ cấu tổ chức. Có người lãnh đạo, có người cộng sự, một người khởi xướng và sáu người tán đồng. Trong một nhóm làm việc có người lãnh đạo khởi xướng, có những người cộng sự hưởng ứng thì thật tốt. Có thể coi cơ cấu tổ chức và không khí chung của nhóm này là tốt.

Ông Phi-e-rơ dù mất uy tín vì chối Chúa (nếu ông từng thú nhận điều này với các môn đệ) nhưng ở đây tiếng nói của ông vẫn có trọng lượng. Thật ra, các môn đệ khác cũng không hơn gì ông Phi-e-rơ vì họ cũng bỏ chạy, còn ông Phi-e-rơ dù cuối cùng lỡ miệng chối Chúa nhưng trước đó ông còn dám động thủ, và sau đó còn dám đi theo đến tận dinh thầy thượng tế để theo dõi tình hình thì vẫn được xem là xứng đáng hơn các môn đệ khác.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

NGÀY 17 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (13)


- Người Sa-ma-ri là một người rất đặc biệt khi ông ta không bỏ đi luôn. Ông ta ra đi và sẽ trở lại để giúp nạn nhân cho đến khi hoàn toàn bình phục. Đây là hình ảnh của một người làm việc tận tình, có trách nhiệm, có kế hoạch; đồng thời cũng là người mong đợi thành quả trong công việc của mình. Chúa Giê-xu mở tiệc đãi đoàn dân và kết quả là họ ăn no nê. Công tác xã hội phải đem đến kết quả cụ thể trước mắt, sau đó mới là kết quả lâu dài về phần tâm linh.

Người Sa-ma-ri sắp xếp công việc trước khi ra đi và báo trước là sẽ trở lại. Đây là con người làm việc có kế hoạch. Có nội dung cụ thể: ông ta làm gì, chủ quán làm gì. Có thời gian để thực hiện kế hoạch. Có tính toán trong kế hoạch.

Ông ta trở lại nhà trọ để làm gì? Đối với chủ quán, ông ta kiểm tra xem chủ quán phục vụ, chăm sóc nạn nhân ra sao, sau đó thanh toán tiền sòng phẳng như đã hứa. Đối với nạn nhân, người Sa-ma-ri làm gì? Ông ta muốn nhìn thấy nạn nhân hoàn toàn bình phục để có thể đưa nạn nhân trở về với gia đình và công việc thường nhật. Người Sa-ma-ri không muốn nạn nhân phải lệ thuộc vào ông ta trọn đời nhưng muốn có mối liên hệ bạn bè với nạn nhân. Dù không cần phải giúp đỡ nạn nhân, nhưng vẫn còn giữ mối quan hệ giữa người với người.

Bạn có kế hoạch giúp đỡ ai đó đến nơi đến chốn chưa? Bạn tính làm việc một mình cho đến khi nào? Có ai cùng với bạn không? Bạn có chấp nhận sự khác biệt của họ trong khi làm việc với bạn không?

*
*      *

Rà soát lại xem bạn có những gì. Bạn thiếu những gì?

Có khải tượng có tình yêu thương không? Tình yêu thương có dẫn đến sự dấn thân, tiếp cận không?

Tiếp cận, gần gũi nhưng trở nên thân thiết hay xa lạ? Có hiểu con người không? Giúp đỡ nhưng có thiết thực không?

Giúp đỡ thực tế nhưng có lâu bền không?

Có trả giá không? Có theo đúng trình tự (phương pháp) không? Có hiệu quả không? Có đem lại niềm vui không?

Có cơ hội. Có phương tiện: dầu, rượu, lừa, tiền bạc. Có thời gian. Nhưng có khải tượng không? Có phương pháp? Có kế hoạch? Nhưng có tình yêu thương không?

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

NGÀY 16 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (12)


Dĩ nhiên, chúng ta không chủ trương ‘thuê’ người phục vụ. Nhưng vì sao chúng ta không tìm được người đồng công với chúng ta? Phải chăng vì chúng ta đòi hỏi người ta phải giống chúng ta như anh em sinh đôi, phải hợp với chúng ta. Nói chung phải chăng chúng ta không chấp nhận sự khác biệt. Với quan niệm đó coi chừng chúng ta trở thành ‘nạn nhân’ trong khi làm công tác xã hội, vì chúng ta không giống ai mà chẳng ai giống chúng ta.

