19 4 Sự giàu có kết nhiều bậu bạn;
Còn kẻ khó khăn dầu bạn cũng lìa bỏ.
4 Khi giàu có thu hút nhiều bè bạn,
Lúc khốn cùng, bạn thiết cũng lánh xa.
(Bản Hiện Đại)
Sau khi quan sát tình người và thói đời, người khôn ngoan gói ghém nhận định của mình trong câu Châm Ngôn này.
Tình bằng hữu đặt trên cơ sở nào? Tiền bạc hoặc tình yêu thương? Vế thứ nhất của câu Châm Ngôn: “Sự giàu có kết nhiều bậu bạn” cho thấy sức mạnh của tiền bạc. Người giàu dùng tiền bạc để kết bạn, còn người tham tiền tìm người giàu có để làm bạn. Có tiền là có thể chinh phục được nhiều bạn bè. Giàu có hoặc làm ăn phát đạt thì dễ có bạn vì nhiều người tìm đến xin kết bạn. Nhờ giàu nên nhiều bạn bè tìm đến (Châm Ngôn 14:20).
Vì có bạn và kết bạn dựa trên cơ sở vật chất thịnh vượng cho nên “còn bạc, còn tiền, còn đệ tử; hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”.
Vế thứ hai của câu Châm Ngôn: “Lúc khốn cùng, bạn thiết cũng lánh xa” cho thấy sức mạnh của hoàn cảnh. Khốn cùng, khó khăn có thể huỷ diệt tình bạn. Trong khi một người chống chọi với khó khăn nghịch cảnh thì nhiều người từng nhận mình là bạn lại làm ngơ bỏ mặc người ấy. Cậu con hoang đàng chắc chắn từng có cả đám bạn khi ăn chơi phóng đãng, tiêu tiền như rác. Nhưng khi lâm vào cảnh túng thiếu, chẳng còn ai là bạn, phải đi chăn heo, làm bạn với heo (Lu-ca 15:13-15).
Người kính sợ Đức Chúa Trời không căn cứ vào của cải: giàu hay nghèo, hoàn cảnh: thuận cảnh hay nghịch cảnh để đối xử. Hoàng tử Giô-na-than mến phục tài năng của Đa-vít nên chủ động kết bạn với Đa-vít. Về sau này khi Đa-vít lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khi vua Sau-lơ bảo Giô-na-than và thuộc hạ mình tìm cách giết Đa-vít. Ông không bỏ rơi bạn, nhưng bí mật báo tin cho Đa-vít biết để trốn đi. Rồi ông gặp vua Sau-lơ, nói lời bênh vực Đa-vít. Trong những lần vua Sau-lơ truy đuổi Đa-vít, ông Giô-na-than không bao giờ hợp tác. Trái lại, ông đến tận nơi Đa-vít đang ẩn náu để khích lệ bạn mình vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời.
Oaktreevu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét