Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

NGÀY 31 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (7)



4. Vâng lời Chúa

“Vậy, hỡi I-sơ-ra-ên, điều mà bây giờ Gia-vê Đức Chúa Trời đòi hỏi anh em là gì nếu không phải là tôn kính Gia-vê Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn mà kính mến và phục vụ Gia-vê Đức Chúa Trời, tuân giữ các điều răn và luật lệ của Đức Gia-vê mà tôi truyền cho anh em ngày nay, để anh em được phước? (Phục Truyền 10:12-13 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Vâng lời Chúa tức là “đi trong đường lối Ngài”, “kính mến và phục vụ Gia-vê Đức Chúa Trời”,  “tuân giữ các điều răn và luật lệ của Đức Gia-vê”.

Động lực vâng lời Chúa phát xuất từ lòng kính yêu Chúa. Hễ ai kính yêu Chúa thì muốn tuân thủ điều răn Ngài. Chúng ta không muốn vâng theo lời Chúa vì thấy vâng theo lời Chúa khó quá, nặng nề quá, thiệt hại cho chúng ta quá. Thí dụ: Chúng ta không vâng lời Chúa vì thấy mình bị thiệt hại trước mắt: -Học sinh đi học vào ngày Chủ nhật nếu không bị thua kém bạn. -Buôn bán vào ngày Chủ nhật vì không muốn mất khách. . .

Người yêu mến Chúa không thấy tuân thủ lời Chúa là nặng nề, là thiệt hại cho mình. Vì sao?

Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta. (Giăng 14:21)

Lời giảng của ông Mô-se vẫn còn văng vẳng bên tai chúng ta: "Nếu anh em thật lòng nghe theo tiếng phán của Gia-vê Đức Chúa Trời, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài mà tôi truyền cho anh em ngày nay... Mọi phước lành sau đây sẽ giáng trên anh em nếu anh em lắng nghe tiếng Gia-vê Đức Chúa Trời của anh em. Anh em sẽ được ban phước trong thành cũng như ngoài đồng ruộng. Bông trái của thân thể anh em, hoa quả của đất đai anh em, bầy con của đàn gia súc, và cả chiên con lẫn bò con của anh em đều sẽ được ban phước. Cái giỏ và thùng nhồi bột của anh em đều sẽ được ban phước! Anh em sẽ được ban phước khi đi ra cũng như lúc đi vào." (Phục Truyền 28:1-6)   

Xuân Thu


Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

NGÀY 30 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (6)


Nhiều người nói tôi có hỏi Chúa, nhưng không thấy Ngài nói gì, không nghe Ngài chỉ dẫn tôi điều gì cả. Vì sao tìm kiếm Chúa mà Chúa bày tỏ? Vì sao có hỏi mà Chúa không trả lời? Vì sao có dâng mà Chúa không nhận? Chúa Giê-xu phán: "Ai có các điều răn Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta." (Giăng 14:21) Chúa bày tỏ cho chúng ta qua lời của Ngài, qua điều răn, mạng lệnh, qua những nguyên tắc trong Kinh Thánh. Chúng ta cần đọc lời Chúa, học lời Chúa, suy ngẫm lời Chúa, ghi nhớ lời Chúa và làm theo lời Chúa. Chúng ta tìm kiếm Chúa nhưng không giữ điều răn, không thực hiện những nguyên tắc, những lời khuyên, những chỉ dẫn đã có sẵn trong lời của Ngài.

Như vậy tức là có những vấn đề Chúa đã bày tỏ qua lời Ngài, qua điều răn của Ngài, chúng ta không cần phải hỏi Ngài nữa. Chúng ta phải thực hiện và vâng theo điều Ngài dạy mà thôi. Chúng ta không cần tìm xem ý muốn của Chúa là nên hoặc không nên lập gia đình với một người không cùng niềm tin. Vì điều răn và nguyên tắc của lời Chúa rất rõ ràng. Chúng ta không cần tìm xem ý Chúa là nên hoặc không nên làm hàng giả, nên hoặc không nên đi buôn lậu. Vì lời Chúa dạy, nguyên tắc của Kinh Thánh rất rõ ràng. Chúa gớm ghiếc sự giả dối và bất minh. Chúng ta không làm những điều đó.

Khi chúng ta sống theo những nguyên tắc của Lời Chúa, tức là chúng ta kính yêu Chúa. Ngài sẽ tỏ cho chúng ta những điều Ngài muốn chúng ta biết. Ngày hôm nay Hội thánh không có khải tượng, thiếu người có lời của Đức Chúa Trời, thiếu những công trình thuộc linh. Vì những nhà kiến trúc thuộc linh, những công nhân thuộc linh không hề có khải tượng. Họ không được Chúa bày tỏ điều gì cả.

Sự bày tỏ của Chúa đến từ đâu? -Đến từ sự vâng lời.
Vâng lời như thế nào? -Từ việc nhỏ đến việc lớn.
Thí dụ: Chuyện ông Phi-e-rơ.

Bước 1. Chúa mượn ông Phi-e-rơ con thuyền và tài chèo thuyền của ông. Ông chấp nhận cho Chúa mượn thuyền và mượn tài chèo thuyền của ông.

Bước 2. Chúa dạy ông Phi-e-rơ một bài học liên quan đến nghề nghiệp của ông. Chèo ra sâu, thả lưới đánh cá. Ông Phi-e-rơ chấp nhận vâng lời.

Bước 3. Chúa bảo ông Phi-e-rơ theo Chúa với một khải tượng, đánh lưới cứu người.

Tôi đã tìm cầu Đức Gia-vê và Ngài đáp lời tôi,
Giải cứu tôi khỏi các điều sợ hãi.
(Thi Thiên 34:4 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Tìm kiếm Chúa sẽ có kết quả trong cuộc sống của mình.

Con sẽ bước đi cách ung dung,
Vì đã tìm kiếm kỷ cương của Chúa.
(Thi Thiên 119:45 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Xuân Thu





Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

NGÀY 29 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (5)



(2)Tìm kiếm sự bày tỏ của Chúa

Tìm kiếm Chúa là ưu tiên, là nhu cầu cần thiết.

Lạy Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời của con,
Con hết lòng tìm cầu Chúa;
Như trong vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chẳng có nước.
Linh hồn con khát khao Chúa,
Thân thể con mong ước Ngài.
(Thi Thiên 63:1 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Nếu Chúa là Đức Chúa Trời tôi, thì vừa thức dậy, vừa sáng tôi tìm cầu Ngài. Nếu Chúa là chủ của tôi, thì vừa thức dậy, tôi đến chỗ Ngài và hỏi, thưa Chúa, hôm nay Ngài cần gì? Ngài muốn con làm gì.

Tìm kiếm Chúa là nhu cầu của đời sống. Đất cần có nước, thì linh hồn tôi cần có Chúa. Đất mong có mưa, thì lòng tôi mong có Chúa. Hoàn cảnh và thế gian chỉ là khô cằn, nứt nẻ, chẳng có nước. Chỉ có Chúa mới làm cho tâm linh thoả mãn thôi. Tâm linh tôi tìm kiếm Chúa, vì tâm linh dẫn dắt đời sống, chứ không phải vật chất dẫn dắt tâm linh.

Tìm kiếm Chúa để làm gì? Để Chúa chỉ cho con đường phải đi.

Buổi sáng, xin cho con nghe được lòng nhân từ Chúa,
Vì con tin cậy nơi Ngài;
Xin chỉ cho con biết con đường phải đi,
Vì linh hồn con ngưỡng vọng Chúa.
(Thi Thiên 143:8 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Xin Chúa cho con biết con phải làm gì?  Con phải ở đâu? Con phải giải quyết như thế nào?

Chúng ta thường nói câu, “vẽ đường cho hươu chạy”, chẳng lẽ chúng ta là người vẽ đường, còn Chúa là hươu. Không phải vậy. Chúa vẽ đường, chúng ta là hươu. Thay vì nói: Xin Chúa chỉ cho con biết con đường phải đi. Chúng ta nói: Xin Chúa cho con đi đường của con, hoặc là: Xin Chúa đi với con trong đường của con.

Chúng ta cũng thường chủ trương rằng biết ý Chúa là một chuyện, còn làm theo ý Chúa lại là chuyện khác. Biết ý muốn Chúa đã khó, làm theo ý Chúa lại càng khó hơn. Vì vậy chúng ta cần:

Tìm kiếm Chúa để xin Chúa dạy cách làm theo ý Ngài

“Xin dạy con làm theo ý muốn Chúa,
Vì Chúa là Đức Chúa Trời của con;
Nguyện Thần tốt lành của Chúa
Dẫn con vào đất bằng phẳng."
(Thi Thiên 143:10 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Xin Chúa dạy con cách làm theo ý muốn Chúa. Chúng ta thường nói về phương pháp, về cách thức. Chúng ta thường chỉ biết ý định, biết chương trình của Chúa, rồi tự chúng ta tìm cách thực hiện và hoàn tất. Làm như vậy là không phải. Cần tìm kiếm Chúa, xin Chúa dạy chúng ta cách thực hiện.

Chúng ta biết ý muốn Chúa là phải truyền giảng cho người khác. Rồi chúng ta tự làm theo ý chúng ta mà không xin Chúa dạy chúng ta nên truyền giảng cách nào. Chúng ta biết ý muốn Chúa là phải học Kinh Thánh, phải dạy Kinh Thánh. Nhưng không bao giờ chúng ta hỏi: Thưa Chúa, chúng con phải học cách nào và phải dạy cách nào? Chúng ta biết ý muốn Chúa cho chúng ta làm công việc này, hành nghề kia. Nhưng trong công việc, trong nghề nghiệp chúng ta không bao giờ xin Chúa dạy chúng ta cách làm việc.

Xuân Thu

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

NGÀY 28 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (4)


3. Tìm kiếm Chúa

Nhưng cũng từ trong hoàn cảnh đó anh em sẽ tìm kiếm Gia-vê Đức Chúa Trời, và khi nào anh em hết lòng, hết linh hồn tìm kiếm Ngài thì sẽ gặp Ngài.” (Phục Truyền 4:29 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính) Đây là điều Chúa nói trước với dân Ngài. Họ sẽ tìm cầu Chúa, và phải hết lòng tìm cầu thì mới gặp.

Chúa khuyến cáo dân Ngài:“Phải cẩn thận kẻo anh em quên Đức Gia-vê là Đấng đã đem anh em ra khỏi Ai-cập, tức khỏi nhà nô lệ.” (Phục Truyền 6:12 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Vì sao quên? “Sau khi đã ăn no nê, xây nhà tốt để ở, thấy bò chiên gia tăng, bạc vàng và mọi tài sản mình đều dư dật, thì lòng anh em kiêu ngạo, quên Gia-vê Đức Chúa Trời là Đấng đã đem anh em ra khỏi Ai-cập, tức khỏi nhà nô lệ.” (Phục Truyền 8:12-14 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Vì đầy đủ quá nên quên. Vì kiêu ngạo nên quên. Quên Chúa là ai. Quên Chúa là Đấng như thế nào. Quên Chúa đã làm gì. Quên Chúa đã nói gì.

Vì quên Chúa nên tuyển dân không thờ phượng Ngài mà theo các thần tượng, quỳ lạy các thần tượng. Nếu anh em quên Gia-vê Đức Chúa Trời của anh em mà theo các thần khác, phục vụ và thờ lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh báo rằng chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong. (Phục Truyền 8:19 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính) Tuyển dân của Chúa phải hết lòng tìm kiếm Chúa để trở về với Chúa, để vâng lời Ngài. (Phục Truyền 4:25-31)

Chúng ta cần tìm kiếm Chúa và dạy cho con cái chúng ta biết hết lòng tìm kiếm Ngài. (1) Tìm kiếm sự  tha tội. Đến với Chúa để ăn năn, xưng tội. (2)Tìm kiếm ý muốn của Chúa được bày tỏ qua Lời Ngài, qua khải tượng.

(1)Tìm kiếm sự tha tội

Ma-thi-ơ 6:33: Nhưng trước hết phải tìm kiếm Đức Chúa Trời để được Ngài tha tội và ngự trị trong lòng. (Bản Hiện Đại) 

Ê-sai 55:6,7: Hãy tìm kiếm Đức Gia-vê đang khi mình gặp được; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần! Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng Đức Gia-vê, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta vì Ngài tha thứ dồi dào.”

Điều mỗi Cơ Đốc nhân cần tìm kiếm trước hết là sự tha tội sau khi ăn năn với Chúa. Hội thánh ngày nay cần tìm kiếm trước nhất là sự tha tội sau khi ăn năn với Chúa để xứng đáng là cô dâu của Chúa.

Chúng ta thường xem thất bại của đời sống Cơ Đốc, thất bại của Hội thánh là do những nguyên nhân khách quan bên ngoài như hoàn cảnh, thiếu tổ chức, không có tiền; còn nếu là do con người thì cho là do tôi thiếu tài năng, do tôi chưa được học… Chúng ta không bao giờ nhìn nhận rằng chúng ta thất bại là do chúng ta đã xa cách Chúa, là do tấm lòng cứng cỏi, là do đời sống tội lỗi của mỗi chúng ta và trong Hội thánh. Chúng ta tổ chức lại cơ cấu cho mới nhưng tấm lòng con người vẫn như cũ. Chúng ta ổn định lại sinh hoạt ở nhà thờ để thay thế cho sự ăn năn. Chúng ta dùng tài năng để thay thế cho đời sống trong sạch. Rốt cuộc, chúng ta không ăn năn để được tha tội. Hội thánh muốn được phục hưng, mỗi đời sống Cơ Đốc muốn được mạnh mẽ thì phải ăn năn để được tha tội.



Xuân Thu

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

NGÀY 27 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (3)


2. Kính yêu Chúa

“Anh em phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực mà kính mến Gia-vê Đức Chúa Trời.” (Phục Truyền 6:5) Đây không phải là lời khuyên mà là mệnh lệnh “phải”. Khi được hỏi điều răn nào là lớn hơn hết, Chúa Giê-xu phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.” (Ma-thi-ơ 22:37-38 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Kính yêu Chúa không phải chỉ là có cảm tình với Chúa hoặc có thiện cảm với Chúa. Nhiều người sống theo cảm tình, hôm nay vui thì yêu, ngày mai buồn thì hết yêu; hứng lên thì yêu, hết hứng thì hết yêu. Tình yêu thật bắt nguồn từ cả tâm trí lẫn ý chí. Kính yêu Đức Chúa Trời với tất cả những gì chúng ta có – tấm lòng, linh hồn, tâm trí, sức lực, của cải, cuộc sống, sự phục vụ.

Có người nói, nếu tôi kính yêu Chúa với tất cả tấm lòng, tất cả tâm trí lẫn ý chí, với tất cả những gì tôi có, thì tôi đâu còn tình yêu nào để dành cho ai nữa. Thật ra khi chúng ta kính yêu Chúa với tất cả những gì chúng ta có thì tình yêu đó không triệt tiêu tình yêu chúng ta đối với con người. Chúng ta thường làm ngược lại, là yêu chính mình với tất cả những gì chúng ta có. Chính tình yêu đó đã chận đứng, triệt tiêu lòng kính yêu Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta kính yêu Đức Chúa Trời, lấy lòng kính yêu Chúa làm nền tảng cho sự kính sợ Chúa và vâng lời Ngài, chúng ta sẽ yêu mến tha nhân và người lân cận. Lòng kính yêu Chúa không muốn làm điều gì hại đến tha nhân. Nhờ có lòng kính yêu Chúa chúng ta mới vâng lời Chúa và mới có tâm tình phục vụ Chúa.

Kính yêu Chúa là một mạng lệnh, là điều răn chứ không phải là lời khuyên. Đây là điều ràng buộc tất cả những ai kính sợ Chúa và thuộc về Chúa. Sự ràng buộc này phát xuất từ lòng kính yêu chứ không phải từ sự cưỡng ép.

Xuân Thu

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

NGÀY 26 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (2)


1. Kính sợ Chúa

Cha mẹ có kính sợ Chúa mới có thể dạy con cái kính sợ Chúa. Đây là điều răn, luật lệ và mệnh lệnh mà Gia-vê Đức Chúa Trời anh em đã ra lệnh cho tôi phải dạy lại cho anh em, để anh em tuân giữ khi ở trong xứ mà anh em sắp tiến vào nhận làm sản nghiệp. Nhờ vậy, anh em, con cháu anh em sẽ trọn đời kính sợ Gia-vê Đức Chúa Trời, vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà tôi truyền cho anh em, để anh em được sống lâu. (Phục Truyền 6:1-2 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Trong Phục Truyền 5:23-27, ông Mô-se nhắc lại khi tuyển dân của Chúa khi ở chân núi Si-nai, họ đã bày tỏ thái độ và tấm lòng kính sợ Chúa. Ông Mô-se cũng nhắc lại lời Chúa về thái độ và tấm lòng kính sợ của họ: “Đức Gia-vê nghe những lời anh em nói với tôi nên Ngài phán với tôi: 'Ta đã nghe những lời dân này nới với con. Những gì họ nói với con là đúng. Nếu như dân này luôn có lòng kính sợ Ta, thường xuyên vâng giữ các điều răn Ta, thì họ và con cháu họ sẽ được phước đời đời!'” (Phục Truyền 5:28-29 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Kính sợ Chúa tức là kính thờ Chúa một cách xứng đáng, tức là công nhận quyền làm chủ của Ngài trên cả thế giới. Khi đứng ở chân núi Si-nai, tuyển dân của Chúa nghĩ rằng nếu họ nhìn thấy Chúa thì họ sẽ chết, nghe tiếng Chúa phán rồi cũng phải chết. Vì vậy, họ vừa tôn kính Chúa mà vừa sợ hãi Chúa. Nhưng điều lạ lùng là lời của Chúa làm cho họ sống. Kính sợ Chúa không làm cho họ chết, ngược lại làm cho họ sống và tiếp tục nghe Chúa phán.

Kính sợ Chúa không phải là một thứ tôn giáo dành cho ngày sa-bát hoặc ngày Chúa nhật để những người đi đến nhà hội hoặc nhà thờ chứng minh rằng họ ngoan đạo, kính sợ Chúa. Nhưng kính sợ Chúa có nghĩa là tôn trọng và làm theo ý muốn của Chúa trong mọi sinh hoạt và mọi phương diện của đời sống.

Chính tấm lòng kính sợ Chúa giúp chúng ta sống kính sợ Chúa, có nghề nghiệp kính sợ Chúa, có cách hành xử kính sợ Chúa. Ngày nay nhiều người tin Chúa, nhưng ít người kính sợ Chúa. Họ không thấy Chúa là Đấng đáng kính đáng sợ. Hoặc họ chỉ kính sợ Chúa với vẻ bề ngoài, với lời nói. Nhiều người không coi kính sợ Chúa là thói quen trong đời sống thường nhật, cho nên họ không thường xuyên sống cuộc đời kính sợ Chúa. Cũng có thể họ không được dạy cho biết Chúa là ai để mà kính sợ. Có lòng kính sợ sẽ càng kính sợ hơn. Còn không kính sợ sẽ càng bất kính hơn, càng xem thường Đức Chúa Trời hơn.

“Vì Gia-vê Đức Chúa Trời của anh em là một đám lửa thiêu đốt và là Đức Chúa Trời hay kỵ tà.” (Phục Truyền 4:24) Tuyển dân của Chúa đánh mất lòng kính sợ Chúa, họ thờ hình tượng nên Chúa đã trừng phạt họ.

Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất lòng kính sợ Chúa là sợ con người. Chúng ta sợ gia đình, vợ, con, họ hàng hơn sợ Chúa.

Phục Truyền 6:24-25 dạy khi chúng ta kính sợ Chúa thì được gì: “Đức Gia-vê đã truyền dạy chúng ta phải tuân giữ các luật lệ này và kính sợ Gia-vê Đức Chúa Trời để chúng ta luôn luôn được phước và được Ngài bảo tồn sự sống như ngày nay chúng ta đang có. Nếu chúng ta cẩn thận tuân giữ mọi điều răn này trước mặt Gia-vê Đức Chúa Trời chúng ta, như Ngài đã truyền dạy, thì chúng ta sẽ được kể là công chính.” (Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

· Kính sợ Chúa để “luôn luôn được phước”
· Kính sợ Chúa để “được Ngài bảo tồn sự sống”
· Kính sợ Chúa để “được kể là công chính”


Xuân Thu

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

NGÀY 25 THÁNG 12. HÃY NHỚ… (1)



4 Hỡi I-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Gia-vê Đức Chúa Trời chúng ta là Gia-vê có một không hai. 5 Anh em phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực mà kính mến Gia-vê Đức Chúa Trời. 6 Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. 7 Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em ngủ cũng như lúc thức dậy. 8 Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, 9 và viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng. (Phục Truyền 6:4-9 - Bản Truyền Thống Hiệu Đính)

Tuyển dân Chúa có trách nhiệm nào?

Có hai trách nhiệm: thứ nhất là trách nhiệm đối với Chúa và đối với lời của Ngài, và thứ hai là trách nhiệm đối với thế hệ con cháu. Đối với Chúa, họ phải hết lòng kính yêu Chúa. Đối với lời Chúa, họ phải nghe và cẩn thận làm theo điều răn, luật lệ và mạng lệnh của Ngài. Đối với con cái, họ phải dạy dỗ con cái điều răn, luật lệ và mạng lệnh của Gia-vê Đức Chúa Trời, để chúng nó biết và làm theo.

Đối với điều răn, mạng lệnh và luật lệ của Chúa, chúng ta:

(1)Phải ghi lòng tạc dạ. Bản thân chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa tức là ghi nhớ một cách cặn kẽ và không quên.

(2)Phải dạy dỗ con cái (khi ngồi, khi đi đường, khi ngủ, khi thức dậy). Ghi chép ra và buộc vào tay, vào trán. Viết lên khung cửa nhà và trước cổng. Tức là dạy dỗ cách cẩn thận, từng li từng tí. Dạy ở mọi nơi mọi lúc. Qua cách sống, qua lời nói, bằng chữ viết để giúp họ nhập tâm, rồi trọn đời ghi khắc trong lòng.

Việc dạy dỗ của phụ huynh nhắm đến bốn kết quả, diễn đạt bằng bốn động từ:

  1. Kính sợ Chúa.
  2. Kính mến Chúa (Kính yêu Chúa).
  3. Tìm kiếm Chúa.
  4. Vâng lời Chúa.
Bốn kết quả này tương tự bốn cây cột giữ vững ngôi nhà thuộc linh của người Cơ Đốc.












Xuân Thu

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

NGÀY 24 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(8)



Bạn đã nhận được quà tặng? Điều nào đã xảy ra?

Vấn đề đặt ra là bạn có nhận biết và tiếp nhận tình yêu thương của Đức Chúa Trời, có tin những điều Chúa Giê-xu đã làm cho bạn hay không. Chúa Giê-xu nói ai tin Con ấy, bạn có phải là một trong số những người tin Chúa Giê-xu không?

Mặc dù Đức Chúa Trời yêu thương bạn, mặc dù Đức Chúa Trời ban Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu chịu chết thay cho bạn, nhưng bạn chỉ có thể hưởng được trọn vẹn quà giáng sinh khi bạn tin Chúa Giê-xu. Hầu cho hễ ai tin Con ấy, nghĩa là tin những điều Chúa Giê-xu làm cho bạn.

Nhờ đâu bạn biết chắc mình có sự sống đời đời? Bạn đừng dựa vào cảm xúc, cũng đừng dựa vào người khác. Bạn hãy dựa vào lời hứa của Chúa Giê-xu: “Ai tin Con thì được sự sống đời đời” để biết chắc rằng mình có sự sống đời đời. Chết đời đời hoặc sống đời đời tuỳ theo quyết định của bạn khi còn sống trên trần gian này.

Xuân Thu


Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

NGÀY 23 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(7)



Tin nhận Chúa Giê-xu có nghĩa gì?

Có bốn chữ T để nhắc nhở bạn tin nhận Chúa là thế nào.

-Từ bỏ tội lỗi. Để tiếp nhận Chúa Giê-xu, bạn phải ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Ăn năn, từ bỏ tội lỗi nghĩa là bạn thừa nhận bạn là một tội nhân, hối tiếc về các tội lỗi bạn đã phạm và quyết định từ bỏ nó. Đây là thái độ đối với tội lỗi.

-Trở lại cùng Đức Chúa Trời.

Bạn từ bỏ tội lỗi để quay về với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu. Đây là thái độ đối với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xoá đi” (Công Vụ 3:19). “Phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công việc xứng đáng với sự ăn năn” (Công Vụ 26:20).

-Tin tưởng (trao phó) trọn vẹn.

Khi từ bỏ tội lỗi, trở lại cùng Đức Chúa Trời bạn phải đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giê-xu. Kinh Thánh cho biết: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8).

Tin tưởng (trao phó) trọn vẹn vào Chúa Giê-xu có nghĩa là bạn tin cậy Chúa Giê-xu cho đến lúc bạn hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài. Thí dụ bạn đi du lịch bằng máy bay. Bạn phải mua vé, ra phi trường, tin máy bay đưa bạn đến nơi, phải lên máy bay.

-Tôn Chúa Giê-xu làm Chúa, làm chủ của đời sống của bạn. Tôn Chúa Giê-xu là Chúa không phải chỉ xưng nhận Chúa là Chúa. Chúa Giê-xu nói: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21). Tôn Chúa Giê-xu là Chúa có nghĩa là để Ngài kiểm soát đời sống bạn.

-Tôi thấy cuộc đời của tôi như một chuyến xe.
-Ai đang lái chuyến xe đó?

-Tôi thấy cuộc đời tôi như con thuyền đang vượt qua bão tố.
-Ai đang làm thuyền trưởng trên con thuyền?

- Tôi thấy đời sống tôi như một ngôi nhà.
- Chúa là chủ nhà hay Ngài chỉ là khách mời?

-Tỏ bày

Tỏ bày cho người biết: “Tôi tin.”

Tỏ bày cho Chúa: “Thưa Chúa, con tin.”

Nếu bạn tin cậy Chúa một cách trọn vẹn, bạn phải xưng nhận (tỏ bày) niềm tin của bạn. Kinh Thánh cho biết: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10).

Xuân Thu

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

NGÀY 22 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(6)


Con người phải làm gì?

Đức Chúa Trời ban cho, còn con người chúng ta phải làm gì? Hãy đọc lại câu Kinh Thánh Giăng 3:16

-     Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian
-     Đến nỗi đã ban Con Một của Ngài
-     Hầu cho hễ ai tin Con ấy
-     Không bị hư mất
-     Mà được sự sống đời đời

Phần nào thuộc về quyền của Đức Chúa Trời?
Phần nào thuộc về quyền của con người?


Xuân Thu

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

NGÀY 21 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(5)


Quà tặng 4: Sự sống đời đời

Trong tương lai đời đời có hai cõi: cõi chết đời đời và cõi sống đời đời. Sự chết đời đời không có nghĩa là ‘chấm dứt mọi chuyện’ như người chết không còn biết suy nghĩ, không còn có cảm giác... Nhưng sự chết đời đời diễn tả tình trạng vĩnh viễn bị ngăn cách khỏi Đức Chúa Trời, và người chết đời đời nhận biết tình trạng khốn khổ của mình.

Sống đời đời là sự sống sung mãn Đức Chúa Trời ban cho bạn ngay trong hiện tại và sự sống vĩnh cửu với Ngài trong cõi đời đời. Sự sống đời đời là sự sống của Đức Chúa Trời ban cho. Là sự sống với Đức Chúa Trời, không bị phân cách với Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời là sự sống ở Thiên Đàng.

Con người đi tìm, tu luyện, làm lành lánh dữ, theo tôn giáo... để làm sao có được sự sống đời đời.

Nhưng con người không thể mua được sự sống đời đời bằng nỗ lực của chính mình, hoặc nỗ lực theo những phương pháp của trần gian. Sự sống của Đức Chúa Trời là sự sống của Đức Chúa Trời, chỉ của một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

Sự sống đời đời là quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho con người. Con người không cần bỏ công sức đi tìm hoặc đi mua. Con người chỉ cần nhận và giữ gìn sự sống đời đời mà thôi.

Xuân Thu


Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

NGÀY 20 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(4)


Quà tặng 3: Không bị hư mất

Con người nay còn mai mất, con người đi tìm sự cứu rỗi với ước muốn không bị hư mất. Tội lỗi như một căn bệnh đã tàn phá đời sống con người, làm cho con người trở nên hư hỏng và mất đi giá trị đích thực. Con người bị lạc mất và tương lai là hư mất đời đời.

Thế nhưng Đức Chúa Trời, qua Chúa Giê-xu, đã ban cho con người sự cứu rỗi. Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu, quyền lực của tội lỗi, sự hư hỏng của tội lỗi không thể làm hư hỏng và làm hư mất con người. Đức Chúa Trời có thể cứu rỗi con người, cứu con người tội lỗi ra khỏi sự hư mất đời đời. Quà tặng cho con người là quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời giải cứu con người khỏi hình phạt của tội lỗi là sự hư mất.

Chẳng những số phận của con người được thay đổi, con người không còn bị hư mất nữa. Chẳng những con người được quà tặng là không bị hư mất mà còn được một quà tặng nữa, đó là sự sống đời đời.




Xuân Thu

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

NGÀY 19 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(3)


Quà tặng 2: Con Một của Ngài

Nhóm từ ngữ đến nỗi đã ban Con Một của Ngài là món quà thứ hai, là bằng chứng cụ thể của tình yêu thương, là món quà cụ thể mà Đức Chúa Trời tặng cho con người. Lòng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian để chúng ta nhờ Con được sống. (1Giăng 4:9)

Nhóm từ ‘ban Con Một của Ngài’, ‘sai Con Một Ngài’ làm ta nghĩ rằng có một Đấng này sai Đấng kia xuống trần gian. Thật ra Đức Chúa Trời ba ngôi nhưng chỉ có một mà thôi. Ở trên trời, không thấy được, gọi là Đức Chúa Trời; xuống trần làm người, thấy được, có tên là Giê-xu ở Na-xa-rét; và ngự trị trong đời sống chúng ta, là Chúa Thánh Linh.

Khi viết ‘ban Con Một của Ngài’ muốn mô tả Đức Chúa Giê-xu là món quà, là sự ban cho từ Thiên đàng gởi xuống trần gian; là sự ban cho của chính Đức Chúa Trời, Đấng không thấy được qua một nhân vật Con Một mà con người nhìn thấy được là Chúa Giê-xu. Nói cách khác Chúa Giê-xu mà con người nhìn thấy được chính là Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời, Đấng con người không thể thấy được đã hạ mình xuống trần gian này, làm người, để chúng ta thấy được Ngài.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua món quà Ngài ban cho chúng ta. Món quà đó là Chúa Giê-xu đến trần gian này để chết trên thập tự giá vì cớ tội lỗi của chúng ta. Chúa Giê-xu đã chịu chôn và Ngài đã sống lại. Chúa Giê-xu là giải pháp duy nhất cho tội lỗi của nhân loại.

Dù bạn tin Chúa hoặc chưa tin Ngài thì

1. Sự kiện Đức Chúa Trời yêu thương bạn là điều đã xảy ra, và đây là điều không bao giờ thay đổi, trước sau gì Đức Chúa Trời vẫn yêu thương bạn, Ngài yêu thương bạn bằng tình yêu đời đời.

2. Sự kiện Chúa Giê-xu đến thế gian chịu chết cho tội lỗi của bạn là việc đã xảy ra. Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại cũng là điều đã xảy ra.

Xuân Thu


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

NGÀY 18 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(2)


Quà tặng 1: Đức Chúa Trời yêu thương con người

Con người thường nghĩ về Đức Chúa Trời hình phạt, gây tai họa, bệnh tật..., nhưng thật ra Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Kinh Thánh cho biết: Đức Chúa Trời là sự yêu thương. (1Giăng 4:8)

-Đức Chúa Trời là ai, và con người chúng ta là ai?
Chúa Trời ở trên trời cao kia, chúng ta ở dưới đất thấp này;

Đức Chúa Trời hằng hữu, còn con người thì nay còn mai mất;

Đức Chúa Trời quyền năng, còn con người vô quyền;
Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo, con người là tạo vật;

Đức Chúa Trời thánh khiết, còn con người tội lỗi.

Nếu liệt kê ra những gì thuộc về Chúa, những gì thuộc về người, chúng ta sẽ thấy có một cách biệt rất lớn giữa con người và Đức Chúa Trời.

Và nếu đem hai đối tượng Đức Chúa Trời và con người đặt cạnh nhau thì thấy ‘như đôi đũa lệch’, chẳng có gì gọi là ‘môn đăng hộ đối’, thật là ‘một trời một vực’.

Vậy mà Đức Chúa Trời lại thương yêu con người chúng ta, không phải thương yêu một cách chung chung, Ngài thương yêu từng người một cách cá nhân. Ngài lấy ‘tình yêu đời đời mà yêu’ mỗi chúng ta.

-Con người thường đặt điều kiện để yêu và khi yêu. Nhưng Chúa yêu con người và Ngài không đặt bất cứ điều kiện nào nơi con người.

Dù chúng ta thế nào Chúa cũng yêu chúng ta, nhiều người hiểu lầm điều này. Tin Chúa, thờ Chúa mới được Chúa yêu, còn không tin, không thờ thì bị Chúa ghét.

Dù bạn là ai, đang trong tình trạng nào, tin Chúa hoặc chưa, yêu thương Chúa hoặc thù ghét Ngài thì Đức Chúa Trời vẫn yêu thương bạn. Ngài yêu thương bạn vì Ngài là tình yêu thương.

Dù chúng ta chẳng biết Chúa, chẳng yêu Chúa, Ngài vẫn yêu chúng ta; dù chúng ta là xấu xa tội lỗi, Chúa vẫn yêu chúng ta.

Chúa yêu chúng ta khi chúng ta chưa biết Ngài, khi chúng ta còn ở trong tội lỗi, Ngài đã yêu chúng ta. Chúa không bảo, khi con sống khá hơn, đạo đức hơn, ta sẽ yêu con. Ngay cả khi chúng ta từ chối Ngài, phản bội Ngài, Ngài vẫn yêu chúng ta. Dù chúng ta là ai, làm gì, ra sao, có tin Ngài hoặc chưa, có đồng ý với Ngài hoặc không, Chúa vẫn yêu thương chúng ta.


Xuân Thu

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

NGÀY 17 THÁNG 12. QUÀ GIÁNG SINH(1)




Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16)

Có người đã tóm tắt Giăng 3:16 bằng bài toán cộng như sau:        
       cross          One cross             Nhất thập tự
  + 3  nails.   + Three nails.       + Tam cây đinh. 
  =  4 given   = Fo(u)rgiven       = Tứ tha thứ


Trong tiếng Việt bạn có thể làm bài toán cộng về Giăng 3:16 như sau:


1 thập tự
+ 3 cây đinh.
= 4 quà tặng.

Bốn món quà trong Giăng 3:16 là bốn món quà của Đức Chúa Trời gởi cho loài người.


Xuân Thu