Chúng ta có thể tận dụng tài năng phục vụ của một số ‘chủ quán’ vì họ cần có tiền để sống, nếu không họ sẽ trở thành ‘nạn nhân’ và chúng ta phải giúp đỡ họ. Hãy trả tiền thích đáng cho những công việc phục vụ của họ như chúng ta đã làm. Thí dụ trả tiền xe cho người chạy xe ôm, trả tiền xe đò khi xe đưa người khiếm thị, khuyết tật đi đến nhà thờ. Hoặc trả tiền bác sĩ, thuốc men theo hợp đồng. Trả tiền công cho những người dạy kèm những học sinh yếu mà chúng ta đang giúp đỡ... Tất nhiên chúng ta phải biết cách sử dụng tiền bạc, chẳng hạn không thể dùng tiền để thuê ‘chủ quán’ chia sẻ Phúc Âm cho nạn nhân; hoặc thuê ‘chủ quán’ săn sóc phần thuộc linh cho nạn nhân.

Điểm khôn ngoan của người Sa-ma-ri trong khi làm việc với những người như ‘chủ quán’ là ông ta không làm việc lâu dài. Một phần vì ông ta không phải là người trọn thì giờ làm công tác phục vụ, một phần vì ông ta giúp nạn nhân trong một thời gian ngắn thôi. Còn chúng ta, những người làm công tác phục vụ lâu dài thì thế nào. Chúng ta cần khôn ngoan hơn khi vừa kết hợp những ‘thương gia’, ‘chủ quán’ trong công tác vừa tìm kiếm những người cùng chí hướng để hợp tác với nhau. Chớ chẳng lẽ chúng ta ôm việc làm một mình?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

NGÀY 15 BẠN CÓ GÌ? (11)

5. Người cộng sự của người Sa-ma-ri
‘Xin bác chăm sóc..., khi trở về tôi sẽ...’

Bạn học được điều gì trong việc làm và câu nói của người Sa-ma-ri: Hôm sau, lấy hai đơ-ni-ê trao cho chủ quán và dặn: ‘Xin bác săn sóc người này, nếu có tốn kém hơn, khi trở về tôi sẽ hoàn cho bác!’

Làm thế nào để có thể giúp đỡ người đang cần cho tới nơi tới chốn? Để tiếp tục giúp đỡ nạn nhân người Sa-ma-ri cần có kế hoạch. Nhưng ai sẽ là người thực hiện kế hoạch? Đây là nan đề của người Sa-ma-ri và cũng là nan đề của chúng ta.

Dù không phải là một người trọn thời gian làm công tác xã hội, không phải là dân chuyên nghiệp nhưng người Sa-ma-ri rất chuyên nghiệp trong phương pháp giúp đỡ nạn nhân.

- Người Sa-ma-ri là một người rất đặc biệt khi ông ta không bắt buộc người khác phải có quan niệm và thái độ như mình. Ông ta không nói với chủ quán rằng “tôi có công thì ông có của”, tôi đưa nạn nhân đến quán của ông, tôi chịu tiền thuốc, còn ông chịu tiền phòng. Ông ta không bắt buộc người khác phải giống như mình, phải có tình yêu thương như mình. Và cũng chẳng viện cớ người khác không như mình mà ông ta bỏ cuộc. Ông ta không nói: “Ông là chủ quán, cũng có tiền, mà không giúp nạn nhân, thì thôi, tôi bỏ mặc, xem ai làm khổ ai.” Hoặc ngày hôm sau ông ta thanh toán chi phí rồi lẳng lặng bỏ đi.

