19 17 Ai thương xót kẻ nghèo,
tức là cho Đức Gia-vê vay mượn;
Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người.
17 Ai thương người nghèo,
tức cho Đức Chúa Trời vay mượn.
Và được Ngài ban thưởng chẳng sai.
(Bản Hiện Đại)
Nhiều người chỉ lo “đi đạo” (theo đạo, thờ phượng) nhưng không quan tâm “hành đạo”. Chỉ thực hiện lễ nghi tôn giáo nhưng không quan tâm đến người xung quanh qua việc thực thi lời Chúa. Chỉ tin Chúa nhưng không muốn phục vụ người xung quanh. Chúa phán: “Nhịn ăn đẹp lòng ta là chia cơm xẻ áo với người đói khổ, tiếp rước người nghèo cực không nơi nương tựa về ở chung trong nhà, và không lảng tránh khi người bà con ruột thịt cần được cứu giúp” (Ê-sai 58:7).
“Thương xót người nghèo” không chỉ là cảm xúc xót xa nhất thời thoáng qua khi nhìn thấy tình cảnh khốn đốn của người khác, nhưng là tình yêu thương được bày tỏ một cách cụ thể, thực tiễn đối với người cần giúp đỡ. “Thương người nghèo” theo ý câu Châm Ngôn khác hẳn việc làm phước nhằm lợi dụng người nghèo và làm nổi danh mình.
Ông Gióp là người giàu có đã lập giao ước với chính mình: “Nếu tôi từ khước những yêu sách chính đáng của người nghèo. Nếu tôi làm cho các quả phụ phải khóc. Nếu tôi không chịu cung cấp thực phẩm cho cô nhi, để dành ăn một mình… Nếu tôi để cho ai phải chết rét, hoặc để người nghèo không manh áo che thân… Nguyện vai tôi lìa khỏi thân và cánh tay đứt rời nơi cùi chõ. Thà tật nguyền như thế còn hơn bị Chúa phạt. Làm sao tôi dám đối diện uy nghi đáng sợ của Ngài!” (Gióp 31:16-23).
Một trong những cách sinh lợi của người giàu là cho vay lấy lãi. Cách đầu tư này làm cho người giàu càng giàu thêm, còn người nghèo có thể càng nghèo hơn. Câu Châm Ngôn này thách thức người giàu “đầu tư” bằng cách cho Đức Chúa Trời vay mượn. Hãy đầu tư bằng những công việc cụ thể đối với người nghèo khổ, khốn cùng, là những đối tượng Đức Chúa Trời biện hộ và bênh vực quyền lợi (Thi Thiên 140:12). Người cho Đức Chúa Trời vay mượn chắc chắn không bao giờ bị “quịt” mất. Trái lại cách đầu tư này làm cho người nghèo được thụ hưởng còn người giàu được “ban thưởng”.
Oaktreevu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét