Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Ngày 31 tháng 3. MONG SAO CUỘC ĐỜI CÓ ĐỦ BỘ BỐN

22    1 Danh tiếng tốt còn hơn tiền của nhiều;
              Và ơn nghĩa quý hơn bạc và vàng. 

          1 Danh thơm tiếng tốt hơn giàu có,
              Kẻ mến người yêu vượt bạc vàng.
             (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn đề cập đến “danh tiếng”, “ơn nghĩa”, “tiền của”, “bạc vàng”. Tất cả điều trên đều tốt lành và có giá trị. “Danh tiếng” và “ơn nghĩa” thuộc về tinh thần, còn “tiền của” và “bạc vàng” thuộc về vật chất. Không nhất thiết bốn điều này sẽ loại trừ, tức là có điều này phải mất điều kia. Nhiều người giàu có về phương diện của cải vật chất cũng có danh thơm tiếng tốt và đầy ơn nghĩa. Tuy nhiên chẳng phải mọi người đều hưởng được bốn điều trên. Người lắm tiền nhiều của có thể đánh mất đạo đức, vàng bạc đầy nhà nhưng chẳng thấy ơn nghĩa yêu thương vì chạy theo vật chất, coi vật chất quan trọng hơn đạo đức. Ngược lại, có người từ chối tiền của bạc vàng để giữ danh thơm tiếng tốt. Chấp nhận sống trong cảnh nghèo mà còn ơn còn nghĩa thay vì giàu sang mà bạc bẽo vô tình vì coi trọng và bảo vệ giá trị đạo đức, sống tình nghĩa thuỷ chung. 
Nếu được chọn như vua Sa-lô-môn, chúng ta không nên chọn “tiền của nhiều”, không chọn “bạc và vàng” nhưng chọn “danh tiếng tốt” và “ơn nghĩa”. Vì nhiều tiền lắm của không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của con người. Tiền của nhiều không đem đến sự khôn ngoan trái lại có thể khiến con người trở nên dại dột. Có nhiều tiền của chưa hẳn có danh tiếng tốt.
Tiêu chuẩn nào khi chọn người làm việc, bạn bè, bạn đời? “Tiền tỷ” hay “tiếng tốt”? “Tiền của nhiều” hay “tính cách tốt”? Có bạc vàng mà bạc tình thì còn ý nghĩa gì? Sứ đồ Phao-lô chọn thanh niên Ti-mô-thê vì anh em ở Lít-trơ và Y-cô-ni đều làm chứng tốt về cậu. (Công Vụ 16:2) Thật không sai chút nào, về sau khi viết thư cho tín hữu ở Phi-líp, sứ đồ Phao-lô tâm sự: “Tôi chỉ có Ti-mô-thê là người ý hợp tâm đầu và thật lòng chăm sóc anh em… Chính anh em cũng biết phẩm cách của Ti-mô-thê khi anh ấy hợp tác chặt chẽ với tôi – như con với cha – để xúc tiến công việc truyền bá Phúc Âm.” (Phi-líp 3:20, 22)  
Nếu chọn “danh tiếng tốt” và “ơn nghĩa” thì cần sống theo lời khuyên sau đây: “Sau hết, xin anh em nghiền ngẫm những điều chân thật, cao thượng, công bằng, trong sạch, đáng yêu chuộng và đáng khen ngợi. Hãy suy nghiệm những công việc nhân đức. Hãy tập trung tâm trí vào những điều làm cho anh em nức lòng ca tụng Chúa.” (Phi-líp 4:8)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Ngày 30 tháng 3. KHÔNG THỂ THIẾU ĐỨC CHÚA TRỜI

21     31 Ngựa sắm sửa về ngày tranh chiến;
                  Nhưng sự thắng trận thuộc về Đức Gia-vê.

           31 Người sắm ngựa để chuẩn bị chiến tranh,
                 Nhưng thắng hay bại là do nơi Đức Chúa Trời.
                 (Bản Hiện Đại)

Kinh Thánh chép: Suốt đời Sa-lô-môn, cả Giu-đa và I-sơ-ra-ên hưởng thái bình, từ Đan cho đến Bê-e-sê-ba, người người sống an vui bên vườn nho, cây vả. Thế nhưng vua sắm nhiều ngựa và xe. Vua có 40 ngàn ngựa kéo xe (I Các Vua 4:25, 26), 1400 cỗ xe và 12 ngàn kỵ binh đóng ở các thành chứa xe và ngay tại Giê-ru-sa-lem (I Các Vua 10:26).    
Được hưởng thái bình nhưng vua Sa-lô-môn lại mua ngựa từ Ai-cập. Phải chăng vua không vâng theo lời Chúa dạy khi có nhiều ngựa: “Vua I-sơ-ra-ên không được chú tâm vào việc gầy dựng cho mình một đàn ngựa đông đảo, để rồi chính vì mục đích này, vua sẽ đem dân về Ai-cập.” (Phục Truyền 17:16) Có thể vua cho rằng vua sắm ngựa không phải với mục đích trở về Ai-cập nhưng nhằm buôn bán phát triển kinh tế, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh quân sự, gìn giữ hoà bình. Thật là nhất cử lưỡng tiện. Dù lập luận cách nào thì vì cớ mưu lược của vua Sa-lô-môn, các nước lân bang và nước I-sơ-ra-ên cũng gia tăng lực lượng quân sự để bảo vệ đất nước của họ. 
Vế đầu của câu Châm Ngôn mô tả việc chuẩn bị, “sắm sửa”. Con người có kế hoạch chi tiết, chuẩn bị chu đáo, trang bị đầy đủ, thao diễn thường xuyên để bảo đảm chiến thắng trong tương lai. Trong khâu chuẩn bị, con người không “chống nghịch” Đức Chúa Trời nhưng có thể “chối từ” Ngài. Khi tin cậy nơi ngựa hơn là tin cậy Chúa, “bám vào” sức mạnh của xác thịt thì sẽ trở lòng “bỏ” Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 17:5). Cần biết rằng Chúa chẳng đẹp lòng sức của ngựa, cũng không thích chân của loài người. (Thi Thiên 147:10)
Vế sau của câu Châm Ngôn đề cập đến vai trò của Đức Chúa Trời. Khi cậy vào hùng binh, chiến mã (Thi Thiên 20:7), gạt bỏ Chúa trong kế hoạch “sắm sửa” thì cần nhớ rằng quân lực đâu giúp vua thắng trận? Sức mạnh nào cứu được anh hùng? Lúc lâm nguy chiến mã thành vô dụng, mạnh đến đâu cũng chẳng giải thoát ai. (Thi Thiên 33:16-17) Có thể bạn đã sắm sửa đầy đủ để sống an toàn, đã chuẩn bị kế hoạch để thành công nhưng cần nhớ rằng sự an toàn, thành công của bạn còn tuỳ thuộc nơi Chúa. Lòng tin cậy Chúa có trong kế hoạch của bạn không? Có phải Chúa là Đấng quyết định thành bại của bạn không? Một khi tin cậy Chúa thì dù chỉ có vài viên sỏi vẫn được Ngài giải cứu khỏi gã khổng lồ.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Ngày 29 tháng 3. KHÔNG THỂ CHỐNG ĐỨC CHÚA TRỜI

21     30 Chẳng có sự khôn ngoan nào, sự thông minh nào,
                 hay là mưu kế nào, mà chống địch Đức Gia-vê được.