- Người Sa-ma-ri là người rất đặc biệt. Ông ta không làm việc một mình. Mặc dù chủ quán không có đồng một quan niệm, không có đồng một khải tượng, không có tình yêu thương như ông, nhưng người Sa-ma-ri có thể cộng tác với chủ quán trong chừng mực nào đó. Ông ta rất khôn ngoan khi dùng kỹ năng phục vụ của người chủ quán. Ông ta sẵn sàng trả tiền cho chủ quán để có người săn sóc nạn nhân. Còn trở thành bạn của nạn nhân, thân thiết với nạn nhân thì không phải là việc của chủ quán. Nhưng biết đâu qua cách hành xử của người Sa-ma-ri mà chủ quán nghĩ lại rồi thay đổi cách hành xử của mình.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

NGÀY 14 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (10)


Nhờ đâu người Sa-ma-ri có phương tiện, phương pháp và sự phù hợp để giúp đỡ một người?
- Người Sa-ma-ri cần làm gì để có phương tiện, có vải, dầu, rượu và lừa? Bản thân làm việc để có tiền mua sắm sẵn. Kêu gọi người khác góp phần. Phải có mới cho. Thầy tư tế và người Lê-vi có thể không có gì trong tay, nhưng nếu họ chịu suy nghĩ thì họ vẫn có thể dừng lại để kêu gọi những người khác giúp đỡ.

Rồi chẳng những phải làm sao cho có vải, có dầu, có rượu mà phải bảo quản và đem theo bên mình. Bằng không thì làm sao có sẵn để giúp đỡ? 

- Để biết, người Sa-ma-ri cần phải tự trang bị kiến thức để biết cách rửa vết thương, biết cách băng bó, làm cho nạn nhân khá hơn chớ không phải trở nên tệ hơn.

- Người Sa-ma-ri cần uyển chuyển, tức là trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể thực hiện những việc cơ bản. Người Sa-ma-ri không kết luận rằng nạn nhân dở sống dở chết như vậy là ngoài tầm tay giúp đỡ của ông ta để rồi bỏ đi. Ông ta cứ làm điều ông có thể làm cho nạn nhân trước khi nhờ đến bàn tay giúp đỡ khác.

Nếu không chuẩn bị trước, nếu không đầu tư, nếu bản thân không tự trau dồi, tự trang bị, nếu không lo đào tạo thì sẽ không có nhân lực đúng nghĩa, không có năng lực, không có tài lực, không có phương pháp làm việc tốt... trong công tác phục vụ.
Không có lấy gì cho?
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

NGÀY 13 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (9)

4. Bàn tay của người Sa-ma-ri
‘Băng bó... các vết thương’, ‘Đỡ lên, đưa về’
= Trình tự và thiết thực

Có khải tượng đúng đắn, có tình yêu thương chân thật, tiếp cận tốt cần kèm theo hành động thiết thực, cụ thể để giúp đỡ nạn nhân. Để giúp đỡ nạn nhân người Sa-ma-ri phải trả giá trong nhiều phương diện.

Khi dừng lại để cứu giúp nạn nhân, ông ta chấp nhận nguy hiểm đang chờ chực. Rồi phải gác việc của mình lại để dành thì giờ, sức lực để giúp nạn nhân. Gác việc mình lại không có nghĩa là bỏ việc của mình, nhưng thay đổi thứ tự ưu tiên. Tóm lại là cần hy sinh từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt cho đến những thứ quý báu cho nạn nhân.

Khi dừng lại, người Sa-ma-ri cần xác định mình cần làm điều gì trước điều gì sau. Việc làm trước mắt là gì? Phải giải quyết ngay tại chỗ là gì? Trước hết là băng bó, lấy dầu lấy rượu đổ trên các vết thương, sau đó mới đỡ người ấy lên lừa, đưa về quán trọ. Trước hết là sơ cứu tại chỗ, sau đó là đưa đi điều trị, cuối cùng là giúp hòa nhập với cộng đồng trở lại. Trước hết cứ để nạn nhân nằm, sau đó đỡ để ngồi lên, cuối cùng nạn nhân mới có thể tự sinh họat được. Trước hết phải giải quyết ngay tại chỗ những vấn đề cấp bách cho nạn nhân, sau đó mới đem nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, tạm đưa đến chỗ an toàn và cuối cùng mới đưa về gia đình. Trước hết là giúp đỡ tạm thời, sau đó là cưu mang lâu dài.

Bàn tay của người Sa-ma-ri cần:
  • phương tiện (vải, dầu, rượu, lừa),
  • phương pháp (biết cách rửa vết thương, biết cách băng bó), và
  • uyển chuyển.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

NGÀY 12 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (8)


Vì tình yêu thương mà tiếp cận nạn nhân thì hoàn toàn khác. Đến gần để hiểu tình cảnh của nạn nhân. Nhiều khi chúng ta nói “thấy là hiểu rồi”, nhưng thật ra mới hiểu phần nổi, phần bên ngoài thôi. Còn phần sâu xa bên trong thì sao?

Phải chăng người Sa-ma-ri đến gần nạn nhân, lay cho nạn nhân tỉnh dậy rồi bắt đầu đàm đạo với nạn nhân, hỏi nạn nhân vì sao ra nông nỗi này? Nói cách khác ông ta muốn là người ‘luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu’ rồi sau đó ông ta mới giúp nạn nhân? Chúng ta đừng tiếp cận ‘nạn nhân’ theo kiểu máy móc như vậy. Vấn đề là chúng ta đến với ‘nạn nhân’ để ngày càng gần nạn nhân hơn, thậm chí khi người đó ‘tai qua nạn khỏi’ thì có thể đã trở thành bạn bè của chúng ta.

Vì cớ gì bạn đến gần người khiếm thị và khuyết tật? Vì khải tượng, vì tình yêu thương hay vì công việc? Có thể lúc đầu khác bây giờ khác. Bạn đến gần những người khiếm thị và khuyết tật theo cách nào? Theo cách của bọn cướp, cách của thầy tư tế, người Lê-vi, cách của chủ quán hay cách của người Sa-ma-ri?

Bạn đến gần người khiếm thị và khuyết tật ở mức độ nào? Bạn hiểu họ hơn, cảm thông với họ, yêu thương họ hơn hay càng ngày càng ngộ nhận, càng mâu thuẫn, càng bất mãn và cay đắng? Muốn đến gần ‘nạn nhân’ trong chiều hướng tích cực thì cần có cảm nghĩ tích cực. Cám ơn Chúa vì Ngài cho bạn có cơ hội gặp ‘nạn nhân’. Thử nghĩ xem nếu bạn không có cơ hội tiếp cận với họ thì tình trạng họ và gia đình của họ sẽ ra sao? 

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách cơ Đốc) 

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

NGÀY 11 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (7)

3. Đôi chân của người Sa-ma-ri
‘Đến gần’ = Tiếp cận

Chúa Giê-xu kể: “Khi trông thấy nạn nhân thì cảm thương. Ông đến gần.” Khải tượng, tình yêu thương của Chúa thúc đẩy bạn đến gần người cần giúp đỡ hay làm cho bạn tránh xa người đó? Tình yêu thương phải kéo bạn đến gần, đến càng gần thì càng thấu hiểu càng thương yêu người cần giúp đỡ.

Điều gì làm cho bạn ‘đến gần’, để tiếp xúc với người khiếm thị và khuyết tật? Vì công việc, vì có người nhờ vả, vì vai trò, vì chức vụ mà bạn phải gần gũi với những ‘nạn nhân’. Trong trường hợp gia đình chúng ta có người trở bệnh nặng, chúng ta gọi xe cứu thương. Trong chốc lát đội ngũ cấp cứu xuất hiện, họ tiếp cận bệnh nhân và thực hiện những thao tác cấp cứu rất thành thạo. Họ làm việc rất hiệu quả, rất thành công, rất đúng phương pháp. Nhưng họ làm việc vì trách nhiệm, vì họ là nhân viên y tế, rất hiệu quả nhưng lạnh lùng, tiếp xúc nhưng không cần tình thương, giúp đỡ con người, nhanh nhẹn hăng hái nhưng không cần tình cảm, thành công nhưng không cần chinh phục. Họ rất gần đối với nạn nhân nhưng cũng rất xa lạ đối với nạn nhân. Xong việc họ quên ngay nạn nhân và nạn nhân chẳng biết họ là ai. Chúng ta có tiếp cận và giúp đỡ những ‘nạn nhân’ theo cách đó không? Chúng ta có thể rất gần họ đồng thời cũng rất xa lạ đối với họ. Giúp người mà không cần người hiểu giống như thảy tiền cho hành khất mà chẳng cần biết tình cảnh của người ta.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

NGÀY 10 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (6)



Đừng quên rằng tình yêu thương của người Sa-ma-ri vừa tác động trên nạn nhân vừa tác động trên người Sa-ma-ri. Về phía nạn nhân, hành động phát xuất từ tình thương của người Sa-ma-ri chẳng những cứu nạn nhân, làm cho nạn nhân được bình phục mà còn thay đổi quan niệm và suy nghĩ của nạn nhân. Về phía người Sa-ma-ri, hành động giúp đỡ phát xuất từ tình yêu thương làm cho người Sa-ma-ri hy sinh với niềm vui. Làm việc vì tình yêu thương mà không thấy đó là gánh nặng. Ông ta không cảm thấy nạn nhân làm khổ ông. Mặc dù ông ta rất mệt vì cớ cuộc hành trình, giờ đây giúp nạn nhân thì càng mệt hơn. Ông ta không cảm thấy nạn nhân là cái nạn ông ta gặp phải nhưng thấy đây là cơ hội để giúp đỡ người khác, để bày tỏ lòng yêu thương.

Công tác phục vụ người xung quanh có làm giảm thiểu tình yêu thương của bạn đối với họ không? Có làm bạn bực mình khi đối diện với họ không? Bạn có cảm thấy họ trở thành gánh nặng trong đời sống của bạn không? Đáng lẽ công tác giữa những ‘nạn nhân’ đó làm cho chúng ta thương yêu họ hơn thì lại khiến chúng ta trở nên lạnh lùng và chán ghét họ hơn. 1Cô-rinh-tô 13:3 Dầu tôi phân phát gia tài mình để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

Bạn có khải tượng nhưng đã có tình yêu thương chưa? Tình yêu thương của bạn là tình yêu thương nào? Tình yêu thương của con người hay tình yêu thương của Chúa Cứu Thế? Tình yêu thương đó có được nuôi dưỡng trong quá trình phục vụ không.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

NGÀY 9 THÁNG 11. BẠN CÓ GÌ? (5)

2. Con tim của người Sa-ma-ri
‘Cảm thương’ = Tình yêu thương

Con tim của người Sa-ma-ri thuộc loại nào? ‘Trông thấy thì cảm thương’, dường như đây là chuyện bình thường, ai cũng có thể cảm thương. Tình trạng khốn khổ của những người khiếm thị và khuyết tật có đụng đến tấm lòng của bạn không? Bạn cảm thương cho hoàn cảnh của họ đến mức độ nào? Chỉ thấy tội nghiệp, đáng thương hay mong muốn tình trạng của họ được thay đổi?

Điều thôi thúc bạn phục vụ người khác có phải là lòng cảm thương về tình trạng của họ không? Bạn gắn bó với công tác vì tình yêu thương hay vì vấn đề gì? Con làm việc cho cha mình khác với công nhân làm việc cho ông chủ. Làm việc giúp bạn khác với người công nhân làm việc cho ông chủ. Một bên làm vì tình yêu thương, còn một bên làm vì tiền công.

Đôi khi chúng ta quá quen với những công tác phục vụ cho nên con tim không còn nhạy bén nữa. Chẳng hạn trong thời gian đầu làm việc với những người khiếm thị và khuyết tật con tim đập với nhịp yêu thương. Ít lâu sau, theo thời gian con tim trở thành con tim lạnh giá chai lì. Chúng ta chỉ quan tâm làm cho xong việc chớ không có tình yêu thương. Công việc chúng ta làm không phát xuất từ khải tượng và tình yêu thương. Chúng ta làm vì buộc phải làm, vì chương trình phải làm, vì công việc phải làm, vì bổn phận chớ không phải vì tình yêu thương nữa.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)