Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Ngày 17 tháng 1. SỬA DẠY CON

19 18 Hãy sửa dạy con ngươi trong lúc còn sự trông cậy;
                Nhưng chớ toan lòng giết nó.

          18 Sửa dạy con khi còn hy vọng
                Đừng để con sa chốn diệt vong.
                (Bản Hiện Đại)

Việt Nam chúng ta có câu: “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái từ khi con còn nhỏ tuổi. Nếu chỉ nuôi cho lớn xác mà không dạy cho khôn ngoan thì chỉ được tốt mã giẻ cùi (đẹp người xấu nết). Kinh Thánh khuyên rằng: “Cha mẹ không nên chọc giận con cái, nhưng phải nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ chúng theo đường lối Chúa” (Ê-phê-sô 6:4).

Ngoài nguyên tắc dạy dỗ con khi nó còn nhỏ tuổi: Hãy dạy trẻ thơ (Châm Ngôn 22:6), câu Châm Ngôn nêu một nguyên tắc nữa. Đó là “sửa dạy con khi còn hy vọng”. Câu này có nghĩa gì? Khi dạy con từ thuở còn thơ, những người làm cha làm mẹ mong muốn con trở nên người tốt. Tuy nhiên, chẳng phải tất người con nào cũng được thay đổi từ khi còn nhỏ tuổi. Vẫn có những đứa con ngang bướng, chứng nào tật nấy khiến cha mẹ và những người xung quanh e rằng “hết thuốc chữa” rồi nên họ “mackeno” hoặc chỉ còn cách “ném đá” mà thôi. Câu Châm Ngôn cho thấy, dù còn thơ dại hoặc khôn lớn, khi giáo dục con, cha mẹ luôn luôn hy vọng. Đó là sự lạc quan trong giáo dục.

“Sửa dạy con khi còn hy vọng” cũng có ý nghĩa kiên trì trong giáo dục. Cứ tiếp tục dạy con khi còn bé thơ cho đến khi con lớn khôn. Tình yêu thương không ngưng nghỉ. Ai kiêng roi vọt ghét con trai mình. Người biết thương con không quên sửa trị nó (Châm Ngôn 13:24). Khi hoàng tử A-đô-ni-gia tuyên bố: “Ta sẽ làm vua” rồi sắm xe ngựa và tuyển 50 người chạy trước mở đường, vua Đa-vít không lo sửa dạy. Biết con làm sai nhưng vua cha chẳng trách mắng hoặc cấm cản gì (Các Vua 1:5). Nếu được vua cha sửa dạy có lẽ về sau hoàng tử A-đô-ni-gia không bị vua Sa-lô-môn giết (I Các Vua 2:13-25).

“Sửa dạy con khi còn hy vọng” còn hàm ý có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Con cái được thay đổi khi còn nhỏ hoặc khi khôn lớn không phải do quyền uy của người dạy mà là do quyền năng của Đức Chúa Trời. Cha mẹ cần làm tròn trách nhiệm nuôi nấng, sửa trị, dạy dỗ. Nhưng nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời mà con người được thay đổi từ bên trong đến bên ngoài ở bất cứ lứa tuổi nào.

Oaktreevu  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét