Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

TUẦN 9/52. ĐẶC ÂN & TRÁCH NHIỆM. Ê-XƠ-TÊ


Đoạn Kinh Thánh mà chúng ta học đây ghi lại một diễn biến quan trọng trong thời kỳ dân Do Thái sống lưu đày tại đế quốc Ba-tư.

Sách Ê-xơ-tê  gồm 2 phần do một người chấp bút ghi lại trong thời hậu lưu đày.

-Phần 1 gồm 5 chương đầu: Tuyển dân của Chúa bị bức hại.

-Phần 2 gồm 5 chương sau: Tuyển dân của Chúa được bảo toàn.

Chủ đề chính của sách là Tuyển dân của Đức Chúa Trời

Từ ngữ chính là cụm từ ‘dân Giu Đa’ (51 lần)

Câu Kinh Thánh chính là câu ông Mạc-đô-chê nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê (4:14): “…Vì nếu con làm thinh trong lúc này đây, dân Giu Đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn con và nhà cha con đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc này mà con được vị hoàng hậu sao?”
Bài học chính: Cánh cửa cơ hội để bạn giúp đỡ dân của Đức Chúa Trời sẽ không rộng mở mãi mãi.   

Đúng là Đức Chúa Trời sẽ giải cứu dân của Ngài. Nhưng bạn có sẵn lòng dự phần vào chương trình của Ngài không? Có lẽ bạn hỏi, “Tôi mà có thể dự phần vào chương trình của Đức Chúa Trời sao?” Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đặc ân và trách nhiệm của nhân vật Ê-xơ-tê để tìm lời giải đáp cho chúng ta.

I. Đặc ân của cô Ê-xơ-tê

Đặc ân đầu tiên của cô Ê-xơ-tê là cô thuộc về một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn. Đức Chúa Trời chọn dân I-sơ-ra-ên để đem nguồn phước đến cho các dân tộc khác.

Không có một dân nào như dân I-sơ-ra-ên. Cũng không có bài học nào vinh quang lẫn cay đắng bằng bài học mà dân I-sơ-ra-ên đã nhận. Ngay ở thời điểm này, trong hoàn cảnh lưu đày của dân tộc mình, cô Ê-xơ-tê nhận thức nỗi niềm cay đắng của một dân tộc đánh mất đặc ân. Nhưng cô Ê-xơ-tê không đánh mất niềm tự hào được đứng trong hàng ngũ của một dân tộc được tuyển chọn.

Dù mất cha mẹ nhưng cô Ê-xơ-tê được nuôi dưỡng và được yêu thương (2:2). Đó là đặc ân. Dù sống xa quê hương trong cảnh lưu đày, mất cha mẹ sớm, nhưng cô Ê-xơ-tê được người anh họ là Mạc-đô-chê nhận làm con nuôi. (Chắc chắn tuổi của ông Mạc-đô-chê phải lớn hơn cô Ê-xơ-tê nhiều nên mới nhận làm con nuôi).

Dù sống trong cảnh lưu đày, nhưng ông Mạc-đô-chê trung thành với vua Ba-tư. Ông vẫn tiếp tục tin kính Chúa dù sống trong bối cảnh văn hoá Ba Tư. Ông có chức vụ tại kinh đô Su-sơ, nhưng ông không chịu thực hiện những việc có thể gây tổn hại đến đức tin của ông. Khi tể tướng Ha-man ra lệnh cho tất cả các quan chức trong hoàng cung phải cúi lạy mình để tỏ lòng tôn kính thì ông Mạc-đô-chê không tuân thủ lệnh này.

Ông Mạc-đô-chê quan tâm dưỡng dục cô Ê-xơ-tê khi cô còn nhỏ tuổi. Đến khi cô khôn lớn, ông vẫn tiếp tục lo cho cuộc sống của cô. Trong thời gian cô được tuyển vào cung vua, hằng ngày ông Mạc-đô-chê đến trước hoàng cung để nhận tin tức của con nuôi.

Cô Ê-xơ-tê được nuôi dưỡng trong một môi trường kính sợ Đức Chúa Trời, đó là đặc ân. Cô Ê-xơ-tê được nuôi dạy trong một môi trường tốt tức là trong một gia đình tin kính thờ phượng Đức Chúa Trời và tuân thủ các điều răn luật lệ của Ngài. Trong gia đình này cô được học Lời Chúa, tập tành tôn kính Đức Chúa Trời và tuân thủ các điều răn lẫn luật lệ của Ngài. Ông Mạc-đô-chê quan tâm tận tình dạy dỗ cô năm này qua năm khác nên cô có cơ hội học tập vâng lời cha nuôi từ khi còn nhỏ tuổi. Chương 2 câu 20b ghi: “Ê-xơ-tê làm theo điều Mạc-đô-chê dặn nàng, như khi nàng còn được bảo dưỡng nơi nhà người.” Câu này chứng tỏ từ thuở còn thơ, cô Ê-xơ-tê đã tập tành lắng nghe và vâng lời cha nuôi. Nhờ vậy, khi lớn khôn cô vẫn tiếp tục lắng nghe và vâng lời cha nuôi.

Cô Ê-xơ-tê là người có dung nhan đẹp đẽ, hình dung kiều diễm, đó là đặc ân. Chương 2 câu 7b viết: “Người thiếu nữ ấy (Ê-xơ-tê) tốt tươi hình dạng, đẹp đẽ dung nhan.” Trong chương 2 câu 9 dùng từ “con gái trẻ đẹp đó…” để nói về cô Ê-xơ-tê. Được Chúa ban cho một cơ thể khoẻ và đẹp cũng là một đặc ân. Chẳng những đẹp người mà cũng đẹp nết nữa: “Con gái trẻ đó đẹp lòng Hê-gai và được ơn trước mặt người…” (2:9)

Cô Ê-xơ-tê được lập làm hoàng hậu, đó là đặc ân. Cô Ê-xơ-tê được tuyển vào cung, phải trải qua 12 tháng chuẩn bị, làm đẹp. Nhưng vua có thể chỉ vời cô đến trong một đêm, rồi bỏ rơi cô, bỏ mặc cô trong kiếp sống của một cung nữ ở hậu cung. Nhưng bởi sự nhân từ của Chúa, cô Ê-xơ-tê thoát khỏi số phận đen tối đó: “Vua thương mến Ê-xơ-tê nhiều hơn các cung nữ khác, và nàng được ơn trước mặt vua hơn những nữ đồng trinh khác; vua đội mão triều lên đầu nàng, và lập nàng làm hoàng hậu thế cho Vả-thi.” (2:17)

Cô Ê-xơ-tê có cơ hội để giúp người khác, đó là đặc ân. Nhiều người muốn giúp người khác nhưng họ không thể giúp vì không có gì để giúp, không có khả năng để giúp, không có vị trí, vai trò để có thể giúp… Còn cô Ê-xơ-tê, từ một người không có vai trò gì, không ai cần đến cô (dường như cô cần đến người khác nhiều hơn), từ một người không thể giúp ai trở thành người có cơ hội rất lớn để có thể giúp người khác. Từ một người chỉ nhận, nay cô có thể cho; từ một người im lặng nghe người ta nói, nay cô có thể nói cho người ta nghe; từ một người không có thế lực, nay cô có thế lực rất mạnh. Nói chung, từ một người không có gì, nay dường như cô có tất cả mọi sự. Đó là đặc ân và cũng là cơ hội Đức Chúa Trời dành cho cô Ê-xơ-tê.

Còn bạn có đặc ân nào? Làm con của Chúa chẳng phải là đặc ân sao? Trong khi vô số người khác chưa nghe nói về Chúa hoặc còn xa lạ với Chúa thì bạn đã trở nên con cái của Ngài. Trong khi vô số người khác còn lầm lạc thì bạn đã nhận biết đường đi, chân lý và sự sống.

Bạn có Lời Chúa và được dạy dỗ tôn kính thờ phượng Ngài chẳng phải là đặc ân sao? Có Đức Thánh Linh ở cùng chẳng phải là đặc ân sao? Bạn được sinh hoạt trong hội thánh chẳng  phải là đặc ân sao?

Nhiều bạn không xem đây là đặc ân vì cho rằng mình ‘lỡ’ thuộc về một hội thánh không như ý. Họ cảm thấy mình bất hạnh chứ không thấy mình có đặc ân khi sinh hoạt trong một cộng đồng Cơ Đốc. Bạn nên nhớ cô Ê-xơ-tê dù thuộc về giống dân được tuyển chọn nhưng đang sống trong cảnh lưu đày. Có thể bạn cũng đang ở trong tình cảnh tương tự. Nhưng không nên vin vào lý do đó mà kết luận rằng bạn không có đặc ân.

Bạn ‘bị lưu đày’ từ hội thánh nhỏ qua hội thánh lớn, từ quê lên tỉnh, được vào đại học, được cha mẹ cung cấp tiền bạc, được hội thánh quan tâm chăm sóc, xã hội cũng quan tâm đến bạn. Bạn được trau giồi về tri thức, bồi dưỡng tâm linh và trang bị cho cuộc sống. Tất cả những điều đó chẳng phải là đặc ân sao?

Nét đẹp Cơ Đốc trong đời sống của chúng ta chẳng phải là đặc ân sao? Bạn chưa thực hiện một việc lớn lao nào, nhưng người đời đã thấy bạn đẹp rồi; nghe đến tên riêng của bạn, người ta nghĩ bạn là người đức hạnh, hăng hái, nồng nhiệt rồi. Vì sao? Vì danh hiệu của bạn là Cơ Đốc nhân; vì những bậc tiền bối trong đại gia đình của Đức Chúa Trời đã làm cho danh hiệu Cơ Đốc trở thành đẹp đẽ; vì bạn là tinh binh của Chúa Giê-xu. Ấn tượng tốt đẹp như vậy chẳng phải là đặc ân sao?

Bạn có khả năng, có phương tiện, có hoàn cảnh thuận lợi… Tất cả đều là đặc ân.

II. Trách nhiệm
1. Nhận trách nhiệm
- Nhận đặc ân dễ chịu hơn là nhận trách nhiệm. Có thể ví nhận đặc ân với việc đưa cái thúng, đưa cái bao ra để nhận phước  lành rồi hưởng thụ. Còn nhận trách nhiệm ví như phải gánh, phải bưng cái thúng, cái bao chứa đầy phước lành đến cho người khác hưởng. Chúa ban cho bạn đặc ân để bạn nhận rồi chu toàn trách nhiệm Chúa giao. Khi bạn hưởng đặc ân, bạn cũng nhận trách nhiệm. Khi chu toàn trách nhiệm bạn sẽ kinh nghiệm Chúa hơn, trưởng thành hơn trong đức tin.

- Đặc ân luôn luôn đi kèm với trách nhiệm. Hưởng đặc ân thì phải nhận, phải gánh trách nhiệm. Nếu bạn không chu toàn trách nhiệm từ những đặc ân mà Chúa đã ban cho thì chương trình của Chúa vẫn hoàn thành nhưng bản thân bạn sẽ mất cơ hội, mất phần thưởng và chịu nhiều hậu quả…

Hoàng hậu Ê-xơ-tê trả lời cho ông Mạc-đô-chê rằng bà không được phép đến gần ngai vua, và đã 30 ngày bà không được vua vời vào cung. Nếu tự ý đến ra mắt vua, hoàng hậu có thể bị xử tử trừ phi vua đưa cây phủ việt ra.

(1) Ông Mạc-đô-chê vẫn khuyến cáo hoàng hậu Ê-xơ-tê trong 4:13-14: “Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, con sẽ được thoát khỏi hơn mọi người Giu-đa khác.”

(2) Ông Mạc-đô-chê vẫn cho hoàng hậu biết việc bà phải thực hiện. Còn nếu bà không hành động thì dân Giu-đa vẫn được giải cứu bằng cách khác. “Vì nếu con làm thinh trong lúc này đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn con và nhà cha con đều sẽ bị hư mất.”

(3) Ông Mạc-đô-chê còn ngụ ý rằng Đức Chúa Trời có mục đích sử dụng bà khi cho bà làm hoàng hậu. Ông nói rằng: “Song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc này mà con được vị hoàng hậu sao?”

- Lòng biết ơn được bày tỏ khi người hưởng đặc ân nhận lấy trách nhiệm. Hoàng hậu Ê-xơ-tê nhận lấy trách nhiệm khi nào? Khi bà nhận biết chỗ đứng và cơ hội của mình. Khi bà biết vì sao bà trở thành một hoàng hậu. Nói cách khác bà nhận biết Chúa đưa bà vào vị trí hoàng hậu nhằm mục đích  gì.

Ngoài việc nhận đặc ân, bạn cần nhận biết ý muốn của Chúa đối với cuộc đời của bạn để không sống ích kỷ nhưng dám nhận trách nhiệm.



Con đường trách nhiệm không luôn luôn được rải hoa, trải thảm sẵn để bạn tiến bước cách dễ dàng. Khi bà Ê-xơ-tê nhận trách nhiệm trong tư cách hoàng hậu, con đường phía trước cũng rất đen tối: chẳng những có thể mất địa vị mà cũng khó bảo toàn tánh mạng. Nhưng khi nhận đặc ân rồi dám nhận trách nhiệm, thì dù tương lai có như thế nào, người tinh binh của Chúa Giê-xu vẫn muốn bày tỏ lòng biết ơn Chúa, vẫn tin mãnh liệt nơi sự dẫn dắt bảo toàn của Chúa. Vì vậy, đừng nghĩ rằng vì cớ cùng đường tuyệt lộ, vì đằng nào cũng chết mà hoàng hậu Ê-xơ-tê chọn cách chết dưới tay vua thay vì dưới tay ông Ha-man.
Nhận trách nhiệm rồi làm gì? –Chu toàn trách nhiệm. Bà Ê-xơ-tê chu toàn trách nhiệm như thế nào?

2. Chu toàn trách nhiệm
Hoàng hậu Ê-xơ-tê nhờ người nói với ông Mạc-đô-chê như sau: “Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi kiêng cử ăn trong ba ngày ba đêm, chớ ăn hoặc uống gì; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cử ăn nữa; như vậy tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp, nếu tôi phải chết thì tôi chết.” (4:16)

- Người nhận trách nhiệm là người không ‘làm thinh’. Nhưng người ấy hành động như thế nào? Hoàng hậu Ê-xơ-tê đưa ra một chương trình hành động có kế hoạch hẳn hoi. Cộng đoàn làm gì, bản thân làm gì; và làm như thế nào. Người muốn chu toàn trách nhiệm phải có kế hoạch để thực hiện trách nhiệm của mình. Trong kế hoạch đó bản thân giữ một phần việc, Chúa giữ một phần việc và cộng đoàn cũng giữ một phần việc.

- Bắt đầu là tương giao với Chúa. Hoàng hậu Ê-xơ-tê đưa vấn đề tương giao với Chúa lên hàng ưu tiên trong chương trình thực hiện trách nhiệm của mình.

Hoàng hậu Ê-xơ-tê không ‘làm thinh’ với Chúa. Rồi bà cũng  không ‘làm thinh’ với con người. Phải nói với Chúa trước khi nói với con người. Phải gặp Chúa trước khi đến gặp vua. Tương giao với Chúa là ưu tiên hàng đầu của người muốn chu toàn trách nhiệm.

Hoàng hậu Ê-xơ-tê yêu cầu mọi người Giu Đa tại Su-sơ nhóm hiệp lại, kiêng ăn cử uống trong ba ngày đêm. “Hãy vì tôi” mà kiêng ăn cầu nguyện với Chúa. Tất nhiên là họ kiêng ăn cầu nguyện cho dân tộc của họ, nhưng cũng kiêng ăn cầu nguyện cho chương trình hành động của hoàng hậu Ê-xơ-tê. Hoàng hậu cũng không loại trừ bản thân của mình khỏi vấn đề này. “Tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ kiêng cử ăn nữa.”

- Khi hoàng hậu Ê-xơ-tê yêu cầu như vậy cho thấy bà muốn thực hiện trách nhiệm trong mối tương giao với Chúa.

- Khi hoàng hậu Ê-xơ-tê yêu cầu như vậy, bà tin hai điều:

(1) tin Chúa đã ban đặc ân cho mình, tin Chúa đưa mình vào  vị trí hiện tại với vai trò hoàng hậu.

(2) tin nơi sự cầu nguyện. Tin nơi sự cầu thay. Bà tin rằng sự cầu thay của người khác sẽ giúp bà thành công khi bà thực  hiện trọng trách.

- Khi hoàng hậu Ê-xơ-tê yêu cầu những người Giu Đa kiêng ăn cầu nguyện, bản thân hoàng hậu cũng kiêng ăn cầu nguyện, các nàng hầu của hoàng hậu cũng kiêng ăn cầu nguyện. Đây là hình ảnh một người đưa mối tương giao với Chúa lên hàng đầu, muốn có mối liên kết giữa mình với các Cơ Đốc nhân khác, đồng tâm hiệp ý tin cậy Chúa. Người thực hiện trách nhiệm không ‘làm thinh' với Chúa, cũng không ‘làm thinh’ với anh chị em của mình. Người đó không bị Đức Chúa Trời bỏ mặc và cũng không bị tách biệt khỏi các Cơ Đốc nhân khác

Cần nhớ chúng ta là chi thể trong một thân. Không ai có thể sống cuộc đời Cơ Đốc cô đơn, tách biệt, vò võ một mình với trách nhiệm Chúa giao. Chúa có thể dùng người khác hỗ trợ chúng ta, giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm. Vấn đề là chúng ta có chịu liên kết với anh em của mình không.

Có ai đang cầu nguyện cho bạn không? Người đó cầu nguyện cho bạn để bạn thực hiện một trách nhiệm hoặc để  bạn đạt được lợi ích cho riêng bạn?

- Câu 16c viết lời của hoàng hậu: “Như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp.” Sau khi đã tương giao với Chúa, đã liên kết với những người cùng đức tin; thì phải nghĩ đến việc dấn thân hành động. Nhiều người có chương trình, có tương giao, có chia sẻ… nhưng vẫn án binh bất động; một số người khác than thở vì sao đã có chương trình, đã cầu nguyện… nhưng khi hành động thì gặp chuyện này, chuyện kia…? Người hành động cũng cần lường trước những việc có thể xảy đến cho mình. Biết trước những điều có thể xảy đến không phải để nhụt chí thối lui, không phải để ngừng lại hoặc tránh né, nhưng để sẵn sàng trả giá cho việc dấn thân, hành động của mình.

- Trong câu 16c hoàng hậu Ê-xơ-tê nói: “Nếu tôi phải chết thì tôi chết.” Đây là câu nói của người lường trước điều có thể xảy ra cho mình, và cũng là câu nói của người sẵn sàng trả giá, kể cả mạng sống của mình miễn là chu toàn trách nhiệm. Ai cũng muốn đạt đến mục tiêu, hoàn thành trách nhiệm với giá thật rẻ. Chúng ta không muốn trả giá cao. Chúng ta muốn mua món hàng tốt với giá thật hời. Rồi khi không rẻ như ý muốn, chúng ta sẵn sàng bỏ món hàng đó để đi tìm món hàng khác. Cũng vậy, đôi khi thực hiện công tác mà phải trả giá cao, có thể chúng ta rút lui, bỏ ngang để làm việc khác.

Chúa Giê-xu là tấm gương về việc trả giá cao để chu toàn trách nhiệm của Ngài đối với Đức Chúa Cha. Giá Chúa Giê-xu phải trả là chính mạng sống của Ngài. Nhưng trước khi trả giá đó, Chúa Giê-xu phải chiến đấu rất nhiều giữa ý của Cha và ý riêng của con người. Không phải tự nhiên mà Ngài có thể nói: “Không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” (Ma-thi-ơ 26:39)

Bạn muốn trả giá bao nhiêu để chu toàn trách nhiệm? Nếu hỏi như vậy thì dễ quá phải không? Bạn đừng trả giá. Cái giá phải trả không do bản thân bạn quyết định mà do ý muốn của Đức Chúa Trời. Cho nên bạn phải nói Chúa muốn con phải trả giá như thế nào, vì đó là ý muốn của Chúa, theo giá Chúa định, chứ  không theo ý của con.

- Người sẵn sàng trả giá để chu toàn trách nhiệm là người quan tâm đến ý muốn Chúa thay vì an toàn hạnh phúc cá nhân của mình, là người coi trọng ý Chúa thay vì ý con người. Nếu bà Ê-xơ-tê coi trọng ngôi vị hoàng hậu của mình thay vì coi trọng ý Chúa; nếu ông Áp-ra-ham coi trọng đứa con nối dõi I-sác thay vì ý Chúa; nếu ông Nê-hê-mi coi trọng chức vụ làm quan của mình thay vì thành Giê-ru-sa-lem và dân của Chúa thì họ không thể nào chu toàn trách nhiệm được.

- Khi những con người đó vâng lời Chúa để chu toàn trách nhiệm thì họ sống trong tinh thần luôn luôn dâng tương lai của mình cho Chúa. Người nhận trách nhiệm và chu toàn trách nhiệm là người dám dâng tương lai cho Chúa, là người có thể hát bài Tôi Biết Đấng Nắm Giữ Tương Lai. Khi dấn thân để chu toàn trách nhiệm, dù phải trả giá rất cao, người dấn thân không biết ngày mai sẽ thế nào, nhưng không tuyệt vọng, không oán trách, không lo lắng vì biết Đấng nắm tương lai mình, và biết Ngài hằng dắt chăn.

Còn người nào cứ khư khư ôm lấy cái hiện tại đang có của mình, không sẵn sàng mất điều đang có vì muốn bảo đảm tương lai thì người đó là kẻ vô ơn, vô trách nhiệm, đánh mất cơ hội và mất luôn cả đặc ân Chúa cho mình.



- Người chu toàn trách nhiệm là người hành động cách khôn ngoan, có kế hoạch rõ ràng, có chuẩn bị cẩn thận. Hoàng hậu Ê-xơ-tê có đức tin, sẵn sàng trả giá, liều mạng ra mắt vua. Nhưng bà làm việc cách rất khôn ngoan, có kế hoạch rõ ràng (như đã đề cập), có chuẩn bị chu đáo.

Hoàng hậu không ra mắt vua trong trang phục kiêng ăn, với bộ dạng thiểu não của một người nhịn đói ba ngày ba đêm. Bà đến với vua trong triều phục. Bà buộc lòng phải hành động trái luật lệ của triều đình vì cớ vận mệnh của dân tộc, chứ  không cố ý coi thường lễ nghi phép tắc một cách dại dột.

Khi được ơn trước mặt vua, bà không tố cáo ông Ha-man trước mặt vua và triều đình. Hoàng hậu không muốn làm mất mặt vua, cũng không muốn giải quyết việc lớn ở chỗ đông người; vì họ không rõ đầu đuôi công việc và không có quyền hạn để giải quyết. Bà chỉ mời vua và ông Ha-man đến dự yến tiệc tại cung hoàng hậu. Đây là việc cá nhân giữa bà với ông Ha-man, giữa dân Giu Đa với ông Ha-man.

Hoàng hậu Ê-xơ-tê không hấp tấp cầu xin trước khi vua hỏi: “Hỡi hoàng hậu Ê-xơ-tê, nàng muốn chi?”
Trước tiên bà xin điều vua quan tâm chú trọng (ban mạng sống cho thiếp) rồi mới nói đến điều bà muốn vua quan tâm chú trọng (ban mạng sống cho dân tộc của thiếp)

Bà vạch rõ thủ phạm khi vua hỏi: “Kẻ dám rắp tâm làm chuyện đó là ai, và hắn ở đâu?”

Bà để cho vua kết án và quyết định số phận của kẻ thù.
Làm việc với kế hoạch, vận dụng sự khôn ngoan, có lẽ là chủ trương xa lạ đối với nhiều người Cơ Đốc. Chúng ta không có kế hoạch mà chỉ làm bừa. Lập luận của chúng ta là làm bởi đức tin, đến đâu hay đến đó. Chúng ta thường bị hoàn cảnh đưa đẩy thay vì chủ động trên hoàn cảnh. Muốn chu toàn trách nhiệm mà chỉ làm đại theo kiểu ‘thí mạng cùi’ thì khó có thể chu toàn trách nhiệm.

Rồi chúng ta hoặc quá khờ khạo hoặc quá láu cá khi muốn chu toàn trách nhiệm nên không hành động với sự khôn ngoan. Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Hai yếu tố này phải kết hợp với nhau. Nếu chúng ta chỉ khôn như rắn thì sẽ trở nên láu cá, gian ngoa, hiểm độc; còn nếu chúng ta chỉ đơn sơ như chim bồ câu thì trước sau gì cũng hóa ra ngốc ngếch, khờ khạo khiến chúng ta thực hiện công tác cách dang dở hoặc bỏ nhiều việc không thực hiện.

Hoàng hậu Ê-xơ-tê (1) nhận đặc ân,
                             (2) gánh trách nhiệm,
                       và (3) cũng chu toàn trách nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét