Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

NGÀY 28 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ THẨM QUYỀN (5)


Đọc Giô-suê chương 1 ta biết quyền hành nào ở trên Giô-suê. Nhưng trong thời hiện đại đôi khi vị lãnh đạo ở dưới một quyền hành khác chớ không phải ở dưới quyền của Đức Chúa Trời. Không phải dưới quyền của Đức Chúa Trời mà là một người khác. (Chẳng hạn như ‘lệnh ông không bằng cồng bà’.)

Nhiều người lãnh đạo thuộc linh đánh mất thần quyền và thẩm quyền khi bỏ qua hoặc xem thường vai trò của Đức Chúa Trời trong chức vụ lãnh đạo của mình.

Có tiếng phán nào quan trọng hơn tiếng phán của Đức Chúa Trời không? Có con người nào cao trọng hơn Đức Chúa Trời không?

Đức Chúa Trời ở đâu trong chức vụ của người lãnh đạo thuộc linh. Có phải Ngài là cái phao cuối cùng để người lãnh đạo thuộc linh vớ lấy khi cần thiết không? Hoặc Ngài là tiếng nói đầu tiên cho mọi công việc và mọi vấn đề của cộng đồng Cơ Đốc?

Trước khi ông Giô-suê truyền lệnh cho các quan trưởng và hội chúng, ông Giô-suê cần gì nhất? Không phải chỉ cần lời tiến cử của ông Môi-se (Phục Truyền 31:7-8) – vì lời tiến cử chỉ diễn ra một lần. Không phải chỉ cần sự đặt tay (34:9) – vì đặt tay, phong chức, bổ nhiệm cũng chỉ diễn ra một lần. Cũng không phải chỉ cần lời tuyên bố của Đức Chúa Trời (31:23) – vì lời tuyên bố của Chúa chỉ mới xác định chức vụ, trách nhiệm và vai trò của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo thuộc linh cần gì trong thời gian tiếp theo đó? Người nhận chức vụ, nhận trách nhiệm và vai trò lãnh đạo thuộc linh có liên tục giữ mối liên hệ với Đức Chúa Trời không? Người lãnh đạo thuộc linh có tìm kiếm Chúa và Chúa có phán gì với người lãnh đạo thuộc linh không?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

NGÀY 27 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ THẨM QUYỀN (4)


Đức Chúa Trời ở cùng có nghĩa gì? Giô-suê 1:1-9 cho chúng ta câu trả lời.

1. Đức Chúa Trời ở cùng người lãnh đạo thuộc linh qua việc Ngài phán với người ấy.

Đức Chúa Trời phán với ông Môi-se, bây giờ Ngài cũng phán với ông Giô-suê, dù là qua những hình thức khác nhau. Giô-suê chương 1 cho thấy mô hình mà người lãnh đạo thuộc linh phải chú ý đến:

  • Đức Chúa Trời phán cùng Giô-suê (Câu 1)
  • Giô-suê truyền lệnh cho các quan trưởng (Câu 10)
  • Giô-suê nói với hội chúng (Câu 12)
Trong vai trò người lãnh đạo thuộc linh, phải chăng điều bạn cần nhất là tiếng phán của Đức Chúa Trời đối với bạn? Đây là điều kiện của Đức Chúa Trời đối với người lãnh đạo thuộc linh.



Giô-suê 1:1: Sau khi Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va qua đời, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê, con trai của Nun, tôi tớ của Môi-se,...

Khi Đức Chúa Trời chưa phán với mình thì người lãnh đạo thuộc linh không nên tuyên bố hoặc thực hiện điều gì. Người lãnh đạo thuộc linh không nên ‘phán’ với ai hết, vì người lãnh đạo thuộc linh không phải là Chúa Trời. Người lãnh đạo thuộc linh không phải là tối cao, độc tôn. Điều người lãnh đạo thuộc linh cần làm trước tiên là yên lặng tìm kiếm và lắng nghe tiếng của Đức Chúa Trời phán với mình.

Có nghe điều Đức Chúa Trời phán với mình, sau đó người lãnh đạo mới chuyển lại ý của Đức Chúa Trời cho người cộng sự và cho hội chúng. Người lãnh đạo thuộc linh phải nói về những nội dung mà Đức Chúa Trời có phán với mình.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

NGÀY 26 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ THẨM QUYỀN (3)



B. Đức Chúa Trời đối với người lãnh đạo thuộc linh

Nhờ đâu ông Giô-suê trở thành nhà lãnh đạo thuộc linh có thẩm quyền? Nhờ Đức Chúa Trời hay nhờ con người? Sở dĩ tuyển dân của Chúa nói rằng họ ủng hộ và vâng lời ông Giô-suê vì họ biết Đức Chúa Trời đã và đang ở cùng ông.

Ông Giô-suê là người lãnh đạo trong hiện tại, còn ông Môi-se là người lãnh đạo thời quá khứ. Thời ông Môi-se lãnh đạo là những năm tháng trong sa mạc, bây giờ đến thời ông Giô-suê là trang sử mới, giai đoạn mới. Dù hai thời đại khác nhau, tính chất (nội dung) của chức vụ khác nhau nhưng hai vị lãnh đạo vẫn giống nhau ở điểm được Đức Chúa Trời ở cùng. “Đức Chúa Trời ở cùng ông y như Ngài đã ở cùng ông Môi-se vậy!” 

Cộng đồng tín hữu lẫn giới lãnh đạo thuộc thế hệ hậu sinh thường cho rằng thế hệ sau chẳng thể nào hơn thế hệ trước. Thế hệ sau chỉ sống bằng hào quang của những nhân vật lỗi lạc của thế hệ trước và mơ ước lịch sử hào hùng xa xưa. Nhưng trong chuyện này tuyển dân của Chúa tin tưởng Đức Chúa Trời từng ở cùng ông Môi-se như thế nào thì cũng tiếp tục ở cùng ông Giô-suê giống như vậy.

Kinh Thánh viết về chức vụ của ông Môi-se như thế nào? Kinh Thánh cho biết: Về sau, trong I-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Gia-vê biết giáp mặt. Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Gia-vê Đức Chúa Trời sai người làm tại trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả I-sơ-ra-ên. (Phục Truyền 34:10-11) Mặc dù Kinh Thánh viết về ông Môi-se như vậy nhưng không có nghĩa là Đức Chúa Trời không ở cùng ông Giô-suê như Ngài ở cùng ông Môi-se.

Đức Chúa Trời ở cùng ông Môi-se để ông thực hiện một số công việc cho Ngài, Đức Chúa Trời cũng ở cùng ông Giô-suê để ông thực hiện một số công việc cho Ngài. Nếu công tác của ông Môi-se có lớn lao hơn, có khó khăn hơn, hoặc phi thường hơn thì điều đó không có nghĩa Chúa ở cùng ông Môi-se nhiều hơn, còn không ở cùng ông Giô-suê hoặc có ở cùng nhưng ít hơn. Công tác của mỗi người khác nhau nhưng điểm giống nhau là cả hai đều được Đức Chúa Trời ở cùng.

Đức Chúa Trời ở cùng người lãnh đạo thuộc linh để người đó thực hiện chương trình và công việc của Ngài chớ không phải để người đó thực hiện chương trình và ý định của riêng mình.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

NGÀY 25 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ THẨM QUYỀN (2)


Thế nhưng thực tế dường như không phải như vậy, nếu không nói là ngược lại: “Mọi điều quí vị bảo chúng tôi làm, chúng tôi không thèm làm. Mọi nơi quí vị sai chúng tôi đi, chúng tôi không thèm đi...” Thậm chí hội chúng còn muốn đem người lãnh đạo thuộc linh ra xét xử nữa. Người lãnh đạo thuộc linh hiện đại thấy mình chẳng có thẩm quyền gì cả. Chán nản quá!

Dù vậy, nếu là một vị lãnh đạo thuộc linh mà hội chúng chẳng những không thèm nghe, không thèm vâng lời, không ủng hộ mà còn phản đối, bắt bớ, đánh đập, thậm chí ‘giết’ đi (như trường hợp các vị tiên tri) thì thật là vinh dự biết bao. Vì sao? Vì dù có chết vị đó vẫn bày tỏ được thẩm quyền của mình. Đằng này, có những trường hợp, hội chúng chẳng những không thèm nghe, không vâng lời, không ủng hộ, mà cũng chẳng thèm bắt bớ, chẳng đánh đập hoặc ném đá. Hội chúng coi người lãnh đạo có cũng như không, sống cũng như chết, chẳng có giá trị gì, thật là mất mặt và chán ngán quá.

Đôi khi có những vị lãnh đạo thuộc linh chỉ muốn hội chúng phải nhất nhất tuân theo lệnh của họ nhưng chẳng quan tâm gì đến điều hội chúng kỳ vọng nơi họ. Như một người lãnh đạo thanh niên nói: “Mọi điều anh chị bảo các em, các em phải làm. Mọi nơi anh chị sai các em đi, các em phải đi. Các em nghe lời ông Môi-se thế nào thì cũng phải nghe lời anh chị như vậy. Còn chuyện Đức Chúa Trời có ở với anh chị như đã ở với ông Môi-se là chuyện riêng, các em không cần biết. Đứa nào chống lại mệnh lệnh của anh chị, không chịu nghe bất cứ lời nào anh chị truyền dạy, thì sẽ bị xử tử. Còn chuyện anh chị có mạnh mẽ và can đảm hay không đó là chuyện riêng của anh chị. Tò mò làm gì!” 

(Trích Cẩm Nang Người Lãnh Đạo Mất Thẩm Quyền)


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

NGÀY 24 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ THẨM QUYỀN (1)


A. Hội chúng đối với người lãnh đạo thuộc linh

Những người ấy thưa cùng Giô-suê rằng: “Chúng tôi sẽ làm theo mọi điều ông dặn biểu, và đi khắp nơi nào ông sai; chúng tôi sẽ vâng theo ông trong mọi việc y như đã vâng theo ông Môi-se. Chỉn nguyện Gia-vê Đức Chúa Trời ông ở cùng ông, y như Ngài đã ở cùng ông Môi-se vậy! Phàm ai nghịch mạng không vâng theo lời ông trong mọi điều ông dặn biểu chúng tôi, thì người đó sẽ bị xử tử; chỉ ông hãy vững lòng bền chí.” (Giô-suê 1:16-18)

Một bản Kinh Thánh khác dịch như sau:

Họ trả lời ông Giô-suê: “Mọi điều ngài truyền chúng tôi làm, chúng tôi sẽ làm; mọi nơi ngài sai chúng tôi đi, chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi đã nghe lời ông Môi-se thế nào, thì chúng tôi cũng sẽ nghe lời ngài như vậy. Chỉ cầu mong Đức Chúa Trời của ngài với ngài, như đã ở với ông Môi-se. Kẻ nào chống lại mệnh lệnh của ngài, không nghe bất cứ lời nào ngài truyền dạy, thì sẽ phải bị xử tử. Chỉ có điều ngài phải mạnh bạo và can đảm!”

‘Những người ấy’ (‘Họ’) trong mấy câu Kinh Thánh này là cộng đồng tuyển dân của Đức Chúa Trời. Họ thưa chuyện với ông Giô-suê là vị lãnh đạo mới của họ. Nghe những lời họ hứa hẹn với ông Giô-suê, chắc giới lãnh đạo thuộc linh thời nay ‘thấy mà ham’. Ông Giô-suê thật diễm phúc khi lãnh đạo một cộng đồng tuyển dân như vậy.

Là người lãnh đạo hội thánh hoặc các ban ngành (thanh niên, thiếu niên,...) được hội chúng nói như vầy: “Mọi điều quí vị bảo chúng tôi làm, chúng tôi sẽ làm. Mọi nơi quí vị sai chúng tôi đi, chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi đã nghe lời ông Môi-se thế nào, thì chúng tôi cũng sẽ nghe lời quí vị như vậy. Chỉ cầu mong Đức Chúa Trời của quí vị ở với quí vị,  như đã ở với ông Môi-se. Kẻ nào chống lại mệnh lệnh của quí vị, không nghe bất cứ lời nào quí vị truyền dạy, thì sẽ phải bị xử tử. Chỉ có điều quí vị phải mạnh bạo và can đảm.”

Nghe hội chúng nói như thế chắc người lãnh đạo thuộc linh cảm thấy như lên mây. Sao mà mình có uy quyền đến thế. Cả một cộng đồng lắng nghe mình, vâng lời mình, hết lòng ủng hộ mình. Còn gì bằng!

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

NGÀY 17 THÁNG 2. THÁNG GIÊNG - CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG (6)



Ngày ấy sẽ được gọi là ngày lễ Vượt qua của Chúa Hằng Hữu. Người ăn lễ phải thắt lưng gọn gàng, tay cầm gậy, chân mang giày, ăn vội vàng. (Xuất Ai Cập Ký 12:11 - BHĐ)

Trong khi dân I-sơ-ra-ên quây quần dùng bữa, Đức Chúa Trời giải cứu họ khỏi tang tóc trong đêm hôm đó. Hơn thế nữa Ngài còn giải cứu họ ra khỏi thân phận nô lệ tại Ai-cập.

Đức Chúa Trời giải cứu nhưng dân I-sơ-ra-ên phải lên đường ra khỏi Ai Cập. Nếu được giải cứu mà không ra đi, cứ ở lại thì trước sau gì cũng tiếp tục sống và làm nô lệ tại Ai Cập mà thôi.

Chuẩn bị thực phẩm, chuẩn bị bữa ăn, chuẩn bị sự an toàn, chuẩn bị sức lực trong tháng giêng không phải để tiếp tục duy trì cuộc sống nô lệ. Tất cả những điều Đức Chúa Trời muốn dân I-sơ-ra-ên chuẩn bị là để lên đường. Trong tháng giêng họ đã chuẩn bị, đã có sự giải cứu, bây giờ phải ra đi.  

Trong cộng đồng Cơ Đốc chúng ta có biết bao đời sống trải nghiệm "tháng giêng" thuộc linh: đã ăn thịt Chiên Con, đã được giải cứu, nhưng sau đó cứ tiếp tục sống đời nô lệ cho Sa-tan và tội lỗi. Chỉ vì họ không chịu từ bỏ những điều Chúa muốn họ từ bỏ, không chịu lên đường khởi đầu linh trình, tức là khởi đầu sống cuộc đời theo ý Chúa để đi đến Đất Hứa là nơi Chúa ban cho họ, không chịu thực hiện chương trình Ngài đã dành cho họ.

Tháng giêng đến rồi. Cần chuẩn bị và phải lên đường!   


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

NGÀY 16 THÁNG 2. THÁNG GIÊNG - CHUẨN BỊ SỨC LỰC (5)


Muốn có sức lực phải ăn. Người Việt Nam nói: Tháng giêng là tháng ăn chơi. Còn người I-sơ-ra-ên nói: Tháng giêng là tháng ăn chiên. Đêm ấy, mỗi người sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. Phải quay nguyên cả con chiên trên lửa, kể cả đầu, chân và bộ lòng. Đừng luộc thịt chín hoặc tái mà ăn. Đừng để dành gì cả. Nếu ăn còn thừa, sáng hôm sau phải đốt đi. (Xuất Ai Cập Ký 12:8-10 - BHĐ)

Người I-sơ-ra-ên ăn rau đắng để nhớ những đắng cay, tủi nhục mà họ phải chịu trong thời gian làm nô lệ tại Ai-cập. Họ ăn bánh không men trong ý nghĩa loại bỏ tất cả các tội lỗi trong cuộc sống tại Ai-cập. Họ ăn thịt chiên con và nhận biết rằng nhờ huyết chiên con mà gia đình được an toàn và nhờ thịt chiên con mà họ có sức lực.

Ngày nay, chúng ta là những người hiểu rõ ràng hơn họ: Chiên con đó là hình bóng về Chiên Con của Đức Chúa Trời, tức là Chúa Giê-xu. Cái chết của chiên con đó hình bóng về sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Ngày nay, khi tin Chúa, chúng ta không bôi huyết lên hai cây cột và lên mày cửa của ngôi nhà mình. Nhưng chúng ta tin vào sự chết của Chúa Giê-xu. Nhờ niềm tin đó mà chúng ta được giải cứu khỏi sự chết vì cớ tội lỗi. Chúa Giê-xu nói: "Vì thịt ta là thức ăn đích thực, và huyết ta là thức uống đích thực. Người ăn thịt ta và uống huyết ta thì sống trong ta và ta sống trong người ấy." (Giăng 6:55-56 - BPX) Nhờ tin nơi sự chết của Chúa Giê-xu và tiếp nhận Ngài mà chúng ta có sức lực cho đời sống thuộc linh.

Tháng giêng, ăn để sống, ăn để có sức lực chớ không phải ăn để chết, không phải ăn để mất sức khỏe. Nhiều người tin Chúa rơi vào tình cảnh mất sức khỏe, bệnh tật chỉ vì trong tháng giêng họ đã ăn những thứ không nên ăn, uống những thứ không nên uống.

Có một nguyên tắc giúp cho chúng ta chuẩn bị sức lực cả về thuộc thể và thuộc linh, đó là chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ (Cô-lô-se 2:21) đối với những thứ không nên ăn, những thứ không nên uống.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

NGÀY 15 THÁNG 2. THÁNG GIÊNG. CHUẨN BỊ SỰ AN TOÀN (4)


Mỗi gia đình sẽ giết con vật đã chọn, lấy huyết nó bôi lên khung cửa (hai thanh dọc hai bên và thanh ngang bên trên cửa). (Xuất Ai-cập Ký 12:7 - BHĐ)

Ngay sau khi giết con chiên, mỗi gia đình người I-sơ-ra-ên sẽ lấy huyết của chiên con bôi trên khung cửa của nhà mình. Vì sao phải làm như vậy? Vì sự an toàn của gia đình. Đức Chúa Trời phán: "Đêm ấy, ta sẽ lướt qua Ai-cập; tất cả các con trưởng nam của dân này sẽ bị giết luôn cả con đầu lòng của thú vật họ; ta cũng sẽ trừng phạt các thần của Ai-cập, vì ta là Chúa Hằng Hữu. Huyết bôi trên khung cửa đánh dấu nhà các ngươi ở. Trong cuộc trừng phạt Ai-cập, khi thấy huyết ở trước nhà nào, ta sẽ bỏ qua nhà ấy." (Xuất Ai-cập Ký 12:12-13)

Ông Mô-se đã tập họp các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên để phổ biến cho họ. Rồi họ lo chỉ dẫn kỹ càng cho dân I-sơ-ra-ên điều Đức Chúa Trời truyền phán. Mô-se họp các bô lão I-sơ-ra-ên lại, bảo họ: "Các ông lo chọn một số chiên tùy theo số gia đình để dân chúng giết chiên hành lễ Vượt qua. Phải hứng huyết chiên trong chậu, lấy một bó hương thảo nhúng vào huyết, đem bôi lên khung cửa (hai thanh dọc và một thanh ngang bên trên cửa) Đêm đó, không ai được ra khỏi nhà. Trong cuộc trừng trị Ai-cập, khi Chúa Hằng Hữu đi ngang qua nhà nào có vết máu bôi trên khung cửa, Ngài sẽ vượt qua, không cho kẻ Hủy Diệt vào nhà ấy." (Xuất Ai-cập Ký 12:21-23 - BHĐ)   

Dù vâng lời Đức Chúa Trời chọn con chiên con, vâng lời giết chiên con, nhưng không bôi huyết chiên con lên khung cửa thì đêm hôm đó không còn vui vẻ để ăn uống mà chỉ có khóc lóc mà thôi. Vâng lời Chúa không thể vâng lời phần này mà bỏ qua phần kia. Vâng lời chuẩn bị cho bữa ăn no nê nhưng rồi có người phải chết thì ăn uống để làm gì?

Người I-sơ-ra-ên cần lo cho việc ăn uống trước hay cần lo cho sự an toàn và an vui của các thành viên trong gia đình trước? Ngay sau khi giết con chiên con, chắc chắn người chủ gia đình phải lo bôi huyết lên khung cửa của nhà mình. Lo cho gia đình ăn uống đầy đủ mà không lo cho sự an toàn và an vui thuộc linh của các thành viên thì ăn uống về phần vật chất làm gì? Lo cho cả gia đình ăn uống trong hiện tại nhưng lại không lo cho sự an toàn của một thành viên trong gia đình, để rồi về sau cả nhà phải khóc than vì thành viên đó thì đúng là sơ xuất nghiêm trọng.

Làm sao biết được bôi huyết lên khung cửa thì sẽ được an toàn và an vui? Đây là vấn đề của đức tin. (1)Tin lời Chúa phán. (2)Thực hiện điều Chúa truyền phán. Tin và làm theo tất cả mọi việc, chứ không phải vài việc.



(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

NGÀY 14 THÁNG 2. THÁNG GIÊNG - CHUẨN BỊ BỮA ĂN (3)



Ngày mười tháng giêng, mỗi gia đình người I-sơ-ra-ên chuẩn bị một con chiên con. Đợi đến chiều tối ngày mười bốn tháng giêng, mỗi gia đình sẽ giết con vật đã chọn. Đêm ấy, mỗi người sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng. Phải quay nguyên cả con chiên trên lửa, kể cả đầu, chân và bộ lòng. Đừng luộc thịt chín, hoặc tái mà ăn. (Xuất Ai-cập Ký 12:6, 8, 9 - BHĐ)

Chỉ dẫn cho bữa ăn rất cụ thể. Không được làm món luộc, hoặc món tái. Chỉ làm món quay. Thực đơn cho bữa ăn gồm:

     + Thịt chiên quay.
     + Bánh không men.
     + Rau đắng.

-Thực đơn bữa ăn trong đêm mười bốn tháng giêng làm hình ảnh cho điều Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn từ buổi sáng thế. Đó là thực đơn trong bữa tiệc cứu rỗi do Đức Chúa Trời chuẩn bị cho toàn thể nhân loại qua các thời đại. Con chiên con trong thời Cựu Ước chính là Chúa Giê-xu trong thời Tân Ước.

Chiên con bị giết tức là có sự đổ huyết, tượng trưng cho sự hy sinh. Rồi quay trên lửa tức là chiên con chịu khốn khổ trăm bề. Sau đó mới có thịt chiên để ăn, để có sự sống và sức mạnh. Chúa Giê-xu là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã được chuẩn bị cho chúng ta.

-Ông Mô-se gọi bánh không men là bánh hoạn nạn, là bánh người I-sơ-ra-ên ăn khi đi ra khỏi Ai-cập cách vội vàng. (Phục Truyền 16:3)

Men tượng trưng cho tội lỗi nên bánh không men có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi người I-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai-cập cần loại bỏ "men tội lỗi" khỏi đời sống mình. Sau khi tin Chúa, mỗi người chúng ta được giải cứu khỏi tội lỗi nhưng chúng ta có chịu loại bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống của mình không. Sứ đồ Phao-lô khuyên: Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. (I Cô-rinh-tô 5:7 - BHĐ)

Bánh không men càng ý nghĩa hơn nữa khi Chúa Giê-xu lấy bánh, cảm tạ, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ và nói: "Đây là thân thể ta, hãy cầm lấy và ăn đi!" (Ma-thi-ơ 26:26 - BPX) Chúa Giê-xu ví Ngài với thức ăn theo như Ngài từng tuyên bố: "Ta là bánh từ trời xuống" (Giăng 6:41)  

-Rau đắng nhắc nhở về những nỗi đau đớn và cay đắng mà dân I-sơ-ra-ên phải chịu khi xây thành Phi-thom và Ram-se. Kinh Thánh cho biết càng bị hành hạ, dân I-sơ-ra-ên càng sinh sôi nảy nở. Người Ai-cập lo hoảng, bắt họ làm việc càng thêm nhọc nhằn, làm cho đời họ đắng cay. Trong công việc nhồi đất, nung gạch và mọi việc đồng áng, họ bị đối xử cách cay nghiệt, bạo tàn. (Xuất Ai-cập Ký 1:12-14 - BHĐ)

Đức Chúa Trời đã ấn định thực đơn cho bữa tiệc cứu rỗi chúng ta. Về phần chúng ta cần chuẩn bị những gì?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

NGÀY 13 THÁNG 2. THÁNG GIÊNG - CHUẨN BỊ THỰC PHẨM (2)


Đức Chúa Trời phán với ông Mô-se: "Phải công bố cho toàn dân I-sơ-ra-ên biết, vào mồng mười tháng này, mỗi gia đình sẽ bắt một con cừu hay một con dê; nếu gia đình có ít người, sẽ chung với một gia đình ít người khác trong vòng láng giềng, tính thế nào cho đủ người ăn hết thịt. Con cừu hay con dê này phải là một con đực, một tuổi, hoàn toàn tốt lành." (Xuất Ai-cập Ký 12:2-6 - BHĐ)

Đức Chúa Trời muốn dân I-sơ-ra-ên chuẩn bị thực phẩm chính cho họ là con chiên con. Lời hướng dẫn rất cụ thể. Vào mồng mười tháng giêng, mỗi gia đình phải tìm một con chiên con đực một tuổi, không bệnh tật, không có tì vết. Nếu không có chiên, họ có thể tìm dê con đực. Việc tìm con chiên, con dê không khó đối với người I-sơ-ra-ên là những người sống bằng nghề chăn nuôi gia súc.

Chúa căn dặn họ rất kỹ rằng họ phải chuẩn bị thực phẩm vừa đủ cho gia đình của mình. Nếu gia đình không thể ăn hết một con chiên con thì cần mời gia đình khác cùng chung với gia đình của mình. Muốn như vậy, mỗi gia đình cần quan tâm đến những gia đình khác là những gia đình nghèo khó, không đủ khả năng để có một con chiên con. Thậm chí nếu gia đình nghèo khó có duy nhất một con chiên con thì họ cũng không đụng đến con chiên con đó.

Để chuẩn bị cho tháng giêng, chúng ta có thói quen chuẩn bị rất nhiều thực phẩm, nhiều đến nỗi ăn không hết. Trong khi đó nhiều gia đình khác không có tiền để sắm sửa gì cả. Tháng giêng là cơ hội để quan tâm đến những người neo đơn, nghèo khổ và chia sẻ thực phẩm cho họ.

Trong khi chuẩn bị cho năm mới, chúng ta có quan tâm đến những người neo đơn, nghèo khó không? Chúng ta chuẩn bị những gì cho năm mới? Chỉ chuẩn bị thực phẩm nuôi thuộc thể. Có quan tâm đến thực phẩm nuôi tâm linh không?

Trong nhiều thế hệ, người I-sơ-ra-ên chuẩn bị con chiên con nhưng có lẽ họ không biết hình bóng của con chiên con đó. Đến thời Tân Ước, ông Giăng Báp-tít giới thiệu về Chúa Giê-xu rằng: "Đây là Chiên Con của Đức Chúa Trời" (Giăng 1:19) Ngày ngay chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu là chính là Chiên Con được Đức Chúa Trời chuẩn bị cho nhân loại để có tháng giêng đánh dấu cho một khởi đầu mới trong cuộc đời.



(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

NGÀY 12 THÁNG 2. CHUẨN BỊ CHO THÁNG GIÊNG (1)


Năm mới bắt đầu từ tháng giêng. Đối với dân I-sơ-ra-ên, tháng giêng trong giáo lịch của họ do Đức Chúa Trời định. Trong tháng cuối cùng của cuộc đời nô lệ ở Ai-cập, Kinh Thánh chép: Khi Mô-se và A-rôn còn ở Ai-cập, Chúa Hằng Hữu phán bảo họ: "Từ nay về sau, tháng này sẽ được kể là tháng thứ nhất, tức là tháng giêng trong năm.” (Xuất Ai-cập Ký 12:1-2 - BHĐ)

Khi Đức Chúa Trời phán: "Từ nay về sau, tháng này sẽ được kể là tháng thứ nhất, tức là tháng giêng trong năm" nghĩa là họ chưa bao giờ thật sự sống trong tháng giêng. Người nô lệ không có tháng giêng, không có năm mới, không có mùa xuân.

Trong 400 năm lưu trú tại Ai-cập, có lẽ người I-sơ-ra-ên đón mùa xuân theo tháng giêng của người Ai-cập. Hoặc họ có tháng giêng theo phong tục tập quán của chính họ. Nhưng giờ đây, trong tiến trình giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, Đức Chúa Trời muốn họ ghi nhớ sự kiện lịch sử này bằng tháng giêng.

Mỗi năm chúng ta đón tháng giêng dương lịch, rồi tháng giêng âm lịch, nhưng đừng quên rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời của chúng ta bằng tháng giêng thuộc linh.

Để hưởng được tháng giêng do Đức Chúa Trời ấn định, dân I-sơ-ra-ên cần chuẩn bị những gì?




(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

NGÀY 11 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ TẦM NHÌN (11)


Nhưng các ngươi, tức là hết thảy những người mạnh dạn, phải cầm binh khí đi ngang qua trước anh em mình, và giúp đỡ họ, cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va ban sự  yên nghỉ cho anh em các ngươi, và đến khi họ cũng đã nhận được xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho. (Giô-suê 1:14-15)

(2)Giúp đỡ đến khi nào? Bày tỏ tình yêu thương và trách nhiệm bao lâu? Phục Truyền 3:20 và Giô-suê 1:15 cho biết phải bày tỏ tình yêu thương và bày tỏ trách nhiệm đối với anh em mình cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va ban sự an nghỉ cho anh em các ngươi, y như đã ban cho các ngươi, và đến khi họ cũng nhận được xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho.

Giúp đỡ cho đến chừng nào người được giúp đỡ nhận được sự an nghỉ. Đây là sự giúp đỡ đến nơi đến chốn, giúp đỡ dài hạn có kế hoạch, có mục tiêu rõ rệt.

- Có những sự giúp đỡ không làm cho người giúp đỡ được an nghỉ nhưng lại làm khổ họ, họ buộc phải lệ thuộc, phải quỵ lụy, phải cầu cạnh. Người giúp đỡ không được phép nói rằng mình ban sự an nghỉ cho anh em. Người giúp đỡ phải nói: “Tôi chỉ vâng lời Chúa đến giúp đỡ anh em, còn chính Đức Giê-hô-va mới là Đấng ban sự an nghỉ cho anh em.”

- Có những sự giúp đỡ không làm cho anh em được an nghỉ mà làm cho anh em ‘nghỉ yên’ luôn. Giúp đỡ một cách nửa vời, giúp đỡ nửa chừng bỏ dở. Giúp không tới nơi tới chốn nên thay vì anh em có thể tự lực tự dưỡng thì họ lại ‘chết yểu’ luôn.

Mặc dù ông Giô-suê chỉ nhắc lại điều ông Môi-se đã nói nhưng cả hai ông đều nhắc lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Người lãnh đạo thuộc linh muốn vâng theo mạng lệnh của Chúa, trước hết cần có tầm nhìn về tình yêu thương và trách nhiệm đối với anh em mình rồi mới có thể khích lệ cộng đồng mình đang lãnh đạo sống yêu thương và có trách nhiệm đối với cộng đồng Cơ Đốc khác.

Ai cũng có thể lái được con tàu, nếu có một nhà lãnh đạo vẽ cho họ hải trình. John C. Maxwell

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

NGÀY 10 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ TẦM NHÌN (10)



Người lãnh đạo thuộc linh phải là người nhắc nhở, khuyến khích tinh thần yêu thương và chịu trách nhiệm đối với những anh em của mình. Tuy nhiên người lãnh đạo thuộc linh cần lưu ý điều này:

(1)Ai đi giúp đỡ? “Các ngươi, tức là hết thảy những người mạnh dạn, phải cầm binh khí đi ngang qua trước anh em mình, và giúp đỡ họ.”
Những người mạnh dạn, có cầm binh khí mới có thể ra đi và giúp đỡ anh em của mình. Đừng sai những người yếu ớt ra đi, những người yếu ớt cần giữ ở nhà để chăm sóc họ.

- Có những người chỉ ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’, có tiền là có quyền chia sẻ và huấn luyện. Họ chỉ trang bị tiền bạc, tài liệu nhưng chưa thật được trang bị và chưa biết cách sử dụng binh khí thuộc linh. Làm sao có thể giúp đỡ anh em mình được?

- Có những ban thanh niên cử những bạn chỉ thích ham vui, thích đi chơi cho biết, hoặc những người yếu đuối trong nếp sống Cơ Đốc ra đi giúp đỡ người khác. Làm sao giúp được?

- Có những người chưa được trang bị đầy đủ về phương pháp học Kinh Thánh lại đi huấn luyện, hướng dẫn cho người ta cách học Kinh Thánh.

- Có những người chưa bao giờ dạy thiếu nhi đi giúp dạy thiếu nhi cho hội thánh vùng quê. Những người không am tường về người khiếm thị và khuyết tật lại đi giúp người khiếm thị khuyết tật...

(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

NGÀY 9 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ TẦM NHÌN (9)


4. Tầm nhìn về tình yêu thương và trách nhiệm

Giô-suê cũng nói cùng người Ru-bên, người Gát, và phân nửa chi phái Ma-na-se mà rằng: “Hãy nhớ lại điều Môi-se, tôi tớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã cho các ngươi an nghỉ và ban xứ này cho các ngươi. Vợ, con nhỏ, và bầy súc vật các ngươi sẽ ở trong xứ mà Môi-se ban cho các ngươi về phía bên này sông Giô-đanh; nhưng các ngươi, tức là hết thảy những người mạnh dạn, phải cầm binh khí đi ngang qua trước anh em mình, và giúp đỡ họ, cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va ban sự  yên nghỉ cho anh em các ngươi, và đến khi họ cũng đã nhận được xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho. Đoạn, các ngươi sẽ trở về xứ mình, là xứ Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, đã ban cho các ngươi ở phía bên này sông Giô-đanh, về hướng mặt trời mọc, rồi các ngươi sẽ lấy nó làm sản nghiệp.” (Giô-suê 1:12-15)

Trong Phục Truyền Luật lệ Ký chương 3:

- Câu 1-11 ghi lại sự kiện tuyển dân của Chúa đánh chiếm một số thành trì và đất đai trước khi họ qua sông Giô-đanh.

- Câu 12-17 ông Môi-se chia xứ chiếm được cho người Ru-bên, người Gát và phần nửa chi phái Ma-na-se.

- Câu 18-19 ông Môi-se truyền lệnh cho người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se phải cùng đi qua sông Giô-đanh và giúp các chi phái khác chiếm lấy đất hứa .

- Giờ đây ông Giô-suê nhắc lại điều Đức Giê-hô-va từng dùng ông Môi-se truyền lệnh cho người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se. Họ không được phép chỉ biết đến chi phái của họ, thành trì của họ, đất đai của họ, vợ con và bầy súc vật của họ. Họ đã nhận xứ của mình, đã lo toan cho xứ của mình nhưng họ chưa được phép thụ hưởng. Được an cư, lạc nghiệp nhưng không được phép quên anh em của mình. Đây là tầm nhìn về tình yêu thương và trách nhiệm đối với anh em của mình.

Thật ngạc nhiên khi ngày hôm nay tình yêu thương và trách nhiệm của các cộng đồng Cơ Đốc đối với nhau dường lại rất lạnh nhạt, xa lạ và không thể hiện trách nhiệm đối với anh em trong đại gia đình của Đức Chúa Trời. Nhiều ban thanh niên, ban thiếu niên tại các thành phố lớn, các thị xã đã ổn định. Họ có khả năng tài chánh, có nhân sự, tự trang bị các thiết bị âm thanh, âm nhạc, tự tổ chức trại hè, đi chơi... Họ chỉ lo cho cộng đồng của họ, vui hưởng với nhau mà không có tầm-nhìn-giúp-đỡ những cộng đồng Cơ Đốc đang thiếu thốn. Tinh thần của họ là dửng dưng đối với anh em của mình: không chia sẻ chương trình và ý tưởng mới. Người ta xin được cùng đi dự trại hè cũng không cho, năn nỉ hết hơi cũng không được. Có thể xem những cộng đồng đó là ‘nhà-giàu-Cơ-Đốc’ không nhìn đến những ‘La-xa-rơ-ngồi-trước-cửa-nhà-mình’.





(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

NGÀY 8 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ TẦM NHÌN (8)



3. Tầm nhìn về mục tiêu và kế hoạch ngắn hạn – dài hạn

Bấy giờ Giô-suê truyền lệnh cho các trưởng lão của dân sự mà rằng: “Hãy sắm sẵn thực vật, vì trong ba ngày nữa các ngươi sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh này, đặng đánh lấy xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi ban cho mình làm sản nghiệp.” (Câu 11)

Người lãnh đạo thuộc linh cụ thể hóa khải tượng, lời hứa của Đức Chúa Trời bằng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Cần có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để đạt đến mục tiêu.

Mục tiêu và kế hoạch ngắn hạn của ông Giô-suê bao gồm:

  • Hiện tại: chuẩn bị lương thực.
  • Tương lai gần: ba ngày nữa sẽ vượt sông Giô-đanh.
  • Tương lai gần: trận chiến đầu tiên.
Mục tiêu và kế hoạch dài hạn của ông Giô-suê
  • Tương lai xa: sản nghiệp.

Để đạt được mục tiêu dài hạn, trước hết cần có những kế hoạch cho những mục tiêu ngắn hạn. Nếu không có kế hoạch cho những mục tiêu ngắn hạn thì làm sao đạt được mục tiêu dài hạn.

Nhiều người lãnh đạo thuộc linh không chủ động trong mục tiêu, không chủ động trong kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn. Họ chỉ có kế hoạch để đối phó với những hoàn cảnh đang xảy ra. Đây chỉ là những kế hoạch đối phó với những tình huống, theo kiểu ‘nước lên thì thuyền lên’, không chủ động mà bị lệ thuộc vào hoàn cảnh cho nên ‘nước xuống thì thuyền cũng xuống’.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

NGÀY 7 THÁNG 2. LÃNH ĐẠO THUỘC LINH VÀ TẦM NHÌN (7)


- Nhiều người lãnh đạo, nhiều người đặc trách, nhiều người hướng dẫn, ban điều hành thanh niên, thiếu niên có tầm nhìn rất hạn hẹp về phạm vi hoạt động của mình và của giới trẻ Cơ Đốc.

Người đặc trách, ban hướng dẫn chỉ thấy phạm vi hoạt động của giới trẻ Cơ Đốc ở trong phòng nhóm mà thôi. Ban điều hành có tầm nhìn giới hạn trong nhà thờ, trong ban ngành. Tầm nhìn này ảnh hưởng đến các thanh thiếu niên dưới quyền hướng dẫn của họ. Các em chỉ nhìn thấy tổ của mình, ban ngành của mình. Hậu quả là phạm vi hoạt động bị thu hẹp, chỉ giới hạn trong phòng nhóm.

Vị đặc trách chỉ biết thỉnh thoảng đến phòng nhóm ngồi với giới trẻ một lần. Các anh chị hướng dẫn, cũng đến nhưng thường xuyên đến trễ, ngồi với nhau, thỉnh thoảng ‘hướng’ một chút, ‘dẫn’ một chút. Thủ quỹ chỉ biết đến phòng nhóm, ngồi đó đếm tiền, giữ tiền và chi tiền. Thư ký đến buổi nhóm chỉ lo thông báo, ghi biên bản. Các thành viên chỉ biết đi đến buổi nhóm cho có mặt và ráng sức ngồi nghe nghiêm túc.

Phạm vi hoạt động của giới trẻ Cơ Đốc chỉ có thế thôi sao? Sẽ chẳng bao giờ hưởng được “địa phận lan ra từ... cho đến... về hướng mặt trời mọc.” Cần hướng tầm nhìn và tầm hoạt động rộng hơn, lớn hơn, xa hơn. Giới trẻ có hướng đến các vấn đề của hội thánh địa phương không? Có dấn thân vào lãnh vực thiếu nhi không? Có quan tâm đến các ban thanh niên, các ban thiếu niên ở vùng quê không? Có quan tâm vực dậy tình trạng học tập rất yếu kém của học sinh Cơ Đốc không? Có hướng đến những hoạt động xã hội không? Có quan tâm đến văn phẩm sách báo Cơ Đốc không? Có tận dụng giải trí, thể dục thể thao để ‘chinh phục’ linh hồn cho Chúa không?

Có tầm nhìn rộng về phạm vi hoạt động thì cộng đồng Cơ Đốc mới có những chương trình, đề án, kế hoạch để hành động. Có con người, có nhân lực, nhưng không có khải tượng, không có mục tiêu đường hướng thì sẽ không có những kế hoạch. Nghĩa là không sẽ có tương lai.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)