Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

GIỚI THIỆU SÁCH: CHUYỆN CỦA EM



Chuyện Của Em là loạt bài học về những chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước kèm với những điều khoản trong Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em. 

Loạt bài này giúp người lớn và trẻ em biết những chuyện ghi trong Kinh Thánh về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài quan tâm đến trẻ em từ khi chưa chào đời nên Ngài chuẩn bị một thế giới tươi đẹp nhằm bảo vệ sự sống còn của trẻ em. 

Trong thân xác con người, Đức Chúa Giê-xu là mẫu mực về sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ngài coi trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em và dùng trẻ em nêu gương cho người lớn. Đức Chúa Giê-xu lên án những người làm cho trẻ em mất niềm tin nơi Chúa đến nỗi trở thành người xấu trong xã hội. Ngài muốn trẻ em được tự do đến với Ngài để bày tỏ niềm tin và ý kiến của chúng. Ngài không tán thành việc ngăn cản trẻ em đến với Ngài. 

Loạt bài học này cũng giúp người lớn và trẻ em biết Công Ước về Quyền Trẻ Em. Người lớn (giáo viên, cha mẹ, người thân trong gia đình) cần biết Công Ước về Quyền Trẻ Em để làm tròn trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Niềm tin của người Cơ Đốc phải được thể hiện bằng những hành động phù hợp với Kinh Thánh. Khi người lớn không giúp trẻ em phát triển quân bình (thí dụ bỏ đói, đánh đập, bắt nghỉ học để đi làm, không cho sinh hoạt vui chơi...) là không làm theo lời Kinh Thánh mà còn vi phạm quyền trẻ em. Trẻ em cần biết rằng chúng có quyền được chăm sóc và được giúp đỡ đặc biệt. Ngày nay, xã hội đang đối diện với những tệ nạn mà trẻ em là nạn nhân. Trước tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột sức lao động, bị buôn bán như một loại hàng hoá... phụ huynh cũng như giáo viên rất cần biết về quyền trẻ em để bảo vệ các em và hướng dẫn các em cách tự bảo vệ. 

Loạt bài học này giúp người lớn và trẻ em hướng về Đức Chúa Trời, hướng về gia đình và hướng về cộng đồng. Trong từng vai trò, từng độ tuổi, người lớn (cha mẹ, giáo viên,...) cảm nhận tình yêu thương của Chúa, tình yêu thương trong gia đình và sự hiệp nhất của hội thánh, đồng thời cảm thông và chia sẻ cách cụ thể với hoàn cảnh khó khăn của trẻ em nghèo đói, trẻ em bệnh tật, trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố… Để việc giáo dục trẻ em có kết quả tốt, trước hết người lớn (giáo viên, phụ huynh, thanh niên…): 
- Cần có Chuyện Của Em.
- Cần nghiên cứu Phần 1: Dành Cho Giáo Viên & Phụ Huynh. 
(1) Đọc Kinh Thánh của từng bài học. 
(2) Đọc phần Suy Ngẫm. 
(3) Chuẩn bị ý kiến cho câu hỏi thảo luận. 
(4) Tìm hiểu Công Ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.
- Cần đọc qua phần 2: Bài Dạy Thiếu Nhi – để biết nội dung giáo viên cũng như phụ huynh sẽ truyền đạt cho trẻ.
- Cần một buổi họp (hội thảo) để có sự đồng thuận giữa giáo viên và phụ huynh trong việc dạy trẻ. Giáo viên và phụ huynh cần dạy học viên thể hiện quyền trẻ em qua việc mạnh dạn nêu ý kiến, dám nói ra suy nghĩ của mình, không mặc cảm vì còn nhỏ tuổi, đồng thời tập tôn trọng ý kiến của người khác. Có thể dùng bảy bài học này cho lớp Kinh Thánh, lớp Trường Chúa Nhật, Hội Thánh Thiếu Nhi. Không nhất thiết phải hoàn tất một bài học trong một tiết học hoặc buổi học. Cũng có thể nhắc lại nhiều lần nội dung bài học kèm theo những hoạt động khác. Thí dụ trong hai tiết học hoặc buổi học: 
- Tiết học hoặc buổi học 1: Hoạt động tìm hiểu Kinh Thánh và hoạt động tạo hình.
- Tiết học hoặc buổi học 2: Hoạt động tìm hiểu Kinh Thánh (nhắc lại) và hoạt động vui chơi. 
Nếu thực hiện cho giờ nhóm của Hội Thánh Thiếu Nhi, cần:  
- Tham khảo phần Suy Ngẫm để soạn bài chia sẻ ngắn (5-10 phút). 
- Soạn câu hỏi theo từng độ tuổi dưới các hình thức: thảo luận, đố, trò chơi...

– Xuân Thu –

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét