Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Ngày 31 tháng 7. KHI THUYẾT PHỤC THẤT BẠI


26
4
Chớ đáp với kẻ ngu si tuỳ sự ngu dại nó,
E con giống như nó chăng.


4
Đừng dùng lý luận ngớ ngẩn đáp kẻ khờ,
Kẻo con ngớ ngẩn thua chi nó.



(Bản Hiện Đại)

Châm Ngôn 26:4 là lời khuyên dành cho người khôn ngoan biết vì sao đừng đối đáp với kẻ ngu muội.  
Chớ đáp với kẻ ngu si vì chỉ tốn thì giờ vô ích. Kẻ ngu muội  chẳng bao giờ chịu lắng nghe cho nên đừng mang đàn gảy tai trâu. (Châm Ngôn 23:9a) Biện pháp cuối cùng dành cho kẻ ngu muội không phải là lời nói mà là roi.
Chớ đáp với kẻ ngu si vì kẻ ngu si không xứng đáng với lẽ thật. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh con chó và con heo để ám chỉ kẻ ngu dại về phương diện tâm linh. Một khi không tiếp nhận và quý trọng lẽ thật thì trao cho cũng vô ích mà thôi. Chúa Giê-xu dạy: “Đừng quăng cho chó vật thánh, đừng liệng ngọc trai của anh em cho heo, kẻo chúng giẫm đạp dưới chân rồi quay lại cắn xé anh em.” (Ma-thi-ơ 7:6)
Chớ đáp với kẻ ngu si vì khi tranh luận người khôn ngoan có thể sẽ trở nên giống như họ. Sứ đồ Phao-lô khuyên: Đừng để điều ác khắc phục mình (Rô-ma 12:21) Tranh cãi với kẻ ngu si rất dễ bộc lộ tinh thần của bản ngã thay vì bày tỏ sự khôn ngoan và công chính. Tranh cãi với kẻ ngu si rất dễ mất bình tĩnh, rất dễ hành xử thô lỗ như kẻ ngu si. Đối đáp với kẻ ngu si rất dễ có những lời lẽ thiếu khôn ngoan như họ. Vì vậy tốt nhất là đừng tranh luận với kẻ ngu si.
Sứ đồ khuyên ông Ti-mô-thê và ông Tít tránh xa những cuộc tranh luận dại dột, những tranh chấp thần học, những cãi vã về luật pháp Do Thái, vì những điều đó vô ích và tai hại. (II Ti-mô-thê 2:23; Tít 3:9)
Những người tự cho mình là khôn ngoan trong lãnh vực thuộc linh sẽ trở thành dại dột khi tham gia những cuộc tranh luận không ai chịu nghe ai. Nếu muốn được nghe dạy bảo, hãy lánh xa kẻ dại khờ (Châm Ngôn 14:7), như vậy chẳng cần phải tranh cãi với họ.   
Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Ê-li-a-kim, bộ trưởng ngoại giao Sép-na, và sử gia Giô-a, tướng Ráp-sa-kê của vua San-chê-ríp đã bỏ bàn hội nghị, hùng hổ đứng dậy, quát tháo ầm ỉ bằng tiếng Do Thái. Tuy nhiên dân Giu-đa đều im lặng, không ai đối đáp với Ráp-sa-kê một lời, đúng theo lệnh của vua Ê-xê-chia. (Ê-sai 36:3, 13, 21)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Ngày 30 tháng 7. BIỆN PHÁP CHÓT

26
3
Roi nẹt dùng cho ngựa, hàm thiết để cho lừa,
Còn roi vọt dành cho lưng kẻ ngu muội. 


3
Roi cho ngựa, cương cho lừa,
Đòn vọt cho lưng đứa ngu si.



(Bản Hiện Đại)

Châm Ngôn 26:2 bàn về điều không nên sợ, đó là lời nguyền rủa vô cớ. Còn Châm Ngôn 26:3 bàn về vấn đề cần phải sợ, đó là roi vọt. Roi vọt không dành cho người khôn ngoan, người dễ dạy bảo nhưng dành cho người ngu dại, bướng bỉnh chai lì.
Câu Châm Ngôn này sắp kẻ ngu muội chung với ngựa, lừa. Người ngu si chung với con vật. Thật là hổ thẹn cho người ngu muội. Vì sao câu Châm Ngôn này lại hạ thấp con người như thế?
Thế nào là kẻ ngu muội? (1)Nhiều người tưởng chỉ những người nghĩ rằng chẳng có Đức Chúa Trời mới là người ngu dại. (Thi Thiên 14:1) (2)Nhưng sách Châm Ngôn cho biết kẻ ngu dại là người khinh bỉ sự khôn ngoan. Vì vậy Châm Ngôn khuyên rằng: Đừng mang đàn gảy tai trâu, kẻ khờ đâu biết tìm cầu hiền nhân. (Châm Ngôn 23:9) (3)Người quay lại con đường tội lỗi, ngựa quen đường cũ cũng bị xem là ngu dại.
Câu Châm Ngôn đề cập đến biện pháp cứng rắn dành cho kẻ ngu muội. Đây không phải là phương pháp thứ nhất nhưng là phương pháp cuối cùng trong quá trình giáo dục. Đức Chúa Trời phán dạy: “Đừng dại dột cứng cổ như ngựa, như la, phải dùng hàm thiếc, dây cương mới chịu vâng phục.” (Thi Thiên 32:9) Chỉ áp dụng biện pháp “hàm thiếc, dây cương” đối với một người đã dạy dỗ và hướng dẫn cách ôn hoà: “Ta sẽ dạy dỗ con, chỉ cho con đường lối phải theo.” (Thi Thiên 32:8) 
Sự ngang bướng, không vâng lời, không thuận phục hạ thấp con người như con vật. Đối với con ngựa chỉ cần tra hàm thiếc vào miệng ngựa, ta có thể sai khiến con ngựa to lớn tuân theo ý mình. (Gia-cơ 3:3) Đối với người ngu dại cũng vậy, phải khuất phục bằng biện pháp cứng rắn sau khi tất cả những biện pháp nhẹ nhàng thất bại. 
Miệng kẻ ngu là cây roi quất vào lưng nó. (Châm Ngôn 14:3a) Hình phạt để dành cho kẻ nhạo báng. Roi vọt sắm sẵn cho người khùng điên. (Châm Ngôn 19:29)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Ngày 29 tháng 7. BỊ RỦA SẢ - ĐÁNG SỢ HAY KHÔNG ĐÁNG SỢ?


26 2
Như chim sẻ bay đi đây đó, 
như con én liệng đi,
Lời rủa sả vô cớ cũng vậy, 
nó chẳng hề xảy đến.  


 2
Lời nguyền rủa vô cớ chẳng tới đâu,
Như chim sẻ bay đi, chim én liệng lại.



(Bản Hiện Đại) 

Trong các loài chim, chim sẻ và chim én gần với con người nhất dù con người không nuôi. Buổi sáng thức dậy đã nghe tiếng chim sẻ hót, buổi chiều chim én bay liệng khắp nơi. Thế nhưng có con chim sẻ nào đậu lên vai bạn chưa? Cả đàn én bay, có chim én nào đụng vào người bạn không? Chẳng bao giờ. Những lời rủa sả cũng giống như vậy, chẳng bao giờ xảy ra trong cuôc sống của người bị rủa sả vô cớ. 
Những lời nguyền rủa của ông Si-mê-a là vô cớ và chẳng bao giờ xảy đến. Khi vua Đa-vít đến Ba-hu-rim, có một người từ nơi này đi ra chưởi vua. Người này là Si-mê-i, con Ghê-ra, họ hàng với Sau-lơ… Người ấy luôn miệng chưởi rủa: “Quân sát nhân, phường đê tiện, đi nơi khác! Đức Chúa Trời báo oán cho gia đình Sau-lơ, máu họ đổ trên đầu ngươi. Ngươi cướp ngôi Sau-lơ, nhưng Đức Chúa Trời lấy ngôi lại đem cho Áp-sa-lôm, con ngươi. Bây giờ ngươi bị hoạn nạn vì ngươi là đứa sát nhân.” Khi tướng A-bi-sai đòi giết ông Si-mê-a thì vua Đa-vít nói: “Không việc gì đến ông. Nếu Chúa bảo người này nguyền rủa, ta là ai mà dám phản đối? Con ruột ta còn muốn giết ta huống hồ người Bên-gia-min này. Cứ để cho người ấy nguyền rủa, vì Chúa bảo người ấy làm. Biết đâu Chúa sẽ trông thấy nỗi khổ của ta, ban phước lành cho ta vì ta đã chịu những lời chưởi rủa này.” (II Sa-mu-ên 16:5-12)
Những lời rủa sả vô cớ, những lời trù ẻo của kẻ ác mồm độc miệng, phát xuất từ tranh chấp, thù hằn,… sẽ chẳng thành sự thật đối với người vô tội. Đặc biệt Đức Chúa Trời có thể biến lời nguyền rủa ra lời chúc phước, vì Chúa yêu thương. (Phục Truyền 23:5)
Điều chúng ta cần chú ý là Đức Chúa Trời rủa sả nhà kẻ ác. (Châm Ngôn 3:33a) Chẳng những nhà kẻ ác bị chính Đức Chúa Trời rủa sả mà một người, một gia đình, một dân tộc như dân I-sơ-ra-ên cũng có thể bị Đức Chúa Trời nguyền rủa (Lê Vi Ký 26:14-39). Dân I-sơ-ra-ên có thể chọn lựa giữa phước lành và nguyền rủa (Phục Truyền 11:26-29). Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 28 là những phước lành và những lời nguyền rủa.  Nếu tuân hành mọi giới luật của Đức Chúa Trời thì sẽ hưởng nhiều phước lành, còn nếu không vâng lời Đức Chúa Trời, không tuân giữ các mạng lệnh của Ngài thì phải hứng chịu những lời nguyền rủa.  Ai được Chúa ban phúc, sẽ thừa hưởng đất đai. Còn Ngài nguyền rủa ai, họ hẳn bị tiêu diệt. (Châm Ngôn 36:22)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)