Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ngày 30 tháng 6. ĐỪNG PHÍ PHẠM THỜI GIAN


24
33
Ngủ một chút, chợp mắt một chút,
Khoanh tay ngủ một chút, 

34
Thì sự nghèo của con sẽ đến 
như một kẻ đi rạo,
Và sự thiếu thốn của con áp tới
như một kẻ cầm binh khí.


33
‘Ngủ một tí, mơ màng thêm một tí,
Khoanh tay đứng nghỉ tí nữa thôi…’

34
Như kẻ trộm, cảnh nghèo đã đến rồi,
Bạo tàn, đột ngột như phường cướp tấn công.



(Bản Hiện Đại)

Ngay từ đầu, người biếng nhác từng bị chất vấn về lối sống của mình: “Kẻ lười kia nằm ngủ mãi sao? Đến bao giờ mới thức giấc? Người biếng nhác trả lời: “Ngủ một chút thôi, lát nữa hẵng dậy!” Thế rồi cứ khoanh tay nằm tiếp. (Châm Ngôn 6:9-10) Lập tức có lời cảnh báo: “Cảnh nghèo khổ sẽ dần dần tới. Cảnh thiếu thốn sẽ sấn đến.” (Châm Ngôn 6:11)
Sau khi “tham quan” “ruộng” của người biếng nhác, sau khi quan sát “thành quả” trong “ruộng” của người biếng nhác, người khôn ngoan rút ra bài học mở đầu bằng câu nói và cũng là lối sống của người biếng nhác: “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay ngủ một chút.” (Châm Ngôn 24:33) 
Tưởng “ngủ một chút”, tức là chỉ vài phút, thật ra không phải vậy. Đó chỉ là câu nói của người “ăn no lại nằm” mà thôi. Vì biếng nhác mà người ta mê ngủ. (Châm Ngôn 19:15) Vì vậy người biếng nhác bị xếp chung với kẻ ngu muội. Kẻ biếng nhác chẳng khôn ngoan cũng chẳng giỏi giang gì, mà chỉ là kẻ ngu muội.  
Mê ngủ con sẽ trở nên nghèo khó. Mở mắt con sẽ được no nê (Châm Ngôn 20:13) là chuyện đương nhiên. Thời gian người biếng nhác phí phạm trong giường ngủ trở thành thời gian cho nghèo đói và thiếu thốn tấn công khiến cho người biếng nhác không tài nào tránh khỏi. Nghèo đói tấn công một cách bất ngờ như trộm cướp, kẻ mê ngủ làm sao chuẩn bị. Nghèo đói tấn công một cách tàn bạo như thể kẻ cầm binh khí áp tới, người bị tấn công chẳng có vũ khí gì thì làm sao chống đỡ.   
Người biếng nhác thuộc linh cần ý thức rằng đã đến lúc anh em phải tỉnh thức (Rô-ma 13:11). Anh em là con của ánh sáng, của ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm, về bóng tối. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như kẻ khác, nhưng phải thức canh và tỉnh táo. (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:5-6)  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Ngày 29 tháng 6. HỌC KHÔN KHÔNG TỐN TIỀN


24
32
Ta nhìn xem, bèn để ý vào đó;
Ta thấy và nhận được sự dạy dỗ.


32
Quan sát cảnh ấy, ta học rằng:


(Bản Hiện Đại)

Bạn có thể học được nhiều điều khi quan sát thành quả đời sống và công việc của người khác. Đây là cách học khôn ngoan với “chi phí” thấp nhất. Phương pháp học rất đơn giản: “nhìn xem”, “để ý”, “thấy” và “nhận được sự dạy dỗ”.
Vua Sa-lô-môn, bậc thầy về sự khôn ngoan tâm sự rằng: “Người Truyền đạo này làm vua I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, hết lòng tìm kiếm ý nghĩa những sự việc trên đời” (Truyền Đạo 1:13). Ông “nghiệm lại những việc mình làm” để “thấy”. “Tôi lại nghiên cứu về khôn ngoan và rồ dại…” để “thấy”. (Truyền Đạo 2:11-12) Nhiều lần người Truyền đạo lặp lại: “Tôi quan sát”, “tôi lại thấy”, “tôi chứng kiến” (Truyền Đạo 4:1, 4, 7). Tôi lại chú tâm nghiền ngẫm và tìm thấy điều này… (Truyền Đạo 9:1). Tôi quan sát… thấy. Tôi nghiệm ra rằng… (Truyền Đạo 9:11, 16)  Nhờ quan sát cuộc sống và con người chung quanh nhà Truyền đạo thâu thái được nhiều bài học.
Vua Đa-vít khuyên các con của mình: “Con hãy nhìn người thiện hảo, ngay lành. Cuộc đời họ kết thúc trong bình an.” (Thi Thiên 37:37) Khi chịu quan sát cuộc đời của người khác chúng ta sẽ góp nhặt được nhiều bài học cho mình.
Sách Châm Ngôn nhắc nhở người khôn ngoan quan sát từ thiên nhiên cho đến con người: những loài vật nhỏ bé (kiến, thỏ, châu chấu, thằn lằn) nhưng khôn ngoan (Châm Ngôn 30:24-28), những người thành công (Người cần mẫn làm việc sẽ đứng trước các vua – Châm Ngôn 22:29) và cả những người thất bại (Người công chính quan sát nhà kẻ ác. Tìm hiểu nguyên nhân chúng phải tan tác – Châm Ngôn 21:12) 
Người biếng nhác được khích lệ: “Này kẻ lười biếng, hãy quan sát sinh hoạt loài kiến để rút tỉa bài học khôn ngoan” (Châm Ngôn 6:6). Trong khi người khôn ngoan biết nghe lời khuyên răn chỉ giáo để được khôn ngoan suốt cả cuộc đời (Châm Ngôn 19:20) thì kẻ biếng nhác chẳng bao giờ chịu đến với loài kiến để quan sát và học bài khôn ngoan.
Quan sát “ruộng” của người biếng nhác, “vườn nho” của kẻ ngu muội, tức là nhìn vào cuộc sống của người thất bại để học khôn. 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Ngày 28 tháng 6. LẼ RA PHẢI TẬN DIỆT


24
30
Ta có đi ngang qua gần ruộng 
kẻ biếng nhác,
Và gần vườn nho của kẻ ngu muội.

31
Thấy cây tật lê mọc khắp cùng,
Gai góc che khuất mặt đất,
 Và tường đá của nó đã phá hư rồi.


30
Ta có qua ruộng một kẻ kém siêng năng,

31
Cỏ mọc um tùm, gai phủ dăng, 
Rào dậu điêu tàn nghiêng ngửa đổ.



(Bản Hiện Đại) 
Nhiều lần sách Châm Ngôn bàn về kẻ biếng nhác và kẻ ngu muội. Trước hết, Châm Ngôn 24:39-31 đưa chúng ta đi thăm “ruộng kẻ biếng nhác” và “vườn nho của kẻ ngu muội”. 
“Ruộng”, “vườn” là tài sản quan trọng nhất của nông dân. Tấc đất tấc vàng cho nên có lời khuyên: “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang”. Nhờ canh tác nơi đám “ruộng”, nhờ trồng trọt nơi mảnh “vườn” mà người nông dân có cuộc sống ấm no. 
“Ruộng”, “vườn” trong sách Châm Ngôn ngụ ý về cuộc sống  của một con người, con sẽ như vườn năng tưới” (Ê-sai 58:11) hoặc của một cộng đồng. Chúa Giê-xu dùng Ẩn dụ Người Gieo giống trong những đám ruộng khác nhau (Ma-thi-ơ 13:3-9) ám chỉ nội tâm của con người đối với Lời của Chúa. Trong Ẩn dụ Các Tá điền (Ma-thi-ơ 21:33-41), vườn nho là cộng đồng dân của Chúa.
Ta thấy gì trong “ruộng kẻ biếng nhác”, thấy gì trong “vườn nho của kẻ ngu muội”? Không thấy cây lúa trong ruộng kẻ biếng nhác, cũng chẳng thấy cây nho trong vườn kẻ ngu nguội. Thay vào đó cây tật lê mọc khắp cùng, gai góc che khuất mặt đất. Những cây không cần gieo, chẳng cần trồng mọc tự do trong ruộng kẻ biếng nhác, trong vườn của kẻ ngu muội. Rõ ràng là người lười biếng chê lạnh không cày. (Châm Ngôn 20:4a)
Đây là hình ảnh lối sống không có kết quả. Thay vì cuốc cỏ, nhổ gai, gom lại và đốt đi thì lại để chúng mọc tràn lan trong ruộng trong vườn. Những điều lẽ ra phải tận diệt trong đời sống như thói quen xấu, tội lỗi… lại trở thành sản phẩm chính của người biếng nhác và kẻ ngu muội.
Tường đá bị phá hư. “Tường” để bảo vệ bị phá hư, vườn nho không còn an toàn nữa thế mà người biếng nhác vẫn chẳng chịu động tay chân. Người biếng nhác và kẻ ngu muội chẳng quan tâm đến sự an nguy sống còn của mình. Họ trở thành những người vô tâm, vô cảm, chẳng còn biết quý trọng “ruộng”, “vườn” của mình nữa. 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Ngày 27 tháng 6. ĐỪNG LẤN PHẦN VIỆC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI


24
29
Chớ nên nói: Tôi sẽ làm cho hắn
như hắn đã làm cho tôi
Tôi sẽ báo người tuỳ công việc của người.


29
Chớ nói: “Tôi trả lại điều nó làm cho tôi,
Tôi chỉ tốt với người tốt tôi thôi.”



(Bản Hiện Đại)
Người nói: “Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi…” là người sống theo cơn giận và thiếu tình yêu thương. Sống như vậy là tạo thêm xung đột và thêm hận thù. Kẻ nhạy giận thường gây xung đột, người ôn hoà dàn xếp đôi bên. (Châm Ngôn 15:18) Cần kìm hãm cơn giận và cần có lòng khoan dung. Người khôn ngoan kìm hãm cơn giận dữ. Kẻ khoan dung thường được tiếng ngợi khen. (Châm Ngôn 19:11)
Người nói: “Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi…” là người chủ trương sống theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”. Người đó cần biết rằng trong một xã hội áp dụng luật: Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân… (Xuất Ai Cập Ký 21:23-24) cũng áp dụng một luật khác gọi là luật yêu thương: Đừng trả thù, đừng mang oán hận, nhưng hãy yêu người khác như chính mình. (Lê Vi Ký 19:18) Chúa Giê-xu dạy: “Đừng kháng cự kẻ dữ; ai tát anh em má phải, hãy đưa luôn má bên kia cho họ! Ai bắt anh em đi một dặm, hãy đi với họ hai dặm. Ai xin, anh em hãy cho, ai muốn mượn, anh em đừng từ chối.” (Ma-thi-ơ 5:39-42)
Người nói: “Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi…” là người quên rằng Đức Chúa Trời là Đấng báo ứng, thưởng phạt công minh. (Thi Thiên 94:1) Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Anh em yêu dấu, đừng báo thù nhưng nhường cho cơn giận của Đức Chúa Trời, vì Thánh Kinh đã ghi: “Chúa dạy: Báo ứng là việc của ta, ta sẽ thưởng phạt.” (Rô-ma 12:19)
Người nói: “Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi…” là người kiêu căng. Đây là người thiếu tinh thần khiêm nhường chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đáng lẽ phải chiến đấu chống lại Sa-tan thì người đó lại quyết chiến chống con người. Sứ đồ Phi-e-rơ từng sai lầm khi rút gươm chém ông Mạnh-chu là người đầy tớ của thầy thượng tế (Giăng 18:10). Về sau, ông khuyên chúng ta: Hãy hạ mình xuống dưới bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời… hãy trao mọi lo âu cho Chúa, vì Ngài luôn chăm sóc anh em. (I Phi-e-rơ 5:6-7)  
Đừng vội nói: Thù tôi tôi trả,
Nhưng hãy chờ Chúa giải cứu cho.
(Châm Ngôn 20:22)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Ngày 26 tháng 6. VÔ TÌNH VÔ CỚ LÀM CHỨNG GÂY TAI HẠI


24
28
Chớ làm chứng vô cớ 
nghịch kẻ lân cận mình;
Con há muốn lấy môi miệng mình 
mà phỉnh gạt sao?


28
Đừng vô cớ làm chứng hại láng giềng,
Môi miệng con đừng thốt ra lời dối trá.



(Bản Hiện Đại)

Yêu thương người khác như chính mình thì một trong những việc không làm là: Đừng vô cớ cáo tội ai, khi người ấy không gây cho con thiệt hại. (Châm Ngôn 3:30) Làm chứng hại láng giềng chẳng những vi phạm luật yêu thương mà còn vi phạm điều răn thứ chín: Không được làm chứng dối. (Xuất Ai-cập Ký 20:16)
Người lân cận của bạn là những người bạn gặp mỗi ngày trong khu phố, những người cùng chung một trường hoặc một văn phòng; những người bạn gặp hằng tuần tại nhà thờ… Đó là những người có những điểm khác biệt với bạn, thậm chí có thể bạn không ưa họ. Nói cách khác người lân cận của bạn bao gồm tất cả những người bạn gặp trong cuộc sống trong mối liên hệ thân hoặc sơ, có những người bạn chưa bao giờ trò chuyện.
Dù chẳng bao giờ phải ra toà để làm chứng, có thể bạn vẫn làm chứng vô cớ nghịch kẻ lân cận mình khi nội dung câu nói của bạn không đúng, không sát sự thật, hoặc lưỡng ý khiến người nghe hiểu sai vấn đề. Người khôn ngoan không vì cớ lời nói mà biến mình trở thành kẻ tà vạy gieo mầm xung đột, người rỉ tai chia rẽ bạn thân.  (Châm Ngôn 16:28)   
Lời Chúa dạy: Không được ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác; cũng không được cáo gian làm nguy hại đến người khác. (Lê-vi Ký 19:16) Tuy nhiên vẫn có những người quen thói ở không, đi hết nhà này sang nhà khác, lại còn ngôi lê đôi mách, xen vào việc người khác, nói những lời không đáng nói. (I Ti-mô-thê 5:13) Người mách lẻo cũng dễ trở thành người làm chứng vô cớ nghịch kẻ lân cận. Đứa mách lẻo rêu rao điều kín đáo. Người tín trung bảo mật chuyện riêng tư. (Châm Ngôn 11:13; 20:19) Người nói hành, nói vu cũng là người làm chứng vô cớ nghịch kẻ lân cận.
Sứ đồ Phao-lô e ngại cho tín hữu tại Hội thánh Cô-rinh-tô là nơi có nhiều ân tứ cũng sẽ trở thành nơi có nhiều người làm chứng vô cớ nghịch anh em của mình. Ông nhận xét rằng: Tôi ngại sẽ thấy anh em cãi cọ, ghen ghét, giận dữ, tranh giành, nói hành, nói vu, kiêu căng và hỗn loạn. (II Cô-rinh-tô 12:20b)
Vua Đa-vít hỏi: Ai được ở trong Đền Thờ? Ai được sống trên núi thánh?... Đây là một trong những câu trả lời: Người không hại bạn, không vu oan, không gây gổ hàng xóm láng giềng. (Thi Thiên 15:1, 3)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Ngày 25 tháng 6. SỐNG AN TOÀN VỚI KẾ HOẠCH CHUẨN


24
27
Hãy sửa sang công việc ở ngoài 
của con,
Và sắm sẵn tại trong ruộng con;
Rồi sau hãy cất nhà của con.


27
Lo làm ăn trong ngoài chu tất,
Rồi hãy tính đến việc cất nhà.



(Bản Hiện Đại)

Lời cha khuyên con sống và làm việc theo tiến trình sau đây: Trước hết, hãy sửa sang công việc ở ngoài của con và sắm sẵn tại trong ruộng con. Sau đó, hãy xây dựng nhà của con. Sở dĩ có lời khuyên này vì nhiều thanh niên lo xây dựng nhà trong khi chưa “sửa sang” và “sắm sẵn”.
Để xây dựng ngôi nhà, trước hết phải lo dọn sạch cây cối, lo canh tác đất đai, tức là phải chuẩn bị sẵn thông qua việc sản xuất. Đây là kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sống hiện tại trước khi tính đến việc xây dựng nhà trong tương lai. Người khôn ngoan đương nhiên sống theo tiến trình này, còn người đảo lộn tiến trình sẽ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống ngay khi xây dựng nhà.
Xã hội hiện đại, xã hội tiêu thụ khiến nhiều người mất kiên nhẫn. Họ muốn xây dựng ngôi nhà trước khi chuẩn bị đủ điều kiện để có nhà; muốn hưởng tiện nghi vật chất trong khi chuồng không bò, máng cỏ vắng tanh (Châm Ngôn 14:4), chẳng thấy bò cày trong ruộng sẽ vướng phải nợ nần. Lòng ham muốn vật chất và không tiết chế khiến con người trở thành người mua sắm bừa bãi, hưởng thụ xả láng rồi phải nai lưng ra làm việc để trả nợ. Người sống theo kế hoạch, có chuẩn bị, có tính toán trước sẽ sống an toàn hơn. Chúa Giê-xu dạy: “Có ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước hết lại chẳng ngồi xuống tính toán chi phí xem có khả năng hoàn thành hay không?” (Ma-thi-ơ 14:28)  
Thứ tự để xây nhà cũng là thứ tự trong việc xây dựng hôn nhân và gia đình. Lo dọn sạch cây cối, lo canh tác đất đai trước khi xây nhà ngụ ý phải chuẩn bị cho cuộc sống, ổn định công việc làm ăn trước khi lập gia đình. Nhiều người chỉ biết sống theo cảm xúc, không chuẩn bị, không có kế hoạch, cứ lao vào tình yêu và hôn nhân. Như vậy làm sao xưng là có trách nhiệm trong hôn nhân được.
Nhà cửa xây trên nền khôn ngoan (Châm Ngôn 24:3), hiện tại phải trù liệu chu đáo thì tương lai mới no nê thịnh vượng. Còn nếu bất cẩn vội vàng, thì nghèo đói đương nhiên là chuyện sẽ đến. (Châm Ngôn 21:5)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Ngày 24 tháng 6. AI CÓ LỜI NÓI CHÁNH ĐÁNG?


24
26
Ai đáp lời chánh đáng,
Tất như hôn nơi môi miệng vậy.


26
Lời nói thẳng xuất phát từ tình thương.
 


(Bản Hiện Đại)

Người nói lời chánh đáng là người công chính, kính sợ Đức Chúa Trời. Người nói lời chánh đáng trung thực, chân thành (Châm Ngôn 16:13) phát xuất từ lòng trong sạch, môi thanh nhã (Châm Ngôn 22:11), nói lời chính trung, không phải tà vạy gian dối, ngay thật cho người thông sáng, hợp lý với kẻ tri thức. (Châm Ngôn 8:8-9)
Người nói lời chánh đáng là người có tình yêu thương, nói lời chánh đáng nhằm nuôi dưỡng nhiều người, chữa lành thương tích, khiến lòng vui vẻ (Châm Ngôn 10:21; 15:4, 23). Chính vì thế mà lưỡi người công chính như bạc quý (Châm Ngôn 10:20).
Nhóm từ “như hôn nơi môi miệng” khiến ta liên tưởng đến chuyện hoàng tử Áp-sa-lôm đứng bên cửa thành nói những lời phỉnh nịnh dân chúng: “Nếu tôi làm thẩm phán, ai có vụ kiện thưa gì đến với tôi, tôi sẽ công minh xét xử cho người ấy?” Và, hễ có người nào cung kính vái chào Áp-sa-lôm, ông liền dang tay ôm lấy người ấy mà hôn. Hành động như thế, Áp-sa-lôm lấy lòng được nhiều người I-sơ-ra-ên. (II Sa-mu-ên 15:1-5)  Tuy nhiên lời nói và hành động của hoàng tử Áp-sa-lôm không phát xuất từ tình yêu thương mà phát xuất từ lòng ích kỷ, vụ lợi, phản nghịch của mình. Hành động và lời nói của Áp-sa-lôm chỉ nhằm mục đích lợi dụng người khác mà thôi.
Thật ra ý của câu Châm Ngôn không phải ví người nói lời chánh đáng như hôn người nghe mà là phản ứng của người nghe khiến cho người nói lời chánh đáng vui thoả tựa như nhận được nụ hôn. Pha-ra-ôn nói với ông Giô-sép: “Đức Chúa Trời đã dạy cho ngươi biết mọi việc này, còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn ngươi nữa. Ngươi sẽ lãnh đạo cả nước, toàn dân sẽ vâng theo mệnh lệnh ngươi. Chỉ một mình ta lớn hơn người mà thôi.” (Sáng Thế Ký 41:40) Khi Pha-ra-ôn nói: “Toàn dân sẽ vâng theo lệnh ngươi” ngụ ý toàn dân sẽ hôn (vâng lệnh) lời môi miệng ngươi nói.
“Hôn nơi môi miệng” bộc lộ tình yêu thương, sự kính trọng và sự tuân hành của người nghe đối với người nói ra lời chánh đáng. Đây là thái độ của người nghe đối với lời giải đáp thoả đáng về một thắc mắc, lời khuyên về một nan đề, sự phân xử hợp lý đối với một vụ tranh chấp…
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Ngày 23 tháng 6. AI CÓ THỂ QUỞ TRÁCH AI?


24
25
Còn người nào quở trách kẻ ác 
ắt sẽ được đẹp lòng.
Và sự phước lành sẽ giáng trên họ.


25
Ai phạt kẻ ác, được nổi danh, 
đầy phúc hạnh.



(Bản Hiện Đại) 

Thống đốc Phi-lát hỏi Chúa Giê-xu: “Chân lý là gì?” Rồi sau ba lần nói với dân chúng rằng: “Ta không thấy bị cáo phạm một tội nào cả!” (Giăng 18:38; 19:4, 6), ông vẫn giao Chúa Giê-xu cho người Do Thái đem đi đóng đinh. Mặc dù thống đốc Phi-lát lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng rồi tuyên bố: “Ta vô tội về máu của người này.” (Ma-thi-ơ 27:24) ông vẫn bị xem là người lãnh đạo không trung thực với công lý và chỉ biết chiều ý số đông.
Châm Ngôn 24:25 viết về người không thiên vị, không thoả hiệp với tội lỗi nhưng trung thực với chân lý. “Người quở trách” có thể là người anh em trong cộng đồng chớ không nhất thiết là người lãnh đạo. Đừng để tâm oán ghét anh em mình nhưng thẳng thắn trách họ khi họ lầm lỗi: đừng để cho mình phải mang tội vì họ có lỗi. (Lê Vi Ký 19:17) Chỉ có thể làm “người quở trách” khi có đời sống kính sợ Chúa: Đừng dự vào những việc không xứng đáng trong bóng tối, nhưng hãy phơi bày ra ánh sáng. (Ê-phê-sô 5:11)
“Người quở trách” là người lãnh đạo thuộc linh được kêu gọi: Hãy kêu to, đừng ngại! Hãy reo hò như tiếng loa, tố cáo tội lỗi của dân ta. (Ê-sai 58:1) Ông Giăng Báp-tít lên án những người nhận báp-tem là nòi rắn độc và cảnh báo họ rằng lưỡi rìu đã đặt kề gốc cây! (Lu-ca 3:7, 9) Ông thẳng thắn lên án cuộc hôn nhân của Hê-rốt và Hê-rô-đia là bất hợp pháp. (Lu-ca 3:19) Chỉ có thể làm “người quở trách” khi có lời của Chúa và cam đảm công bố lời Chúa cách trung thực.
Sứ đồ Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê và ông Tít: “Hãy công bố, hãy sửa trị, quở trách, khích lệ, dạy dỗ với tất cả lòng nhẫn nại.” (II Ti-mô-thê 4:2) “…dùng uy quyền khích lệ và quở trách” (Tít 2:15).  Ông cũng khuyên các tín hữu: “Xin anh em khiển trách người lười biếng, khuyến khích người nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối và nhẫn nại với mọi người.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Chỉ có thể làm “người quở trách” khi có tình yêu thương đối với anh em yếu đuối trong cộng đồng.
Cứ để các tiên tri giả thuật chuyện chiêm bao, nhưng ai có lời ta, hãy truyền giảng lời ta cách trung thực. Lúa mì với rơm rác làm sao trộn lẫn với nhau. (Giê-rê-mi 23:28) Phải tuyệt đối tôn trọng công lý, đó là bí quyết sinh tồn trong đất hứa. (Phục Truyền 16:20) Phúc lành trên đầu người công chính, còn mồm ác nhân đầy bạo tàn. (Châm Ngôn 10:6)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Ngày 22 tháng 6. KHÔNG THOẢ HIỆP VỚI TỘI LỖI


24
24
Kẻ nào nói với kẻ ác rằng: 
Ngươi là công chính, 
Sẽ bị dân tộc rủa sả, 
và các nước lấy làm gớm ghiếc mình.


24
Ai tuyên bố phạm nhân là vô tội
Bị mọi người nguyền rủa không thôi.



(Bản Hiện Đại)

Châm Ngôn 24:23 đề cập đến vấn đề thiên vị đối với con người. Còn Châm Ngôn 24:24 đề cập đến vấn đề thoả hiệp với tội lỗi.
Ngày nay, kẻ nào nói với kẻ ác rằng: “Ngươi là công chính”? Phải chăng đó là những quan toà, thay vì xét xử công minh, đem vui mừng cho người lành, gây khiếp sợ cho kẻ ác (Châm Ngôn 21:15), họ lại thiên vị không kết án kẻ giết người mà còn tuyên bố đương sự vô tội?
Phải chăng đó là những người cho rằng không nên phân biệt đối xử với những người đồng tính. Vì vậy, thay vì giúp đỡ những người này trở về với đời sống bình thường, họ lại cổ suý hôn nhân đồng tính và cho rằng như vậy không phải là tội lỗi?
Phải chăng đó là những người cổ vũ cho lối sống đàn bà bỏ cách luyến ái tự nhiên để theo lối phản tự nhiên. Đàn ông cũng bỏ liên hệ tự nhiên với đàn bà mà luyến ái lẫn nhau theo lối đồng tính luyến ái đáng ghê tởm (Rô-ma 1:26-27)?  
Phải chăng đó là những người cho rằng trong tình yêu và hôn nhân, trinh tiết, sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng? Thay vì giáo dục cảnh báo, ngăn chặn, họ khiến cho tội lỗi trong lãnh vực tình dục phát triển.
Phải chăng đó là những người biết chân lý nhưng lại cổ suý cho những giáo sư giả mạo, cho những nhà truyền giảng lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin không? Đó là những người mà tiên tri Giê-rê-mi vạch mặt: Các tiên tri ở Giê-ru-sa-lem còn tệ hại hơn (các tiên tri ở Sa-ma-ri); họ phạm tội tà dâm và thích lừa gạt, dối trá, khuyến khích những kẻ làm ác thay vì kêu gọi họ ăn năn.
Trong khi các tiên tri rao những sứ điệp giả dối. Các thầy tế lễ nhờ nước đục thả câu mà lạm quyền (Giê-rê-mi 5:31), tiên tri Giê-rê-mi không thoả hiệp, không sợ hãi, ông cứ nói sự thật dù bị các tiên tri giả tìm cách giết hại. (Giê-rê-mi 20:1-6) Người thiên vị, người thoả hiệp với tội lỗi và kẻ ác chẳng những không được tôn trọng mà còn bị mọi người nguyền rủa. Chính Đức Chúa Trời cũng lên án họ: Khốn thay cho bọn người tráo trở, đổi trắng thay đen, gọi việc thiện là ác, gọi việc ác là thiện, bảo đắng là ngọt, bảo ngọt là đắng. (Ê-sai 5:20)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Ngày 21 tháng 6. THIÊN VỊ BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?


24
23
Những ngôn ngữ này 
cũng do kẻ khôn ngoan mà đến
Trong việc xét đoán tư vị người,
ấy chẳng phải tốt lành.


23
Và đây là một số Châm Ngôn khác nữa:
 Khi xét xử, đừng thiên vị ai cả.



(Bản Hiện Đại)

Từ câu 23 đến câu 34 là lời nói thêm của người khôn ngoan. Trước hết là vấn đề thiên vị. Đức Chúa Trời là Đấng không hề thiên vị. Gia-vê Đức Chúa Trời của chúng ta chẳng trái phép công bình, chẳng thiên vị người, chẳng nhận của hối lộ. (II Sử Ký 19:7) Đức Chúa Trời cũng dạy tuyển dân I-sơ-ra-ên rằng: Không được bất công trong việc xét xử, không được phân biệt kẻ giàu người nghèo, nhưng phải phân xử công minh. (Lê-vi Ký 19:15)
Phân biệt giàu nghèo là nguyên nhân dẫn đến sự thiên vị. Sứ đồ Gia-cơ khiển trách tín hữu trong Hội thánh rằng: “Anh em tự nhận mình thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa vinh quang sao còn thiên vị giàu nghèo? (Gia-cơ 2:1)
Căn cứ vào bề ngoài dẫn đến nạn đối xử thiên vị. Nếu có một người ăn mặc sang trọng, đeo nhẫn vàng, cùng đi với một người nghèo, quần áo tồi tàn, bước vào nhà thờ, anh em chỉ lăng xăng chào đón người giàu, mời ngồi chỗ tốt, lại bảo người nghèo đứng hay ngồi dưới đất. Kỳ thị như thế là xét người theo thành kiến xấu xa. (Gia-cơ 2:2-4) Chúa Giê-xu dạy: “Đừng xét đoán bề ngoài, nhưng hãy xét đoán công minh.” (Giăng 7:24)
Thiên vị còn phát xuất từ sự sợ hãi, e ngại đối với những người có thân thế, địa vị,... Trong việc xét đoán, các ngươi chớ tư vị ai, hãy nghe người hèn như nghe người sang, đừng có sợ ai, vì sự xét đoán thuộc về Đức Gia-vê. (Phục Truyền 1:17) Chính vì sợ hãi, vì áp lực mà không dám thẳng tay với kẻ ác. Vị nể kẻ ác là điều chẳng phải. Khước từ công lý với người vô tội là đại bất công. (Châm Ngôn 18:5)
Vật chất tiền bạc cũng khiến con người, kể cả người khôn ngoan và người công chính trở nên thiên vị. Ngươi chớ làm dịch sự chánh, chớ thiên vị ai, cũng chẳng nên nhận hối lộ, vì kẻ hối lộ làm cho mù mắt kẻ khôn ngoan, và làm rối lời của người công chính. (Phục Truyền 16:19)
Cần sống theo nguyên tắc của Chúa để sống không thiên vị: Nguyên tắc Chúa điều hành vạn vật, thật công minh, chân thật muôn phần, con thù ghét mưu đồ giả nguỵ. (Thi Thiên 119:128)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ngày 20 tháng 6. HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

24
21
Hỡi con, hãy kính sợ Đức Gia-vê 
và tôn kính vua;
Chớ hội hiệp cùng kẻ phản nghịch;

22
Vì sự tai hoạ của chúng xảy đến 
thình lình;
Và ai biết sự phá hại của người này người kia?

21
Phải sợ Đức Chúa Trời, nể chính quyền
Đừng liên kết với những người chuyên phản loạn.

22
Vì hoạ tai sẽ đến bất ngờ,
Con đâu lường được hậu quả.               


(Bản Hiện Đại)
Tôn kính vua có nghĩa là tôn trọng sự tể trị của Đức Chúa Trời, tức là không tìm cách thay đổi định chế hoặc tìm cách lật đổ vua là người Ngài đã lập làm đại diện cho Ngài. Tuy nhiên nếu vua dạy không vâng lời Chúa, hoặc từ chối Ngài (như vua A-háp, vua Nê-bu-cát-nết-sa) thì người kính sợ Chúa sẽ vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời con người (Công Vụ 5:29) và chấp nhận hậu quả. Dù thế nào đi nữa, người khôn ngoan vẫn tôn trọng vua. Thí dụ, ông Đa-ni-ên đối với vua Bên-sát-sa ngay trong đêm vua mất ngôi nước và bị giết (Đa-ni-ên 5).
Người phản nghịch vua là người biến vua và Đức Chúa Trời thành kẻ thù của mình. “Người này người kia” tức là Đức Chúa Trời và vua sẽ giáng tai hoạ thình lình trên kẻ phản nghịch. (1)Ông Cô-rê, ông Đa-than, ông A-bi-ram, ông Ôn và 250 người hiệp lại chống nghịch ông Mô-se. Họ không chấp nhận ông Mô-se và ông A-rôn và hỏi: “Tại sao hai ông tự cho mình có quyền cai trị dân của Chúa?” (Dân Số Ký 16:3) Vụ nổi loạn này kéo theo hậu quả ra sao? (Dân Số Ký 16:31-35) (2)Hoàng tử Áp-sa-lôm phản nghịch vua Đa-vít. Kẻ phản nghịch Áp-sa-lôm và những người theo ông ta thất trận nên phải chạy trốn. Số người chết trong rừng sâu nhiều hơn số người bị gươm chém. Quân sĩ Đa-vít gặp Áp-sa-lôm đang cưỡi một con la. Con la đâm đầu chạy dưới những cành cây chằng chịt của một cây sồi thật lớn, tóc Áp-sa-lôm vướng vào cành, con la tiếp tục chạy và ông bị treo chơi vơi giữa trời đất. (II Sa-mu-ên 18:8-9) (3)Bỏ ngoài tai lời cảnh báo của tiên tri Giê-rê-mi, vua Sê-đê-kia đã nổi lên chống lại vua Nê-bu-cát-nết sa. Vua và dân chiến đấu bảo vệ Giê-ru-sa-lem từ tháng mười năm thứ chín đến tháng tư năm thứ mười một (đời Sê-đê-kia). Rốt cuộc vua phải bỏ thành chạy trốn nhưng vẫn bị bắt. Người Ba-by-lôn đem các con Sê-đê-kia ra giết ngay trước mặt vua, rồi móc mắt vua và xiềng vua lại, giải về Ba-by-lôn. (II Các Vua 25:1-7)                                   
Nhờ kính sợ Đức Chúa Trời mà biết tôn kính vua và biết tránh xa kẻ phản nghịch.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)