Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Ngày 3 tháng 8. MẤT TÁC DỤNG NHƯ ĐÔI CHÂN VÔ DỤNG


26
7
Ống chân người què đòng đưa vô dụng,
Câu Châm Ngôn trong miệng kẻ ngu dại cũng vậy.


7
Châm Ngôn trong miệng kẻ khờ dại,
Khác nào chân bại trong thân thể người què.               


(Bản Hiện Đại)

-Đối với kẻ ngu dại, câu châm ngôn nên lọt vào tai và ở trong tâm trí chớ không nên trong miệng. Vì châm ngôn, ngụ ngôn, tư tưởng triết nhân cùng lời nói sâu kín để giúp kẻ khờ nên khôn, người trẻ tuổi hiểu biết và thận trọng. (Châm Ngôn 1:6, 5)   
Kẻ ngu dại cần im lặng, lắng nghe châm ngôn chớ không nên mở miệng nói châm ngôn cho người khác nghe. Đó cũng là lý do có lời khuyên phải làm cho kẻ ngu dại ngậm miệng. (Châm Ngôn 26:5) Biết im lặng dại cũng thành khôn, biết hãm cầm miệng lưỡi được coi là sáng suốt. (Châm Ngôn 17:28) Kẻ điên dại thường lắm mồm (Truyền Đạo 5:2) cho nên thay vì để cho lưỡi người khôn truyền thông tri thức, thì miệng kẻ dại tuôn chảy điên rồ. (Châm Ngôn 15:2)
-Đối với kẻ dại câu châm ngôn trước hết cần ở trong tâm trí, tức là hiểu biết, chớ không nên ở trong miệng. Vì kẻ dại chỉ nói câu châm ngôn nhưng không hiểu ý nghĩa nên chẳng giải thích được. Còn đối với người khôn ngoan thì ngược lại. Không gì hơn khôn ngoan. Người khôn giải thích được sự vật nhờ hiểu biết. Sự khôn ngoan làm cho mặt mày sáng sủa, đổi nét cứng cỏi ra dịu dàng. (Truyền Đạo 8:1) Dân I-sơ-ra-ên trong thời xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem là tấm gương sáng trong việc thờ phượng và nghe lời Đức Chúa Trời. Sau khi thờ phượng Chúa, dân chúng vẫn ở tại chỗ để nghe người Lê-vi đọc từng điều luật và giải thích rõ ràng. Dân chúng hiểu được ý nghĩa nên khóc nức nở. (Nê-hê-mi 8:7-9)   
-Đối với kẻ dại câu châm ngôn trước hết nên ở nơi tay, tức là trong hành vi, chớ không nên ở trong miệng. Chúa Giê-xu cảnh cáo nếp sống đạo của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vì họ nói mà không làm. Chúa khuyên: “Anh em hãy thực hành và tuân giữ những điều họ dạy, nhưng đừng bắt chước hành động của họ, vì họ nói mà không làm!” (Ma-thi-ơ 23:1-7)
Kẻ cần nghe dạy để hiểu rồi thực hành châm ngôn lại trở thành người sử dụng châm ngôn để dạy người khác thì chẳng khác gì người có chân què, chân bại mà đòi chạy đòi nhảy. Thật là nghịch lý và vô ích. Đây cũng là lý do người khôn ngoan đừng trao cho kẻ ngu dại vinh dự giáo dục. (Châm Ngôn 26:1)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét