Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Ngày 31 tháng 1. CĂN NGUYÊN CỦA XUNG ĐỘT



20 3 Người nào giữ mình khỏi tranh cạnh, ấy là sự tôn vinh của người;
          Chỉ kẻ điên cuồng sa vào đó mà thôi.
      3 Tránh được tranh cạnh là điều vinh dự,
          Chỉ điên cuồng mới sinh sự cãi nhau.
         (Bản Hiện Đại)
Người tranh cạnh là người khôn ngoan theo thế gian. Trong sự khôn ngoan thiên thượng không có sự tranh cạnh. Kinh Thánh chép: Nếu ai khoe mình khôn ngoan mà còn ganh tỵ, hiềm khích, ích kỷ, là nói dối trắng trợn. Đó không phải là khôn ngoan thiên thượng, mà chỉ là khôn ngoan thế gian, trần tục, khôn ngoan của ác quỷ (Gia-cơ 3:14-15).
Người tranh cạnh là người vẫn sống theo xác thịt. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín hữu trong Hội thánh Cô-rinh-tô:  Anh em còn ganh ghét, xung đột nhau; chẳng phải là anh em đang sống theo xác thịt như người đời sao? (I Cô-rinh-tô 3:3). Còn ông Gia-cơ dù nêu câu hỏi, nhưng chính là khẳng định: Tại sao giữa anh em có những xung đột, tranh chấp? Chẳng phải là do dục vọng thôi thúc trong lòng anh em sao? (Gia-cơ 4:1).
-Người giữ mình khỏi tranh cạnh là người thắng tánh xác thịt của mình, tức là thắng tánh kiêu căng: Tánh kiêu căng chỉ sanh tranh chấp (Châm Ngôn 13:10); tức là thắng sự giận dữ: Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ, người tự chủ đánh bại anh hùng (Châm Ngôn 16:32). Đó là người chế ngự được cơn giận: Người khôn ngoan kìm hãm cơn giận dữ (Châm Ngôn 19:11) nhờ đó tránh được tranh cạnh.
-Người giữ mình khỏi tranh cạnh là người nhận biết ngưng nói trước khi xảy ra cãi lộn.Tranh chấp khởi đầu như đê vỡ, thà nên dứt lời trước khi cãi lộn (Châm Ngôn 17:14).  
-Người giữ mình khỏi tranh cạnh không có những hành động điên rồ. Kẻ nóng tính hành động điên rồ (Châm Ngôn 14:17a). Chỉ có người vô đạo, kẻ tà vạy mới cưu mang tội ác, gieo mầm xung đột và tạo ra điều tranh chấp (Châm Ngôn 16:27-28; 18:6a).
Là người tin Chúa chẳng những chúng ta phải ăn ở xứng đáng như sinh hoạt giữa ban ngày, chẳng những đừng chè chén say sưa, truỵ lạc phóng đãng; mà cũng đừng tranh giành ganh ghét (La-mã 13:13).
Oaktreevu 



Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Ngày 30 tháng 1. KHÔN NGOAN LÀM NGUÔI CƠN GIẬN


20 2 Sự oai khiếp của vua giống như sư tử gầm hét;
         Ai chọc giận người ắt phạm đến mạng sống mình. 
     2 Vua thịnh nộ như sư tử rống,
        Chọc giận người mạng sống mất tiêu!
        (Bản Hiện Đại)
Câu Châm Ngôn này nhắc lại nội dung Châm Ngôn 19:12. Khi vua nổi giận thật đáng sợ. Khi vua Nê-bu-cát-nết-sa nổi giận, những người trái ý vua sẽ bị lăng trì tùng xẻo, nhà cửa sẽ bị phá huỷ tận nền móng hoặc bị thiêu sống trong lò lửa hừng (Đa-ni-ên 2:5; 3:6).
-Làm gì để vua không nổi giận? Đừng chọn giận vua. Tức là phải tôn trọng thẩm quyền của vua. Nguyên tắc cơ bản là tôi tớ phải hết lòng tôn kính chủ (I Ti-mô-thê 6:1). Dân I-sơ-ra-ên phải tôn kính Đức Chúa Trời và tôn trọng người được Đức Chúa Trời lập nên để lãnh đạo họ. Ngươi chớ nên nói lộng ngôn cùng Đức Chúa Trời, và cũng đừng rủa sả vua chúa của dân sự ngươi (Xuất Ai Cập Ký 22:28). Ông Phao-lô nhắc các nhà lãnh đạo Do Thái giáo rằng: “Thánh Kinh chép: ‘Đừng xúc phạm các nhà lãnh đạo’” (Công Vụ 23:5).
-Làm gì khi vua nổi giận? Người khôn ngoan biết làm nguôi cơn giận của vua: Vua giận dữ là có người mất mạng, nhưng người khôn làm cơn giận tiêu tan (Châm Ngôn 16:14).Người khôn ngoan không xem “cơn giận của vua” vua là kẻ thù, không đối địch chống trả nhưng bày tỏ sự khiêm nhường, chân thật, mềm mỏng để làm nguôi cơn giận của vua.
Nhiều người không sợ tiếng rống của “sư tử” mặc dù “sư tử” tìm họ để giết. Vua Sau-lơ nổi giận và truy đuổi ông Đa-vít. Hai lần ông Đa-vít tiếp cận “sư tử Sau-lơ” và có thể hạ sát một cách dễ dàng. Nhưng ông Đa-vít nói: “Xin Chúa kiểm soát hành động ta, đừng cho ta ra tay ám hại vua là người được Chúa xức dầu”. “Người giết vua phải chịu tội, vì vua được Chúa xức dầu” (I Sa-mu-ên 24:6; 26:9). Sau đó ông Đa-vít đã phân trần hết sức khiêm nhường với vua Sau-lơ đến nỗi vua thú nhận: “Ta có lỗi!… Ta chỉ hành động điên rồ, lỗi lầm quá mức” (I Sa-mu-ên 26:21).    
Câu Châm Ngôn cũng là bài học cho các bậc vua chúa, các nhà lãnh đạo. Cần nhận biết rằng trên vua còn có Chúa của các chúa, Vua của các vua. Lời khuyên cho các nhà lãnh đạo là hãy tôn thờ Đức Chúa Trời:
“Hãy quỳ gối hôn Con, trước khi Ngài nổi giận”
(Thi Thiên 2:12)
Oaktreevu



Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Ngày 29 tháng 1. ÍT LY THÀNH Y LÍT

20 1 Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào;
             Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan.  

         1 Rượu nho xui nhạo báng, rượu mạnh gây tiếng ồn,
             Ai để rượu hành là người mất khôn.
            (Bản Hiện Đại) 


Nhiều người tin Chúa nói: “Rõ ràng là câu Châm Ngôn này cho phép uống rượu, miễn là đừng dùng nó quá độ”, thế là họ uống rượu, uống bia thoải mái. Không dùng quá độ, mỗi lần “ít ly” cuối cùng thành “y lít”. Rồi họ trở thành người chứng thực cho toàn bộ câu Châm Ngôn: “nhạo báng”, “hỗn hào” và “chẳng phải là khôn ngoan”.
Không nên cưỡng giải câu Châm Ngôn này rồi kết luận rằng Kinh Thánh cho phép uống rượu, nhưng nên xét đến những tác dụng tai hại của rượu trong câu này. 

(1)Rượu khiến người ta nhạo báng hỗn hào. Rượu tác động xấu đến suy nghĩ, lời nói và hành vi của con người. Rượu cũ và mới cất lấy hết trí khôn chúng nó (Ô-sê 4:11). Trong rượu có ‘ma men’ khiến con người phỉ báng chính mình, phỉ báng người khác và phỉ báng Đức Chúa Trời. Thi Thiên 1:1 sắp “kẻ nhạo báng” chung với “kẻ dữ”, với “tội nhân”, là kẻ mà người công chính cần tránh: Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ kẻ nhạo báng. 
Vì rượu có thể làm cho thầy tế lễ có những lời nói và hành động nhạo báng Đức Chúa Trời trong khi thờ phượng Ngài cho nên Chúa phán cùng ông A-rôn rằng: “Khi nào vào hội mạc, ngươi và các con trai ngươi chớ nên uống rượu hay vật chi có tánh say, e phải chết chăng: - ấy là một mạng lệnh đời đời, trải các thế đại.” (Lê-vi Ký 10:9).   
(2)Rượu khiến người ta mất khôn. Trước khi uống rượu, có vẻ như người ta quyết định rất khôn ngoan: “Uống một ly thôi.” Nhưng khi rượu vào cơ thể thì rượu nắm quyền quyết định thay cho người uống: “Uống mỗi lần một ly thôi.” Đã uống rượu thì chẳng còn khôn ngoan nữa, mà trước sau gì cũng bị rượu hành.
Truyền đạo 10:1 chép: Một phút điên dại gây ảnh hưởng tai hại cho người danh giá, khôn ngoan. Người bị rượu hành, chẳng phải chỉ “một phút điên dại” mà là “nhiều giờ điên dại”. Ông Nô-ê làm nghề nông, trồng nho, ép rượu. Ông uống say, trần truồng nằm trong trại (Sáng Thế Ký 9:20-21). Ông Lót bị hai con gái chuốc rượu cho say, say đến nỗi ông không biết động tĩnh gì (Sáng Thế Ký 19:30-36). Tất cả chỉ vì uống rượu và bị rượu hành.
Oaktreevu  


Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Ngày 28 tháng 1. CẢNH BÁO DÀNH CHO AI?



19 29 Sự xét đoán dự bị cho kẻ nhạo báng;
                 Và roi vọt sắm sửa cho lưng kẻ ngu muội.

          29 Hình phạt để dành cho kẻ nhạo báng,
                 Roi vọt sắm sẵn cho người khùng điên.
                 (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn này kết luận những lời giáo huấn trong chương 19. Chẳng phải tất cả mọi người nghe lời giáo huấn đều trở nên khôn ngoan. Trong Ẩn dụ Người khôn và Kẻ dại, cả hai đều nghe lời giảng dạy của Chúa Giê-xu, nhưng chỉ người vâng lời làm theo mới là người khôn ngoan. Câu Châm Ngôn sắp kẻ nhạo báng chung với kẻ ngu muội, kèm theo là lời cảnh báo dành cho họ.

Kẻ nhạo báng chẳng những không chịu thay đổi mà còn nổi loạn khinh bỉ người khuyên răn, nhạo cười lời khuyên dạy. Vì vậy, trừng phạt trước sau gì cũng đến (Châm Ngôn 19:25). Còn kẻ ngu muội đối với lời khuyên dạy như đàn gãy tai trâu, nước đổ đầu vịt, nội tâm vẫn trơ cứng như đá. Chứng nào tật nấy thì việc roi vọt giáng trên lưng kẻ u mê (Châm Ngôn 10:13) là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Con người thường thực hiện “sự xét đoán” (hình phạt) và “roi vọt” đối với kẻ nhạo báng và kẻ ngu muội ngay trong hiện tại, đôi khi ngay lập tức: Môi kẻ dại tạo ra điều tranh chấp, miệng mồm nó xui người ta đánh mình (Châm Ngôn 18:6) vì trừng phạt kẻ nhạo báng cũng làm gương và răn đe kẻ khác: Trừng phạt kẻ nhạo báng kẻ chân chất sẽ học khôn (Châm Ngôn 19:25a).  

Đức Chúa Trời thực hiện “sự xét đoán” (hình phạt) và “roi vọt” kẻ nhạo báng và kẻ ngu muội trong tương lai, trong cõi đời đời là điều chắc chắn, mặc dù đôi khi, theo ý muốn và thời điểm của Ngài việc đó cũng xảy ra lập tức, trong cõi đời này.
 
Vì Chúa không hài lòng tội lỗi,
Người ác làm sao sống với Ngài?
Kẻ kiêu căng tìm đường trốn tránh,
Chúa khinh ghét mọi người bất công,
Tiêu diệt bọn điêu ngoa dối trá,
Gớm ghê phường hiếu sát, gạt lường.
(Thi Thiên 5:4-6)

Sách Truyền Đạo dành cho tất cả chúng ta câu kết luận: Phải kính sợ Đức Chúa Trời và tuân giữ các điều răn Ngài, đó là phận sự của con người. Đức Chúa Trời sẽ xử đoán mỗi người căn cứ trên việc họ làm, việc thiện và việc ác, kể cả những việc âm thầm kín giấu (Truyền Đạo 12:13-14).

Oaktreevu 

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Ngày 27 tháng 1. GIAN ÁC LÀ NUỐT TỘI


19 28 Chứng gian tà nhạo báng sự công bình;
            Và miệng kẻ dữ nuốt tội ác.
     28 Nhân chứng gian nhạo cười công lý.
           Miệng ác nhân ăn nuốt tội ô.
           (Bản Hiện Đại)
Đức Chúa Trời là Đấng công bình chính trực (Phục Truyền 32:4), Ngài muốn chúng ta phải trung thực trong mọi vấn đề. Nhiều lần Kinh Thánh nhắc đến nội dung của điều răn thứ chín. Xuất Ai-cập Ký 20:16 ghi rõ: “Không được làm chứng dối”. Ông Mô-se cũng nhắc lại trong bài giảng cuối đời (Phục Truyền 5:20). Không được ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác; cũng không được cáo gian làm nguy hại đến người khác (Lê-vi Ký 19:16).
Nhân chứng gian bị kết án là “nhạo báng sự công bình” (nhạo cười công lý). “Nhạo báng sự công bình” mô tả thái độ của người nói gian đối với sự công bình và Đấng công bình. Nhiều người xem việc dối trá là “chuyện nhỏ”, chỉ  như “chuyện thường ngày ở huyện”. Họ xem dối trá như gia vị nêm nếm vào cuộc sống nhân tình thế thái. Đừng quên rằng trong sáu điều Đức Chúa Trời ghét, bảy điều Ngài gớm ghê có nhân chứng gian hại người (Châm Ngôn 6:19). “Nhạo cười sự công bình”, coi thường điều răn luật lệ của Chúa, nhạo cười công lý, giỡn mặt đối với Đấng công bình là vấn đề rất nghiêm trọng, không thể coi thường được.
Nhân chứng gian bị lên án là “kẻ dữ” (ác nhân) còn hành vi phạm tội ví von với “nuốt tội ác” (miệng nuốt tội ô). Môi miệng ai phun ra lời cáo gian, làm chứng dối, vu oan, hãm hại nói sai về người khác thì chính môi miệng đó đang “nuốt tội ác”. Hãy nghe lời cầu nguyện của người Pha-ri-si: “Lạy Đức Chúa Trời, tôi cảm tạ Ngài, vì tôi không như người khác, không trộm cướp, không bất lương, không tà dâm, hoặc như tên thu thuế kia…” (Lu-ca 18:11). Lòng tự tôn, kiêu ngạo, khinh bỉ người khác, miệng người Pha-ri-si đã “nuốt tội ác”.    
Ai được ở trong Đền Thờ? Ai được sống trên núi thánh?
Đó là người ăn ở thanh sạch, ưa làm điều ngay lành, thích lời chân thật.
Người không hại bạn, không vu oan, không gây gổ hàng xóm láng giềng. 
(Thi Thiên 15:1-3).
Oaktreevu


Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Ngày 26 tháng 1. TRÁNH XA NGAY!



19 27 Hỡi con, hãy thôi nghe sự khuyên dạy
                 Khiến cho con lầm lạc cách xa các lời tri thức.

          27 Con ơi, chớ nên nghe tà thuyết,
                 Để con không lạc lối lầm đường.
                 (Bản Hiện Đại)

Phải chăng bạn thường xem chương trình truyền hình của giáo sư giả chuyên dạy sai lẽ thật Kinh Thánh? Đừng tiếp tục xem chương trình đó nữa. Phải chăng lâu nay bạn có những CD, DVD bài giảng mà nay bạn biết đó là những bài giảng của giáo sư giả và tiên tri giả? Đừng tiếp tục nghe, cũng đừng cho người khác mượn. Phải chăng bạn được mời vào những trang web Cơ Đốc mà giờ đây bạn biết đó là của những giáo sư giả và tiên tri giả? Hãy rời khỏi trang web đó, ra khỏi nhóm đó, hoặc mời người đó ra khỏi nhóm của bạn. Hãy sống như vua Đa-vít: “Mắt con sẽ không nhìn điều dữ, lòng con ghê tởm sự gian tà, không dính dấp vào điều ác. Con sẽ loại trừ lòng hư hoại, và lánh xa loài gian ác (Thi Thiên 101:3-4).

Muốn đi trong con đường toàn hảo (Thi Thiên 101:2a), trước hết phải chấm dứt tiếp xúc với giáo sư mạo nhận và tiên tri giả hiệu, phải “thôi nghe sự khuyên dạy” và lời giảng giải sai lạc của họ. Nếu muốn được dạy bảo, hãy lánh xa kẻ dại khờ (Châm Ngôn 14:7). Nhiều người muốn bắt cá hai tay, nghe cả “chánh” lẫn “tà”. Thậm chí họ còn cho rằng anh “tà” giảng hay hơn anh “chánh”, hoặc cho rằng “nghe tà như ăn gà bỏ xương” thì có hại gì đâu! Người có thái độ đối với lời Chúa như vậy là người phân tâm thật là đáng ghét (Thi Thiên 119:113).

Câu Châm Ngôn nhắc lại nguyên tắc căn bản:
Gần đèn thì sáng, gần người khôn trở nên khôn.
Gần mực thì đen, gần người khờ phải mang hoạ.
(Châm Ngôn 13:20)
Sứ đồ Phao-lô khuyên: Đừng để cho người ta mê hoặc, vì giao thiệp với người xấu, anh em sẽ mất hết tính tốt (I Cô-rinh-tô 15:33).

Muốn không lạc lối lầm đường, hãy xét xem bạn có nghe theo tà thuyết không? Ai dạy giáo lý khác, không phù hợp với lời Chúa Cứu Thế Giê-xu và giáo huấn Phúc Âm, là người kiêu ngạo, dại dột, ham chất vấn và khẩu chiến, gieo mầm ganh tỵ, tranh chấp, xúc phạm, nghi ngờ xấu, gây cãi vã không dứt giữa những người có tâm trí hư hoại và chối bỏ chân lý. Họ coi Đạo Chúa như một phương tiện trục lợi. Con nên tránh xa những người ấy (I Ti-mô-thê 6:3-5)

Oaktreevu