           30 Chẳng ai chống lại được Đức Chúa Trời,
                 Dù khôn ngoan trí tuệ, dù thương nghị mưu kế.
                 (Bản Hiện Đại)

Đây là câu Châm Ngôn của vua Sa-lô-môn, người từng xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan và Ngài đã ban cho vua trí khôn ngoan sáng suốt chẳng ai bằng, kể cả người đời trước và đời sau (I Các Vua 3:12). Câu Châm Ngôn công bố Đức Chúa Trời là nguồn khôn ngoan và là Đấng ban cho vua sự khôn ngoan, trí thông minh. Đức Chúa Trời cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan, hiểu biết sâu xa, uyên bác. (I Các Vua 4:29) Câu Châm Ngôn bày tỏ lòng khiêm nhường của người khôn ngoan. Mặc dù vua Sa-lô-môn khôn ngoan hơn cả những nhà thông thái Đông phương, kể cả Ai-cập. Ông khôn hơn Ê-than người Ết-ra và Hê-man, Canh Đôn và Đạt-ba (các con của Ma-hôn), mặc dù danh tiếng vua vang lừng sang cả các nước xung quanh, mặc dù vua Sa-lô-môn nổi tiếng khôn ngoan đến nỗi vua của các nước khác gửi người đến xin thụ giáo (I Các Vua 4:30-31, 34), nhưng người khôn ngoan vẫn hạ mình, tôn vinh và kính sợ Đức Chúa Trời. Kính sợ Chúa Hằng Hữu là khởi điểm khôn ngoan. Hiểu biết Đấng Thánh, ấy cội nguồn tri thức (Châm Ngôn 9:10) Khi con người nhìn nhận và kính sợ Chúa thì họ vận dụng sự khôn ngoan, trí thông minh và mưu trí của mình theo ý muốn của Chúa thay vì chống nghịch lại Ngài.
Cũng có thể áp dụng câu Châm Ngôn này cho những người chống nghịch Đức Chúa Trời. Như Pha-ra-ôn từng nói: “Chúa Hằng Hữu là ai mà ra lệnh cho ta? Ta chẳng biết Chúa Hằng Hữu nào hết, cũng chẳng tha cho dân I-sơ-ra-ên đi đâu cả.” (Xuất Ai-cập Ký 5:2) Vì vậy, Chúa phán: “Ta sẽ ra tay làm cho vua ấy không những để cho dân ta ra đi mà còn sẽ đuổi họ đi gấp nữa.” (Xuất Ai-cập Ký 6:1b)
Đa-ni-ên chương 4 là lời làm chứng của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Vua trở nên cường thịnh và vĩ đại đến mức vươn lên đến tận trời và vương quyền của vua bao trùm cả thế giới. Nhưng vì kiêu ngạo vua bị Chúa hình phạt cho đến khi nhận biết Đấng Chí Tôn tể trị thế giới và ban quyền hành cho ai tuỳ ý. Rốt cuộc vua công nhận: “Đem so với Chúa, tất cả nhân loại trên thế giới chỉ là con số không… Không ai có quyền ngăn chặn và chất vấn Ngài” (Đa-ni-ên 4:35) Vì tất cả các ý định của Chúa sẽ được thực hiện (Giê-rê-mi 51:29).
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Ngày 28 tháng 3. HAI QUYẾT TÂM, HAI HƯỚNG TRÁI NGƯỢC

21   29 Kẻ ác tự làm mặt chai mày đá;
                Còn người ngay thẳng làm vững đường lối mình.

           29 Kẻ ác làm cho mặt mày chai đá,
                 Người ngay làm cho đường lối vững như bàn thạch.
                 (Bản Hiện Đại)  

Câu Châm Ngôn mô tả quyết tâm của hai loại người: kẻ ác và người ngay. 
Kẻ ác tự làm mặt chai mày đá. Kẻ ác cũng bày tỏ “quyết tâm”, nhưng đó là “quyết tâm” sống với tội lỗi.
Kẻ tự làm mặt chai mày đá có thể là người từng nghe lời Chúa, thấy lời Chúa ứng nghiệm. Đức Chúa Trời phán với dân I-sơ-ra-ên: “Vì ta biết các ngươi ngoan cố, cứng cổ, cứng đầu… Các ngươi đã nghe ta báo trước và đã thấy lời ta ứng nghiệm, nhưng các ngươi vẫn ngoan cố không chịu nhìn nhận sự thật.” (Ê-sai 48:4, 6) 
Kẻ tự làm mặt chai mày đá là người phạm tội nhưng không hổ thẹn, chẳng chịu ăn năn. Đức Chúa Trời phán: “Đất nước ngươi bị hạn hán, không một giọt mưa rơi xuống cho đến cuối mùa. Nhưng ngươi vẫn vẻ mặt như gái mãi dâm; không chút thẹn thuồng.” (Giê-rê-mi 3:3)
Kẻ tự làm mặt chai mày đá là người Chúa sửa trị. Tiên tri Giê-rê-mi nói về dân I-sơ-ra-ên: “Chúa đánh phạt mà chúng chẳng biết đau. Chúa tàn hại mà chúng không rút tỉa bài học. Chúng tự làm cho mặt mình cứng hơn tảng đá, chúng ngoan cố không chịu quay về.” (Giê-rê-mi 5:3) 
Kẻ tự làm mặt chai mày đá là người chống nghịch Đức Thánh Linh, không vâng giữ lời Chúa. Chấp sự Ê-tiên cảnh cáo: “Các ông là những người ngoan cố, lòng chai tai nặng! Các ông luôn luôn chống đối Thánh Linh! Các ông hành động giống hệt tổ tiên mình…” (Công Vụ 7:51)  
Người ngay thẳng làm vững đường lối mình. Quyết tâm của người ngay thẳng là làm cho đường lối vững như bàn thạch. Cũng “vững như đá” nhưng theo chiều hướng tốt lành chớ không theo chiều hướng xấu xa. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca về những bước củng cố đức tin và nếp sống theo niềm tin. (1)Tiếp nhận sứ giả Phúc Âm và Phúc Âm. Ông Cọt-nây thưa với sứ đồ Phi-e-rơ: “Toàn thể chúng tôi đang nhóm họp trước mặt Đức Chúa Trời để nghe tất cả những điều Chúa đã truyền dạy ông.” (Công Vụ 10:33) (2)Từ bỏ thần tượng. (3)Trở về phụng sự Đức Chúa Trời. (4)Kiên tâm chờ đợi Chúa Giê-xu tái lâm. (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10). 
Khi bước theo lối công minh, trên đường nẻo công chính (Châm Ngôn 8:20) người công chính sẽ được an toàn và vững vàng trong nếp sống của mình.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Ngày 27 tháng 3. TRƯỜNG TỒN KHI CHÂN THẬT

21  28 Chứng dối giả sẽ hư mất đi;
                Nhưng người hay nghe theo sẽ nói được mãi mãi.

           28 Lời chứng dối tự nó triệt tiêu,
                 Người mắt thấy tai nghe được toà ghi chiếu.
                 (Bản Hiện Đại)

Đức Chúa Trời là Đấng chân thật: Đường lối Ngài chính là công lý, tuyệt đối chính trực và công bình. (Phục Truyền 32:4) Chân thật cũng là một trong những tiêu chuẩn cần xét đến khi chọn người lãnh đạo, từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất (Xuất Ai-cập Ký 18:21).
Vế đầu của câu Châm Ngôn nói về “chứng dối giả” (lời chứng dối). Đây là lời chứng của người không vâng giữ luật của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời công bố điều răn thứ chín là: Không được làm chứng dối. (Xuất Ai-cập Ký 20:16) Người này đối diện với trường hợp nghiêm trọng khi tuyên thệ trước toà là sẽ nói sự thật. Tuy nhiên người làm chứng vì lý do nào đó (sợ hãi, bị mua chuộc,…) thay vì hợp tác với sự thật đã hợp tác với sự dối trá và không chịu khai những điều mình thấy và biết. Kinh Thánh dạy: Nếu một nhân chứng đã tuyên thệ, nhưng không chịu khai những điều mình thấy và biết, thì nhân chứng mắc tội. (Lê-vi Ký 5:1) Trước khi tuyên thệ, nhân chứng vô tội. Nhưng sau khi người đó làm chứng dối thì Đức Chúa Trời tuyên án người đó mắc tội, còn toà án của con người thì không. Trước mắt, sự dối trá thắng thế nhưng tương lai và cuối cùng của nhân chứng dối là “hư mất”. Còn những kẻ hèn nhát, vô tín, hư hỏng, sát nhân, gian dâm, tà thuật, thờ thần tượng và dối trá, đều phải vào hồ lửa diêm sinh. (Khải Thị 21:8)    
Vế sau của câu Châm Ngôn đề cập đến “người hay nghe theo”. Đây là người chịu lắng nghe cẩn thận, nhận biết rằng chẳng những mình tuyên thệ trước mặt con người nhưng cũng tuyên thệ trước mặt Đức Chúa Trời. Không hợp tác với sự dối trá, không chịu làm con của ma quỷ là một kẻ sát nhân,… là tay láo khoét và là trùm láo khoét (Giăng 8:44), nhân chứng ngay thẳng nói những điều mắt thấy tai nghe.
Trong khi nhân chứng dối giả “sẽ hư mất đi” thì nhân chứng chân thật “sẽ nói được mãi mãi”. Lời của người biết nghe sẽ còn mãi mang ý nghĩa nhân chứng chân thật luôn luôn nói ra sự thật, không lập lờ nước đôi, trước sau như một, luôn luôn nhất quán. Lời của người biết nghe sẽ còn mãi là kết quả và giá trị của người sống trung thành theo chân lý và nói sự thật. Người làm chứng chân thật sẽ còn mãi với Đấng Chân Thật.   
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Ngày 26 tháng 3. CỦA HỐI LỘ TỪ TÀ TÂM

21     27 Của lễ của kẻ ác là một vật gớm ghiếc;
                 Phương chi họ đem đến mà có ác tưởng.

            27 Của lễ kẻ ác là điều đáng ghét,
                 Nếu có tà tâm thì càng ghê tởm đến đâu?
                 (Bản Hiện Đại)
Kẻ ác là ai và ác tưởng của họ ra sao mà của lễ bị xem là gớm ghiếc và ghê tởm? 
Có thể họ sống như hai con trai của ông Hê-li. Các con trai ông Hê-li là những người gian tà, không biết kính sợ Chúa… Tội lỗi của những thầy tế lễ này thật lớn trước mặt Chúa. Họ khinh thường các lễ vật người ta đem dâng cho Ngài. (I Sa-mu-ên 2:12, 17)
Có thể họ mưu đồ như ông Ba-la-am. Chỉ dẫn người khác dâng của lễ cho Đức Chúa Trời nhưng với mưu đồ xấu xa. Ba-la-am nói với Ba-lác: “Xin hãy xây bảy cái bàn thờ tại đây, và đem đến cho tôi bảy con bò đực và bảy con cừu đực.” Sau khi vua Ba-lác làm theo, ông Ba-la-am còn bày vẽ: “Xin bệ hạ đứng đấy, bên cạnh của lễ thiêu mình. Tôi đi đằng này, xem có gặp Đức Chúa Trời không, may ra có thể gặp được, tôi sẽ cho bệ hạ biết những điều Ngài bảo tôi.” (Dân Số Ký 21:1-3)  Trong thời đại chúng ta, kẻ ác là những giáo sư giả, những tiên tri mạo nhận. Một mặt họ lừa gạt anh em, một mặt sống trong tội lỗi nhuốc nhơ, một mặt chễm chệ ngồi dự bữa tiệc yêu thương của anh em, ra vẻ con người thật thà… (II Phi-e-rơ 2:12) 
Có thể họ là những người không tôn kính tôn thờ Đức Chúa Trời nhưng họ làm việc công chính trước mặt thiên hạ để được người ta trông thấy. Họ khua chiêng gióng trống khi bố thí để được người ta ca tụng. Họ cầu nguyện giống như bọn đạo đức giả, phô trương cho người ta trông thấy. Họ làm bộ làm tịch cho người ta biết họ đang kiêng ăn. (Ma-thi-ơ 6:1-6)
Có thể họ nói năng rất thuộc linh, đại loại như dâm phụ nói những lời mộ đạo: “Hôm nay tôi dâng lễ vật tạ ơn, trong nhà đầy dẫy thức ăn ngon, nên tôi vội vã đi kiếm anh…” (Châm Ngôn 7:14-15) nhưng tâm địa là dâm đãng. Như hoàng tử Áp-sa-lôn khi thưa với vua Đa-vít: “Xin cho con đi Hếp-rôn dâng lễ vật thề nguyền cho Chúa.” Nói là dâng lễ vật nhưng thật ra là nổi loạn, phản phúc, giết người.
Thay vì ăn năn tội lỗi, từ bỏ ác tâm, thay đổi cách sống, kẻ ác lại dùng của lễ “hối lộ” Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà tế lễ kẻ ác là vật Chân Thần chán ghét. (Châm Ngôn 15:8) Đức Chúa Trời còn ghê tởm và ghét hơn nữa khi kẻ ác dâng của lễ lên Chúa với mong ước Chúa ban phước cho kế hoạch gian ác của họ. 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Ngày 25 tháng 3. LO SAN SẺ HAY MONG THU NHẬN?

21  26 Có người trót ngày ham hố quá;
                Nhưng người công chính ban cho không chắt lót.

          26 Cả ngày nó chỉ chắt bóp, thèm khát;
                Nhưng người ngay lại chia sẻ rộng rãi.
                (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn mô tả sự khác biệt giữa “người trót ngày ham hố quá” (người chỉ chắt bóp, thèm khát) với “người công chính ban cho không chắt lót” (người ngay chia sẻ rộng rãi) nhằm phân biệt người gian ác với người công chính, người biếng nhác với người siêng năng, người chắt lót bủn xỉn với người chia sẻ rộng rãi.
-Người biếng nhác và người siêng năng đều có ước mơ. Thế nhưng người biếng nhác dành nhiều thời gian ước muốn những điều mình không thể có. Không lo làm việc nhưng lòng tham lam cứ theo đuổi ngày đêm. Theo thời gian những mong ước, thèm khát ngày càng chồng chất nên đời sống mất quân bình giữa nội tâm với thực tế, giữa ước mơ với hành động.
Câu Châm Ngôn dùng cụm từ “người công chính” (người ngay) để nhấn mạnh đến đời sống đạo đức, thuộc linh của người có ước mơ, có hành động đúng đắn. Đây là người có đời sống nội tâm tốt đẹp, có đời sống thực tế tốt đẹp (siêng năng làm việc). Ước mong của người công chính đưa đến điều thiện. Còn hy vọng của kẻ ác đem lại cơn thịnh nộ. (Châm Ngôn 11:23)
-Người gian ác và người công chính đều ước muốn sở hữu tiền bạc của cải. Người gian ác là “người ham hố”, dành tất cả thời gian để chắt bóp, thu vén, bủn xỉn. Tất cả chỉ hướng về chính mình một cách ích kỷ để thoả mãn lòng tham, tánh thèm của cải. Nếu là người làm biếng thì sự ích kỷ càng ghê gớm.
Còn người công chính nhờ đâu có thể “ban cho không chắt lót”? Nếu không siêng năng chịu khó làm việc thì lấy gì để san sẻ? Nếu chỉ nghĩ đến mình mà không hướng về người khác trong tinh thần yêu thương, phục vụ thì làm sao san sẻ rộng rãi? Việc người công chính “ban cho cách rộng rãi” minh chứng người đó được phước và thịnh vượng. Người hào phóng sẽ thịnh vượng. Ai rộng rãi với người, chính mình sẽ hưởng phước. (Châm Ngôn 11:24)  
Sứ đồ Phao-lô tâm sự: “Tôi đã chứng tỏ cho anh em biết phải làm lụng khó nhọc để giúp đỡ người nghèo khổ, và phải ghi nhớ lời Chúa Giê-xu: ‘Người cho có phúc hơn người nhận.’” (Công Vụ 20:35)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Ngày 24 tháng 3. KHÔNG ĐỘNG TAY MÀ HẠI NHIỀU


21  25 Sự ước ao của kẻ biếng nhác giết chết nó;
                Bởi vì hai tay nó không khứng làm việc.

          26 Kẻ lười chẳng làm việc là tự diệt.
                (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn đề cập đến tình trạng của kẻ biếng nhác.
-Tâm tư của kẻ biếng nhác. Từ ngữ “ước ao” mô tả đời sống nội tâm, tình cảm của kẻ biếng nhác. Kẻ biếng nhác có nguyện vọng, có ước muốn. Kẻ biếng nhác không phải là người có những mơ ước viễn vông hoặc suy nghĩ những chuyện xấu xa. Ước ao của họ cũng hướng về những điều tốt đẹp, rất thực tế và có thể đạt được. 
-Tay của kẻ biếng nhác. Nhóm từ “hai tay nó không khứng làm việc” mô tả hành vi, sinh hoạt hằng ngày của kẻ biếng nhác. Họ chẳng thực hiện một việc nào nhằm đạt đến những điều họ ước ao. Vậy, họ làm gì trong khi “chẳng làm việc”? Sách Châm Ngôn cho biết khi thì họ “nằm” và “ngủ” (Châm Ngôn 6:6-10), khi thì “không chiên nướng thịt đã săn” (Châm Ngôn 12:27a), khi thì “thả trôi trong công việc mình” (Châm Ngôn 18:9a), khi thì đổ thừa cho khó khăn, nguy hiểm (Châm Ngôn 22:13),… Họ có nhiều lý do để không hoặc chưa làm việc. Chính vì thế mà họ chỉ làm một việc: nằm ngủ và mơ mộng.  
-Tự diệt, tự huỷ hoại đời sống mình là “hành động” của kẻ biếng nhác. Sách Châm Ngôn đề cập đến những hậu quả của đời sống biếng nhác: chẳng có chi hết: Lòng kẻ biếng nhác mong ước mà chẳng có chi hết (Châm Ngôn 13:4), suốt đời nghèo khó (Châm Ngôn 10:4), bị đói khát (Châm Ngôn 19:15), phải đi xin ăn (Châm Ngôn 20:4), phải chịu cảnh tôi con (Châm Ngôn 12:24), bị xem là kẻ phá hoại (Châm Ngôn 18:9),… Câu Châm Ngôn cho biết kẻ biếng nhác tự huỷ hoại đời sống mình khi chỉ có ước muốn mà không lo hành động.
Nhiều đời sống người Cơ Đốc chỉ dừng lại ở ước muốn. Muốn hiểu biết lời Chúa nhưng không bao giờ chịu học Kinh Thánh, không chịu lắng nghe giảng giải lời Chúa. Muốn nhiều người biết Chúa Giê-xu nhưng chưa bao giờ mở miệng làm chứng Tin Lành. Muốn cho nhóm Cơ Đốc trở nên mạnh mẽ và hữu hiệu nhưng chẳng thèm động tay động chân. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Vậy, chúng ta đừng mê ngủ như kẻ khác, nhưng phải thức canh và tỉnh táo… Vậy anh em hãy tiếp tục an ủi, xây dựng nhau, như anh em thường làm.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:6, 11)  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Ngày 23 tháng 3. KẺ NHẠO BÁNG

21    24 Nhạo báng, ấy là tên của người kiêu căng cao cách;
                Nó cư xử cách xấc xược theo tánh kiêu ngạo của nó.

          24 Kẻ nhạo báng vẫn là kiêu căng, xấc xược,
                Thái độ lúc nào cũng hợm hĩnh khinh khi.
                (Bản Hiện Đại)

Sách Châm Ngôn đề cập nhiều hạng người: Kẻ ngu dại (1:7), tội nhân (1:10), dâm phụ (2:16; 5:3-6), người biếng nhác (6:6-11), phụ nữ đáng ghét (9:13), người thiếu trí hiểu (10:23),… Trong những người đó, kẻ nhạo báng là khó chịu hơn hết. Vì chúng ta có thể giúp đỡ những người khác để họ thay đổi, nhưng giúp đỡ kẻ nhạo báng là điều không dễ dàng.
Làm thế nào để nhận ra kẻ nhạo báng? Câu Châm Ngôn cho biết đặc điểm của kẻ nhạo báng là “kiêu căng, xấc xược”, “hợm hĩnh khinh khi”. Gặp người như thế hãy gọi là “kẻ nhạo báng” vì tánh của hắn thật hiệp với nghĩa tên hắn. (I Sa-mu-ên 25:25)
Là người rất khó thay đổi, kẻ nhạo báng không đến gần người khôn vì sợ phải nghe lời quở trách. (Châm Ngôn 15:12) Xem ra xung quanh kẻ nhạo báng chỉ toàn người dại dột. Tất nhiên hắn không tha cho nhóm người này, nhưng cứ tha hồ chế nhạo, cho mình là khôn ngoan và chẳng bao giờ “đến gần” người khôn.
Vì “không đến gần người khôn” nên khi bị người khôn ngoan quở trách, kẻ nhạo báng chẳng những cảm thấy bị sỉ nhục mà còn thù ghét người quở trách hắn. Ai quở kẻ chế nhạo, bị nhục nhã… Đừng quở kẻ chế nhạo, nó sẽ ghét con. (Châm Ngôn 9:7a, 8a) Chúa Giê-xu dạy: “Đừng quăng cho chó vật thánh, đừng liệng ngọc trai của anh em cho heo, kẻo chúng giẫm đạp dưới chân rồi quay lại cắn xé anh em.” (Ma-thi-ơ 7:6)
Là người kiêu căng, kẻ nhạo báng không bao giờ chịu hạ mình nghe lời khuyên dạy. Đứa nhạo báng bỏ lời khiển trách ngoài tai. (Châm Ngôn 13:1b) Kẻ nhạo báng quên rằng một người tự phụ cho mình là khôn còn tệ hại hơn một người đần độn. (Châm Ngôn 26:12) Là người xấc xược, kẻ nhạo báng chẳng có hy vọng. Kẻ nhạo báng kiếm khôn ngoan mà chẳng gặp. (Châm Ngôn 14:6)
Vì không thể khuyên, chẳng có thể dạy cho nên kẻ nhạo báng chỉ “hữu ích” cho người khác trong lúc bị trừng phạt. Trừng phạt kẻ nhạo báng kẻ chân chất sẽ học khôn. (Châm Ngôn 19:15)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Ngày 22 tháng 3. MIỆNG LƯỠI HẠI CHỦ

 21  23 Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình
                Giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn.

          23 Ai kiểm soát miệng, cầm giữ lưỡi,
                Là người giữ mình thoát khỏi rối reng.
                (Bản Hiện Đại) 

Nào có ai nhìn thấy linh hồn. Nhưng ai ai cũng thường xuyên nhìn thấy miệng và lưỡi. Theo câu Châm Ngôn này thì người biết “giữ lấy miệng và lưỡi” tức là “giữ linh hồn”.  Miệng và lưỡi của một người có thể gây rắc rối trong các mối liên hệ, có thể gây tai hoạ nên trở thành kẻ thù của người ấy. Trái lại, người kiểm soát được miệng và lưỡi của mình, nói ra những điều thích hợp và đúng thời điểm thì được phước trong đời này và đời sau.   
Kẻ ngu dại, người ganh ghét, đứa mách lẻo, kẻ tà vạy, kẻ chống nghịch Chúa, kẻ lợi dụng người khác… là những người không giữ lấy miệng lưỡi. Kẻ điên dại nhạo cười tội lỗi (Châm Ngôn 14:9a). Ai che giấu ganh ghét có môi giả dối. Ai buông lời phỉ báng là kẻ điên rồ. (Châm Ngôn 10:18). Đứa mách lẻo rêu rao điều kín dấu. (Châm Ngôn 11:13a). Kẻ tà vạy gieo mầm xung đột. Người rỉ tai chia rẻ bạn thân. (Châm Ngôn 17:28). (Giu-đe 14-16).
Sứ đồ Phao-lô khuyên người tin Chúa: “Đã là con cái thánh của Chúa, anh em đừng nói đến chuyện gian dâm, ô uế, tham lam. Đừng nói lời tục tĩu, bậy bạ, hoặc chuyện tiếu lâm thô bỉ, nhưng cứ nhắc nhở ân đức Chúa Trời và cảm tạ Ngài. (Ê-phê-sô 5:3-4) Những người tin Chúa (anh em, con cái thánh của Chúa) khi ngồi với nhau mà không “kiểm soát miệng”, không “cầm giữ lưỡi” thì lời ăn tiếng nói của họ chẳng khác gì những người chưa tin.
Con người phải giữ lấy miệng và lưỡi trong mối liên hệ với nhau mà còn phải giữ lấy miệng và lưỡi trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Sau khi phàn nàn ông Mô-se là người lãnh đạo, dân I-sơ-ra-ên quay sang phàn nàn Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: “Người I-sơ-ra-ên bắt đầu giở giọng phàn nàn, than thân trách phận. Chúa nghe tất cả và nổi giận. Lửa của Chúa bắt đầu thiêu đốt những trại ở ven ngoài cùng của họ.” (Dân Số Ký 11:1)
Làm thế nào để “giữ lấy miệng và lưỡi của mình”? (1)Chớ nói nhiều. Nói năng nhiều tội khiên càng lắm (Châm Ngôn 10:19a). (2)Chịu nghe, chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19). (3)Chớ quên ngày phán xử: mỗi người sẽ phải khai trình mọi lời vô ích của mình. (Ma-thi-ơ 12:34-37) (4)Cầu nguyện. Xin Chúa canh chừng miệng con, giữ cửa môi con. (Thi Thiên 141:3) Ai là người yêu thích cuộc đời, muốn sống lâu dài, tốt đẹp? Phải giữ miệng lưỡi mình, đừng nói lời độc địa dối gian. (Thi Thiên 34:12-13) 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Ngày 21 tháng 3. KHÔN NGOAN HƠN SỨC MẠNH



21     22 Người khôn ngoan leo lên thành dõng sĩ,
                 Đánh hạ sức lực mà nó nương cậy.

           22 Người khôn ngoan tấn công thành trì kẻ mạnh,
                 Triệt hạ pháo đài phòng thủ đối phương.
                 (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn đề cập đến “người khôn ngoan” và “dõng sĩ” (kẻ mạnh). Cả hai đều chiến đấu, nhưng cách thức chiến đấu khác nhau và trái ngược nhau. Trong khi dõng sĩ cậy sức mạnh của mình thì người khôn ngoan  dựa vào sự hiểu biết. Cậy sức mạnh dễ trở thành kiêu ngạo, còn dựa vào sự khôn ngoan dễ trở nên khiêm nhường. Vua Bên-sát-sa cậy sức mạnh của mình, tưởng rằng mình an toàn trong Ba-by-lôn. Vua lại kiêu căng ngạo mạn, chống nghịch Chúa trên trời. Trong một đêm, vua mất tất cả. Nhà Truyền Đạo viết: Một người khôn hơn cả mười tướng giữ thành. (Truyền Đạo 7:19)
Trong thế giới điên dại, con người ưa thích vui chơi hơn là kính thờ Đức Chúa Trời. Vì thế họ đề cao và tôn vinh người có sức mạnh và xem thường, chế giễu người khôn ngoan. Nhà Truyền Đạo viết: Tôi nghiệm ra rằng sự khôn ngoan thắng hơn sức mạnh, nhưng sự khôn ngoan của người nghèo lại bị coi rẻ, và lời của người khôn không được ai quý chuộng. Tuy nhiên, lời nói êm dịu của người khôn còn hơn tiếng gào thét của tướng chỉ huy một đám khờ. Sự khôn ngoan thắng hơn khí giới. Truyền Đạo 9:16-18) Mặc dù sự khôn ngoan bị xem thường, lời lẽ khôn ngoan không được quý chuộng, thậm chí người khôn ngoan chìm vào quên lãng thì sự thật vẫn là sự khôn ngoan tốt hơn sức mạnh. Con người ỷ vào sức mạnh như Ba-by-lôn, nhưng đến một lúc các chiến sĩ hùng mạnh của Ba-by-lôn phải buông khí giới, rút vào trốn trong chiến luỹ; khả năng chiến đấu không còn nữa, bây giờ họ yếu ớt như đàn bà. (Giê-rê-mi 51:30)   
Trong đời sống thuộc linh, người Cơ Đốc khôn ngoan triệt hạ được những chiến luỹ kiên cố không phải bằng vũ khí bom đạn nhưng bằng sức mạnh của sự khôn ngoan thiên thượng. Đó là sức mạnh của đức tin, sức mạnh của sự cầu nguyện và sức mạnh của lời Chúa. Sứ đồ Phao-lô chia sẻ: “Chúng tôi dù sống trong thế gian, nhưng không đấu tranh theo lối người đời. Khí giới chiến đấu của chúng tôi không do loài người chế tạo, nhưng là vũ khí vô địch của Đức Chúa Trời để san bằng mọi chiến luỹ kiên cố. (II Cô-rinh-tô 10:3-4) Sức mạnh của loài người làm sao bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời?!!?
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Ngày 20 tháng 3. TÌM HAI ĐƯỢC BA

21    21  Người nào tìm cầu sự công chính và sự nhân từ
                 Sẽ tìm được sự sống, sự công bình, và tôn trọng.

         21  Hãy công bằng và nhân từ,
                Con sẽ được trường sinh, công lý và danh dự.
                (Bản Hiện Đại)

Cấu trúc của câu Châm Ngôn này là “người nào tìm cầu… sẽ tìm được…” Điều đặc biệt là người nào tìm hai, sẽ được ba, tìm ít được nhiều.
-“Tìm cầu” hai điều: sự công chính và sự nhân từ. Đây là nền tảng cho  tất cả các mối liên hệ trong đời sống. Tìm cầu sự công chính và sự nhân từ là việc không ngừng nghỉ. Đừng bao giờ chấm dứt việc theo đuổi sự công chính và sự nhân từ. Không mệt mỏi, cũng không gián đoạn khi tìm cầu, trái lại kiên trì, bền bỉ.
Trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, tìm cầu sự công chính và sự nhân từ không phải chỉ diễn ra vào ngày Chúa Nhật mà phải tìm cầu suốt tuần lễ. Ước muốn của người tìm cầu sự công chính là: Con hằng mong mỏi mạng lệnh Chúa, cho con được sống trong công lý Ngài. (Thi Thiên 119:40) Chẳng những được Chúa kể là công chính mà trong mối liên hệ với người khác, từ lời nói đến hành động đều bày tỏ sự công chính. Các lời miệng ta đều xứng hiệp sự công chính. Trong nó chẳng có điều cho cong vạy hoặc gian tà. (Châm Ngôn 8:8)
Người tìm cầu sự nhân từ của Đức Chúa Trời cũng bày tỏ lòng nhân từ trong cuộc sống đời thường, từ những việc rất đơn giản. Thí dụ như kiếm sống trong thiên nhiên. Nếu gặp một tổ chim trên cây hay dưới đất, có chim mẹ đang ấp con hoặc ấp trứng, không được bắt cả mẹ lẫn con (Phục Truyền 22:6-7) cho đến mối liên hệ với người xung quanh. Ai khinh bỉ người lân cận mắc tội với Chân Thần. Ai thương xót người khốn khổ được Ngài ban nhiều phước. (Châm Ngôn 14:21)
Ông Phi-e-rơ muốn “tìm cầu” sự nhân từ khi hỏi Chúa Giê-xu: “Thưa Thầy, khi anh em tôi phạm lỗi với tôi, tôi phải tha thứ cho người ấy đến bao nhiêu lần? Đến bảy lần, phải không?” Chúa dạy rằng người “tìm cầu” sự nhân từ phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy.” (Ma-thi-ơ 18:21-22)
-“Tìm được” ba điều: sự sống, sự công bình và tôn trọng. Đây là kết quả của cuộc đời tìm cầu sự công chính và sự nhân từ. Người sống công chính phải chịu bắt bớ, sống nhân từ phải hy sinh. Tưởng chừng mất mát, thiệt thòi, nhưng Chúa phán: “Ai vì ta mất tính mạng mình thì sẽ tìm lại được.” (Ma-thi-ơ 16:25b) Người đầy tớ không chịu tha thứ vừa không được tôn trọng vừa bị kết án (Ma-thi-ơ 18:32). Trái lại người Sa-ma-ri nhân từ được Chúa Giê-xu nhắc đến với tất cả sự tôn trọng (Lu-ca 10:30-37).  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Ngày 19 tháng 3. DƯ NHỜ DÂNG

21  20 Có bửu vật và dầu trong nhà người khôn ngoan;
                 Nhưng kẻ ngu muội nuốt nó đi.

          20 Trong tay người khôn, tài sản còn lại,
                 Kẻ dại hễ có là xài hết ngay.
                (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn viết về tình hình tài chánh của người khôn ngoan và kẻ ngu muội. Người khôn ngoan có bửu vật và dầu (tài sản) trong nhà, còn kẻ ngu muội chẳng còn gì vì đã “nuốt nó đi” (xài hết ngay).
Nhờ đâu trong nhà người khôn ngoan “có bửu vật và dầu”? Trước hết và trên hết, người khôn ngoan biết dâng hiến trước tiên. Số lượng dâng hiến tối thiểu là 10% tài sản và hoa lợi đầu mùa. Hãy dùng tài sản và hoa lợi đầu mùa tôn vinh Chúa Hằng Hữu. Như thế kho thóc con đầy dẫy, thùng chứa tràn ngập rượu mới. (Châm Ngôn 3:9-10) Thứ nhì, người khôn ngoan biết thường xuyên dự trữ. Học nơi loài kiến, mùa hè chúng biết dự trữ lương thực, mùa gặt biết thu nhặt lúa thóc, (Châm Ngôn 6:8) người khôn ngoan chẳng những siêng năng làm việc mà còn biết dự trữ, biết dành dụm cho “mùa đông”. Không dành dụm thì làm sao có cho mình và làm sao có thể giúp đỡ người khác. Thứ ba, người khôn ngoan chi tiêu chừng mực. Trong khi kẻ ngu dại sống theo kiểu “nuốt” “bửu vật và dầu”, “có là xài hết ngay” thì người khôn ngoan biết “ăn” như thế nào để còn “bửu vật và dầu”, biết “xài” như thế nào để “tài sản còn lại”.    
Câu Châm Ngôn mô tả kẻ dại dột tiêu tiền nhanh hơn số họ kiếm được. Được cha chia cho gia tài, cậu con thứ chẳng nghĩ đến việc dâng hiến, chẳng nghĩ đến việc chi tiêu chừng mực, chẳng nghĩ đến việc làm lợi, cậu chỉ lo gom góp tất cả của cải, rồi đi đến một phương xa, tại đó ăn chơi phóng đãng, tiêu tiền như rác (Lu-ca 15:13).
Người sống theo kiểu “có là xài”, ăn chơi phóng đãng chỉ lo thoả mãn điều mình muốn chớ không phải điều mình cần. Ai ham sự vui chơi ắt sẽ nghèo khó. Còn ai ưa rượu với dầu sẽ chẳng hề làm giàu. (Châm Ngôn 21:17)
Người sống theo kiểu “có là xài” không quý trọng “bửu vật và dầu”. Người siêng năng làm việc cũng cần quý trọng tiền bạc của cải mình làm ra. Người siêng năng coi quý tài sản mình. (Châm Ngôn 12:27b) 
Nếu bạn đang chủ trương tiêu xài trước tiên, dự trữ chỉ phiền, dâng hiến tuỳ tiện thì bạn cần thay đổi. 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Ngày 18 tháng 3. VẮNG VẺ KHOẺ THÂN

21 19 Thà ở nơi vắng vẻ,
                Hơn là ở với một người đàn bà
                hay tranh cạnh và nóng giận.

          19 Thà ở nơi sa mạc,
                Còn hơn ở chung nhà đàn bà rầy rà, nóng nảy.
                (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn này không nhằm ám chỉ các bậc thánh nhân xưa kia phải đi vào sa mạc để tránh ở chung nhà với phụ nữ tranh cạnh và nóng giận. Tiên tri Ê-li đi vào sa mạc để tôi tớ mình ở lại Bê-e-Sê-ba chẳng phải vì ông không ưa người tôi tớ. Chúa Giê-xu được Đức Thánh Linh đưa vào sa mạc không phải vì cớ người thân trong gia đình. Ngài đi vào sa mạc để kiêng ăn, cầu nguyện chuẩn bị cho những đợt cám dỗ của ma quỷ.
-Câu Châm Ngôn này là lời khuyên của người từng thất bại trong hôn nhân. Chẳng có ai “ở chung nhà” với nhiều phụ nữ như vua Sa-lô-môn. Cũng chẳng ai tìm hiểu và cưới vợ nhanh như vua Sa-lô-môn. Trong 40 năm trị vì vua có 700 hoàng hậu (I Các Vua 11:3). Sự kiện này nằm trong khúc Kinh Thánh ghi những việc dại dột của vua Sa-lô-môn. Có lẽ lời khuyên này phát xuất từ nỗi khổ sở mà vua phải gánh chịu vì những hoàng hậu hay tranh cạnh và tức giận nhau.
-Câu Châm Ngôn này là tâm tình của người nam đối với người nữ trong gia đình. Có thể người nữ chưa tranh cạnh và nóng giận, hoặc người nam thấy người nữ bắt đầu có những triệu chứng rầy rà, nóng nảy. Nếu sự cố xảy ra, người nam chọn sống đơn độc ở nơi xa xôi, hoang vắng, khắc nghiệt thiếu mọi tiện nghi thay vì sống trong nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi với một phụ nữ hay tranh cãi, ồn ào.
-Câu Châm Ngôn này cũng là tâm niệm của thanh niên khi quyết định kết hôn. Khi chưa hiểu đúng mức thì đừng vội vàng quyết định tiến tới hôn nhân. Cũng không vì áp lực của tuổi tác, áp lực của dư luận mà chấp nhận lập gia đình khi chưa biết rõ tánh tình của đối tượng. Ai cũng muốn sống có đôi có cặp. Chẳng ai thích sống một mình. Nhưng nếu sống với một phụ nữ đáng ghét từ mối liên hệ với người xung quanh (hay tranh cạnh, rầy rà) đến tánh tình thường bùng phát những cơn nóng giận thì thà sống một mình. 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Ngày 17 tháng 3. AI LÃNH ĐỦ?

21   18  Kẻ ác là một giá chuộc người công chính;
                 Và kẻ dối gạt thế chỗ cho người ngay thẳng.

          18  Kẻ ác lãnh tai nạn người lành,
                 Kẻ bất nghĩa lãnh tai nạn người ngay thẳng.

Câu Châm Ngôn phân biệt giữa nhóm kẻ ác và kẻ dối gạt với nhóm người công chính và người ngay thẳng. Câu Châm Ngôn đề cập đến “kẻ ác là một giá chuộc”, “kẻ ác thế chỗ” nhằm nhắc nhở người công chính quyền tể trị và sự đoán xét của Đức Chúa Trời đối với kẻ ác và kẻ dối gạt. 
Vua Sau-lơ từng vi phạm giao ước mà ông Giô-suê đã lập với người Ga-ba-ôn (Giô-suê 9:19-20) khi vua tìm cách tiêu diệt họ. Đó là nguyên nhân của trận đói kéo dài ba năm. Vua Đa-vít hỏi người Ga-ba-ôn: “Ta phải làm gì cho anh em để chuộc tội, để anh em chúc phước lành cho đất nước chúng tôi?” Bảy con trai của vua Sau-lơ là cái giá đền tội ác của vua Sau-lơ (II Sa-mu-ên 21).
Tể tướng Ha-man là kẻ ác, là kẻ dối gạt, còn ông Mạc-đô-chê là người công chính, ngay thẳng. Tể tướng Ha-man cho đóng giá treo cổ để xin vua treo ông Mạc-đô-chê lên, nhưng cuối cùng vua lại ra lệnh: “Hãy treo cổ Ha-man lên đó!” Vậy, người ta treo Ha-man lên giá treo cổ mà Ha-man đã dựng cho Mạc-đô-chê. (Ê-xơ-tê 5:15; 7:9-10). Đúng là người công chính tai qua nạn khỏi, đứa ác ôn hứng trọn hết rồi. (Châm Ngôn 11:8)
Vua Si-ru người bách chiến bách thắng dấy lên từ phương đông (Ê-sai 41:2), người chăn của Đức Chúa Trời, người thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời (Ê-sai 44:28), người được xức dầu (Ê-sai 45:1). Đức Chúa Trời dùng vua Si-ru giải cứu dân I-sơ-ra-ên khỏi Ba-by-lôn. Ngài ban thưởng cho vua Si-ru Ai-cập, Ê-thi-ô-bi và Sê-ba là quận lớn tiếp giáp với Ê-thi-ô-bi. Các nước này không chỉ là tặng phẩm mà còn là giá chuộc I-sơ-ra-ên.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em không biết Hội thánh sẽ xét xử thế gian sao? (I Cô-rinh-tô 6:2a) Chúng ta sống công chính, ngay thẳng, không cần ghen tị với người gian ác. Đừng thèm thuồng vinh quang của kẻ dối gạt, cũng đừng sợ hãi khi bị những kẻ gian ác thù ghét. Vì tương lai của kẻ ác và kẻ dối gạt chẳng khác gì tương lai của Ai-cập, Ê-thi-ô-bi và Sê-ba. Đức Chúa Trời phán: “Ta ban Ai-cập làm giá chuộc con, dùng Ê-thi-ô-bi và Sê-ba thế mạng con.” (Ê-sai 43:3)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)




Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Ngày 16 tháng 3. TÚNG THIẾU VÌ VUI CHƠI VÀ LẠC THÚ

21 17  Ai ham sự vui chơi ắt sẽ nghèo khó;
                Còn ai ưa rượu với dầu sẽ chẳng hề làm giàu.

          17 Vui chơi làm cho con nghèo khó,
                Rượu chè xa xỉ không đưa đến giàu có.
                (Bản Hiện Đại)

Chàng Vui Chơi và nàng Lạc Thú luôn luôn hứa hẹn sẽ tạo mãn nguyện và thoả lòng, thế nhưng sự thật ra sao?
Vui chơi, giải trí là cần thiết cho con người, tuy nhiên câu Châm Ngôn này chỉ về người “ham sự vui chơi”, tức là người xem vui chơi là ưu tiên số một. Bình thường là làm việc, học hành rồi mới vui chơi, còn chỉ “ham sự vui chơi” thì chắc chắn sẽ nghèo khó. Người tiêu hao nhiều thì giờ để vui chơi sẽ không dành thì giờ học tập nên tri thức nghèo nàn, không lo làm việc nên thiếu thốn. Vì ham vui chơi nên chuồng không bò, máng cỏ vắng tanh. (Châm Ngôn 14:4a) Không làm việc cày cấy làm sao có hoa lợi? Cũng vì ham vui chơi mà nhiều người thả trôi công việc (Châm Ngôn 18:9). Như vậy làm sao có thành quả? Ham vui chơi khiến con người trở nên biếng nhác, lười làm việc, bỏ bê, trì hoãn hoặc bỏ nửa chừng, không trung tín trong công tác.
Trong lãnh vực thuộc linh cũng vậy, nhiều người Cơ Đốc và cộng đồng Cơ Đốc chỉ “ham sự vui chơi”. Họ dành nhiều thời gian cho những cuộc vui trong lễ hội hoành tráng nhưng lại bỏ qua thì giờ quan trọng học lời Chúa, rèn luyện tâm linh. Không có những hoạt động thuộc linh nên đời sống tâm linh nghèo nàn, thiếu thốn. Đời thuộc linh của họ chẳng khác gì người vợ ham vui và đi ngoại tình. Anh em giống như người vợ ngoại tình, yêu kẻ thù của chồng. (Gia-cơ 4:4)  
Câu Châm Ngôn này cũng đề cập đến người “ưa rượu với dầu” để ám chỉ người tiêu xài hoang phí, tiệc tùng liên miên. Không làm việc thì “miệng ăn núi lở”, còn làm việc mà tiêu xài hoang phí thì chẳng bao giờ giàu có. Một trong những bí quyết để trở nên giàu về vật chất là hạn chế chi tiêu. Chưa giàu mà đòi ăn sung mặc sướng, “ăn sang như người Việt”, thích xài hàng hiệu thì chỉ là giàu giả mà nghèo thật mà thôi.  
“Ưa rượu với dầu” cũng là hình ảnh của người sống theo xác thịt. Giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri xưa kia phạm tội. Họ cố loại bỏ ý nghĩ về ngày hình phạt. Chúa phán với họ: “Các ngươi nhậu nhẹt rượu ngon, xức những thứ dầu thơm quý giá! Nhưng các ngươi không biết đau xót buồn rầu vì hoạ diệt vong của dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, các ngươi sẽ là những người đầu tiên bị lưu đày và các cuộc ăn chơi chè chén sẽ thình lình chấm dứt.” (A-mốt 6:6-7) 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)