Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Ngày 8 tháng 2. NÊN CHĂNG GẮN QUẢ TỐT LÊN CÂY XẤU


20 11 Công việc con trẻ làm, hoặc trong sạch hoặc chánh đáng,
                 Cũng đều tỏ bổn tánh nó ra.

          11 Dù còn niên thiếu, tánh tình đã bộc lộ,
                 Qua hành vi, biết nó thật hay không.
                 (Bản Hiện Đại) 

Làm thế nào để hiểu trẻ em? (N1)Nhớ lại thời mình còn nhỏ tuổi mình nghĩ gì, thích gì, làm gì… nhờ đó sẽ hiểu trẻ. (N2)Nhờ đọc và học về tâm lý, tức là qua sách vở, qua học tập, nghiên cứu nhờ đó sẽ hiểu trẻ. (N3)Nhìn kỹ lưỡng và nhiều lần, tức là quan sát trẻ nói năng, hành động, cư xử, trong mối liên hệ… để hiểu trẻ. (N4)… Câu Châm Ngôn đề cập đến N3.        

Học theo thói giả hình của người lớn nên trẻ em “làm ra vẻ công chính” (Lu-ca 16:15) còn hành vi bình thường và vô tư của trẻ em biểu lộ con người thật của chúng (tốt hoặc xấu).
Qua hành vi (việc làm) của trẻ ta đoán được tánh tình của trẻ: Rộng lượng hoặc ích kỷ, kiên nhẫn hoặc hấp tấp, kiên định hoặc mềm yếu…  
Qua hành vi của trẻ ta biết thói quen của trẻ. Siêng năng hoặc lười biếng, cẩn thận hoặc cẩu thả, trật tự hoặc bừa bãi,…
Qua hành vi của trẻ ta biết sự chọn lựa và các mối liên hệ của trẻ. Mối liên hệ bạn bè tốt hoặc xấu, liên hệ trong lãnh vực giải trí lành mạnh hoặc không lành mạnh,…   

“Công việc trẻ con làm”, theo thời gian sẽ trở thành “công việc người lớn làm”. Vì cớ hành vi tốt hoặc xấu của người lớn được hình thành từ tuổi thơ nên các bậc phụ huynh, người hướng dẫn cần nhận biết tâm tánh, thói quen, điều tốt, điều xấu, điều đúng, điều sai của đứa trẻ để cầu nguyện cho trẻ, chỉ dẫn trẻ nhận biết điều tốt, xấu của mình, giúp trẻ tin cậy Chúa, phát huy tâm tánh tốt, tập tành những thói quen tốt, từ bỏ những điều xấu.   

Chúa Giê-xu phán: “Cây tốt ra quả tốt, còn cây xấu ra quả xấu. Cây tốt không thể ra quả xấu, và cây xấu cũng không thể ra quả tốt được.” (Ma-thi-ơ 7:17-18) Điều sai lầm của con người là ép buộc trẻ thay đổi hành vi xấu thành tốt (quả tốt) trong khi bản tánh vẫn xấu (cây xấu). Cho nên qua hành vi của đứa trẻ ta biết bản tánh của nó. Muốn đứa trẻ có hành vi tốt, muốn thay đổi trẻ, chúng ta phải bắt đầu từ bản tánh, từ “cây” chớ không phải từ “quả”.   

Oaktreevu  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét