Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Ngày 1 tháng 1. NGHÈO KHÓ + THANH BẠCH > GIÀU CÓ + BẤT LƯƠNG


19 1  Thà người nghèo khổ ăn ở thanh liêm,
       Còn hơn là kẻ có môi miệng gian tà và là một kẻ ngây dại. 
         
    1 Thà nghèo mà sống đời thanh bạch,
       Còn hơn giàu có cách bất lương.
       (Bản Hiện Đại)

“Nghèo khổ” mô tả nếp sống vật chất, còn “ăn ở thanh liêm” mô tả nếp sống đạo đức. Người xung quanh có thể nhận thấy cả hai nếp sống này. Nếp sống thanh liêm quan trọng hơn và có giá trị hơn là sự giàu có. Thịnh vượng vật chất không thể sánh với thịnh vượng đạo đức.
Nhân hậu khiến mọi người mến phục,
Thà chịu nghèo còn hơn sống gian ngoa.
(Châm Ngôn 19:22)
Câu Châm Ngôn khẳng định dù nghèo khổ nhưng thanh liêm thì vẫn hơn giàu có mà bất lương.
Chuyện của ông Na-banh có thể minh hoạ cho câu “Thà nghèo khổ còn hơn là kẻ có môi miệng gian tà và là một kẻ ngây dại”. Ông Na-banh được giới thiệu là người rất giàu, có ba ngàn chiên, một ngàn dê. Vợ của ông thông minh lịch sự còn ông thì hung ác thô lỗ.
Là người giàu có, phải chi ông Na-banh khôn ngoan cung cấp lương thực giúp đỡ ông Đa-vít trong khi ông này bị vua Sau-lơ truy đuổi. Nếu không dám đứng về phía ông Đa-vít thì cũng không nên có những lời nói hết sức điên dại. Ông lên giọng: “Đa-vít nào? Con Gie-sê là ai? Sao dạo này lắm đứa đầy tớ trốn chủ thế? Ta dại gì lấy bánh, nước và thịt dành cho thợ cắt lông cừu ăn, đem đãi những đứa chẳng biết từ đâu đến?” (I Sa-mu-ên 25:2-3; 9-11). Đúng là cái miệng hại cái thân của người giàu mà dại. Môi miệng gian tà phát xuất từ tâm địa xấu xa và kẻ ngây dại là kẻ không kính sợ Đức Chúa Trời. Người đạo đức, người kính sợ Đức Chúa Trời không nói và hành động như ông Na-banh. 
Nghèo khổ về vật chất chưa phải là thảm hoạ cho cuộc sống. Tâm địa gian tà, lời nói độc ác, không kính sợ Đức Chúa Trời mới là thảm hoạ. Vì sao xem chuyện thoát nghèo khổ là quan trọng nhất mà không xem việc kính sợ Đức Chúa Trời là quan trọng nhất? 
Oaktreevu 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét