Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Ngày 24 tháng 1. AI BỊ TRỪNG PHẠT? AI ĐƯỢC SỬA DẠY?



19 25 Hãy đánh kẻ nhạo báng, thì người ngu dại sẽ trở nên khôn khéo.
                 Khá sửa dạy người thông sáng, ắt người sẽ hiểu điều tri thức.

          25 Trừng phạt kẻ nhạo báng kẻ chân chất sẽ học khôn,
                 Trách cứ người thông sáng, thông sáng người gia tăng.
                 (Bản Hiện Đại)

Vế đầu của câu Châm Ngôn bàn về hiệu quả của việc trừng phạt (đánh) kẻ nhạo báng một cách công khai. Việc trừng phạt có mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu không thay đổi được kẻ nhạo báng thì ít nhất người khác cũng có thể rút ra bài học từ sự trừng phạt công khai. Hãy khiển trách người có lỗi trước mặt mọi người để làm gương cho kẻ khác (I Ti-mô-thê 5:20).

Trừng phạt ở mức độ nặng nhất là lấy đi mạng sống của kẻ nhạo báng. Trường hợp cụ thể trong thời ông Mô-se là trừng phạt đứa con cứng đầu, ngỗ nghịch, không vâng lời cha mẹ, không nghe lời răn dạy, tức là kẻ nhạo báng cha mẹ và điều răn của Đức Chúa Trời. Việc trừng phạt phải thực hiện một cách công khai trước mặt các trưởng lão tại cổng thành. Như thế mới trừ được kẻ ác trong dân, toàn dân nghe tin này sẽ khiếp sợ (Phục Truyền 21:18-21).

Dân Số Ký ghi câu chuyện một người nhặt củi trong ngày sa-bát. Biết luật của Đức Chúa Trời nhưng không tuân giữ tức là nhạo báng Chúa và luật lệ của Ngài. Chúa truyền phán rằng: “Người ấy phải bị xử tử, toàn dân sẽ lấy đá ném cho người ấy chết di bên ngoài trại”. Trừng phạt như vậy có nặng tay, có quá tàn ác không? Nhà Truyền Đạo viết: “Vì kẻ ác không bị báo ứng nhãn tiền, nên người đời mới chuyên tâm làm ác” (Truyền Đạo 8:11). 

Vế tiếp theo câu Châm Ngôn bàn về hiệu quả của việc sửa trị người thông sáng. Khi dạy về luật yêu thương, Kinh Thánh chép: Đừng để tâm ghét anh em mình nhưng thẳng thắn trách họ khi họ lầm lỗi: đừng để cho mình mang tội vì họ có lỗi (Lê Vi Ký 19:17). Đôi lúc người khôn ngoan cũng sai lầm nên cần có người sửa dạy. Một lời quở trách thức tỉnh người khôn, hơn cả trăm roi đánh kẻ ngu muội (Châm Ngôn 17:10). Đặc điểm của người khôn ngoan là khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe: Người khôn ưa nghe nên tăng kiến thức (Châm Ngôn 1:5a). Vì vậy, khi hướng dẫn người khôn họ sẽ thêm khôn. Dạy bảo kẻ ngay, họ sẽ thêm hiểu biết (Châm Ngôn 9:9).

Oaktreevu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét